Trí tuệ tài chính - Phần 3

  1. Đầu tư & Tài chính





Phần này là phần khó mà mình sẽ chỉ nói mang tính giới thiệu thôi, sau này sẽ có nhiều bài chi tiết hơn cho mọi người cho từng phần.


  • Những hiệu ứng tâm lý và Lệch lạc nhận thức

Chúng ta hầu như ai cũng nghĩ là mình thông minh và tài giỏi, nếu không phải vậy thì sao lại tức giận khi bị người khác chửi là ngu dốt, lại sao lại tức giận khi bị ai đó coi thường. Tôi cũng từ như vậy cho đến khi đọc được một vài cuốn sách về tư duy, về tài chính, nó giúp tôi hiểu ra một điều: Công nhận là mình ngu thật. Tư duy của chúng ta bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc và chứa cực kỳ nhiều sai lầm, cực kỳ nhiều lệch lạc. Những lệch lạc là cố hữu, là tự nhiên là điển hình, và bất cứ ai trong số chúng ta cũng đều mắc phải. Tôi sẽ viết rất nhiều những điều này trong thời gian sắp tới, mọi người nhớ chú ý đón đọc nhé.


IMG_0875



  • Tính thời điểm

 Mọi phương pháp hay phân tích kỹ thuật cuối cùng chỉ hướng đến một điều, đó là để chọn được thời điểm mua và bán thích hợp nhất. Tính thời điểm trong đầu tư là yếu tố cực kỳ quan trọng, nếu như không muốn nói là quan trọng nhất, rất nhiều người thất bại vì coi thường yếu tố này, và họ sẽ còn phải thất bại nhiều lần khác nữa nếu như còn tiếp tục coi thường nó. Có rất nhiều thương vụ, khi mà bạn quyết định rót vốn đầu tư đúng thời điểm thì tỷ lệ có lãi có thể lên đến 90%, ngược lại nếu chọn đầu tư vào sai thời điểm thì khả năng bạn bị thua lỗ là cực kỳ cao. Để có thể đưa ra được một quyết định chính xác về tính thời điểm trong đầu tư ngoài việc bạn phải có kiến thức vững chắc về phân tích kỹ thuật, đọc biểu đồ, có thông tin chính xác về thị trường, từ bạn bè, từ internet thì đôi khi còn cần đến cả sự may mắn nữa. Tuy nhiên sự may mắn ở đây không phải ngẫu nhiên mà có, đó là một sự nhạy bén được hình thành sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, bạn biết đâu là những thương vụ tốt, đâu là những thương vụ không tốt và khi nào là thời điểm thích hợp để đầu tư cũng như khi là thời điểm nên thoái vốn và rút lui khỏi thị trường. Trong suốt quá trình kinh doanh, chắc chắn sẽ có lúc bạn phải đưa ra những quyết định mà gần như có rất ít thông tin để dựa vào, thậm chí là gần như không có, hoặc có nhưng toàn là thông tin sai lệch, khi ấy thì thứ duy nhất có thể giúp bạn là giác quan thứ 6, là sự nhạy bén mà bạn đã tích luỹ được. Tất nhiên điều này đến sau nhiều năm chứ không phải tự nhiên mà có vậy nên không có gì là khó hiểu khi mà những người mới cũng dựa trên giác quan và cuối cùng thì thua lỗ hết sạch, còn những người dày dặn kinh nghiệm lại không.


IMG_0877


  • Đầu tư vào con người:

Khi tôi đặt lệnh mua cổ phiếu của Vingroup, tôi không nghĩ về những báo cáo tài chính mà tôi nghĩ về bác Phạm Nhật Vượng. Khi tôi đặt lệnh mua cổ phiếu của Vietjet, tôi không nghĩ về những báo cáo tài chính của công ty đó, mà tôi nghĩ về nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Tài chính có nhiều khái niệm, nó rộng lớn và phức tạp, nó chứa nhiều giả định và ước tính, tôi biết nhưng không thể nào có thể hiểu hết và học hết được, vậy nên tôi quyết định đầu tư vào những người có kiến thức về nó hơn mình, đầu tư vào con người chính là như vậy, chính là đầu tư vào những người giỏi hơn bạn và có thể làm những việc mà bạn không thể làm hoặc có thể nhưng không đủ thời gian để làm. Trong tài chính, đừng quên học về con người, về tâm lý học, về nhân chủng học, bạn hãy nhớ rằng những cuốn sách hay nhất về kinh tế mà Bill Gates và Warren Buffet khuyên đọc là những cuốn sách nói về con người chứ không phải những cuốn sách nói về những lý thuyết phức tạp của tài chính. Bạn quyết định mua cổ phiếu, hay đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, nói đi nói lại về tài chính này nọ, nghe thì có vẻ nguy hiểm nhưng cho đến cuối cùng thì thứ mà bạn quyết định đầu tư vẫn là đầu tư cho người đứng đầu của công ty hoặc là lĩnh vực đó, tất cả chỉ có vậy. Một hình thức đầu tư khác nữa đó là đầu tư vào chính bạn, bạn có tin tưởng trí tuệ của bạn hay không, có tin tưởng ý chí và khát khao làm giàu của mình hay không? Nếu câu trả lời là có thì hãy mua cho chính bạn những cuốn sách về đầu tư để bạn đọc thử xem sao, rồi đến một ngày nào đó, bạn sẽ phải cảm ơn trí tuệ của mình, cảm ơn ý chí của mình, cảm ơn đôi tay đã cầm sách lên để trí tuệ có thể có thêm kiến thức, cảm ơn cơ thể dù rất mệt mỏi nhưng vẫn không ngừng cố gắng để thức khuya dậy sớm giúp cho trí tuệ có thêm kiến thức. Bạn đầu cần phải ơn ai xa xôi làm gì, hãy cảm ơn chính mình, không ai khác, chính bạn đã mang lại cho bạn một cuộc sống thực sự hạnh phúc như bây giờ. Đầu tư vào người khác là điều quan trọng nhưng còn một điều quan trọng hơn thế, điều mà bạn phải luôn luôn ghi nhớ đó là đầu tư vào chính mình.


pexels-photo-69760



  • Bắn đạn nhỏ rồi đến đại bác

Tôi xin khẳng định một điều là bất cứ ai đang đọc bài viết này cũng có một khoản tiền nhàn rỗi, khác biệt là nó ít hay nhiều mà thôi. Có một lý do khá phổ biến mà nhiều người dù rất mong muốn được giàu có và họ cũng hoàn toàn hiểu rẳng nếu như không đầu tư thì sẽ không bao giờ có thể trở nên giàu có được, lý do duy nhất cản trở họ là bởi vì số tiền nhàn rỗi của họ quá ít, có đầu tư thì cũng chẳng thu về được bao nhiêu lợi nhuận. Phải nói như thế nào, có lẽ trong tất cả những sai lầm về tài chính thì có lẽ đây là sai lầm mà theo tôi là ngớ ngẩn đến mức khó hiểu. Phần lớn mọi người đều bị lòng tham chi phối vậy nên họ muốn đầu tư thì phải lãi thật nhiều, thật nhiều thì mới bõ, ít thì đầu tư làm gì, có phải vậy không? Chúng ta nghe rất nhiều về các thương vụ lừa đảo, có những người mất hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, hoặc một số tiền rất lớn so với thu nhập của họ. Đặc điểm chung của phần lớn những người này là trước đây họ chẳng đầu tư vào đâu cả, thế mà khi nghe đến một thương vụ có lợi nhuận cao, họ tin tưởng và giao hết số tiền mình đang có, cuối cùng họ mất sạch, ngớ ngẩn đến như vậy đấy. Hãy thử nhìn qua một chút về các nghiên cứu khoa học, chúng phải được đi qua nhiều giai đoạn, nhiều quá trình kiểm định, rồi kiểm tra trên cơ thể động vật, kiểm tra trên cơ thể những người tình nguyện, làm đi làm lại như vậy rồi mới có thể đưa vào thực tiễn. Các vị tỷ phú cũng vậy, họ không giàu lên sau một đêm, đó là cả một quá trình, đầu tư rất nhỏ, rồi đến to hơn một chút và to hơn chút nữa, đọc đến đây thì có lẽ bạn đã hiểu tôi muốn nói gì rồi đấy. Nếu lúc này bạn có 10.000 VNĐ tiền nhàn rỗi, hãy đầu tư 10.000 ấy đi, nếu có mất thì đó cũng chỉ là một số tiền nhỏ, nếu có lãi, ừ thì cũng chẳng đáng bao nhiêu nhưng cái lớn nhất mà bạn nhận được là tư duy của một nhà đầu tư, là sự nhạy bén, là bài học, là thói quen, là kỹ năng, và bạn chỉ mất có 10.000 VNĐ để mua nó, trời ơi một cái giá quá rẻ mạt. Tại sao cái bài học đó vốn dĩ có thể mua được bằng 10.000, 100.000, nhưng người ta lại cứ thích bỏ ra cả trăm triệu, cả tỷ đồng để mua nó vậy, quá ngu ngốc. Bạn nghĩ rằng khi bạn có 1 tỷ thì bạn sẽ trở thành một nhà đầu tư thông thái, bạn nghĩ rằng mình sẽ thông minh hơn 100 ngàn lần của bạn khi có 10.000, cái quy luật ấy ở đâu ra vậy. Nếu bạn có 10.000 tiền nhàn rỗi lúc này, làm ơn, hãy đầu tư 10.000 ấy đi, có thể mua được 2 cổ phiếu của một vài công ty đấy. Nếu bạn có 100.000 tiền nhàn rỗi lúc này, làm ơn, hãy đầu tư 100.000 ấy đi, có thể mua được kha khá cổ phiếu của một vài công ty đấy. Xin đừng đợi đến lúc có hàng trăm triệu, có hàng tỷ đồng rồi mới đầu tư, đó thực sự là một điều ngu ngốc và cái giá phải trả cho sự ngu ngốc ấy thật sự rất cao.


pexels-photo-1043506



  • Những đồng tiền trên giấy

Bố của tôi là một thợ mộc và như bạn biết đấy, ở quê thì mọi người đều quen biết nhau, và do sự quen biết nhau ấy nên mọi người có quyền được mua chịu và bán chịu cho nhau, bố tôi cũng không phải là ngoại lệ. Bố tôi có thể mua chịu một vài cân thịt lợn ở quán cô Thảo, và cô Thảo cũng có thể nhờ bố tôi đóng cho cô ấy một cái bàn, cô ấy sẽ gửi tiền cho bố tôi vào dịp gần đến Tết. Từ đây nảy sinh ra một vấn đề phức tạp đó là mỗi dịp khi gần đến Tết, bố tôi tính là nhà tôi sẽ có rất nhiều tiền để ăn Tết nhưng thực tế thì không phải như vậy, phần lớn số tiền mà bố tôi nói đến chỉ là số tiền mà người ta đang nợ, khi họ không trả thì sẽ chẳng có một đồng nào hết. Tôi chắc chắn là nhiều người trong số chúng ta cũng thường xuyên mắc phải sai lầm này, đó là sự ảo tưởng về số tiền trên giấy. Vào một ngày đẹp trời, bạn chi tiêu quá tay để mua sắm quần áo và tự an ủi mình rằng, sắp có lương rồi khỏi lo. Ở đây có hai rủi ro mà bạn có thể nhìn thấy ngay được đó là số lương của bạnvì lý do nào đó mà bị thất lạc, hoặc có thể chỉ vài ngày sau bạn có việc quan trọng phải dùng hết số lương ngay khi vừa nhận được, đó là những kịch bản bạn đã lường trước hoặc cũng có thể không. Thêm một điều nữa và đây chính là điều khiến cho nhiều công ty phá sản, nhiều người luẩn quẩn mãi ở trong cái vòng tài chính mà không sao thoát ra được, đó là nợ. Khi đi vay một khoản nợ, số tiền mà bạn phải trả hàng tháng chỉ là một số tiền nhỏ so với mức lương hàng tháng, bạn hoàn toàn có thể chi trả chúng một cách dễ dàng. Có thể nhận thấy ngay một điều đó là bạn chưa hề nhận được số tiền lương trong tương lai, đó vẫn chỉ là những đồng tiền trên giấy và bạn mang một khoản tiền trên giấy để đảm bảo cho một khoản vay có thật, đó thực sự là một mối hiểm hoạ lớn trong tương lai. Nếu như mọi chuyện êm đẹp thì sẽ chẳng có gì để nói, nhưng nếu nó không như vậy thì sao? Ai có thể đảm bảo được rằng trong vài tháng sắp tới bạn không bị đuổi việc, hoặc công ty bạn phá sản. Ai có thể đảm bảo được rằng trong vài tháng tới sẽ không có chuyện gì đột xuất xảy đến, khi nó xảy đến thật và bạn không còn đủ số tiền để chi trả cho khoản lãi hàng tháng thì sao, chắc chắn bạn sẽ phải đi vay một ai đó hoặc một bên khác để có tiền chi trả cho bên này, vậy là nợ lại chồng nợ, thật khó khăn vô cùng. Hãy cẩn thận với những đồng tiền trên giấy, đừng đánh cược một thứ không hề có cho một khoản nợ to đùng trước mặt, tất nhiên trong đầu tư bạn sẽ phải dùng đến nó nhưng hãy dùng khi mà bạn có thể đảm bảo rằng số tiền mà bạn giả định sẽ nhận được là chắc chắn và có những phương pháp để đối phó với rủi ro khi mà nó không như ý muốn. Hãy thật chắc chắn, và tốt nhất là hãy đưa ra quyết định khi cầm tiền trong tay, nhớ là tiền thật chứ không phải những đồng tiền trên giấy.


Screen Shot 2019-01-10 at 21.15.27



  • Hiểu những gì cần hiểu

Bạn không cần phải hiểu hết thị trường, cũng không cần phải hiểu hết tất cả mọi thứ, hãy hiểu lĩnh vực mà bạn đang đầu tư, vậy là đủ, vậy là tốt nhất. Học quá nhiều thứ là điều không thể, vậy nên hãy tập trung vào một thứ cốt lõi đủ để mang lại bạn lợi nhuận một cách đều đặn rồi hãy tính tới việc đầu tư sang lĩnh vực khác. Như cá nhân tôi thường dành khoảng 70% tài sản để đầu tư vào những quỹ an toàn như quỹ mở, số còn lại phân chia dần theo các mức rủi ro khác nhau, còn tuỳ thuộc vào thương vụ và lĩnh vực đó nữa, trước khi đầu tư bạn nên tìm hiểu kỹ, nếu cảm thấy không thực sự hiểu nó thì tốt nhất không nên tham gia.


  • Cạm bẫy tài chính

Nếu như ai làm kế toán thì có thể biết rõ một điều đó là tài chính có rất nhiều giả định và ước tính. Bạn đừng nên tin vào những con số, vì chúng hoàn toàn có thể chỉ là giả dối, chỉ là những con số do ai đó tự vẽ ra, chẳng có chút giá trị nào hết. 


  • Lợi nhuận và rủi ro

Sẽ có một bài viết riêng về vấn đề này vì nó thực sự hay và phức tạp nữa. Từ rủi ro có nguồn gốc từ động từ "riscare" trong tiếng Ý, có nghĩa là "dám". Do đó, thực thể kinh doanh "dám" tạo ra lợi nhuận bằng cách tận dụng các cơ hội có nguy cơ rủi ro, vậy nên nếu đầu tư mà không có rủi ro thì cũng đồng nghĩa với việc không có lợi nhuận.


  • Buôn có bạn, bán có phường

Đừng bao giờ đi ăn một mình, nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Hãy kết bạn, hãy làm quen và hãy tạo dựng mối quan hệ với những người mà theo đánh giá của bạn là có tiềm năng, có kiến thức, có đam mê, khát khao làm giàu. Tất nhiên là kết bạn cũng phải có chọn lọc nữa nhưng nên kết bạn với những người có kiến thức về lĩnh vực mà bạn còn thiếu, học hỏi từ những người đó kết hợp với tự học nữa sẽ giúp bạn thăng tiến nhanh hơn rất nhiều đấy.


  • Đầu tư theo mô hình kim tự tháp

Có nhiều người chưa tham gia đầu tư vì chưa có nhiều tiền phải không vậy sẽ ra sao nếu bây giờ bạn nhận được 1 triệu đô và bạn phải đầu tư số tiền ấy, bạn sẽ làm như thế nào? Một nhà đầu tư thông minh là nhà đầu tư luôn biết cách làm cho đồng tiền sinh ra lợi nhuận từ trên lợi nhuận còn nhà đầu tư ngu ngốc là những kẻ biến những khoản lỗ nhỏ thành những khoản lỗ lớn, tôi sẽ giải thích điều này. Chiến lược đầu tư của tôi đi theo mô hình kim tự tháp, chiến lược này có một vài đặc điểm nổi bật như sau:

  • Bảo toàn số tiền gốc
  • Làm cho số tiền gốc phát sinh lợi nhuận
  • Lợi nhuận phải được sinh ra từ lợi nhuận
  • Đầu tư theo mức độ rủi ro từ thấp đến cao
  • Tổng tài sản của hai tầng liền kề nằm trong khoảng 80% trở lên
  • Không nên tạo quá nhiều tầng, chỉ tạo thêm khi tầng bên dưới thực sự vững chắc và ổn định.


Ví dụ: Nếu bỗng nhiên tôi nhận được 1 triệu đô thì ngay lập tức tôi sẽ làm gì? Theo những nguyên tắc ở trên thì đầu tiên chúng ta phải tìm cách bảo toàn số tiền gốc và phải làm cho nó phát sinh lợi nhuận vậy nên tôi chọn cách tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại đó là mang khoản tiền này đi đầu tư vào một nơi có tỷ suất sinh lời cao hơn lạm phát và tỷ lệ rủi ro thấp nhất có thể -> Mang tiền đi gửi ngân hàng - đó là điều đầu tiên tôi sẽ làm.

Việc này giúp tôi bảo toàn được số tiền gốc -> đó là ưu tiên hàng đầu và nhận được một khoản lợi nhuận đều đặn, tôi sẽ dùng số lợi nhuận thu được để tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực khác. Nếu thua lỗ thì khoản tiền gốc của tôi vẫn được bảo toàn, còn nếu đầu tư có lãi, thì như tôi đã nói nó là khoản lợi nhuận phát sinh dựa trên khoản lợi nhuận, lãi mẹ đẻ lãi con, và sau một thời gian với nhiều khoản mục đầu tư khác nhau, thì lại tiếp tục lấy lợi nhuận đó xây dựng tầng tiếp theo của chiến lược kim tự tháp.


Giả sử sau 3 năm đầu tư bạn phát sinh lợi nhuận, thì tầng đầu tiên vẫn là 1 triệu đô, tầng thứ 2 có khoảng 600 ngàn đô và bạn lại chỉ lấy tiền ở tầng thứ 2 để đầu tư tiếp chứ không chạm vào số tiền lãi của tầng thứ nhất nữa, số tiền đó bạn sẽ dùng để xây cho tầng thứ 2 lớn dần, khi nó lớn bằng 80% tầng thứ nhất thì bạn có thể đẩy khoản thừa đó xuống tầng thứ nhất hoặc xây tiếp tầng thứ 3, cứ liên tục như vậy, và tôi gọi đó là chiến lược đầu tư theo mô hình kim tự tháp. Còn những nhà đầu tư khác thì sao, họ cũng đầu tư theo mô hình này nhưng lại đi đảo ngược nó lại, tức là ban đầu không hề có tiền, họ đi vay để có tiền đầu tư, đi vay không hề xấu nhưng nếu vay số tiền quá lớn và đầu tư vào những dự án quá rủi ro thì khả năng mất tiền là rất cao, nếu có lãi thì nó phải lớn hơn số tiền lãi hàng tháng cộng với khoản vay đầu thì mới được gọi là có lãi, điều này thực sự là không dễ dàng, nếu có lãi thì cũng là khoản lợi nhuận dựa trên một khoản tiền đi vay, bạn vẫn đứng trên bờ vực rủi ro rất cao. Nếu thua lỗ thì sao, đó là điều tồi tệ, và đúng như lời tôi nói, bạn tạo ra thêm một khoản lỗ từ một khoản thua lỗ -> ngay cả những tổ chức lớn còn không chịu nổi điều này, là một nhà đầu tư cá nhân, không có tiềm lực thực sự mạnh mẽ thì phá sản là điều đã nằm ngay trước mắt.


  • Giàu có không dành cho số đông

Tôi xin lỗi khi phải nói ra điều này nhưng đó là sự thật, bạn có thể là người rất thông minh, bạn cũng đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể giàu có, đừng đổ lỗi cho bất cứ ai hay tự trách móc chính bản thân mình, bạn có thể giỏi đấy nhưng ngoài kia còn có rất nhiều người giỏi hơn bạn, và dĩ nhiên khi họ giỏi hơn thì họ giàu có hơn là điều công bằng, phải không nào. Chúng ta hướng tới xây dựng một xã hội công bằng nhưng thế nào là xã hội công bằng, nơi mà tất cả mọi người đều giàu có như nhau, có tài sản như nhau, thực ra chúng ta đã trải qua rồi, đó là xã hội nguyên thuỷ, cùng làm cùng ăn, cùng hưởng, hay như mô hình hợp tác xã trong thời kỳ bao cấp, người làm ít, kẻ làm nhiều nhưng đến cuối cùng, tất cả ọi thứ luôn được chia đều, theo tôi đó là một xã hội vô cùng bất công. Rõ ràng là tôi thông minh hơn, tài giỏi hơn, chăm chỉ, cố gắng, nỗ lực mỗi ngày, vậy thì tôi phải giàu có hơn những kẻ lười biếng khác chứ, chẳng nhẽ sau tất cả, tài sản của tôi lại phải chia cho kẻ không làm gì, đó quả thật là sự bất công quá lớn. Vậy nên, nếu muốn giàu có, bạn hãy nhìn sang những người giàu có mà xem, bạn đã thông minh được như họ hay chưa? Và nếu thông minh được như họ rồi thì bạn đã nỗ lực được như họ hay chưa? Mọi sự thành công đều có giá của nó và sự giàu có cũng vậy. Hôm nay bạn đọc được dòng chữ này, ngày mai bạn có thay đổi bản thân mình hay không? Có chịu đọc sách, tìm hiểu kiến thức về tài chính, thoát ra khỏi vùng an toàn để trở nên giàu có, hay vẫn chỉ ngồi đó và mơ mộng, chấp nhận cuộc sống nghèo khó như bao nhiêu người khác. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, nếu bạn đang nghèo khó thì đó là do bạn chứ không phải là do bất cứ ai, đừng đổ lỗi cho thời thế, đừng đỗ lỗi cho chính phủ, đừng làm trò cười cho thiên hạ nữa, đó là lời khuyên thật lòng của tôi đấy.

Từ khóa: 

tài chính

,

đầu tư & tài chính