Yếu tố địa lý ảnh hưởng đến Văn hóa Trung Quốc như thế nào?
kiến thức chung
Sự phát sinh và phát triển văn hóa ở bất kì một dân tộc nào cũng không tách rời khỏi môi trường tự nhiên của nó. Môi trường tự nhiên ở các khu vực khác nhau có những đặc điểm khác nhau, chính nhờ thế mà văn hóa ở mỗi vùng, mỗi quốc gia đều có sự khác nhau, Trung Quốc cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Từ cổ xưa, văn hóa Trung Quốc đã được phát sinh trên mảnh đất phì nhiêu của đại lục phía Đông châu Á, vì vậy đã hình thành nên nhiều phẩm cách khác với văn hóa châu Âu, văn hóa châu Mỹ,... Chính những đặc điểm về địa lí, điều kiện tự nhiêu như đất, nước khí hậu, địa hình đã góp phần quan trọng trong việc hình thành đất nước Trung Quốc với diện tích rộng lớn vào bậc nhất thế giới, dân số đông nhất thế giới và cũng có nền văn hóa có bề sâu lịch sử bậc nhất thế giới.
Trung Quốc có diện tích là 9,6 triệu km2, trải dài 2/3 lục địa châu Á, là quốc gia có diện tích lục địa lớn thứ nhì thế giới và là quốc gia có tổng diện tích lớn thứ 3 thế giới. Với diện tích lớn như vậy, Trung Quốc mang đặc trưng cho cả khu vực châu Á. Trung Quốc nằm ở phía đông của đại lục châu Á, phía đông nam tiếp giáp với Thái Bình Dương mênh mông, phía tây nam và phía tây bắc nằm ở trung tâm của đại lục Á, Âu. Dân tộc Trung Hoa sống trên khu vực rộng lớn như vậy dễ dàng sáng tạo ra nền văn hóa và viết nên lịch sử dân tộc mình. Đất đai rộng lớn là yếu tố tạo nên sự phát triển đa dạng, phong phú, tạo nên bản sắc văn hóa khác nhau trên mỗi vùng miền, trong đó nổi bật là: văn hóa du mục phương bắc(nổi bật với: tính quốc tế, phi dân chủ, trọng sức mạnh , nguyên tắc), văn hóa nông nghiệp phương nam(dân chủ, hài hòa, coi trọng văn hóa tinh thần). Sự hỗn dung của hai nền văn hóa là cơ sở tạo nên văn hóa Trung Hoa.
Không phải con sông nào cũng đem lại văn minh cho nhân loại nhưng những nền văn minh đầu tiên đều bắt nguồn từ những dòng sông, nền văn minh Trung Hoa là sự hóa thân của hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang (hay sông Dương Tử). Hai con sông này đều chảy theo hướng tây - đông. Những con sông này chảy qua đồng bằng làm cho đất đai phì nhiêu, tạo cơ sở cho kinh tế nông nghiệp sớm phát triển. Chính vì vậy, nơi đây đã trở thành cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Văn minh Hoàng Hà xuất hiện rất sớm, được ghi dấu ngay từ thuở sơ khai của xã hội loài người. Tuy sông Hoàng Hà đã nhiều lần gây ra lũ lụt, nhưng cũng chính nó đã mang lại phù sa màu mỡ đến cho người Trung Hoa cổ đại từ những chi lưu của mình, đã nuôi sống dân tộc Trung Hoa, hun đúc nền văn minh lâu đời bậc nhất thế giới ngày nay. Đất cao lanh ở quanh khu vực sông Hoàng Hà còn là nguyên liệu để con người có thể xây nhà, đắp thành, làm gốm sứ… Bên cạnh sông Hoàng Hà rộng lớn, Trung Quốc còn gắn liền với sông Dương Tử (Trường Giang), dòng sông dài nhất Trung Quốc và dài thứ 3 thế giới với 6300km. Bắt nguồn từ dãy núi chính Đường Lạp Cổ của tỉnh Thanh Hải, Trường Giang có rất nhiều nhánh, nguồn nước dồi dào, là con sông đứng đầu toàn quốc về lượng đất đai cần tưới tiêu và số người sử dụng. Trường Giang như một chiếc thắt lưng ngọc màu xanh quấn quanh đại lục Trung Hoa. Sức sống mãnh liệt đã khiến nó trở thành khu vực phát sinh thứ hai của nền văn minh Trung Hoa. Chính nhờ các dòng sông lớn này mà Trung Quốc có nền văn minh lớn và lâu đời bậc nhất thế giới.
Về cơ bản nền văn minh Trung Hoa là nền văn minh nông nghiệp. Nông nghiệp nguyên thủy kinh nghiệm còn ít ỏi, công cụ thô sơ, cần sự hợp tác nhiều người, từ các thành viên trong thị tộc, bộ lạc. Bên cạnh đó người dân còn sống bên cạnh những dòng sông lớn và dữ đòi hỏi sự đoàn kết để cùng trị thủy. Cuộc đấu tranh thiên nhiên trường kì giúp con người hiểu biết về thiên nhiên, ý thức tự giác cộng đồng dần hình thành, sự tập trung này đã tạo nên nền văn hoá cộng đồng.
Địa hình Trung quốc thấp dần từ tây sang đông, với núi và cao nguyên chiếm 2/3 lãnh thổ. Núi cao nhất là Chômôlungma (8.848m) thuộc dãy Hymalaya trên biên giới Trung Quốc – Nêpan. Các núi cao nổi tiếng Trung Quốc như Côn Lôn, Thiên Sơn, Tần Lĩnh, Hoành Đoạn Sơn,... Vùng thung lũng và đồng bằng chiếm 1/3 lãnh thổ. Đặc biệt, nước Trung Hoa với đông giáp biển, bắc giáp xa mạc, tây núi cao chắn…tạo một hoàn cảnh cơ bản là phong bế như vậy đã tăng cường quan niệm về “tính chỉnh thể” “tính toàn vẹn” “tính thống nhất”. Mặt khác, căn cứ theo địa hình, văn hóa Trung Quốc được chia làm 3 bậc thang: núi cao, bình nguyên và duyên hải ven biển. Núi cao và bình nguyên là hai bậc thang mang tính chất lục địa. Mỗi bậc thang khác nhau sẽ tạo ra những đặc điểm văn hóa khác nhau. Ở bậc thang bình nguyên lại là nơi người dân phải đi làm ăn xa, đi lại nhiều, đó là lý do cho các phát minh về xe cộ ra đời. Những chiếc xe để phục vụ cho việc đi lại làm ăn xa và chở hàng hóa, đồ dùng như xe cút kít, xe kéo,... Bậc thang năng động nhất phải kể đến đó là bậc thang duyên hải, đây là khu vực giỏi thương nghiệp, bởi họ gần biển, họ vừa phải đấu tranh chống lại thiên nhiên dữ dội đồng thời cũng phải phát triển kinh tế để nuôi sống bản thân. Chính vì vậy, thương nghiệp rất phát triển nhờ giao lưu buôn bán bằng cả đường thủy và đường bộ. Ba bậc thang như vậy đã tạo nên cho văn hóa Trung Quốc trong âm có dương, trong dương có âm, trong tĩnh có động trong động có tĩnh. Chính vì vậy, trong giới nghiên cứu thường có câu về Trung Quốc là “ Nói không là khó, nói khó là không có”.
Về khí hậu: Trung Quốc thuộc khu vực gió mùa, địa hình trải dài qua nhiều loại khí hậu, có đến 6 vùng khí hậu khác nhau, đa dạng từ ấm đến khô. Từ khí hậu cận xích đạo, nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới cũng chia làm ba vùng ôn đới ấm, ôn đới và ôn đới lạnh. Đặc điểm này giúp Trung Quốc vừa đa dạng vừa thống nhất, trong đa dạng có thống nhất và trong thống nhất có đa dạng.
Trung Quốc thuộc loại hình văn hóa lục địa, đan xen giữa văn hóa nông nghiệp với văn hóa biển.
Như vậy, những đặc trưng về mặt địa lí- địa thế có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nền văn hóa Trung Quốc, những đặc điểm văn hóa chịu sự tác động, quy định bởi những đặc điểm tự nhiên. Điều này thể hiện rõ nét trong mọi mặt của đời sống văn hóa xã hội của người dân Trung Quốc từ văn hóa ẩm thực, văn hóa nhà ở, kiến trúc đến văn hóa giao thông, đi lại.Những đặc điểm về địa thế phức tạp, khí hậu khác nhau cũng như sự đa dạng của dân tộc có ảnh hưởng rất lớn tâm lý văn hóa, sở thích và đặc biệt là sản phẩm đặc trưng của quốc gia này. Những sản phẩm tiêu biểu phải kể đến khi nói đến Trung Quốc đó là: gốm sứ, tơ lụa, trà. Có thể thấy, gốm sứ Trung Quốc có bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ hơn 10.000 năm. Trải qua nhiều thời đại, cùng với những thăng trầm của lịch sử, gốm sứ Trung Quốc không ngừng chuyển mình, thay đổi và phát triển vươn lên đỉnh cao, để từ đó cho ra những dòng gốm và sản phẩm gốm sứ ấn tượng, đặc sắc. Điểm cơ bản nhất của gốm sứ Trung Quốc là làm từ đất hoàng thổ - những hạt bụi đất hình thành từ các lớp trầm tích màu mỡ, màu vàng – một thứ đất nguyên sinh và nguyên liệu hàng đầu cho mọi sự cách tân. Chính đất hoàng thổ đã tạo nên gốc gác văn hóa Trung Quốc. Sản phẩm thứ hai phải kể đến là tơ lụa. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất thế giới từ thế kỉ III TCN. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và quý tộc, sau này tơ lụa được đưa đi các vùng hình thành nên con đường buộn bán lớn nhất thời cổ đại mang tên “ Con đường tơ lụa”. Trà cũng là một sản phẩm tiêu biểu nổi tiếng thế giới của Trung Quốc. Trung Quốc là quê hương của lá trà, người Trung Quốc là người biết đến cách trồng trà và chế biến các loại đồ uống từ lá trà sớm nhất. Từ xưa, trà Trung Quốc được coi là đồ uống quý tộc, được sử dụng trong tầng lớp quý tộc và xuất bán sang hoàng gia các nước Anh, Nga, Mỹ,...
Nội dung liên quan
Tuấn Tuấn Đạt