Quay đầu làm lại?
Em có 1 người bạn (gọi là H), trước kia thời còn học cấp 1,2,3 H học rất giỏi, được mọi người khâm phục, tán dương; nhưng khi thi đại học H lại không may thi trượt ngôi trường mà H hằng mơ ước. Trong khi đó, các bạn học kém hơn H thì lại thi đỗ vào những trường đại học danh tiếng. Mọi người đều thất vọng vì H (gia đình, bạn bè).
H học nguyện vọng 2 ở 1 trường đại học dưới tỉnh, nhưng học được 1 năm thì bỏ vì chán và tiếp tục thi lại đại học. Trong thời gian học đại học ở tỉnh H đã lơ là, bỏ học nhiều và đi chơi điện tử. Khi thi lại đại học, lần thứ 2 H lại thi trượt ngôi trường H mơ ước năm xưa. H quyết định học nguyện vọng 2 ở 1 trường đại học dân lập. Từ đó H bắt đầu chơi điện tử nhiều hơn, bỏ học nhiều hơn và tham gia vào các nhóm bạn bè không lành mạnh.
Thời điểm hiện tại H đã bỏ học ở nhà và tụ tập với đám bạn xấu. Mọi người đều quở trách, gia đình buồn vì H và H đang là gánh nặng cho gia đình.
Bên trong con người H vẫn có tố chất của một người thông minh, giỏi giang, nghĩa khí giống như H mà e đã quen nhiều năm trước.
Chị cho e hỏi, trong trường hợp này với cương vị là 1 người bạn, em có thể làm gì để giúp H vượt qua giai đoạn này và quay trở lại là H của năm xưa ?
vtcc_intern_7
,phó giáo sư
,tiến sĩ tâm lý học xã hội
Em có thể dành thời gian để tâm sự với bạn mình nếu có thể. Chị nghĩ, chắc sẽ rất khó khăn vì theo như những gì em kể, H đã đánh mất khá nhiều niềm tin vào người thân, gia đình, bạn bè.
H chắc chắn là đang gặp khó khăn. Bạn ấy cần được giúp đỡ.
Ngoài việc tìm cách lắng nghe để bạn em có thể tâm sự về những khó khăn của bạn ấy, em có thể nói chuyện với người thân của bạn ấy để họ cũng lắng nghe bạn ấy, để mọi người cùng tìm lại niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau, nhất là trong gia đình.
Trường hợp này rất khó, sẽ mất nhiều thời gian và vất vả lắm để có thể xây dựng lại những mối quan hệ đã bị tổn thương và phá hỏng lâu nay.
Tuy vậy, bằng tình thương yêu, tôn trọng và sự kiên nhẫn, chị hy vọng em cùng gia đình của H sẽ tìm lại được bạn H ngày xưa của mình!
Chúc em thành công.
Nguyễn Thị Phương Hoa
Em có thể dành thời gian để tâm sự với bạn mình nếu có thể. Chị nghĩ, chắc sẽ rất khó khăn vì theo như những gì em kể, H đã đánh mất khá nhiều niềm tin vào người thân, gia đình, bạn bè.
H chắc chắn là đang gặp khó khăn. Bạn ấy cần được giúp đỡ.
Ngoài việc tìm cách lắng nghe để bạn em có thể tâm sự về những khó khăn của bạn ấy, em có thể nói chuyện với người thân của bạn ấy để họ cũng lắng nghe bạn ấy, để mọi người cùng tìm lại niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau, nhất là trong gia đình.
Trường hợp này rất khó, sẽ mất nhiều thời gian và vất vả lắm để có thể xây dựng lại những mối quan hệ đã bị tổn thương và phá hỏng lâu nay.
Tuy vậy, bằng tình thương yêu, tôn trọng và sự kiên nhẫn, chị hy vọng em cùng gia đình của H sẽ tìm lại được bạn H ngày xưa của mình!
Chúc em thành công.
Kha Nguyen
Mình không phải chuyên gia, nhưng mình cũng muốn đóng góp ý kiến cá nhân về chuyện này.
Câu trả lời thực sự nằm ở đoạn cuối, các đoạn tiếp theo là phân tích vài khía cạnh xung quanh...
Đầu tiên là có đôi bước phân tích cái sai:
Sai thứ nhất là thuộc về gia đình và bạn bè: "Mọi người đều thất vọng vì H". Chính cái việc thất vọng này đã đẩy bạn H rơi vào cảm xúc mặc cảm, và muốn chạy trốn thực tại.
Khi phải đụng vào một thực tại phũ phàng, người ta sẽ có 2 cách: Hoặc là đối diện, hoặc là chạy trốn. Lấy ví dụ về thi đại học, chạy trốn là không muốn ai nhắc tới việc thi đại học nữa, không nói chuyện nguyện vọng 2 gì hết, nghe là muốn ớn rồi. Còn đối diện, nghĩa là bình tĩnh phân tích nguyên nhân thất bại, xác định mục tiêu cuộc đời, và xem xét xem có thể đạt mục tiêu cuộc đời bằng cách khác không.
Nhiều người quen biết mình đều thấy mình là người tự tin và tâm lý vững vàng. Nhưng thực sự thì 15 năm trước mình đã từng thi rớt đại học, mặc dù khi đó là học sinh giỏi toàn diện và nhất trường. Những gì mình viết ở trên về chuyện chạy trốn, đó là cảm xúc thật và cách hành xử của mình, còn phần đối diện là mình ước rằng lúc đó mình đã làm như vậy.
Khi ấy, sau khi biết tin là mình trốn nhà đi luôn, trước khi đi bảo là đến nhà bạn, nhưng thực tế mình chả muốn gặp thằng bạn nào vào lúc đó cả. Và rồi đi lạc trong rừng. Đói. Và lạnh. Nhưng đó là một chuyện khác...
Khi chui ra khỏi rừng thì mình đến nhà bạn. Nó đậu đại học, và nó vui nhưng chia buồn với mình. Mình mới bảo "chắc tao sẽ thi lại năm sau".
Bạn biết điều gì xảy ra khi mình về nhà không? Ba mẹ buồn nhưng không ai nói gì. Mình cảm giác rất nặng nề... Nhưng anh trai của mình bảo "mầy đừng có nguyện vọng 2 con mẹ gì hết, đi vô Sài Gòn với tao rồi ôn luyện lại". Mình mừng như vớ phải phao.
Tóm lại là, không đối diện là một cái sai của bạn H (cũng như mình 15 năm trước), và gia đình/bạn bè không khuyến khích được bạn H mà thất vọng là một cái sai còn khủng khiếp hơn...
Giống như người không biết bơi ở giữa dòng sông, và người ta đã không cứu, và cũng không để yên, mà lại lấy cây nhấn người kia xuống. Tài thánh cũng không ngoi lên được!
Tiếp tục, bạn H ít học mà chơi game nhiều.
Lại là một cái sai nữa... Cần phải hiểu là chơi game không xấu, nó chỉ xấu khi người ta chơi game mà quên phấn đấu cho mục tiêu cuộc đời của họ.
Nếu thế thì, mục tiêu cuộc đời của bạn H là gì? Cần phải đặt câu hỏi này làm trọng tâm, rồi sau đó mới cùng phân tích xem cái gì là tốt là xấu.
Mình có thằng em vợ mê game Liên minh, vợ mình chửi nó suốt, nhưng không hiệu quả.
Tới phiên mình, mình chơi game đó, rồi hỏi nó xem chơi thế nào là hiệu quả, rồi bàn về chiến thuật và cả esport. Sau một thời gian, mình bắt đầu lái câu chuyện sang công việc của nó, và hỏi nhiều thêm về kết cấu xây dựng, về nhà đẹp,... (Vì nó là kỹ sư xây dựng).
Kết quả là gì chắc bạn cũng đoán ra: Vợ mình không la rầy về vụ chơi game nữa, và thằng em vợ cũng biết điều độ hơn và dành nhiều thời gian để nghiên cứu những thứ liên quan đến xây dựng và kiến trúc.
Bản chất là không phải game là xấu. Quan trọng là người ta có biết dùng nó để kích thích sự phát triển đồng đều hay không? Theo kiểu mình bảo với vợ: Game không xấu, nó giúp người ta tăng phản xạ và xử lý tình huống nhanh, cũng như có tác dụng của một loại thuốc kích thích (aka thuốc phiện), quan trọng là sau khi được kích thích thì người ta làm gì? Nếu được kích thích mà làm việc thì sẽ rất hiệu quả.
Chê người ta chơi game nhiều mà lơ là chuyện học là một sai lầm. Nếu có thứ gì đó "lớn lên" thì đó hẳn là khoảng cách giữa người chê và người bị chê: Càng lúc càng lớn, và sẽ không bao giờ lấp đầy được.
Mọi người hãy cố hiểu bạn H trước đi đã.
----
Giờ mình đi vào câu hỏi chính: Làm sao để giúp bạn H?
Thứ nhất là cần phải hiểu bạn H. Hãy thử tâm sự với bạn ấy, để biết được đâu là mục tiêu thật sự của bạn ấy, đâu là cái ước mơ thầm kín mà bạn ấy nghĩ về mỗi khi gió lạnh ùa về hay buổi tối lặng lẽ đắp trong chăn... Đừng hỏi thẳng, sẽ không có câu trả lời đâu. Hãy cứ tiếp xúc từ từ, khơi gợi và mở lòng của bạn ấy. Và hãy để bạn ấy tự nhận ra cái mục tiêu đó.
Một khi đã xác định được mục tiêu cuộc đời, hãy khơi gợi tiếp để bạn ấy nghĩ về chuyện hiện thực nó. Chỉ cần bạn ấy nghĩ thôi, bạn không cần phải nghĩ hộ.
Quan trọng hơn hết cần phải nhớ là nếu mục tiêu của bạn ấy là tốt, và hiện thực cũng không gây hại gì cho xã hội thì hãy ủng hộ. Đừng đưa góc nhìn cá nhân của mình vào nhiều quá, ví dụ "chơi game như vậy là không tốt", "hút thuốc cũng không tốt", "mơ mộng nhiều quá không tốt",... Đừng phản đối những chuyện nhỏ nhặt tủn mủn ấy, hãy phản đối khi bạn ấy đâm đầu vào một thứ gì đó mà chính bạn ấy cũng không biết có nên đâm đầu vào hay không.