Thấu hiểu bản thân

  1. Phong cách sống

Trên hành trình mà chúng ta đang đi có bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi chính mình “Tôi là ai giữa cuộc đời này? Điều mà tôi thực sự muốn là gì? Tôi có giá trị, thế mạnh gì? Sự tồn tại của tôi có ý nghĩa gì không…và có thể còn rất nhiều, rất nhiều các câu hỏi khác. Nếu bạn đang thực sự băn khoăn, trăn trở về những điều này thì bạn đừng lo lắng bởi đó là bình thường, thậm chí là cần thiết để bạn có thể hiểu, tìm ra giá trị bản thân và từ đó tạo lập “bản sắc”, “căn cước”, “căn tính riêng” của chính mình. Làm được điều này có nghĩa là bạn đã thực “sự trưởng thành”. Sự trưởng thành mà tôi nói ở đây không đơn giản là sự lớn lên của lứa tuổi, sự ổn định về đời sống vật chất, có công danh sự nghiệp, gia đình, các mối quan hệ…theo những tiêu chí mà lâu nay chúng ta thường cho đó là đã đầy đủ để có thể coi là trưởng thành. Trưởng thành là khi chúng ta thực sự hiểu bản thân mình muốn gì, hiểu và đọc tên được những cảm xúc của mình và của người khác để có thể cân bằng hay quản trị được nó để từ đó có cách ứng xử hài hòa trong các mối quan hệ, là khi ta có chính kiến, quan điểm riêng, hành động trên nguyên tắc của cá nhân mà không phụ thuộc hay tuân thủ theo ý kiến của người khác và những quy ước chung của xã hội…Do đó, trưởng thành là khi bạn đạt được “căn tính” (identity) do mình tạo nên từ những lựa chọn của mình (tạo ra được bản thể: tôi là ai, hệ giá trị của tôi), là khả năng suy ngẫm đúng/sai và hành động theo hệ giá trị của mình, là đạt được năng lực, chỉ số thông minh cảm xúc (IQ). Tuy nhiên, để đạt được điều này không phải là đơn giản. Có những người ngay từ đầu đã rất rõ ràng về những điều mình mong muốn và nhanh chóng xây dựng kế hoạch cuộc đời, con đường, lộ trình mà họ sẽ đi. Nhưng cũng có thể có những người sau một khoảng thời gian dài lăn lộn trên đường đời, họ mới dừng lại và băn khoăn tự hỏi mình đã thực sự đi đúng hướng hay chưa. Có người tự nhận ra sự mờ nhạt của bản thân, không biết mình là ai, không biết phải làm gì và thấy cần phải thay đổi…Bạn đang ở trạng thái nào trong những trạng thái mà tôi nêu trên đây? Cũng có thể có mà cũng có thể không. Nhưng hầu hết ai trong chúng ta để đến được mục tiêu của cuộc đời cũng sẽ phải trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, những giai đoạn thăng trầm và có thể cả những khủng hoảng nhất định. Thậm chí, có những khoảng thời gian bạn sẽ cảm thấy “chơi vơi”, “hoang mang”, không biết mình là ai, không hiểu mình muốn gì, thích gì…điều đó không có nghĩa là bạn vô nghĩa mà thực sự nó là giai đoạn bắt đầu để bạn định vị lại bản thân mình, tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống, con đường mà mình muốn đi. Tôi sẽ giúp bạn điều này.

Đầu tiên, để có thể hiểu được bản thân, bạn cần có những khoảng lặng cần thiết, những giây phút bình yên, sâu lắng, kết nối với chính mình, lắng nghe con tim mình. Hãy dành cho mình nhiều thời gian hơn trong không gian yên tĩnh, hít thở sâu, tĩnh lặng, thoải mái… để có thể suy nghĩ tự bên trong trái tim mình về cuộc sống thực tại, về điều mình muốn.

Hãy thành thật với bản thân: ngừng sự trốn tránh, không chối bỏ hiện tại và truy vấn bản thân: tôi đang ở đâu? Đang gặp phải những vấn đề gì (những bức xúc, bực dọc, khó khăn, thử thách...), có điều gì về cuộc sống mà tôi đang sợ thừa nhận bởi chính mình? Điều gì tôi biết là tôi đang cần thay đổi nhưng tôi đang lẩn tránh?...Bạn sẽ hiểu được cuộc sống thực tại mà bạn đang sống có thực sự đem lại cho bạn hạnh phúc, điều mà bạn muốn hay không?

Hãy nghĩ đến điều mà bạn thực sự muốn, những ước mơ, khát khao bên trong con người bạn. Những giá trị cốt lõi mà bạn theo đuổi (sự tử tế, năng lực, chính trực…) và nhu cầu của bạn (nhu cầu được quý trọng, tôn trọng, được ghi nhận giá trị bản thân, giao lưu tình cảm và được an toàn…). Nhưng cần phải lưu ý rằng đó phải là điều mà trái tim bạn mách bảo chứ không phải là bạn làm vì người khác đang làm, vì cha mẹ bảo vậy, vì số đông đang theo…Nhưng làm thế nào để tôi biết được điều mình thực sự muốn? Để làm được điều này bạn cần đặt ra những câu hỏi cho chính mình: Trong cuộc sống điều gì quan trọng với bạn? Điều gì thường làm bạn vui, khích lệ bạn và bạn mong muốn được làm? Điều gì khiến bạn sẵn sàng vượt qua mọi rào cản, thử thách để đạt được nó…

Hãy tăng cường sự trải nghiệm để có thể khám phá năng lực bản thân. Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng hãy thử và làm, đừng bao giờ giới hạn bản thân. Chỉ khi bạn hành động bạn mới biết mình có những khả năng gì, điều gì làm mình vui, điều gì không phải là điểm mạnh của mình. Hãy thoát ra vùng thoải mái, vùng an toàn, sự thụ động, an phận thủ thường, vỏ kén mà bấy lâu nay bạn ngụy trang cho mình để dấn thân, để thử nghiệm. Tôi tin rằng sự trải nghiệm dù thế nào cũng sẽ đem đến cho bạn những điều thú vị. Bạn hãy cứ nghĩ mà xem nếu bạn được sinh ra trong gia đình mà bố mẹ tôn trọng, không chèn ép, cấm đoán mà cho phép bạn được thử sức với nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn sẽ nhanh chóng tìm ra indentity của mình. Nhưng ngược lại nếu cha mẹ là người áp đặt theo kiểu “đặt đâu con ngồi đấy” sẽ khiến cho bạn đi theo những gì là có sẵn, trở nên thụ động và an phận thủ thường.

Và không ngừng quan sát xung quanh, quan sát cách mà người khác đang ứng xử với bạn, xem việc gì mình được người khác chọn và việc gì mình không được người khác chọn (Highly choise và Never choice). Điều này sẽ giúp bạn nhìn lại chính mình, biết mình có điểm mạnh gì và điểm yếu gì, những gì mà người khác đã ghi nhận ở bạn.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là để có thể tạo ra cuộc sống bạn thực sự muốn không ai khác bạn chính là người tạo ra nó. Chỉ có những mong muốn đến từ bên trong, trong sâu thẳm con người bạn mới có thể tạo ra sự chuyển hóa mạnh mẽ, mang tính bền vững, có thể sẽ trở thành “cú hích” để giúp bạn thay đổi bản thân và cuộc sống của chính mình. Muốn làm được điều này bạn sẽ cần phát triển nhiều hơn sự kết nối, đặc biệt là dành nhiều thời gian kết nối với chính mình, lắng nghe con tim để có thể thực sự hiểu về bản thân. Chúc bạn thành công!

Từ khóa: 

thấu hiểu bản thân

,

phong cách sống