Xu hướng sử dụng đồ "sida" - secondhand của giới trẻ
Thời trang nhanh đang để lại quá nhiều vấn đề cho môi trường và xã hội, từ khâu vật liệu sản xuất, góc khuất lao động cho tới ô nhiễm và xả rác thải. Xu hướng sử dụng đồ secondhand gần đây đã góp phần giải quyết phần nào sự hết thời quá nhanh của quần áo. Đối với nhiều bạn trẻ, thế giới đồ si như mở ra một chân trời mới để họ thể hiện phong cách cá nhân cùng tình yêu môi trường.
Đồ “sida” là gì ?
Đây là cụm từ rất dễ gây hiểu nhầm một vài năm gần đây. Chữ “sida” không phải tên một loại bệnh như mọi người vẫn nghĩ, mà là tên viết tắt của một tổ chức Thụy Điển. Cụ thể, SIDA là từ viết tắt của Swedish International Development Cooperation Agency theo ngôn ngữ tiếng Anh (còn theo tiếng Việt thì SIDA tạm dịch là: Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển).
Từ những năm đầu 1980 đến đầu 1990, tổ chức SIDA của Thụy Điển có những chương trình viện trợ cho Việt Nam, đặc biệt là quyên góp quần áo cũ cho người dân. Đồ hỗ trợ được giặt giũ sạch sẽ rồi đóng thùng gửi đến Việt Nam. Do đó đồ sida còn có tên gọi khác như đồ si, đồ thùng, đồ secondhand, đồ cũ, đồ qua tay…Mặc dù tổ chức SIDA đã không còn thực hiện hình thức viện trợ này nữa nhưng khái niệm “đồ sida” vẫn được sử dụng để chỉ những mặt hàng thời trang nước ngoài đã qua sử dụng nhập về Việt Nam. Hiện nay không chỉ có đồ si các nước châu Âu mà còn có cả đồ si Nhật, Hàn cũng được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.
Đồ sida hầu như là những mặt hàng quần áo cũ, giày dép cũ, túi xách cũ, phụ kiện thời trang cũ, đồ đã qua sử dụng. Những mặt hàng này còn chất lượng rất tốt với giá chỉ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn. Nếu may mắn, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy một món đồ có giá trị cao, hoặc đồ hiệu cao cấp trong những kiện hàng đó.
Không nghiêng về một phong cách riêng biệt nào, quần áo secondhand rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, phong cách, size phù hợp với mọi đối tượng. Từ bánh bèo, cá tính đến sang trọng, quyến rũ, trẻ trung, năng động hay cực ngầu. Cho dù bạn là sinh viên hay dân văn phòng, đã có gia đình hay còn độc thân đều có thể tìm được items của riêng mình.
Giới trẻ với đam mê sử dụng đồ secondhand
Đồ secondhand đang thực sự trở thành một xu hướng thời trang mới trên toàn thế giới. Theo nhiều báo cáo doanh số từ các cửa hàng bán lẻ trực tuyến, hoạt động mua bán quần áo “qua tay” đang bùng nổ mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới. Phần lớn những người được hỏi về thói quen mua sắm đều nói rằng họ đang cố gắng cắt giảm số lượng đồ may mặc, để tập chung cho những nhu cầu khác về sức khỏe và ăn uống. Một phần khác lại lựa chọn cách mua đồ cũ với giá rẻ hơn để duy trì niềm vui mua sắm của bản thân.
Tại Việt Nam, với các bạn trẻ yêu thích sáng tạo thời trang, những món đồ secondhand góp phần thể hiện phong cách độc đáo, cá tính của họ. Nhờ trào lưu “trở về thập niên 80” với phong cách retro, đồ secondhand được các bạn trẻ biến tấu thành những trang phục mới lạ, đậm chất riêng. Trào lưu này nhận được nhiều sự yêu thích từ giới trẻ, ngay cả dàn sao Việt như Diệu Nhi, Sĩ Thanh, AMEE, Á hậu Hà Thu và Hoa hậu Nguyễn Trần Khánh Vân cũng hưởng ứng tích cực. Dần dần, đồ secondhand trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Nguồn: Kênh Youtube NTV chanelLượn một vòng các trang mạng xã hội, đặc biệt là TikTok có thể thấy không ít các tài khoản chia sẻ những địa chỉ “săn” đồ si nổi tiếng tại Hà Nội như: chợ Kim Liên, chợ Đông Tác, chợ Hàng Da, chợ Đặng Văn Ngữ…v.v Sở dĩ đồ secondhand rất độc đáo là bởi vì mỗi món đồ hầu như đều là “độc nhất vô nhị”. Rất nhiều mẫu quần áo đã được thiết kế cách đây cả chục năm, một số thương hiệu thậm chí không còn tồn tại, vì vậy khả năng bạn bị đụng hàng là cực kỳ hiếm. Chỉ cần khéo mix&match một chút bạn sẽ có những outfit cực độc lạ không lo đụng style. Nhiều bạn trẻ cho rằng mua quần áo cũ là "nghệ thuật mua sắm một cách tỉnh táo". Họ chỉ ra rằng để trông đẹp đẽ, người ta không cần phải mua thứ gì đó mới tinh.
Nhiều bạn trẻ đã tìm được phong cách đậm chất riêng cùng những bộ đồ secondhand, cô bạn Bách Liên là một ví dụ. Chia sẻ về gu thời trang của mình, Bách Liên cho biết: "Mình thích style vintage và kiểu của các diễn viên Hong Kong hồi đó nhưng chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể giống họ. Cho đến mới đây khi chụp một bộ ảnh thì mình được mọi người nhận xét như vậy nên vui lắm".
Trong những bức hình chia sẻ trên group Mê đồ si đa, Bách Liên toả sáng với mái tóc xoăn bồng bềnh, son môi đỏ và đặc biệt thần thái rất nghệ sĩ nữa. Trông cô bạn chẳng khác gì minh tinh Hong Kong đình đám như Lý Gia Hân, Ôn Bích Hà,...
Bên cạnh đó, cô bạn cũng chia sẻ con đường săn đồ si của mình: "Mình mới biết và mua đồ si được khoảng 1 năm nay. Do mình rất thích phong cách của một chị trên mạng mà chị đó lại là stylist cho tiệm đồ si nên mình mới biết đến nó. Trong số những đồ si mình đã mua thì món rẻ nhất là 50k còn món đắt nhất là 380k".
Xu hướng sử dụng đồ secondhand đang được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình không chỉ vì giá thành rẻ, phong cách độc, lạ mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Những bạn trẻ như Bách Liên đã và đang góp phần lan tỏa rộng hơn xu hướng thời trang bền vững này.
Xu hướng thời trang xanh
Theo Wikipedia, ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm trên thế giới. Việc sản xuất và phân bổ các nguyên liệu sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang đều gây ô nhiễm môi trường, bao gồm nhiều dạng ô nhiễm khác nhau như ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất. Để sản xuất quần áo như hiện nay thì một lượng lớn năng lượng, nước và nguồn tài nguyên khác đã được sử dụng để làm ra trang phục.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ước tính phải mất 7.000 lít nước để sản xuất 1 chiếc quần jeans hay 2.700 lít nước cho một chiếc áo sơ mi. Hầu hết các sản phẩm này đều được làm từ chất liệu tổng hợp, được nhuộm màu không thể tự phân hủy, các hóa chất có thể ngấm vào mạch nước ngầm cũng như các nguyên liệu nylon, polyester... có nguồn gốc từ dầu mỏ phải mất hàng trăm năm để phân huỷ.
Với tâm lý mua sắm của nhiều người, phần lớn đồ may mặc trên thực tế không được mặc nhiều hoặc bị vứt bỏ chỉ sau một thời gian ngắn do hỏng, không vừa nữa hoặc “lỗi mốt”. Nếu không có phương án xử lý phù hợp, hầu hết quần áo bị vứt bỏ sẽ đi đến các bãi rác. Tuy nhiên, khi chôn lấp, vải nhuộm và sợi tổng hợp khó phân hủy không khác gì rác thải nhựa. Thiêu hủy quần áo lại càng thải ra môi trường các loại khí thải, đóng góp vào quá trình biến đổi khí hậu làm Trái đất nóng lên. Nếu xu hướng “mua nhiều nhưng dùng chẳng bao nhiêu” như vậy tiếp diễn, con người sẽ vẫn là “tội đồ” chính làm tổn hại môi trường sống của mình.
Do đó, mua đồ cũ, đồ secondhand…mang tới cho họ cơ hội để chống lại ngành thời trang nhanh và giảm tác động có hại của ngành này. Việc mua sắm và dùng quần áo “qua tay” giúp kéo dài vòng đời sử dụng, từ đó giảm mức carbon của sản phẩm đến 82%. Khi giảm mua một sản phẩm mới, đồng nghĩa với việc chúng ta đã giảm được khoảng 78,9kg khí CO2 thải ra từ quá trình sản xuất, vận chuyển, giảm lượng nước sử dụng và hạn chế sản sinh khí metan khi quần áo phân hủy ngoài môi trường. Theo báo cáo của thredUP – sàn giao dịch thời trang secondhand lớn nhất thế giới – hoạt động mua sắm quần áo “qua tay” đã giúp giảm gần 1 tỷ mặt hàng sản xuất mới vào năm 2021.
Có thể nói, quan điểm mua sắm mới đã đưa đồ secondhand trở thành một xu hướng thời trang hiện nay cũng là một cách làm ý nghĩa để cùng chung tay bảo vệ môi trường từ những việc làm gần nhất, dễ nhất mà bản thân có thể. Với sự phát triển của mạng xã hội và xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay, hoạt động mua bán và trao đổi quần áo secondhand chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai gần.
Nếu bạn muốn tiếp tục vòng đời của tủ quần áo cũ, hãy giặt sạch và tìm chủ mới cho chúng trên REshare nha !