Yếu tố Trần thuật trong tiểu thuyết
kiến thức chung
Tiểu thuyết (novel) là thể loại lớn tiêu biểu cho loại hình tự sự, “cỗ máy cái” của nền văn học hiện đại. Với đặc trưng thi pháp của mình, bằng phương thức trần thuật, tiểu thuyết chiếm lĩnh và khái quát hiện thực cuộc sống một cách đa chiều và phong phú. Tìm hiểu vấn đề trần thuật trong tiểu thuyết nói riêng và trong văn tự sự nói chung giúp chúng ta hiểu rõ hơn một phương diện cơ bản của thi pháp thể loại. Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn về một số khía cạnh của vấn đề trần thuật trong tiểu thuyết: Khái niệm trần thuật, người trần thuật, giọng điệu trần thuật, ngôn ngữ trần thuật.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên thì: trần thuật (narrate) là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của người trần thuật. Trần thuật không chỉ là lời kể mà còn bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời ghi chú của tác giả… Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, bộc lộ cách lý giải cuộc sống từ cách nhìn riêng và cá tính sáng tạo của tác giả.
Trần thuật là một phương thức nghệ thuật đặc trưng của tác phẩm tự sự. Trong tiểu thuyết, trần thuật tập trung vào số phận một hoặc nhiều cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển của nó, sự trần thuật ở đây được triển khai trong không gian và thời gian nghệ thuật đến mức đủ để truyền đạt cơ cấu của nhân cách. Với đặc điểm đó, trần thuật trong tiểu thuyết là một phương diện thi pháp đặc trưng của thể loại. Trần thuật tồn tại với nội dung trần thuật và hình thức trần thuật.
Người trần thuật (narrator) – một yếu tố quan trọng trong tiểu thuyết
Trần thuật bao giờ cũng được tiến hành từ phía một người nào đó. Trong sử thi, cổ tích, truyện ngắn, tiểu thuyết trực tiếp hay gián tiếp đều có người trần thuật. Người trần thuật không những chỉ tổ chức ngôn ngữ, mà còn đóng vai trò quan trọng về mặt kết cấu, chi phối ngôn ngữ của nhân vật.
Trong trường hợp tác giả đóng vai trò người trần thuật, tác phẩm có nhân vật kể chuyện ở ngôi thứ nhất (first person), xưng “tôi”. Điều này dễ nhận thấy ở các tác phẩm tự truyện hoặc có dáng dấp tự truyện. Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn, việc sử dụng ngôi thứ nhất trong tự truyện ở các tác phẩm văn học thế kỷ XVIII ở phương Tây không phải là sự sử dụng tùy hứng hay ngẫu nhiên, mà nó mang tính lịch sử, gắn liền với nhu cầu khách quan của thời đại. Đó là yêu cầu các truyện phải là truyện kể về sự thật. Tiểu thuyết trở thành bản anh hùng ca đầy tính chủ quan, trong đó tác giả tự cho mình quyền được lý giải thế giới ấy theo cách của nó, cái chủ thể chủ quan nổi bật lên thu hút sự chú ý của mọi người. Đó chính là câu chuyện được viết bởi chính những người đã từng sống trong cuộc đời ấy. Đây là điều kiện để thể loại hồi ức phát triển mạnh, dẫn đến sự xuất hiện của thể loại tự truyện hay dấu ấn của tự truyện trong tiểu thuyết.
Ở Việt Nam, tiểu thuyết có nhân vật trần thuật ở ngôi thứ nhất xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX. Đó là tiểu thuyết Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản. Tác phẩm có hình thức “truyện trong truyện.” Thầy Lazaro Phiền đã thú nhận tội lỗi giết vợ, giết bạn của mình cho một người bạn đồng hành và nhân vật này lại trở thành người trần thuật. Nhân vật người kể chuyện ở đây được thể hiện ở ngôi thứ nhất.
Trong văn chương đương đại từ sau Đổi mới (1986) có nhiều tác giả trần thuật ở ngôi thứ nhất như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Với việc trần thuật ở ngôi thứ nhất, tác giả đã viết về những điều mình đã trải qua, đã chứng kiến và nếm trải, chiêm nghiệm. Và tất nhiên, với tính chất hư cấu của tiểu thyết, “tôi” không hẳn là tác giả mà chỉ là một nhân vật của truyện. Lời trần thuật ở đây vừa là ngôn ngữ trần thuật của tác giả vừa là ngôn ngữ trần thuật của nhân vật, tức vừa là lời trực tiếp, vừa là lời gián tiếp (của nhân vật).
Ngoài ra, tác giả còn trần thuật ở ngôi thứ ba dưới hình thức người kể chuyện (do tác giả sáng tạo ra), lời trần thuật ở đây mang tính khách quan hoá và trung tính. Người trần thuật được chứng kiến câu chuyện và có khả năng kể lại toàn bộ câu chuyện theo cách riêng của mình. Lời trần thuật ở đây còn có nhiệm vụ tái hiện và phân tích, lý giải thế giới khác quan vật chất, sự việc, con người…; tái hiện và phân tích, lý giải lời nói ý thức người khác. Theo Bakhtin, lời văn trần thuật gián tiếp này (khác với lời văn trực tiếp của nhân vật) có thể chia làm hai loại: loại thứ nhất là gián tiếp một giọng, là lời trần thuật tái hiện, phẩm bình các hiện tượng của thế giới trong ý nghĩ khách quan vốn có của chúng. Loại thứ hai là lời gián tiếp hai giọng, là lời trần thuật có hấp thu lời nhân vật, tức là trong phát ngôn của người trần thuật cùng lúc có thể có cả lời trực tiếp hay những suy tư gián tiếp của nhân vật, nó thể hiện sự đối thoại với ý thức khác của cùng một đối tượng miêu tả. Loại thứ hai này cho phép tác giả di chuyển “điểm nhìn” trần thuật và tạo nên tính chất đa thanh trong ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ tiểu thuyết.
Ngoài việc tác giả trần thuật theo hai dạng thức nói trên, nhân vật còn có vai trò là người trần thuật. Trong tiểu thuyết, nhân vật có vị trí rất quan trọng, là then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Có nhân vật thì có ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật.
Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật là lời trực tiếp của nhân vật trong tác phẩm, là thứ ngôn ngữ được miêu tả. Đó thực chất cũng là ngôn ngữ của tác giả, nhưng tác giả để cho nhân vật tự giải bày về mình. Ngôi kể của nhân vật trần thuật là ngôi thứ hai, thứ ba, nhưng vẫn được trần thuật ở ngôi thứ nhất, xưng tôi trong đối thoại. Tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải là một ví dụ. Thông qua đối thoại, nhà văn để cho các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, nhân một buổi gặp gỡ đêm giao thừa, trần thuật về cuộc đời của mình, phát biểu những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình. Điều này làm nên yếu tố tự truyện của nhân vật.
Trong văn học hiện đại, lời – ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có vị trí ưu trội nhất định trong tác phẩm, là phương diện quan trọng nhất của tính tạo hình khách thể trong tác phẩm tự sự.
Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có thể là đối thoại hay độc thoại. Đối thoại gắn liền với việc những người nói hướng vào nhau và tác động vào nhau; độc thoại không nhằm hướng đến người khác và tác động qua lại giữa người và người. Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có nhiều chức năng khác nhau như: chức năng phản ánh hiện thực, chức năng tự bộc lộ của nhân vật, chức năng là đối tượng miêu tả của tác giả hoặc chức năng thể hiện nội tâm… Tổng hợp những chức năng đó, thông qua trần thuật, nhân vật kể lại cuộc đời của mình, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, lẽ sống, giúp người đọc lĩnh hội được tư tưởng, quan niệm của nhà văn. Cùng với trần thuật tác giả, trần thuật của nhân vật góp phần hoàn thiện bức tranh đời sống trong tác phẩm. Theo Bakhtin,
“Lời nói của những nhân vật chính trong tiểu thuyết – những nhân vật ít nhiều có tính độc lập về mặt tư tưởng, ngôn từ, có nhãn quan của mình – vốn là tiếng nói của người khác bằng ngôn ngữ khác, đồng thời có thể khúc xạ cả những ý chỉ của tác giả và do đó, đến một mức độ nhất định, có thể được coi là ngôn ngữ thứ hai của tác giả.”
Mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ trần thuật của mình, làm phân hoá ngôn ngữ tiểu thuyết, đưa vào tiểu thuyết nhiều tiếng nói khác nhau, đa thanh, đa giọng điệu.
Chúng ta không thể tuyệt đối hoá việc phân chia trần thuật của tác giả với trần thuật của nhân vật vì với cách chuyển điểm nhìn từ phía người trần thuật sang điểm nhìn của nhân vật, từ điểm nhìn bên ngoài khách quan đến điểm nhìn bên trong chủ quan, rất khó phân biệt đâu là chủ thể của trần thuật. Và cũng nhờ di chuyển điểm nhìn mà văn chương khám phá, chiêm nghiệm về cuộc sống và con người một cách đa diện và có chiều sâu hơn.
Giọng điệu trần thuật (narrative tone)- một đặc trưng không thể thiếu trong tiểu thuyết
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm… Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Người đọc có thể nhận thấy tất cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu. Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Trong khi trần thuật, tác giả sử dụng nhiều giọng điệu, nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo, chứ không đơn điệu.
Tiểu thuyết Việt Nam đương đại (kể cả truyện ngắn mà giới nghiên cứu gọi là đoản thiên tiểu thuyết) có một số giọng điệu như: giọng điệu trữ tình sâu lắng của Nguyễn Huy Thiệp (Chảy đi sông ơi), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận); giọng điệu suy ngẫm, triết lý với cảm quan nhìn nhận lại hiện thực của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Khải (Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người…) Ma Văn Kháng (Ngược dòng nước lũ); giọng điệu hài hước, giọng điệu diễu nhại trong văn chương của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp; lại có giọng điệu dung tục đời thường trong tiểu thuyết của Chu Lai (Ăn mày dĩ vãng)… Nói chung tiểu thuyết là đa thanh, nhiều bè, nhiều giọng điệu. Tạo được giọng điệu đa dạng, phong phú là đánh dấu một bước trưởng thành trong tư duy nghệ thuật.
Ngôn ngữ trần thuật (narrative language) – yếu tố tư duy của người viết
Như trên đã nói, trần thuật là phần lời của tác giả, của người trần thuật. Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, thể hiện quan điểm của tác giả hay quan điểm của người kể chuyện đối với cuộc sống được miêu tả.
Ngôn ngữ trần thuật có những nguyên tắc thống nhất trong việc lựa chọn các phương tiện tạo hình và biểu hiện ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc, quan điểm của tác giả. Ngôn ngữ trần thuật là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả.
Ngôn ngữ trần thuật mang tính chính xác, cá thể hoá. Mỗi câu, mỗi chữ trong tác phẩm có thể chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, nhiều cách giải thích. Nhưng mỗi từ thì lại phải mang tính chính xác và cá thể hoá. Ngôn ngữ trần thuật còn là ngôn ngữ đa thanh vì đặc trưng của ngôn ngữ văn xuôi là sự tác động qua lại rất phức tạp giữa tiếng nói tác giả, người kể chuyện và nhân vật, giữa ngôn ngữ miêu tả và ngôn ngữ được miêu tả.
Ngôn ngữ đa thanh trong trần thuật nhấn mạnh vào ngôn ngữ của người khác, hướng về một tiếng nói khác; chẳng hạn tiếng nói tác giả hướng về tiếng nói của nhân vật, hoặc tiếng nói nhân vật trong đó có xen lẫn giọng tác giả, hoặc là tiếng nói của nhân vật này xen lẫn giọng của nhân vật khác.
Ngoài ra, do đổi mới tư duy nghệ thuật, mở rộng phạm trù thẩm mỹ và cách tân về thi pháp nên ngôn ngữ trần thuật còn có các tính chất như: tính chất hiện đại thể hiện ở chỗ ngôn ngữ trần thuật không còn là tiếng nói quyền uy mà trở nên gần với ngôn ngữ đời sống hơn bao giờ hết; tính chất văn hoá vùng miền trong ngôn ngữ trần thuật thể hiện ở chất giọng nhà văn, người trần thuật không những kể chuyện mà còn chuyển tải những giá trị văn hoá nằm sâu dưới lớp ngôn ngữ, làm cho nội dung trần thuật phong phú, đặc trưng.
Tóm lại, trần thuật là một vấn đề thuộc thi pháp thể loại tiểu thuyết. Tìm hiểu các phương diện trần thuật giúp người đọc tiếp cận được với những giá trị văn chương đích thực. Tìm tòi, đổi mới cách trần thuật cũng là hướng đi của văn xuôi đương đại nhằm đẩy cách sáng tạo, cách hiểu, cách tiếp nhận về gần hơn với đặc trưng thẩm mỹ của văn học.
Nội dung liên quan
Công Thiện Dương