Bàn về trinh tiết - Phần 4: Trinh tiết ở Việt Nam

  1. Văn hóa

Phần 1: Khái niệm


Phần 2:


Phần 3:



Người Việt từ xa xưa hay người châu Á nói chung do chịu ảnh hưởng từ nên văn hoá của Nho giáo nên xưa nay đều rất coi trọng vấn đề trinh tiết của người phụ nữ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có câu "Chữ trinh đáng giá nghìn vàng", thật tình cờ là buổi sáng nay tôi có mang theo cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du đi để đọc trên xe khi đi làm, trong đó có đoạn mà Thuý Kiều nói với Kim Trọng có liên quan đến vấn đề này, xin trích dẫn ra đây để mọi người cùng đọc, bắt đầu từ câu 505:


Đã cho vào bậc bố kinh

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Ra tuồng trên bộc trong dâu.

Thì con người ấy ai cầu làm chi

Phải điều ăn xổi ở thì

Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày!

Ngâm duyên kỳ ngộ xưa nay

Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi, Trương

Mây mưa đánh đổ lá vàng

Quá chiều nên đã đánh chán chường yến anh

Trong khi chắp cánh liền cành

Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên .

Mái tây để lạnh hương nguyền,

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

Gieo thoi trước chẳng giữ giàng,

Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?

Vội chi liễu ép hoa nài

Còn thân ắt cũng đền bồi có khi!


Sau khi nghe xong những lời trên thì cảm giác của Kim Trọng được miêu tả ngay sau đó chỉ với hai câu thơ nhưng cũng đầy đủ ý tứ:

Thấy lời đoan chính dễ nghe

Chàng càng thêm nể mười phân vì mười.


pexels-photo-807842


Người đàn ông luôn rất tôn trọng những người phụ nữ biết giữ gìn trinh tiết, họ có thể dễ dàng quan hệ với một người phụ nữ nào đó vì ham muốn thể xác nhưng từ sâu thẳm bên trong thì họ luôn coi thường người phụ nữ đó, dễ dãi cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ chẳng bao giờ nhận được sự tôn trọng thực sự từ đàn ông. Ngoài ra còn rất nhiều những câu khác như:

"Chữ trinh còn một chút này,

Xin anh cầm vững đừng giày nát tan".


Ngoài ra ca dao, tục ngữ còn có những câu như:


Gái khôn tránh khỏi đò đưa

Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta

hoặc nhân vật Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, vốn tiêu biểu cho những bậc nam nhi trọng lễ nghĩa, có câu nói với nàng Kiều Nguyệt Nga như sau:

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.


Trước kia, ở chế độ phong kiến Bộ Lễ của các triều đình định kỳ ban thưởng tấm bảng có 4 chữ Tiết hạnh khả phong (Tiết: Chí khí cứng cỏi. Hạnh: tính nết, đức hạnh. Khả: cho nên. Phong: phong thưởng) cho những phụ nữ có đức hạnh và có lòng chung thủy với chồng đã chết, để làm gương tốt cho dân chúng noi theo. Lễ rước biển có trống đánh và kèn thổi, đám rước sẽ dừng lại trước nhà thờ họ chồng để tiết phụ lễ bái tổ tiên nhà chồng, sau đó đám rước có thêm nhiều đám tháp tùng và cùng tiến về nhà thờ họ. Trên đường đám rước đi qua, ở đầu mỗi làng đều có thiết lập hương án cung kính đón chào, khắc ghi cho đông đảo người xem một ấn tượng khó phai mờ về sự tôn vinh mà xã hội dành riêng cho tiết hạnh của người quả phụ. Bàn thân người tiết phụ được người dân tôn kính, còn gia tộc 2 bên nội ngoại đều vô cùng tự hào vì đã làm rạng rỡ Gia phong tổ tiên. Tấm biển sẽ lưu lại nhà thờ họ, để gia tộc người tiết phụ lấy đó làm tấm gương răn dạy con cháu về phẩm chất "Tam tòng tứ đức, thủ tiết thờ chồng".

Hiện ở Việt Nam vẫn còn nhiều dòng họ lưu giữ được những tấm bảng có từ hàng trăm năm trước, truyền giữ suốt hàng chục thế hệ, được coi là bảo vật gia tộc để răn dạy con cháu về thuần phong mỹ tục tốt đẹp của tổ tiên. 


Sử thần Ngô Sĩ Liên viết:

"Công chúa Thiều Dương nghe tin Thái Tông băng, kêu gào mãi rồi chết; Lê thị nghe tin chồng chết, không ăn mà chết; Mỵ Ê phu nhân tiết nghĩa không thờ hai chồng, nhảy xuống sông mà chết; vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không phụ nghĩa chồng, cũng nhảy xuống sông chết theo chồng. Mấy người này đức hạnh thuần hiếu, trung trinh tiết liệt, trên đời thực không có nhiều. Các vua đương thời nêu khen họ để khuyến khích đời sau thực là phải lắm!".


Lịch sử Việt Nam ca ngợi nhiều tấm gương phụ nữ tiết hạnh. Sau đây xin kể ra để mọi người cùng biết:


  • Bà Chúa Kho, tên thật là Lý Thị Châu (? - ?), tục gọi là Châu Nương, là một viên quan nhà Trần (1225-1400). Năm 22 tuổi, bà về làm vợ một viên Thái bảo họ Trần (không rõ tên), làm chức Đốc bộ ở Châu Hoan (nay là Nghệ An & Hà Tĩnh). Cuối tháng 12 năm 1287, quân Nguyên chia làm 3 cánh tiến đánh Đại Việt. Thái bảo Trần được lệnh chặn địch ở phía sông Hồng, và ông đã tử trận sau nhiều ngày cầm cự để vua quan cùng quân sĩ rút lui an toàn. Nghe tin chồng mất, kinh thành sắp thất thủ, Lý Thị Châu cố nén đau thương để làm nhiệm vụ, bà sai quân chuyển kho, cất giấu của cải và lương thực. Khi mọi chuyện đã thu xếp xong, bà lấy khăn hồng thắt cổ tự vẫn để giữ gìn tử tiết. Quyển Thần phả lưu giữ ở đình Giảng Võ chép:
"Bà được phong là Chủ Khố Phu Nhân... nhà vua truyền dựng đền thờ Bà ngay trong khu kho để nước nhà thờ cúng... lại truyền cho phường Võ Trại tu sửa lại cung doanh để thờ tự, lấy nơi ở cũ làm đền thờ chính. Còn nhiều nơi cũng được lập thờ Bà... Bà được cấp 13 đạo sắc phong."


  •  Thời nhà Trần có nàng An Tư công chúa rất nổi tiếng, Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ "An Tư" được ghi chép như sau: 
Một ngày trong tháng 2 năm 1285, Trung Hiếu hầu Trần Dương nhận lệnh đi thương thuyết giảng hòa, rồi sai quan hầu cận là Đào Kiên đưa công chúa An Tư sang dinh tướng Mông Nguyên (Thoát Hoan). Chẳng bao lâu, dưới sự chỉ huy kháng chiến của Trần Quốc Tuấn, quân Nguyên Mông bị dẹp tan. Trong chiến công này rõ ràng là có sự đóng góp của công chúa An Tư, người đã hy sinh vì nạn nước.


GS. Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á ở Việt Nam, viết:

Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á – Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư. Người con gái "lá ngọc cành vàng" ấy vì nợ nước đã ra đi không trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng quân Nguyên, tháng 7 năm 1285, vua trở về kinh thành hân hoan khen thưởng những người có công, nhưng không ai nhắc tới công chúa An Tư.


Và trên Website Vietsciences trong một bài viết, không ghi tên tác giả, cũng có đoạn:

Dù triều Trần và sử sách có quên nàng thì các thế hệ đời sau vẫn dành cho nàng sự kính trọng, thương cảm. Khoảng trống lịch sử sẽ được lấp đầy bằng tình cảm của người đời sau…

Ai muốn biết rõ hơn có thể thể đọc bộ Bão Táp Triều Trần của tác giả Hoàng Quốc Hải, cũng có nói rất nhiều về nhân vật này.


  • Nhà Hồ mất nước vào tay giặc Minh, Hành khiển tham tri chính sự Ngô Miễn, trực trưởng Kiều Biểu nhảy xuống nước tuẫn quốc. Khi Miễn chết, vợ là Nguyễn thị ngửa mặt lên trời than rằng: "Chồng ta thờ chúa, một đời ăn lộc, ngày nay giữ tiết nghĩa mà chết, thế là chết xứng đáng, còn oán hận gì nữa? Nếu thiếp muốn sống cho qua ngày, chẳng lẽ lại không còn chỗ đến nữa hay sao? Nhưng đạo chồng, ơn vua, một chốc mà phụ bạc thì thiếp không nỡ nào! Chi bằng, xin theo nhau!" Nói xong, bà cũng nhảy xuống nước tuẫn tiết theo chồng.


  • Bà Nguyễn Thị Kim là hoàng phi của vua Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lê. Năm 1789, sau khi Nguyễn Huệ đánh bại 29 vạn quân Thanh, Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc rồi sau chết ở đó. Bà không kịp chạy theo, bèn lánh loạn ở vùng quê nhà Kinh Bắc. Năm 1802, Gia Long xin đem linh cữu vua Lê về nước. Tháng 8 năm 1804, di hài vua Lê được đưa về cửa ải, bà nghe tin, liền lặn lội từ Kinh Bắc lên cửa ải để đón linh cữu. Ngay từ hôm ấy, hoàng phi tuyệt thực, vật vã bên linh cữu mà khóc lóc. Ngày 12 tháng 10, tế vua Lê xong, hoàng phi đến trước hương án khóc lóc thảm thiết và nói với Diên tự công rằng: "Ta nhẫn nhục vất vả đã mười lăm mười sáu năm nay, không phải là không dám chết, chỉ vì thái hậu, vua ta, con ta vẫn ở bên Trung Quốc, âm tín không thông, còn mất không rõ, nên ta còn chờ đợi một chút. Nay thái hậu cùng vua ta đều mất, con ta cũng chết, linh cữu đã về đến nước nhà, thế là việc của ta xong rồi, ta phải chết theo để hầu bên lăng tẩm mới phải." Rồi đó, hoàng phi liền uống thuốc độc tự tử. Ai nghe tin ấy cũng đều thương xót. Sứ thần Trung Hoa bấy giờ đang ở đấy cũng than thở, ngợi khen mãi.


  • Nàng Tô Thị là tên một phụ nữ trong truyền thuyết, lai lịch có thể xuất phát từ tỉnh Lạng Sơn. Trên hòn núi đá gần khu động Tam Thanh có một tảng đá thiên nhiên nhô ra, chênh vênh trông giống như hình tượng một thiếu phụ đứng nhìn về phía biên cương, mòn mỏi chờ chồng chinh chiến trở về. Tương truyền đó là nàng Tô Thị, đứng chờ chồng lâu ngày đã hoá thành đá. Truyền thuyết cho rằng "Đó là người con gái họ Tô, bồng con đợi chồng lâu ngày đến nỗi hóa đá, thành hòn Vọng Phu". Nàng Tô Thị được coi là biểu tượng của người phụ nữ trung trinh, những hiền phụ Việt Nam, luôn luôn giữ lòng chung thủy, là nguồn an ủi của những người lính xa nhà, lo toan việc nhà, thờ mẹ nuôi con trong khi chồng chinh chiến phương xa. Nhắc đến Lạng Sơn thì có ai mà không biết đến câu thơ:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Những người chiến sỹ ngoài biên cương phải sống xa gia đình, nếu như người phụ nữ, người vợ không chấp nhận sự hy sinh đó thì sao các anh có thể yên tâm làm nhiệm vụ? Chắc chắn là những người vợ của các anh cũng khao khát được yêu thương như bao nhiêu người khác nhưng họ đã kìm nén ham muốn đó để làm tròn trách nhiệm của một người vợ trong gia đình để các anh có thể làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc này, điều đó thật đáng quý biết nhường nào, tất cả những người dân Việt Nam nợ các chị một lời cảm ơn chân thành nhất và qua cuốn sách này tôi cũng muốn vinh danh những người phụ nữ như vậy, sự đóng góp âm thầm ấy khó có thể đong đếm được và nó chính là niềm tự hào của đất nước chúng ta.


  • Sau khi hoàng phi chết theo vua Lê, được người khắp cả nước ca tụng là bậc tiết nghĩa. Vua Gia Long bèn "Hạ chỉ ban khen, sai lập đền ở quê hoàng phi, là xã Tỳ Bà thuộc huyện Lang Tài để thờ; cấp ruộng tế và tha thuế khoá cho dân làng ấy để dùng vào việc đèn nhang thờ cúng: lại sai dựng bia khắc chữ để nêu gương tiết hạnh." Tô phái hầu Nguyễn Huy Túc làm bài "Tiêu cung tuẫn tiết hành" để ca ngợi:
Ban gấm vóc bạc vàng phúng viếng, Bao vần thơ lên tiếng ngợi khen. Khen thay! Một chết phỉ nguyền, Thơm tho muôn thuở con thuyền thanh danh... Thân khuê các giúp bề Tiết giáo Mặt phấn son phụ đạo Cao hình. So thơ Cù, Cát đã đành, Trúc Tương vằn đẹp lưu danh muôn đời. Người xưa làm việc dễ rồi. Nay làm việc khó chẳng Người đó sao?


  • Bà Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Thị Khuê, sinh ngày 24 tháng 12 năm Quý Hợi (1863) tại Gia Định, con gái thứ tư của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Bà có nhan sắc xinh đẹp, lại có tài văn chương, đoan trang, tiết hạnh, nhưng lập gia đình trễ. Trên 25 tuổi bà mới kết hôn, sinh được một gái thì chồng chết. Bà ở vậy nuôi con, vui với thơ văn, lấy bút hiệu là Sương Nguyệt Anh (nghĩa là người sương phụ, thủ tiết thờ chồng). Bà viết:

"Gương tỏ đời nay trong tiết phụ

Lâu dài tiếng tốt tạc non sông"


  • Bà Ba Đề Thám, tên thật là Đặng Thị Nhu (còn có tên là Đặng Thị Nho tức Bà Ba Cẩn), vợ thứ ba của nhà cách mạng Hoàng Hoa Thám (Đề Thám). Bà là một nữ tướng can trường, cùng sát cách với chồng trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Yên Thế cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ngày 1 - 2 - 1909, bà và con gái là Hoàng Thị Thế bị Pháp bắt và đầy đi Guyanne thuộc Pháp ở Nam Mỹ. Tương truyền, trên đường lưu đày bà Ba Đề Thám đã nhảy xuống biển tự vẫn để giữ vững khí tiết với chồng.


  • Bà Thái Thị Huyên, vợ nhà Cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940), người làng Diên Lân, tỉnh Nghệ An. Bà làm dâu nhà họ Phan năm 23 tuổi, hết lòng giữ trọn đạo dâu hiền. Chồng thi đỗ Giải Nguyên, bà vẫn giữ nếp nhà, sống đời bình dị, lo cho chồng cho con. Chồng bà xuất dương cứu nước hơn 20 năm, bà vẫn giữ lòng chung thủy, một mình nuôi con. Khi Phan Bội Châu bị bắt về nước năm 1925, bà được gặp mặt chồng nửa tiếng đồng hồ tại Nghệ An rồi ly biệt cho đến lúc mãn phần. Trong mấy lời chia tay, bà đã nói: "Vợ chồng ly biệt nhau hơn 20 năm, nay được một lần giáp mặt Thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ đây trở về sau, chỉ mong Thầy giữ được lòng xưa". Bà một lòng trung trinh tiết hạnh, thờ chồng nuôi con, giúp cho chồng giữ vững tinh thần trên bước đường cứu nước. Bà Thái Thị Huyên mất ngày 1 tháng 4 âm lịch (21-5-1936), thọ 70 tuổi.


  •  Hoàng Thị Loan (1868-1901) là mẹ của Hồ Chí Minh. Bà là con gái của cụ Hoàng Xuân Đường, bà được cha mình gả chồng vào năm 15 tuổi. Bà là một hình mẫu cho hình ảnh người Việt Nam hiền hậu và hết lòng vì chồng con: sau khi chồng bà là ông Nguyễn Sinh Sắc đi thi ở Huế, vì túng thiếu tiến bạc nên ngỏ ý mời bà lên kinh giúp ông học tập, bà đã gởi con gái đầu lòng của mình lại Nghệ An và cùng chồng vào Huế. Ở đây bà đã lao động dệt vải vất vả một tay nuôi sống cả gia đình. Năm 1900 sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, cộng với sự vất vả khó nhọc trước đó bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh rồi qua đời vào ngày 10 tháng 2 năm 1901. Năm 1922, hài cốt của bà được cô Nguyễn Thị Thanh đưa về an táng tại vườn nhà mình ở Làng Sen, Kim Liên. Năm 1942, cải táng tại núi núi Động Tranh thấp, thuộc dãy núi Đại Huệ. 1985, nhân dân và chính quyền địa phương xây dựng tại đây một khu lăng mộ dành cho bà.


  • Bà Nguyễn Thị Giang (?-1930) là vợ của Nguyễn Thái Học, Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1929, cô Giang gặp Nguyễn Thái Học và hai người cùng chí hướng đã yêu nhau. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại, ngày 17-6-1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị Pháp đưa lên máy chém ở Yên Bái, bà đã đến tận pháp trường để chứng kiến cái chết của người yêu. Sau đó cô về nhà trọ viết thư tuyệt mệnh gửi song thân và gửi hương hồn Nguyễn Thái Học, trong đó có câu: "Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc con; không báo được thù nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở Đền Hùng. Giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!." Cô Giang còn làm một bài thơ lục bát, tỏ rõ ý chí hy sinh vì nước. Hôm sau cô về quê chồng lạy tạ cha mẹ chồng, rồi dùng súng lục tự vẫn để bảo toàn danh tiết và bảo toàn bí mật cho đảng.


  • Bà Nguyễn Thị Seo là vợ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Đức Thông, người chỉ huy đã hy sinh trong trận đánh bảo vệ Trường Sa năm 1988. Hai người kết hôn năm 1971, do ông ở trong bộ đội và thường xuyên phải ra đảo nên dù kết hôn được 17 năm nhưng thời gian hai vợ chồng ở bên nhau chỉ chưa đầy một năm. Khi ông hi sinh, bà mới ngoài 40 tuổi. Bà ở vậy nuôi nấng hai con cho đến khi qua đời năm 2005. Con bà kể lại: "Trong lúc hấp hối mẹ vẫn nhắc đến bố. Suốt cuộc đời mẹ dành trọn tình yêu cho bố."


  • Trong hai cuộc kháng viến chống Pháp và chống Mỹ thì những tấm gương phụ nữ đã không tiếc hy sinh tuổi thanh xuân của mình để giải phóng đất nước là rất nhiều không gì kể xiết, đó là những bà mẹ Việt Nam anh hùng, đó là ba cô gái trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê, má Bảy trong tác phẩm Gia đình má Bảy của Phan Tứ, chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, chị Nhặt trong Vợ chồng xã đội của Lê Khánh, Mai, Dít trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, chị Sứ (Hòn đất của Anh Đức), nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và rất nhiều những tác phẩm khác nữa. Có lẽ với khả năng của mình thì tôi không có đủ khả năng để viết về những nhân vật này, những mất mát mà đất nước chúng ta phải chịu đựng trong thời kỳ đó là quá lớn và lịch sử đã chứng minh tất cả rồi, không phải là thân xác mà chính là nét đẹp trong tâm hồn, sự hy sinh cao cả của mỗi người mới đáng được coi trọng và mãi trường tồn cùng với thời gian.


  • Viết đến đây tôi tự hỏi là liệu rằng bao nhiêu các cô hoa hậu hay những cô nàng hot girl ngày nay có thể nhận được sự kính trọng và lưu danh mai sau, có lẽ là không nhiều và cũng chẳng thấm vào đâu so với tai tiếng mà họ đã gây ra. Xã hội càng phát triển thì phẩm hạnh của con người lại càng được đề cao, chữ trinh tiết lại càng được coi trọng và hiểu theo cách đúng đắn hơn, nếu nó trở nên đồi bại thì đó là xã hội đang suy tàn chứ không phải là đang phát triển. Không có khái niệm phụ nữ truyền thống hay hiện đại mà theo tôi chỉ có người phụ nữ hiểu biết và thiếu hiểu hay ngu dốt mà thôi. Người phụ nữ hiểu biết dù có sống ở thời kỳ nào đi chẳng nữa cũng biết giữ gìn phẩm hạnh và trinh tiết của mình, và nhận được sự kính trọng của tất cả mọi người, còn những người phụ nữ thiếu hiểu biết thì dẫu có lấy mẫu người phụ nữ hiện đại ra để bao biện hay bất cứ lý do nào khác thì cũng không che dấu được sự ngu dốt và thất đức của chính họ, luôn luôn là như vậy. 
Từ khóa: 

trinh tiết

,

văn hóa

Nội dung dài quá nên mình vẫn chưa đọc hết các phần được.

Mình chỉ muốn hỏi tác giả rằng , giá trị chữ "trinh tiết " và Đức hạnh này được tính cho cả Nam và Nữ hay chỉ cho Nữ không Thôi?

Mình thấy ở phần 1 nói phạm vi áp dụng cho cả nam lẫn nữ, Nhưng ở các phần sau lướt qua mình thấy nội dung vẫn xoay quanh công dung ngôn hạnh và chữ trinh của người phụ nữ nhiều hơn nên mình Ko đồng cảm với quan điểm của người viết.

Ở góc Nhìn cá nhân, mình Ko coi "trinh tiết" là thước đo giá trị của bất kỳ ai. Mình trân trọng người có ý thức giữ gìn , Nhưng Ko đồng nghĩa Phán xét Những người có tư tưởng cởi mở.

Mình từng rất phản đối một người bạn của mình vì sợ chữ trinh tiết đó mà phải đi "vá màng trinh" trước khi cưới chồng. Thật nực cười , và mình thấy đáng hổ thẹn cho xã hội này vì khiến người phụ nữ "bị Phán xét" quá nhiều .

Trong một mối quan hệ , mình đề cao chữ "chung thủy "và một lòng, chân thành. Nó mới là thứ khiến con người ta đi cùng nhau , chứ Ko phải phẩm hạnh con người được đo bằng cái màng trinh.

Trả lời

Nội dung dài quá nên mình vẫn chưa đọc hết các phần được.

Mình chỉ muốn hỏi tác giả rằng , giá trị chữ "trinh tiết " và Đức hạnh này được tính cho cả Nam và Nữ hay chỉ cho Nữ không Thôi?

Mình thấy ở phần 1 nói phạm vi áp dụng cho cả nam lẫn nữ, Nhưng ở các phần sau lướt qua mình thấy nội dung vẫn xoay quanh công dung ngôn hạnh và chữ trinh của người phụ nữ nhiều hơn nên mình Ko đồng cảm với quan điểm của người viết.

Ở góc Nhìn cá nhân, mình Ko coi "trinh tiết" là thước đo giá trị của bất kỳ ai. Mình trân trọng người có ý thức giữ gìn , Nhưng Ko đồng nghĩa Phán xét Những người có tư tưởng cởi mở.

Mình từng rất phản đối một người bạn của mình vì sợ chữ trinh tiết đó mà phải đi "vá màng trinh" trước khi cưới chồng. Thật nực cười , và mình thấy đáng hổ thẹn cho xã hội này vì khiến người phụ nữ "bị Phán xét" quá nhiều .

Trong một mối quan hệ , mình đề cao chữ "chung thủy "và một lòng, chân thành. Nó mới là thứ khiến con người ta đi cùng nhau , chứ Ko phải phẩm hạnh con người được đo bằng cái màng trinh.