Trí tuệ tài chính - Phần 1

  1. Đầu tư & Tài chính

Có một điều mà ai cũng phải thừa nhận đó là không đầu tư, hay kinh doanh thì khó mà trở nên giàu có được. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất của con người đó là: Họ đều biết phải làm gì để đạt được mục tiêu nhưng họ không làm. Hầu hết ai cũng muốn giàu nhưng nếu bảo họ đầu tư thì họ không chịu, họ chọn giải pháp an toàn đó là tiết kiệm số tiền mình làm ra mỗi tháng, điều này không làm cho họ trở nên giàu có nhưng mang lại cho họ cảm giác an toàn. Bản thân tôi là một người rất mê tài chính, đầu tư, cũng đã đọc khá nhiều sách về lĩnh vực này, sau nhiều năm tôi tự đặt ra những nguyên tắc, những kinh nghiệm của riêng mình. Kiến thức thì vô hạn, những nguyên tắc của tôi có thể đúng, có thể sai, có thể phù hợp ở thời điểm này, với người này nhưng lại không phù hợp với người khác ở những thời điểm khác, tuy nhiên vẫn hy vọng rằng có thể giúp cho người đọc có được cái nhìn tốt hơn về tài chính, về đầu tư, và từ đó có thể thay đổi bản thân để trở nên giàu có hơn, đó là điều mà tôi thật sự mong muốn.

https://cdn.noron.vn/2022/08/17/photo-1554415707-6e8cfc93fe23-1660724857-1660724857.jpg

Đầu tiên chúng ta hãy nói một chút về nguyên tắc, bạn không thể đặt ra những thứ mà mình không hiểu rồi lại nhất nhất làm theo nó được, mình sẽ nói nhanh thôi nhưng chắc chắn là sẽ vô cùng dễ hiểu.

Nguyên tắc về cơ bản là sự lựa chọn có xác suất, ví dụ bạn có 10 lựa chọn cho một tình huống nào đó, sau rất nhiều lần lựa chọn những phương án khác nhau thì bạn nhận thấy rằng, lựa chọn thứ 2 luôn mang lại kết quả thành công với tỷ lệ cao hơn cả, và từ đó trở đi, trong những trường hợp tương tự, bạn sẽ luôn lựa chọn phương án thứ 2, nguyên tắc ra đời từ đó.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ bắt gặp nguyên tắc hay quy trình ở khắp mọi nơi. Trong nhiều trường hợp bạn sẽ thấy nó vô cùng cứng nhắc và khó hiểu, tuy nhiên đó là nhìn ở góc độ hẹp, nếu nhìn rộng hơn thì những nguyên tắc đó cũng chỉ là lựa chọn mang tính xác suất, nó mang lại tỷ lệ thành công cao hơn, trên diện rộng hơn và chúng ta chấp nhận thất bại trong một vào trường hợp nhỏ lẻ, như câu nói: Đôi khi bạn cần thua một trận chiến để thắng cả một cuộc chiến. 

Từ đó có thể thấy nguyên tắc không phải cứng nhắc hay không thể thay đổi, tuy nhiên khi xét trên diện rộng và dài hạn thì những nguyên tắc là điều cần thiết, là điều mà chúng ta nên tuân thủ. Chỉ thay đổi khi thực sự cần thiết, và nên có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thay đổi một cách từ từ chứ không phải là thay đổi ngay lập tức, nếu bạn là người không có niềm tin mạnh mẽ, không tuân thủ chặt chẽ theo nguyên tắc của mình thì tốt nhất không trở thành một nhà đầu tư, mà không chỉ có đầu tư, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải có những nguyên tắc phải tuân theo, đó là điều tạo nên thành công của một con người, tạo nên sự khác biệt của người đó so với phần còn lại của thế giới.

  • Ai cũng muốn giàu có nhưng không ai chịu học về tiền bạc:

Có một nghịch lý rất dễ nhìn thấy trong xã hội đó là hầu hết mọi người đều mong muốn có thật nhiều tiền nhưng có rất ít người chịu học về tiền bạc, về quản trị tài chính. Điều này chẳng khác nào một người tuy không biết lái xe nhưng cứ nằng nặc đòi làm tài xế vậy. Những vụ lừa đảo mà báo chí, hay tivi thường đưa tin những người bị lừa luôn có 2 đặc điểm nổi trội hơn cả đó là: Ngu dốt và Đầy lòng tham. Việc học về tài chính không đảm bảo sẽ giúp bạn trở nên giàu có nhưng ít nhất cũng sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm ngớ ngẩn về tiền bạc mà bạn mắc phải rất thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa bạn hãy nhìn qua danh sách những vị tỷ phú trên thế giới mà xem, có người nào có tài sản hàng tỷ đô lại chẳng biết gì về tài chính hay không, tôi tin là sẽ chẳng có ai như vậy. Nếu bạn muốn trở nên giàu có thì lời khuyên tốt nhất là hãy bắt đầu học về tài chính ngay từ ngày hôm nay, làm sao bạn có thể kiếm được tiền khi mà ngay cả khái niệm tiền là gì bạn cũng không biết, và khi bạn kiếm được thì phải làm thế nào để giữ được và quản trị được nó. Bạn biết thống kê về những người trúng sổ xố rồi đấy, phần lớn đều trở nên nghèo khó sau một vài năm, thậm chí là bất hạnh, họ có được rất nhiều tiền nhưng lại không biết cách giữ tiền, họ không biết cách quản lý số tiền rất lớn mà mình vừa nhận được như thế nào, cuối cùng họ bị đồng tiền huỷ hoại cuộc sống và mất đi rất nhiều thứ quý giá trong cuộc đời. Ngày nay, bạn có thể tiếp cận rất nhiều thứ vô cùng dễ dàng, và kiến thức về tài chính cũng vậy. Bạn có thể tham gia các khoá học, đọc tài liệu trên internet hoặc tự mình mua sách về đọc, hãy tìm ra cách nào đó phù hợp với bạn chứ không nên bắt chước theo người khác, riêng với cá nhân tôi thì mua sách về tự đọc là tốt hơn cả.

  • Cách tiết kiệm tốt nhất là kiếm tiền: 

Phần lớn mọi người đều chưa hiểu tiết kiệm thực sự là gì và đang tiết kiệm tiền theo cách vô cùng sai lầm.

Tôi sẽ lấy ví dụ thế này: Có hai người A và B. Người A thì mỗi tháng đều dành 2 triệu cho tiền ăn chơi mua sắm các thứ mình thích, không tiết kiệm gì hết. Người B thì cho rằng tiêu như vậy là quá lãng phí, mỗi tháng người B tiêu rất ít và để dành được 2 triệu, mục tiêu là để cuối năm mua một được chiếc điện thoại mới. Một năm sau, người A vẫn giữ thói quen chi tiêu như vậy và không mua được thứ gì mới cho bản thân mình, còn người B mua được chiếc điện thoại mà mình yêu thích với giá 24 triệu, vô cùng vui sướng và cho rằng mình thật thông minh, chứ đâu như người A, làm được bao nhiêu lại tiêu hết bấy nhiêu. Hãy thử dừng lại một chút, chúng ta sẽ cùng bàn luận xem ai mới là người thực sự thông minh trong chuyện này. Xét về mặt tiền bạc đơn thuần thì rõ ràng số tiền mà hai người mất đi đều như nhau, đều là 24 triệu sau 1 năm và rõ ràng đây không phải là một khoản đầu tư nên nó không mang về cho hai người đó bất cứ lợi nhuận nào sau đó. Còn về mặt tinh thần, người A được hưởng niềm vui mỗi tháng còn người B thì phải thắt lưng buộc bụng mỗi tháng để hưởng được niềm vui vào cuối năm, vậy ai mới là người hạnh phúc hơn, thật khó để so sánh được. Hai ví dụ trên là cách tiết kiệm tiêu biểu mà mọi người trong xã hội đang làm, nhưng đó thực sự có phải là tiết kiệm hay không?

Cá nhân tôi cho rằng đó không phải là tiết kiệm. Tiết kiệm là để cho tài sản tăng lên theo thời gian nhưng việc tăng lên đó có ý nghĩ gì khi mà đến cuối cùng chúng ta lại tiêu hết sạch số tiền đó, và phải chịu đựng việc sống nghèo khó trong 1 thời gian dài? Tôi tự hỏi liệu điều này thực sự có xứng đáng hay không? Nếu đây là cách tiết kiệm thực sự đúng đắn thì tại sao người giàu vẫn luôn giàu, còn người nghèo thì vẫn luôn nghèo. Tôi không muốn đến năm 70 tuổi mới có thể trở nên giàu có, đến khi ấy giàu để làm gì, tôi có thể hưởng thụ được gì, tôi muốn mình trở nên giàu có sớm hơn, và nếu muốn làm được điều đó tôi buộc phải làm khác so với mọi người. 

Tôi bắt đầu tìm kiếm và trong hàng trăm ngàn cách tiết kiệm tiền thì cách tiết kiệm tốt nhất mà tôi tìm được đó chính là kiếm tiền. Tiết kiệm thông thường chỉ làm cho số tiền chúng ta tăng lên một cách chậm rãi để rồi sau đó chúng ta tiêu sạch vào một tiêu sản nào đó, kiếm tiền sẽ giúp tài sản của bạn tăng lên nhanh gấp bội, và vẫn sẽ dư thừa sau khi mua những thứ bạn yêu thích, thật tuyệt vời phải không nào.

Dù muốn hay không bạn cũng phải thừa nhận một điều: Người giàu tiêu tiền rất nhiều nhưng họ vẫn ngày càng giàu có hơn, người nghèo dù có tiết kiệm đến thế nào chăng nữa cũng mãi không thể nào giàu lên được, cùng lắm thì cũng chỉ có thể gia nhập được tầng lớp trung lưu, nhưng khi đó thì cũng đã già mất rồi, cái giá phải trả là quá lớn. Chúng ta đang lãng phí quá nhiều thời gian cho việc tiết kiệm sai lầm, sẽ ra sao nếu như bạn dành thời gian để nghiên cứu làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn nữa? Bạn đừng cho rằng tôi là người không biết tiết kiệm, ngược lại tôi đặt việc tiết kiệm tiền, giữ tiền làm trung tâm trong mọi hành động đầu tư của mình, và tất nhiên tôi chọn cách tốt nhất để làm theo, đó chính là kiếm tiền. Và biết điều tuyệt vời nhất của điều này là gì không, đó là sau này tiền của bạn nhiều đến mức bạn tiêu xài xả láng mà vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày. 

  • Tự do về tài chính:

Tiền bạc chính là một dạng nhà tù vô hình giam giữ tất cả mọi người ở bên trong, dù muốn hay không thì ngay từ khi sinh ra chúng ta đã bị nó giam giữ, mọi nỗ lực của chúng ta mục đích cuối cùng chính là thoát ra khỏi cái nhà tù ấy, tức là có tiền. Bạn đi làm mỗi ngày có phải vì bạn thực sự muốn như vậy hay không? Bạn đang làm việc vì đam mê hay bạn tự nguyện, thực ra mục đích của phần lớn mọi người đi làm mỗi ngày trên thế giới này vẫn là mức lương nhận được mỗi tháng, nếu không có nó thì hầu hết mọi yếu tố khác đều không còn nhiều giá trị. Khi bạn phải đối mặt với áp lực phải nuôi con ăn học, phải trả tiền viện phí cho bố mẹ ốm đau lúc về già, đến lúc đó đồng tiền thực sự sẽ trở nên vô cùng quý giá. Chúng ta thường nói nhiều về tự do, nếu chúng ta coi tự do là một ngôi nhà thì tiền chính là nguyên vật liệu chủ đạo để xây dựng nên ngôi nhà đó, tôi mong các bạn hãy ghi nhớ một điều: KHI BẠN CÓ TIỀN, BẠN SẼ CÓ TỰ DO. BẠN CHỈ CÓ ĐƯỢC SỰ TỰ DO KHI BẠN CÓ TIỀN MÀ THÔI.

https://cdn.noron.vn/2019/06/15/cea1fc6e9a03ccbe06781b67e5586f35.jpg
  • Muốn thoát nghèo về vật chất thì trước tiên phải thoát nghèo về tri thức:

Bạn có thể đi mua vé số và hy vọng ngày đó sẽ trúng giải độc đắc, nhưng nếu mọi chuyện phụ thuộc hoàn toàn vào may rủi như vậy thì những điều mà tôi viết sẽ chẳng có giá trị gì hết, vì chúng không hề giúp bạn chọn lựa được số nào là số sẽ trúng giải. Chúng ta bỏ công sức học hành, nghiên cứu, khổ luyện là để làm giàu một cách bền vững, làm giàu bằng trí tuệ của mình chứ không phải học xong lại đi đổ lỗi cho chuyện may rủi, như vậy thì thật vô nghĩa và uổng phí mất bao nhiêu năm đèn sách. Có câu: Nếu chúng ta đầu tư mà không có kiến thức thì đó là đánh bạc, nếu chúng ta đánh bạc mà có kiến thức thì đó chính là đầu tư. Bạn đừng bao giờ tin vào chuyện một thằng ngốc cũng có thể trở nên giàu có, đó là chuyện nhảm nhí nhất trên đời. Trí tuệ của con người là vô hình, chúng ta không biết nó có hình dáng hay mùi vị như thế nào nhưng nếu phải dùng một thứ để định lượng thì tôi sẽ không dùng chức vụ hay học vị, mà sẽ dùng tiền, tức là ai có nhiều tiền hơn thì người đó là người có trí tuệ tốt hơn. Có thể nó không hoàn toàn chính xác nhưng nó đúng trong rất nhiều trường hợp. Một cầu thủ tốt là một cầu thủ đắt tiền, cùng là người đi bán dâm nhưng người nổi tiếng thì có giá cao hơn rất nhiều người khác, nếu có thêm danh xưng hoa hậu thì càng được giá. Cùng là một môn học nhưng thầy giỏi hơn thì có giá tiền cao hơn, cùng là một nhà hàng nhưng nếu cách phục vụ tốt hơn thì giá sẽ cao hơn, cùng là một ca sỹ nhưng ai hát hay hơn, biểu diễn tốt hơn thì sẽ có có giá vé cao hơn....không khó để nhận thấy rằng, tiền chính là một chiếc thước đo thực sự quyền năng trong vô số những trường hợp trong cuộc sống, và hầu hết theo quan điểm của cá nhân tôi thấy nó đều đúng, đều vô cùng xứng đáng.

  • Trò chơi mang tên tiền bạc:

Tôi là một kẻ mê tiền, mê những con số, những từ khoá trong lĩnh vực tài chính luôn làm cho tôi mê mẩn từ khi còn tôi còn là một đứa trẻ. Nhưng bạn đừng vội vàng nghĩ rằng tôi là một kẻ tham lam, dù xét trên nhiều khía cạnh thì tôi đúng là như vậy, nhưng trên hết tôi đam mê những trò chơi, chứ thực sự tôi chẳng ham mê có được thật nhiều tiền. 

Trong các cuộc thi thông thường, bạn chỉ cần phải vượt qua vài người để giành chiến thắng nhưng trong đầu tư, để làm được điều đó thì bạn sẽ phải vượt qua hàng trăm hàng ngàn thậm chí là hàng triệu người để giành chiến thắng, và bạn hoàn toàn không hề biết những người đó là ai, họ đến từ đâu, đó là điều thú vị, vô cùng thú vị.

Đối với mỗi vụ đầu tư thành công, niềm vui của tôi không hoàn toàn đến từ việc kiếm được nhiều tiền, mà đến từ việc biến đổi tri thức bên trong thành một thứ giá trị thực tế. Cảm giác chiến thắng sung sướng hơn cảm giác kiếm được nhiều tiền rất nhiều lần bởi vì tôi biết số tiền mà mình kiếm được không phải ngẫu nhiên mà có, đó chính là phần thưởng cho người chiến thắng trong trò chơi tài chính, và đâu đó thì bạn biết rồi đấy, sẽ có những kẻ thua cuộc, nghe thì có vẻ tàn nhẫn nhưng cuộc đời vốn dĩ là như vậy mà, phải có người kẻ thắng người thua thì mới thú vị chứ, điều quan trọng là bạn có dám tham gia vào trò chơi này hay không? Bạn đã sẵn sàng hay chưa, có dám vượt qua giới hạn của bản thân để mơ ước những điều xa hơn hay chỉ quanh quẩn trong vùng an toàn của bản thân mình. Suy nghĩ tích cực là điều tốt nhưng sẽ còn tốt hơn nữa nếu như bạn hành động, suy nghĩ tích cực không làm bạn xấu đi nhưng nếu muốn được người khác công nhận thì bạn cần phải hành động, chỉ trong hành động thì giá trị của bản thân bạn mới được chứng minh mà thôi. Và cuối cùng xin chào mừng bạn đến với trò chơi mang tên: Thị trường tài chính. Nó dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể cùng chơi và cùng thắng nhưng hãy luôn ghi nhớ một điều rằng: MỖI CHIẾN THẮNG TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH ĐỀU VÔ CÙNG XỨNG ĐÁNG.

  • Quản trị rủi ro: 

Có rất nhiều nhà đầu tư học ngày học đêm về những phương pháp đầu tư trên trời dưới biển nhưng lại bỏ qua điều quan trọng nhất trong lĩnh vực tài chính đó là Quản trị rủi ro. Dường như khi đầu tư vào 1 dự án nào đó thì họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, đến thời gian hoàn vốn, đến số tiền mà họ sẽ kiếm được sau một thời gian nữa mà quên mất tự hỏi bản thân một điều: Nếu thua lỗ thì sao? Những rủi ro của dự án này là gì? Có thể là do lòng tham nên chúng ta đã phớt lờ những điều này nhưng lòng tham mà thiếu đi kiến thức và sự cẩn trọng thì đó là điều vô cùng nguy hiểm. Xác định rủi ro của một thương vụ hay một dự án không phải là điều dễ dàng nhưng có nếu chịu khó học về những phương pháp đó thì bạn sẽ thấy nó thực sự vô cùng có giá trị. Làm ơn hãy vứt ngay cái quan điểm phải mất vài trăm triệu thì mới khôn lên được, mày phải mất tiền đi thì sau này mới nhận lại được tiền, cá nhân tôi thì hoàn toàn nghĩ ngược lại. Nếu bạn chịu khó tìm hiểu thì bạn sẽ thấy những rủi ro trong tài chính có rất nhiều điểm giống nhau, dự án này, dự án kia...và nhiều dự án khác nữa. Tại sao không mua một cuốn sách khoảng vài trăm ngàn, đọc để biết để phòng chống, mà cứ phải đâm đầu vào dự án, rồi thua lỗ, rồi mới trở nên khôn ngoan, đó là điều thực sự khó hiểu. Tôi biết có nhiều người mất cả tỷ đồng mà vẫn không khôn ngoan lên được. Tài chính là một lĩnh vực rất rộng lớn, bạn thua lỗ một dự án và bạn cho rằng đó là bằng chứng cho thấy bạn khôn ngoan hơn trước, tôi càng thua lỗ và tôi càng trở nên thông thái, càng thông thái vậy sao vẫn thua lỗ, thật ngớ ngẩn phải không nào. Hãy học về quản trị rủi ro thật kỹ trước khi muốn đầu tư vào một dự án nào đó, hãy có phương án để xử lý khi rủi ro xảy ra và hơn hết hãy bỏ tiền ít nhất cho khoá học này để có thể thu về lợi nhuận cao nhất trong tương lai.

  • Mâu thuẫn một cách hài hoà:

Tôi không biết những nhà đầu tư khác ra sao nhưng đối với tôi thì để trở thành một nhà đầu tư thành công thì bạn thật sự phải hoà hợp được rất nhiều cảm xúc trái ngược nhau bên trong chính con người bạn. Đôi khi bạn cần đến sự liều lĩnh trong các thương vụ nhưng sự liều lĩnh đó phải dựa trên sự cẩn trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng. Bạn cần phải kiềm chế cảm xúc của mình cực kỳ tốt để vượt qua những khoảng thời gian khó khăn của thị trường nhưng bên cạnh đó phải không ngừng nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, bạn phải không ngừng hy vọng. Bạn cần phải thực sự tham lam, tham lam đến tột cùng nhưng bên cạnh đó bạn phải biết sợ hãi, sợ hãi đến mức chính bạn cũng phải sợ hãi về điều đó. Bạn cực kỳ cẩn trọng với từng đồng tiền nhưng lại rất hào phóng trong nhiều trường hợp. Bạn mơ ước rất nhiều, có thể nói bạn là một kẻ mộng mơ nhưng khi làm việc, lại vô cùng thực tế. Mơ ước của bạn rất lớn nhưng bạn làm tốt từng công việc nhỏ, chăm chút và vô cùng tỉ mỉ. Thật khó để nói hết được những cảm xúc trái chiều khi quyết định trở thành một nhà đầu tư, bạn sẽ luôn phải sống chung với những mâu thuẫn ấy, đừng tỏ ra khó chịu mà hãy lựa chọn cái nào tốt nhất để đi theo, thật khó nhưng nếu muốn thành công thì không ai có thể làm thay bạn điều này được.

https://cdn.noron.vn/2019/06/15/af77c2ac0953c8dd6173119656606e7e.jpg
  • Kiến thức chính là chiếc ví tốt nhất bạn có:

Trong lĩnh vực đầu tư thì tri thức chính là tiền bạc. Bạn có thể có rất nhiều tiền trong tài khoản, nhưng nếu bạn không có kiến thức để giữ nó thì rồi đến một ngày nó cũng hết. Tuy nhiên nếu bạn có kiến thức, có khát khao làm giàu thì dù xuất phát điểm có thấp thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể giàu có trong tương lai. Đó là lý do tại sao mà người giàu thì không ngừng giàu lên còn người nghèo thì mãi mãi vẫn cứ nghèo. Người giàu không ngừng gia tăng tri thức, còn người nghèo thì chỉ khư khư tiết kiệm chứ không chịu học, số tiền tiết kiệm tăng lên thực ra chẳng đáng là bao còn tri thức thì thật khó để định giá được chúng lớn cỡ nào. Benjami Franklin đã từng nói: "Đầu tư vào tri thức đem lại lợi nhuận cao nhất" vậy nên ngay từ ngày hôm nay, nếu bạn muốn trở nên giàu có thì bên cạnh việc tiết kiệm hãy dành thời gian cho việc học, hãy gia tăng tri thức của mình, đó mới là chiếc ví có giá trị nhất mọi thời đại của cả vũ trụ này.

  • Để tiền nằm im một chỗ thực sự là một tội ác:

Đây là điều mà tôi vẫn luôn tự nhủ với chính mình, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy tiền của tôi nằm im trong tài khoản ngân hàng đâu, chúng được phân phát đi mọi nơi chỉ vài phút sau khi từ nơi khác đi về, đó là sự thật. Tiền của tôi phải được nằm ở chỗ mà nó phải sinh ra lợi nhuận, nếu nó nằm ở chỗ không sinh ra lợi nhuận thì phải lập tức chuyển nó đi chỗ khác. Tất nhiên không phải ngẫu nhiên mà tôi làm được như vậy, phải mất một quá trình và thời gian thật sự dài để biết nên đầu tư vào đâu và không nên đầu tư vào đâu. Bạn không nên vội vàng khi chưa có kiến thức, nhưng cũng đừng thụ động, hãy đầu tư một khoản tiền nhỏ trước rồi sau đó tăng dần lên, hãy đa dạng hoá những khoản đầu tư của mình, hãy để đồng tiền của bạn sinh sôi nảy nở khắp muôn nơi thay vì ủ rũ ở một xó xỉnh tối tăm, làm vậy đồng tiền của bạn cũng buồn bã mà bạn thì cũng không thể nào giàu lên được, hơn nữa ở ngoài kia có rất nhiều dự án đang cần đến số tiền của bạn, vậy mà bạn lại cứ để tiền nằm im một chỗ, đó hẳng phải là một tội ác hay sao?

  • Đừng thay đổi triết lý đầu tư của mình:

Trong tất cả các nguyên tắc thì đây chính là nguyên tắc quan trọng nhất. Có rất nhiều triết lý về đầu tư, kiến thức về tài chính cũng là vô hạn. Bạn sẽ không bao giờ có thể tự mình hiểu hết được mọi kiến thức về tài chính được, đó là điều bất khả thi, vậy nên hãy chọn mình một hướng đi nào đó thực sự có tiềm năng và bạn phải thực sự giỏi về lĩnh vực đó. Đừng đầu tư theo phong trào cũng đừng nay thì chạy theo xu hướng này, mai thì chạy theo xu hướng khác, làm vậy sẽ khiến bạn trở thành con rối của cá mập chứ không phải là một nhà đầu tư thực sự. Lời khuyên của cá nhân mình thì rất đơn giản thôi: HÃY CHỌN CHO MÌNH MỘT TRIẾT LÝ PHÙ HỢP NHẤT VÀ THEO ĐUỔI NÓ ĐẾN TẬN CÙNG.

Mọi người có thể đọc những phần tiếp theo ở đây:

Trí tuệ tài chính phần 2 - Hoàng Vũ Anh

Trí tuệ tài chính phần - Hoàng Vũ Anh

Những danh mục đầu tư của tôi - Hoàng Vũ Anh

Từ khóa: 

tài chính

,

quản lý tài chính

,

đầu tư & tài chính

Hường Hoàng
Bên Noron sửa được bài viết của người dùng à? Bài mình vừa bị chỉnh sửa lại cho đúng định dạng này.

Trả lời

Hường Hoàng
Bên Noron sửa được bài viết của người dùng à? Bài mình vừa bị chỉnh sửa lại cho đúng định dạng này.