Kỹ năng mềm và vai trò của kỹ năng mềm
Trong thời gian gần đây, mình đã chia sẻ khá nhiều các bài viết trong chuyên mục Kỹ năng mềm trên Noron.vn. Sở dĩ mình làm điều này một mặt vì viết là một sở thích mình thực hiện hàng ngày, mặt khác việc chia sẻ những thông tin hữu ích mình đọc được, nghe được, những điều mình đã làm được là một trong những niềm vui của mình. Mình hy vọng những câu chuyện chân thực của bản thân, những kinh nghiệm, quan điểm sống của mình sẽ có ích với những ai đó cần và truyền được nguồn năng lượng, cảm hứng sống tích cực cho các bạn để các bạn có thể lựa chọn cho mình một cuộc sống thực sự ý nghĩa.
Tuy nhiên, quá trình viết mình nhận ra rằng dường như mình mới chỉ đang chia sẻ cho các bạn phần ngọn (những kỹ năng cần có và cách rèn luyện) chứ chưa phải là phần gốc của vấn đề (động cơ để rèn luyện kỹ năng mềm cũng như những yếu tố nền tảng cần có như thái độ, phương pháp) giúp bạn có khả năng tự mình rèn luyện kỹ năng mình cần chứ không phụ thuộc vào ai khác. Bạn hình dung cũng như một cái cây nếu bạn chỉ chăm lo phần ngọn mà quên không chăm bón phần rễ, tạo dựng một bộ rễ vững chắc, bám sâu vào lòng đất thì cái cây đó sẽ khó có thể đứng vững và đến một lúc nào đó nó sẽ đổ.
Chính vì vậy, song song với các bài viết chia sẻ về kỹ năng cụ thể mình sẽ dành thời gian nhiều hơn để viết các bài viết chia sẻ về chủ đề Kỹ năng mềm nói chung. Các bài viết của mình sẽ xoay quanh các nội dung: Kỹ năng mềm là gì? Tại sao phải rèn luyện kỹ năng mềm? Làm thế nào để rèn luyện Kỹ năng mềm? Cũng như các bài viết sâu hơn về việc rèn luyện Kỹ năng mềm như thế nào, như: Có nên theo học các lớp dạy phát triển bản thân của các diễn giả truyền cảm hứng ở Việt Nam hiện nay không? Nên tìm kiếm và lựa chọn dòng sách chủ đề Kỹ năng mềm/Phát triển bản thân như thế nào? Cách đọc sách và ghi chú nội dung, chuyển hóa kiến thức lĩnh hội được vào trong thực tiễn đời sống.
Mình cũng sẽ cố gắng cung cấp cho các bạn một list các sách về Kỹ năng mềm hay cũng như review một số cuốn thực sự chất lượng đã giúp mình có những thay đổi về nhận thức, tư duy mà mình đã đọc giúp các bạn tiết kiệm thời gian lựa chọn giữa một thị trường “mênh mông biển sách” như hiện nay. Các bạn cùng đón đợi các bài viết của mình nhé!
Kỹ năng mềm là gì?
Trong đời sống hiện nay, thuật ngữ “kỹ năng mềm” không còn quá xa lạ với nhiều người. Hàng ngày trong giao tiếp hay trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội chúng ta bắt gặp thường xuyên các bài viết chia sẻ, nhấn mạnh vai trò của kỹ năng mềm, các kỹ năng mềm cần có, các lớp dạy kỹ năng mềm trong và ngoài trường học, các câu lạc bộ, trung tâm đào tạo về Kỹ năng mềm có ở khắp mọi nơi, online cũng như offline…
Vậy kỹ năng mềm là gì? Thực ra, như mình biết có khá nhiều cách gọi khác về kỹ năng này, như: kỹ năng xã hội (social skills), kỹ năng sống, kỹ năng chung…nhưng hiện nay phổ biến và được nhiều người sử dụng hơn cả là thuật ngữ kỹ năng mềm (cách gọi kỹ năng mềm để phân biệt với một kỹ năng khác bên cạnh nó là kỹ năng cứng).
Như bạn biết, 3 yếu tố cần có để bạn có thể đạt được điều mình muốn: Kiến thức, Kỹ năng, Thái độ. Trong đó, thái độ sống tích cực là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng giúp bạn vượt qua những khó khăn, thử thách để đạt được hạnh phúc và thành công. Bên cạnh đó, bạn sẽ cần phải có kỹ năng nhất định – cái giúp bạn có thể hiện thực hóa điều mình muốn. Kỹ năng chính là khả năng thực hiện có hiệu quả một hành động/hoạt động nào đó bằng cách lựa chọn phương pháp phù hợp và vận dụng những tri thức, kinh nghiệm bạn có được vào trong thực tiễn hành động.
Trong kỹ năng hiện nay, chúng ta thường chia ra 2 loại chính: kỹ năng cứng và kỹ năng mềm (cách gọi mang tính ước lệ, tượng trưng và cần được hiểu theo nghĩa bóng). Kỹ năng cứng thường được hiểu là kỹ năng chuyên môn, kỹ năng cần có, riêng có của công việc cụ thể mà bạn đang làm.
Ví dụ: mình là một giảng viên tại một trường đại học, công việc chính của mình là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn, mình cần có kỹ năng sư phạm (kỹ năng soạn giáo án, thiết kế - tổ chức giờ dạy học, kỹ năng viết bảng, đặt vấn đề, câu hỏi, tương tác với sinh viên, khơi gợi trí tò mò, dẫn dắt người học vào con đường khám phá tri thức, kỹ năng giải quyết vấn đề trong môi trường học đường…). Các kỹ năng này khi còn là sinh viên mình được dạy khá bài bản qua các môn học về phương pháp giảng dạy. Điều này tạo ưu thế nhất định cho sinh viên ngành sư phạm khi đi dạy so với sinh viên các trường khác khi trở thành giáo viên.
Còn kỹ năng mềm là kỹ năng bổ trợ, kỹ năng chung mang tính phổ quát mà gần như ai cũng cần để giúp cho cuộc sống và công việc được thuận lợi. Ví dụ, đó là các kỹ năng mềm giúp bạn quản trị bản thân như cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy tích cực, thấu hiểu bản thân, hình thành động cơ và thái độ đúng…hoặc các kỹ năng liên quan đến lối sống của bạn như: kỹ năng giao tiếp - ứng xử, quản lý thời gian, rèn luyện sự kiên trì, bền bỉ, lập kế hoạch và hành động và đôi khi kỹ năng mềm có thể bao gồm cả kỹ năng làm việc, như: rèn luyện sự tập trung khi làm việc, thiết kế và quản lý chiến lược, phân tích, sắp xếp công việc, tổ chức và điều hành hội họp…
Thực ra, sự phân loại trên chỉ mang tính chất tương đối vì đôi khi kỹ năng cứng và kỹ năng mềm có sự đan xen lẫn nhau, tác động qua lại và tồn tại trong cùng một công việc. Ví dụ, công việc của mình hiện tại mình nhận thấy kỹ năng mềm nhưng đồng thời lại chính là kỹ năng cứng, như: kỹ năng giao tiếp - ứng xử chính là kỹ năng tương tác trong lớp học, kỹ năng cân bằng cảm xúc giúp mình có năng lượng tốt hơn và cách giải quyết vấn đề rõ ràng, mạch lạc…
Vì sao cần phải rèn luyện kỹ năng mềm?
Mình có nhớ một nhận định cho rằng “Thế kỷ XXI là thế kỷ dựa vào kỹ năng”. Vì vậy, cần lắm “Kỹ năng mềm phải thật cứng, Kỹ năng cứng phải rất mềm”. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, theo quan sát của mình, có rất nhiều người có khả năng chuyên môn, năng lực nghề nghiệp tốt nhưng lại rất yếu và thiếu kỹ năng mềm (như kỹ năng giao tiếp - ứng xử, kỹ năng thuyết trình, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, kỹ năng viết, làm việc nhóm, quản trị cảm xúc, giải quyết xung đột, kỹ năng đàm phán…), đặc biệt là ở các bạn trẻ (theo Viện Nghiên cứu Giáo dục, năm 2010 có khoảng 83% sinh viên ra trường bị đánh giá là thiếu Kỹ năng mềm). Đó cũng là lý do mình tham gia vào chuyên mục Kỹ năng mềm của Noron.vn một cách nhiệt thành nhất qua những bài viết chia sẻ câu chuyện trải nghiệm chân thực của bản thân, những thông tin mình đọc được, nghe được, những điều mình đã làm được trong việc hình thành và rèn luyện các kỹ năng mềm để giúp các bạn có thể thành công trên giảng đường đại học (thu thập kiến thức nhanh, thông minh; ngoạn mục vượt qua các kỳ thi; cân bằng giữa học thêm, chơi, yêu…) cũng như thành công sau khi tốt nghiệp (xin việc, tạo lập và duy trì các công việc, kỹ năng tối ưu hoá công việc tăng hiệu suất làm việc, kết nối mối quan hệ với đồng nghiệp, cân bằng công việc và cuộc sống…). Vậy vì sao mình cần rèn luyện kỹ năng mềm? Có thể có nhiều lý do nhưng ở đây mình đưa ra 3 lý do chính yếu nhất mà mình đã đúc rút lại được sau quá trình rèn luyện kỹ năng mềm và đã được minh chứng bằng những kết quả mình có được.
Kỹ năng mềm giúp bạn hoàn thiện và phát triển bản thân
Nhờ có quá trình rèn luyện kỹ năng mềm trong suốt thời gian qua, bản thân mình đã có rất nhiều thay đổi trong tư duy, suy nghĩ, thói quen, lối sống…Từ một người khá “an phận”, luôn tự “ru ngủ” bản thân với những suy nghĩ phó mặc cho số phận, hài lòng với cuộc sống bình lặng, đơn giản và thậm chí tẻ nhạt, vô vị mình quyết định kết nối với bản thân nhiều hơn (xác định điều mình thực sự muốn, điểm mạnh và yếu …qua kỹ năng thấu hiểu bản thân), bước ra khỏi vòng an toàn, chui ra khỏi vỏ kén mà bấy lâu bủa vây mình, đập tan thói quen nghiện “sự chắc chắn”, mình bắt đầu dấn thân và thử nghiệm trên rất nhiều những lĩnh vực khác nhau, tham gia kết nối và mở rộng các mối quan hệ, đọc sách nhiều hơn, học hỏi nhiều ngành nghề, tri thức mới… Càng mở rộng mình càng thấy còn quá nhiều điều mình chưa biết, nhiều điều mình cần học và muốn học. Và cứ thế mình tiến bộ, thay đổi mỗi ngày, mỗi ngày. Bạn có thể đọc thêm các bài viết chia sẻ của mình về chủ đề này: Thấu hiểu bản thân,
Kỹ năng mềm giúp bạn có cuộc sống tích cực, ý nghĩa
Hành trình thay đổi bản thân với việc áp dụng và rèn luyện các kỹ năng mềm trong cuộc sống đã giúp mình thấu hiểu bản thân hơn, enjoy and happy hơn với cuộc sống, cảm nhận được những điều thú vị mà lâu nay dường như mình đã bỏ quên đâu đó trong những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, trong sự an phận thủ thường hay vòng an toàn của bản thân. Mình cũng nhận ra rằng mỗi người là một cá thể độc lập, có tính cách, số phận, mong muốn, nhu cầu, thị hiếu, lối sống…riêng. Kể từ đó, mình an nhiên hơn với bản thân, sống khoan dung hơn với những người xung quanh, tôn trọng sự khác biệt, không so sánh mình với người khác, không ghen tị với thành công của ai đó, không coi thành công của người khác là mục tiêu mà mình phải đạt được. Mình cũng cố gắng hạ thấp cái Tôi, không phán xét, dán nhãn hay áp đặt quan điểm của mình cho người khác; luôn nhìn nhận mọi thứ xung quanh, mọi thứ đến với mình với thái độ tích cực nhất… Bạn có thể đọc bài viết Thái độ sống tích cực – nền tảng của hạnh phúc, thành công trên chuyên mục này nhé.
Kỹ năng mềm giúp hỗ trợ công việc
Thật tuyệt vời từ khi tìm hiểu, áp dụng và rèn luyện các kỹ năng mềm, công việc của mình cực kỳ thuận lợi, hiệu suất làm việc cao hơn và trở nên nhẹ nhàng hơn. Trước đây mình thường bị “bấn loạn” trong sắp xếp công việc, việc chồng việc, không biết nên làm việc gì trước, việc gì sau, sắp xếp thời gian ra sao cho cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình cũng như những sở thích, thú vui riêng. Làm sao để mỗi ngày đến cơ quan là một ngày vui chứ không phải là cảm giác nặng nề, mệt mỏi mỗi sáng đi làm? Để mỗi giờ dạy trở nên sinh động và tràn đầy năng lượng, truyền cảm hứng cho sinh viên của mình. Làm sao để có mối quan hệ tốt với sếp, với đồng nghiệp? Làm sao để khẳng định giá trị và năng lực bản thân nơi làm việc?....Nhưng giờ đây, mọi thứ với mình trở nên thật dễ dàng. Mình đã tìm được niềm vui trong công việc, động lực sống tích cực và tràn đày năng lượng, nhiều ý tưởng được nảy sinh…Tất cả nhờ việc áp dụng và kiên trì rèn luyện kỹ năng mềm trong suốt thời gian qua. (Mình sẽ chia sẻ về các kỹ năng mềm cần có trong môi trường làm việc với các bạn trong những bài viết tiếp theo nhé).
Có lẽ mình cũng không cần phải viết và phân tích thêm nữa bởi thực sự trong đời sống hiện nay, ai trong chúng ta cũng đều ý thức được vai trò quan trọng của kỹ năng mềm. Chỉ có điều giữa việc chúng ta biết với việc chúng ta làm dường như vẫn có "đô vênh" nhất định (kiểu như biết rồi nhưng để đấy). Thế nên điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta hãy chuyển hóa từ việc biết sang làm và thực hành nó hàng ngày từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Mình tin rằng, đến một ngày nào đó, sau tất cả những nỗ lực và sự kiên trì bạn hoàn toàn làm chủ cuộc sống và công việc của bạn vì bạn đang “sở hữu” một bộ kỹ năng mềm nhờ vào chính nỗ lực của bạn chứ không phụ thuộc vào một ai khác hay môi trường bên ngoài.
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết của mình. Chúc các bạn một ngày mới tốt lành!
kỹ năng mềm
,vai trò
,kỹ năng mềm
Vậy kỹ năng cứng và kỹ năng mềm cái nào quan trọng hơn. Nếu phải chia tỷ lệ thì theo chị giữa cứng và mềm là bao nhiêu %
Chu Duy Linh
Vậy kỹ năng cứng và kỹ năng mềm cái nào quan trọng hơn. Nếu phải chia tỷ lệ thì theo chị giữa cứng và mềm là bao nhiêu %
Hương Angel
Đến đâu để học và làm thế nào để nâng cao kỹ năng mềm của mình được chị? Em rất thích các kỹ năng về giao tiếp và thuyết phục khách hàng. Hiện em đang tự học online.
Giang Trúc
Đúng là em thấy rất ít người chịu chú tâm cải thiện kỹ năng mềm của mình.