Trí tuệ tài chính - Phần 2

  1. Đầu tư & Tài chính

Bạn có thể đọc những bài viết khác về tài chính tại đây:






balance-business-calculator-163032



  • Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt:

 Rất nhiều người vẫn có tư tưởng khi nào số tiền của họ thật nhiều thì họ mới quản lý, còn hiện tại tiền chẳng đủ tiêu hoặc có mới có một ít thì quản lý làm gì, đây quả là một suy nghĩ sai lầm, hết sức sai lầm. Nếu bạn không quản lý tiền ngay từ khi còn ít thì số tiền của bạn sao có thể nhiều lên được? Nếu bạn không thể quản lý được 100 ngàn thì lấy gì chứng minh bạn có thể quản lý được 100 triệu? Dù số lượng tiền bạn đang có là bao nhiêu đi chăng nữa thì hãy bắt đầu quản lý số tiền của mình ngay từ bây giờ, hãy tập làm quen với điều này. Đừng quá lo lắng, những phép tính trong việc quản lý tiền bạc thường chỉ là những phép cộng trừ nhân chia đơn giản mà thôi, nó không khó đâu, hay là bạn ngu đến mức cộng trừ nhân chia cũng không biết, vậy thì có máy tính rồi, chỉ việc ấn thôi mà. Ngoài việc tạo cho bạn thói quen, nó còn giúp bạn có được một tư duy tài chính đúng đắn, khi bạn có ít bạn đầu tư ít, khi bạn có nhiều, bạn chỉ cần tăng số lượng tiền lên là được, còn việc phân bổ các danh mục đầu tư hay chi tiêu số tiền như thế nào thì bạn đã làm từ trước đó rồi, rất dễ dàng.


  • Đừng bao giờ coi thường tiền của mình:

Bạn đã từng gặp ai đó mà khi đầu tư với một số tiền nhỏ họ thường nói thế này: Có vài triệu bạc, đầu tư cho vui, lãi thì tốt, có mất thì cũng không đáng là bao.

Tôi không thể hiểu là tại sao những người đó lại có thể coi nhẹ tiền của chính mình đến như vậy. Có thể là họ đã có quá nhiều tiền? Hay những người đó chắc chắn 100% dự án mà họ đầu tư sẽ có lãi? Tôi không rõ lý do là gì nhưng điểm chung của những người này là họ sẽ chẳng bao giờ có thể thành công được, không thua lỗ đã là may mắn lắm rồi. Nếu bạn từng xem chương trình Shark Tank của Mỹ hay của VN thì có 2 điều mà bạn phải thừa nhận đó là: Những vị cá mập rất nhiều tiền và họ vô cùng cẩn trọng khi quyết định đầu tư vào một thương vụ nào đó. Tôi còn nhớ rất rõ một câu chuyện về vị tỷ phú người Mỹ Rockefeller đó là khi ông kết thức bữa ăn ở một nhà hàng, một người bồi bàn sau khi dọn xong đã nói với ông rằng: Nếu tôi mà giàu có như ông thì tôi sẽ không tiếc vài đồng bạc tiền bo thêm cho nhân viên. Vị tỷ phú người Mỹ lạnh lùng đáp lại: Đó là lý do vì sao mà anh chỉ là người bồi bàn còn tôi là người giàu nhất nước Mỹ.

Những người giàu họ có mất tiền hay không? Tất nhiên là có nhưng điều quan trọng không nằm ở việc họ mất bao nhiều tiên mà ở thái độ họ đánh mất số tiền đó như thế nào. Đối với mỗi thương vụ đầu tư dù ít hay nhiều họ đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và tỷ mỷ, họ vô cùng cẩn trọng và không dễ dàng để mất tiền của mình. Còn những người thất bại thì đầu tư theo kiểu ném tiền qua cửa sổ, thế mà cứ mong là sẽ trở nên giàu có, thật nực cười biết bao. Ấy thế mà đến khi mất tiền thì họ lại đổ lỗi cho đủ thứ, mà đúng ra người có lỗi nhất là chính bản thân họ thì nghiễm nhiên vô tội, hài hước làm sao.

Đối với mỗi thương vụ đầu tư, dù chỉ là 1 nghìn VND thôi, bạn hãy nên tìm hiểu về nó, xin đừng coi thường đồng tiền của mình vì như tôi vẫn thường hay hỏi bản thân mình như thế này và bạn cũng nên như vậy:

Nếu bạn không coi trọng đồng tiền của chính mình thì bạn hy vọng ai sẽ coi trọng nó đây?


  • Ghi chép:

Có rất nhiều người thường than thở là chẳng biết tiêu gì mà vèo cái đã hết tiền, đó là hậu quả của việc không chịu ghi chép lại những khoản chi tiêu hằng ngày. Việc ghi chép nhằm ngoài mục đích giúp cho bạn hiểu được lượng tiền vào và ra như thế nào, nó còn giúp cho bạn đánh giá được thói quen chi tiêu của mình một cách tổng thể từ đó bạn sẽ biết được đâu là những khoản chi tiêu có ích và đâu là những khoản lãng phí, vô bổ, từ đó biết được rằng nên tiêu nhiều vào đâu và cắt giảm những khoản mục nào. Bạn nên bắt đầu công việc này với một cuốn sổ là tốt nhất hoặc cũng có thể là phần mềm nào đó. Sau nhiều lần, khi đã quen với điều này, bạn sẽ tự tạo cho mình một cuốn sổ ở bên trong đầu mà không cần đến sổ sách ở bên ngoài nữa, trừ khi chúng quá phức tạp thì bạn vẫn cần phải tính toàn cẩn thận, đừng cẩu thả với tiền bạc của mình, nếu không nó sẽ bỏ bạn mà đi rất nhanh đấy.


  • Ba đỉnh của tam giác:

Ba đỉnh của tam giác bao gồm: Kiếm tiền - Giữ tiền - Tiêu tiền. Chúng luôn có tác động qua lại lẫn nhau, vậy nên khi quyết định tác động đến một đỉnh nào đó thì hãy tính toán đến việc nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hai đỉnh còn lại. Ví dụ bạn cho một người nào đó vay tiền, với mức lãi suất cao hơn mức lạm phát, sẽ có ba trường hợp xảy ra. Thứ nhất nếu người đó trả cho bạn đầy đủ cả lãi lẫn gốc thì đó là kiếm tiền. Nếu người đó bùng và không trả thì bạn bị mất tiền, tức là bạn đã tiêu tiền. Nếu người đó trả nhưng số lãi thu về chỉ đủ đề bù vào mức lạm phát trong khoảng thời gian đó thì có nghĩa là bạn chỉ đang giữ tiền của mình mà thôi. Trong ba yếu tố nói trên thì giữ tiền là quan trọng hơn cả, nói không quá thì khả năng giữ tiền tốt hay không chính là sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo. Trong bất cứ trường hợp nào khi đầu tư, bạn hãy nghĩ đến việc giữ được tiền trước khi nghĩ về việc kiếm tiền, nó giống như trong bóng đá vậy, nếu muốn chiến thắng thì trước tiên bạn phải không thua đã, trong đầu tư muốn có lãi thì trước tiên phải không lỗ. Cách gọi ba đỉnh của một tam giác có thể chưa thật sự chính xác, tuy nhiên do chưa nghĩ ra được cách nào phù hợp hơn nên tôi vẫn gọi như vậy, bạn có thể gọi theo cách nào đó bạn muốn, có thể là ba hành vi của con người với tiền bạc, miễn sao bạn có thể áp dụng chúng hiệu quả là được.


  • Hãy nghĩ đến mục tiêu dài hạn:

Bạn đừng có hy vọng là đầu tư thì sẽ sinh lời ngay lập tức, kiểu như hôm nay đọc một cuốn sách về tài chính thì ngày mai ta sẽ trở thành triệu phú, đó là điều không thể xảy ra. Hãy đặt mục tiêu cho 5 năm hoặc 10 năm sắp tới, hoặc có thể là lâu hơn nữa và hãy đầu tư ngay khi bạn có tiền nhàn rỗi, đừng chờ đợi, do dự, hay quá để ý đến tuổi tác của mình. Tôi đọc sách về tài chính từ năm lớp 9 và lập kế hoạch tài chính cho mình từ năm thứ 2 của Đại học, bạn cũng nên làm như vậy, có một câu nói của Tổng thống Mỹ Abraham Liconln mà tôi rất tâm đắc đó là: Nếu cho tôi 6 tiếng để chặt một cái cây, tôi sẽ dùng 4 tiếng để mài rìu. Tôi gọi đây là nguyên lý 2/3, tức là dành ra 2/3 trong tổng số thời gian mà bạn có để chuẩn bị cho việc mà bạn sắp làm. Nếu bạn có 3 năm để đầu tư thì bạn nên dành 2 năm để học tập và 1 năm còn lại để đầu tư, hãy phân biệt giữa đầu tư và đầu cơ, đừng nhầm lẫn hai khái niệm này và cũng đừng quá tự tin đi lướt sóng, có thể bạn sẽ có lãi trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể bạn sẽ bị ngã sấp mặt đấy.


photo-2-1547717119293282835119


  • Kẻ thù lớn nhất là cảm xúc:

Có phải bạn từng mua rất nhiều thứ một cách bồng bột và sau đó lại cảm thấy hối hận và chẳng hiểu sao mình lại làm như vậy. Có phải bạn đã từng mua rất nhiều món đồ chỉ vì khi ấy bạn cảm thấy thích nhưng sau đó bạn lại chẳng dùng đến. Có phải bạn từng đầu tư vì nghe lời của một ai đó, hoặc là chạy theo đám đông? Sẽ còn rất rất nhiều ví dụ khác nữa cho thấy rằng bạn bị cảm xúc chi phối nhiều như thế nào, trong những hành động hằng ngày và đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Tất cả chúng ta, bao gồm cả tôi và bạn sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn làm chủ được cảm xúc của mình nhưng nếu bạn có kiến thức về nó, bạn sẽ phạm phải ít sai lầm hơn và đặc biệt là bạn sẽ biết cách lợi dụng cảm xúc của người khác để mang lại lợi ích cho tài khoản của bạn. Trong tài chính, hay đầu tư, thì việc phân tích kỹ thuật, sự hiểu biết về ngành nghề là điều rất quan trọng nhưng có một thứ còn quan trọng hơn thế đó là bạn phải biết cách làm chủ cảm xúc của mình. Tài chính là những con số và chúng có thể là khô khan, nhưng chúng luôn chính xác, bạn sẽ cần tới tính kỷ luật, sự lý trí rất cao trong thị trường này, nếu bạn để cảm xúc xen vào quá nhiều, rất có thể bạn sẽ mãi mãi là một nhà đầu tư thua lỗ.


  • Kiếm tiền bằng mọi cách chứ không phải bằng mọi giá: 

Có rất nhiều cách để kiếm tiền nhưng đừng bất chấp tất cả mọi thứ chỉ vì nó. Là một nhà đầu tư, bạn phải hiểu giá trị của đồng tiền hơn ai hết, bạn phải bắt nó phục vụ cho cuộc sống của mình chứ đừng biến mình thành nô lệ của nó, như vậy thật chẳng phải rất uổng phí công sức học tập hay sao? Nhiều người vẫn thường nghĩ tiền bạc làm thay đổi bản chất con người nhưng điều này không đúng, tiền bạc hay quyền lực không bao giờ làm thay đổi con người, nó chỉ làm cho bản chất bên trong của con người đó bộc lộ rõ hơn mà thôi. Đồng tiền có một sức hút rất lớn vì vậy bạn hãy học cách kiềm chế trước sức hút đó và hơn hết đừng vội vàng trao nó vào tay người khác, làm vậy đôi khi lại chính là cách nhanh nhất huỷ hoại cuộc đời một con người. Nếu bạn cảm thấy những người thân trong gia đình không có khả năng kiểm soát được lòng tham trước đồng tiền, bạn lo sợ đồng tiền thì sẽ huỷ hoại tất cả thì cách tốt nhất là đừng giao tiền cho họ, cũng đừng cho mọi người biết là bạn đang có nhiều tiền, hãy cứ để cuộc sống diễn ra một cách bình yên như thế, đừng để đồng tiền xen vào và huỷ hoại tất cả.


accounting-achievement-aerial-1043506



  • Hãy chơi với người giàu và có suy nghĩ tích cực:

Tôi không ghét người nghèo nhưng đúng như lời Jack Ma nói, những người nghèo là những người cực kỳ khó chiều. Tôi mong muốn trở nên giàu có vậy nên tôi yêu mến và ngưỡng mộ những người giàu. Tôi tự hỏi làm sao mà có thể trở nên giàu có được khi mà xung quanh toàn những người suy nghĩ tiêu cực và chấp nhận một cuộc sống nhàm chán, bần cùng, những người mà mức độ thoả mãn của họ quá thấp trong khi họ hoàn toàn có thể đầu tư để có được một cuộc sống tươi đẹp hơn. Tôi không muốn nói người nghèo là không tốt nhưng nếu bạn thực sự muốn làm được nhiều việc tốt thì tiền bạc sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Theo bạn thì ai là người làm từ thiện nhiều nhất Việt Nam, có phải là những bạn trẻ, những bạn sinh viên thường xuyên đi tình nguyện, hay mấy cô hoa hậu thỉnh thoảng làm được một vài việc để đăng lên facebook, chắc chắn là không phải. Theo tôi đó chính là những người làm kinh doanh như Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đức Tài, Trần Đình Long... họ tạo ra hàng trăm triệu, hành tỷ đô la tiền từ thiện, làm thay đổi cả một cùng quê, cả một đất nước...còn bản thân chúng ta làm từ thiện cho một người còn khó khăn chú nói gì đến nhiều người. Nếu bạn thực sự muốn giàu có, hãy chơi với người giàu và hãy có những suy nghĩ tích cực, hãy tránh xa những người chỉ khư khư tiết kiệm, nhắc đến đầu tư là mặc định lừa đảo, luôn lo sợ và có suy nghĩ tiêu cực, những người như vậy theo tôi là những người cả đời sẽ không bao giờ khá lên được.


  • Nợ là tốt hay xấu:

Có thể dễ dàng nhận thấy một điều đó là hầu hết các doanh nghiệp, các công ty và các quốc gia trên thế giới ai cũng đều đang nợ, không nợ ít thì nhiều, thậm chí còn có thể gọi là nợ nần chồng chất. Trong đầu tư thì Nợ còn có tên gọi khác phổ biến hơn là Đòn bẩy tài chính, nó là xấu hay là tốt hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà chúng ta sử dụng cái đòn bẩy ấy như thế nào. Bạn có thể tưởng tượng là Việt Nam của chúng ta sẽ như thế nào nếu trong suốt nhiều năm qua không đi vay tiền của nước ngoài về để phát triển hay không, nếu vậy chắc chắn sẽ tồi tàn hơn bây giờ rất nhiều. Để có thể làm được xe ô tô và điện thoại thông minh tập đoàn Vingroup cũng phải đi vay rất nhiều. Nhìn vào bảng cân đối kế toán của một công ty, hay một doanh nghiệp hầu hết đều có nợ, vậy thì chẳng phải nợ là tốt hay sao. Nếu đứng trên khía cạnh phát triển quốc gia và công ty thì nợ là một dạng đòn bẩy tài chính đúng nghĩa, nó giúp cho các quốc gia phát triển nhanh hơn, các công ty mở rộng được quy mô, và số lượng các công ty hay quốc gia bị phá sản so với số lượng thành công thì thấp hơn. Để đạt được điều này thì các quốc gia và các công ty có một quy trình chặt chẽ để sử dụng số tiền mà họ đã vay và làm ra lợi nhuận, liên tục như vậy và họ phát triển rất nhanh. Còn đối với nhà đầu tư cá nhân, họ cũng đi vay thế nhưng tỷ lệ thua lỗ thường cao hơn là thành công. Có rất nhiều lý do dẫn đến điều này, như là: Vội vàng vay tiền về đầu tư khi chưa có kiến thức vững chắc; Bị chi phối bởi cảm xúc quá nhiều; Mục đích ban đầu là vay để đầu tư nhưng sau đó lại mua sắm rất nhiều đồ đạc cá nhân; Đầu tư không đi kèm với đánh giá rủi ro nên bị thua lỗ; Và còn nhiều nguyên nhân khác nữa khiến cho những nhà đầu tư cá nhân sử dụng đồng vốn khi đi vay không hiệu quả. Tất nhiên, sẽ chẳng thể nào chắc chắn được đầu tư là sẽ có lãi 100%, vậy nên nếu như chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều kiến thức thì bạn hãy sử dụng số tiền nhàn rỗi của mình trước khi nghĩ đến việc đi vay. Bởi vì đi vay bạn còn trả lãi nữa, nếu tỷ suất lợi nhuận thấp hơn số lãi bạn phải trả hàng tháng thì rõ ràng là bạn đã bị lỗ, còn nếu dùng tiền của chính bạn để đầu tư, ngay cả khi không có lãi nhưng cũng không bị lỗ thì rõ ràng xét về mặt tài chính bạn đã bảo toàn được vốn, xét về mặt kiến thức thì bạn đã học thêm được nhiều kiến thức mới, như vậy chẳng phải là lợi cả đôi đường hay sao.


  • Sai một ly đi một dặm:

Hãy cân nhắc khi bạn muốn vay một khoản tiền nhỏ, hay dính vào nợ nần với những công ty tài chính vì nó có thể là sự khởi đầu cho sự nợ nần kéo dài nhiều năm sau này, mà bạn có trả mãi cũng không thể nào hết được. Cá nhân tôi cũng đã từng bị như vậy, ban đầu chỉ là một số tiền nhỏ để mua một chiếc điện thoại, sau đó do trả lãi hàng tháng, có những tháng nó phát sinh ra nhiều thứ như đám cưới, hỏng xe, đi chơi nhiều nên không có tiền trả lãi, lại phải đi vay bạn bè, vậy là đến kỳ lĩnh lương lại phải bớt đi một khoản tiền để trả cho bạn, thêm một khoản tiền để trả lãi tháng đó, thực sự lãi mẹ đẻ lãi con và liên tục chìm trong nợ nần. Sau này, khi đã va vấp như vậy nên tôi rất cẩn trọng khi phải đi vay một ai đó, nó sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ về sau mà mình không ngờ tới được. Ban đầu có thể số tiền lãi hàng tháng mình nghĩ là trả được nhưng chẳng may tháng đó nó phát sinh thêm chuyện gì thì sao, lấy đâu ra tiền để trả lãi bây giờ, khi đi vay bạn đã lường trước điều này hay chưa? Chính vì vậy mà tôi luôn muốn mọi người cân nhắc kỹ về rủi ro trong các thương vụ đầu tư hay đi vay tiền của ai đó, tệ hơn nếu trả lãi muộn bạn có thể bị tính là nợ xấu và sau này khi đã có nhiều kiến thức hơn, bạn dự định sẽ đi vay tiền để đầu tư thì lại không được thông qua do có nợ xấu trước đây, như vậy chẳng phải là rất đáng tiếc hay sao, vậy nên hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đi vay nhé, kiềm chế ham muốn của mình lại và quản lý sô tiền của mình thật tốt, nhất định bạn sẽ vượt qua được khó khăn.


  • Tiền nào cũng là tiền:

Tôi biết có nhiều người thường có thói quen phân chia tiền bạc thành nhiều khoản khác nhau, kiểu như tiền làm nhà, tiền mua xe, tiền đi học và các khoản này không được vi phạm lẫn nhau. Ví dụ bạn có một khoản tiền để dành đi học gửi ngân hàng, nhưng hiện tại bạn đang muốn mua một chiếc điện thoại mới và bạn quyết định đi vay để có tiền mua điện thoại chứ nhất quyết không chịu rút số tiền trong ngân hàng ra, vì bạn sợ rằng rút ra thì lại tiêu hết. Đứng trên góc độ tài chính thì điều này thật sự rất ngớ ngẩn, và khó hiểu nữa. Đừng bao giờ làm như vậy, hãy rút tiền trong ngân hàng ra để mua điện thoại mới đi sau đó lại gửi tiền vào đó mỗi tháng, đó mới là thực sự là thông minh về tài chính. Thêm một ví dụ nữa đó là có hai người A và B cùng mua cổ phiếu của một công ty với giá 1$, hai người mua 10.000 cổ phiếu, tức là bỏ ra 10.000$. Sau một thời gian, cổ phiếu đó bắt đầu tăng giá, và khi lên đến 2$ thì người A bán, thu về 20.000$, lợi nhuận là 10.000$. Người B nghĩ rằng nó sẽ còn tiếp tục tăng giá lên không bán, thế nhưng một thời gian sau đó cổ phiếu này giảm giá xuống còn 1,7$ và người B quyết định bán, thu về 17.000$. Lúc này có hai trường hợp xảy ra, nhiều người sẽ nghĩ người B lãi được 7000$ nhưng riêng cá nhân tôi thì tôi cho rằng người B đã bị lỗ 3000$ và đó mới là cái nhìn đúng đắn trong tài chính. Nếu điều này vẫn chưa thuyết phục bạn thì chúng ta hãy thử nhìn theo cách khác xem sao nhé. Tại thời điểm giá cổ phiếu đang ở mức 2$ thì chúng ta đều đồng ý rằng, người B đang có 20.000$, điều này là hoàn toàn chính xác đúng không nào. Giả sử người B bán cổ phiếu và nhận được 20.000$ tiền mặt, tuy nhiên trên đường về nhà, anh ta do sơ suất nên bị rơi mất 3000$, trong trường hợp này thì có lẽ rất nhiều người sẽ nghĩ về số tiền 3000$ bị mất, sẽ tiếc nuối vô cùng và ước là giá như là mình cẩn thận hơn. Trong hai trường hợp, số tiền bị mất là như nhau, đều là 3000$ nhưng ở trường hợp thứ 2 thì cảm giác nuối tiếc là cao hơn rất nhiều, tại sao lại như vậy. Bạn có thể đọc cuốn Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính của tác giả để biết thêm nhé. Điều tôi muốn nói ở đây là số tiền bạn đang nắm giữ dù nó đang ở dạng nào đi chăng nữa thì cũng đều là tiền, chúng hoàn toàn giống nhau chứ không hề có sự khác biệt. Nhiều người khi thấy tài sản của các vị tỷ phú được tính bằng giá cố phiếu mà họ đang nắm giữ thì lập tức thốt lên một câu rất hồn nhiên: Toàn là cổ phiếu chứ có gì đâu. À thì với họ chắc là 100 triệu tiền mặt được cầm tận tay đáng giá hơn vài tỷ cổ phiếu, có lẽ họ nghĩ vậy, thật nực cười đúng không nào! Nếu bạn còn tư tưởng này trong đầu thì hãy thay đổi ngay lập tức, nó sẽ khiến bạn kiếm được nhiều tiền hơn rất nhiều đấy, tin tôi đi, tôi đã kiểm chứng điều này rồi.


Sẽ còn tiếp phần sau nhé mọi người....

Từ khóa: 

tài chính cá nhân

,

tài chính

,

đầu tư & tài chính