Những gia tộc quyền lực nhất lịch sử (Phần 6)
Đây là một series các bài viết về những gia tộc quyền lực nhất trong lịch sử của trang Highbrow. Đây không phải một bài đầy đủ phân tích về mỗi gia tộc này, bài viết chỉ mang tính chất cung cấp thêm kiến thức chung cho mọi người thôi. Nếu có hứng thú với gia tộc nào thì mọi người có thể tự tìm hiểu thêm thông tin.
Link website:
Các phần trước:
Nhà Minh
Việc chia rẽ trong nội bộ những người lãnh đạo Mông Cổ đã gây ra chiến tranh liên miên ở những vùng đất phía bắc Trung Quốc, và vào năm 1368, quân Mông Cổ cuối cùng đã bị đẩy về phía bắc. Trong khi đó, giữa lòng Trung Quốc, Chu Nguyên Chương đã vượt qua quá khứ từng là một cậu bé nghèo khổ, một thầy tu và đã vươn lên thành danh trong quân đội, loại bỏ các đối thủ nhà Nguyên và hoàng đế Đại Hán*, đánh chiếm Đại đô Bắc Kinh. Nguyên Chương tự xưng là Hoàng đế, gọi triều đại mà ông thành lập là “Minh”, có nghĩa là ánh sáng.
Chân dung hoàng đế Hồng Võ, Chu Nguyên Chương
Nhà Minh tiếp tục nắm giữ quyền lực ở Trung Quốc trong suốt gần 300 năm. Đây là một trong những thời đại thái bình nhất trong lịch sử Trung Quốc, nhưng nó cũng là một trong những thời đại ngột ngạt và hạn chế nhất đối với người dân. Trong thời kỳ này, nghệ thuật và kiến trúc được quy định chặt chẽ, một hệ thống luật dựa trên tôn giáo đã định hướng cho những hành vi của chính quyền và nhân dân, quyền lực cũng bị hạn chế, phần lớn đều nằm trong tay Hoàng đế. Những tác phẩm nghệ thuật thời nhà Minh là một trong những mặt hàng nghệ thuật được đánh giá cao nhất thế giới, đã kiếm được hàng nghìn đô la trong những cuộc đấu giá trên khắp thế giới.
Trong suốt những thế kỷ này, công nghệ và khoa học của Trung Quốc có những tiến bộ lớn. Đô đốc Trịnh Hòa của nhà Minh đã dong thuyền đến vùng duyên hải Châu Phi, và những thương nhân đã hình thành Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng chuyên cung cấp hàng hóa từ Trung Quốc tới Châu Âu. Lần đầu tiên thuốc súng được giới thiệu tới phương Tây chính là thông qua Con Đường Tơ Lụa này.
Triều Minh
Cuộc xâm lược và các cuộc tấn công từ phía Mông Cổ ở phía bắc vẫn diễn ra liên tục. Nhưng Trung Quốc vẫn có thể giữ vững và mở rộng đất đai của mình về phía Bắc, phần lớn nhờ vào việc mở rộng một bức tường hàng thế kỷ mà ngày nay được gọi là Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Tuy nhiên, các hoàng đế triều đại nhà Minh không bao giờ mở rộng thành công các vùng đất của họ ở phía nam và họ phải chịu nhiều thương vong từ sự xâm lược của Nhật Bản ở phía đông. Trong khi đó, người Mãn Châu bắt đầu đe dọa các vùng lãnh thổ phía đông bắc, và sau nhiều thất bại quân sự và bị các cố vấn của mình bỏ rơi, hoàng đế cuối cùng của nhà Minh, Sùng Trinh, đã tự sát vào năm 1644, dẫn đến việc thành lập triều đại nhà Thanh.
*hoàng đế Đại Hán này là Trần Hữu Lượng, là một thủ lĩnh quân phiệt thời “Nguyên mạt Minh sơ” trong lịch sử Trung Quốc. Năm Chí Chính thứ 19 (1359) Trần Hữu Lượng sát hại tướng Triệu Phổ Thắng và sau đó cùng Từ Thọ Huy dời kinh đô về Giang Châu (ngày nay là Cửu Giang, Giang Tây) tự lập làm Hán Vương. (wikipedia)
-Hết phần 6-
Wordpress của mình