Cứ thử đi vì cuộc đời cho phép...
Cô bạn thân mình thường bảo “Cứ thử đi, Tội gì”. Uh, thì thử bởi suy cho cùng “có mất gì đâu”. Thế là mình chậc lưỡi và quyết định dấn thân, thử nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau: lần đầu tiên trở thành diễn viên múa “không chuyên” trên sân khấu, nhảy điệu zumba bốc lửa, tổ chức workshop “Kỹ năng mềm cho sinh viên”, tham gia các chương trình talk chia sẻ về kỹ năng cho sinh viên trong và ngoài trường, làm diễn giả cho một số chương trình của các trường Đại học, khách mời cho sự kiện online “Lớp học Covy”, sự kiện truyền thông về “ Phòng chống Bạo lực gia đình”, chương trình “Sách và cuộc sống” kênh VOV (Vietnam Journey) của Đài tiếng nói Việt Nam, làm điều phối viên cho chương trình Game “Truy tìm bạn sách” (do Trung tâm Trẻ em và phát triển tổ chức) dành cho các bạn nhỏ dưới 15 tuổi, xung phong làm Leader cho một đội nhóm, viết bài chia sẻ kinh nghiệm trên mạng xã hội…
Mình đã có được những gì qua những lần thử đó?
Có thể nói, với mình mỗi lần thử là một lần “dấn thân” bởi trước đây mình vốn là một người khá lặng lẽ, “an phận”, luôn tự “ru ngủ” bản thân với những suy nghĩ phó mặc cho số phận, hài lòng với cuộc sống bình lặng, đơn giản và thậm chí tẻ nhạt, vô vị. Các chương trình, hoạt động mà mình đã “liều mình xông pha” cho dù ở tư cách nào cũng đều cho mình những trải nghiệm hết sức thú vị, những cảm xúc khác nhau và mình đã vô cùng ngạc nhiên về chính khả năng của mình “Không nghĩ là mình có thể làm được và thậm chí làm tốt nữa” điều mà bấy lâu nay những suy nghĩ về mặc cảm bản thân, sự sợ hãi đã kìm hãm mình. Và điều quan trọng là giúp mình tự tin hơn để bước tiếp, cho phép mình “dám thử” và dấn thân ở những sân chơi khác. Chính vì vậy, lời khuyên của mình dành cho các bạn là đừng bao giờ hạn chế bản thân, hãy cho phép mình được thử, được làm và được fail - thất bại. Bởi lẽ:
Thử sẽ giúp bạn biết mình là ai (thấu hiểu bản thân): biết điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục, biết mình phù hợp với cái gì và không phù hợp với cái gì, biết mình làm được gì và không làm được gì, biết mình sai ở đâu, thiếu gì để tìm cách “lấp đầy những khoảng trống”. Ví dụ như trong tất cả những lần đã “thử” mình nhận ra mình có khả năng thuyết trình trước đám đông, có khả năng viết, khả năng làm leader…nhưng nếu là một hoạt náo viên thì đó lại không phải là điểm mạnh của mình.
Thử để đưa bản thân ra khỏi vùng an toàn, thoải mái, là quá trình khám phá năng lực của bản thân. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết mình còn có quá nhiều điểm mạnh mà chính bản thân mình đang giam hãm nó trong một vòng tròn luẩn quẩn, khép kín.
Thử là bước qua sự sợ hãi, sự tự ti của bản thân để đưa mình vào chính những điều mà mình chưa làm bao giờ, đôi khi bị bủa vây bởi suy nghĩ “không làm được”, giúp bạn chiến thắng chính mình.
Thử là một cách làm mới chính mình, làm mới cuộc sống, biến những điều vô vị, nhàm chán, lặp đi lặp lại trở nên mới mẻ, thú vị hơn, giúp cuộc sống của bạn thăng hoa với những khoảng khắc và những cảm xúc bất ngờ.
Thử để giúp thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực: Bạn sẽ không còn khép kín, chôn chặt mình trong những vòng luẩn quẩn, những nỗi u buồn, ủ dột, những cảm xúc tiêu cực đang bủa vây…Bạn sẽ bước ra ngoài và cảm nhận về cuộc sống muôn màu muôn vẻ để thấy rằng “Cuộc sống này còn quá nhiều điều thú vị, nhiều điều bạn chưa biết, nhiều điều cần khám phá và đang đón đợi bạn ở phía trước vậy nên cớ sao bạn phải buồn”.
Và tất nhiên rồi thử chính là một quá trình học – học qua trải nghiệm, học từ thực tiễn đời sống, học qua thất bại và chắc chắn sự học nào cũng sẽ đem đến cho bạn những kiến thức vô cùng lý thú, bổ ích mà đôi khi không có trong sách vở.
Một số lưu ý:
Tuy nhiên, mình nói vậy không có nghĩ là bạn sẽ “cắm đầu cắm cổ” vào các hoạt động trải nghiệm, lao theo như một con thiêu thân mà không cần biết mọi thứ xung quanh. Bạn cần phải có lựa chọn “sự thử” cho phù hợpvới nhu cầu, mong muốn của bản thân. Muốn vậy bạn phải hiểu chính mình: nhu cầu, hoàn cảnh, mong muốn, lĩnh vực bạn thực sự quan tâm và muốn làm.
Thử không có nghĩa là gi gỉ gì gi cái gì cũng thử (như mình sẽ không bao giờ khuyên bạn nên thử hút ma tuý, thử ăn trộm, thử giết người đâu nhé). Nghĩa là bạn cần biết chắc lọc, tìm kiếm những trải nghiệm mà bạn tin rằng nó sẽ cho bạn bài học, kinh nghiệm bổ ích nào đó (cho dù sự thử đó có thất bại đi chăng nữa). Điều quan trọng là qua mỗi lần thử bạn cần có nhìn lại, sự chiêm nghiệm và tự rút ra bài học bản thân. Đó mới là giá trị thực sự của “sự thử” mà bạn có được.
Điều cuối cùng mình muốn nói với bạn rằng hãy thử và làm, đừng bao giờ giới hạn bản thân. Chỉ khi bạn hành động bạn mới biết mình có những khả năng gì, điều gì làm mình vui, điều gì không phải là điểm mạnh của mình. Hãy thoát ra vùng thoải mái, vùng an toàn, sự thụ động, an phận thủ thường, vỏ kén mà bấy lâu nay bạn ngụy trang cho mình để dấn thân, để thử nghiệm. “Hãy phá vỡ cái hộp của mình đi. Con bướm muốn xinh đẹp, muốn bay cao thì phải phá vỡ cái tổ kén. Con ve muốn trưởng thành thì phải lột xác. Con đại bàng muốn sống lâu thì phải tự nó đập vỡ móng vuốt. Mỗi giai đoạn cuộc đời, bạn cần phải thay đổi bản thân mình thì mới lớn lên được. Đừng đợi có biến cố rồi mới thay đổi bản thân” (bloger Đoàn Nhật Quang). Chính vì vậy, hiện nay mình vẫnđang thử trong nhiều trải nghiệm mới, tiếp tục khám phá năng lực, hiện thực hóa tiềm năng của bản thân. Mình tin rằng sự trải nghiệm dù thế nào cũng sẽ đem đến cho bạn những điều thú vị.
kỹ năng mềm
Cảm ơn bài viết của chị. Em thấy đa số mọi người hay ngại "thử" (trong đó có cả em) vì sợ thất bại, sợ mình khác biệt so với đám đông,.... Cho đến bây giờ mỗi khi định dấn thân vào địa hạt gì mới, em cũng đều phải dồn hết dũng cảm của mình lại để có thể vượt qua được ngưỡng "thử" ban đầu.
Giang Trúc
Cảm ơn bài viết của chị. Em thấy đa số mọi người hay ngại "thử" (trong đó có cả em) vì sợ thất bại, sợ mình khác biệt so với đám đông,.... Cho đến bây giờ mỗi khi định dấn thân vào địa hạt gì mới, em cũng đều phải dồn hết dũng cảm của mình lại để có thể vượt qua được ngưỡng "thử" ban đầu.