Xin cho biết hiện tượng Trái đất đang nóng dần lên có ảnh hưởng thế nào đến nước ta?
kiến thức chung
Theo nhà khoa học Trần Đăng Hồng (http://vietsciences.free.fr) thì thế giới và Việt Nam đã và đang kinh qua việc gia tăng nhiệt độ trung bình. Tuy nhiệt độ trung bình gia tăng không nhiều lắm, khoảng 0,6°c trong 100 năm qua, nhưng chính nhiệt độ thái quá có ảnh hưởng khốc hại vì đi kèm với sống nhiệt, bão tố, lụt lội và hạn hán. Trong vòng 30 năm qua, nhiệt độ trong mùa đông trở nên ấm áp hơn ở Bắc Mỹ và Á châu, và các luồng sóng nhiệt thường xuyên xảy ra và khốc hại hơn trước. Thêm vào khuynh hướng thay đổi nhiệt độ Trái đất theo chu kỳ (gia tăng hay suy giảm nhiệt độ) từ ngày Trái đất được hình thành đến nay nhiệt độ Trái đất đang trên đà gia tăng, cộng với ảnh hưởng của hiện tượng "hâm nóng toàn cầu" gây thêm bởi "khí nhà kính" đã bắt đầu thấy hậu quả trên khí hậu của thế giới và Việt Nam: liên tục từ 1998, nhiệt độ trong mùa hè cao hơn bình thường và những cơn lạnh bất thường xảy ra ở miền Nam trong mùa đông, mưa phân phối bất thường, khô hạn chưa từng có trước kia, đến sớm hơn và kéo dài ở cao nguyên, miền Trung, đồng bằng Nam Bộ và Bắc Bộ, lũ lụt liên tục mấy năm nay. Trong mùa lũ làm chết hàng trăm người ở đồng bằng Cửu Long và miền Trung, bão táp cũng xảy ra bất thường và mãnh liệt hơn trước. Hiện tượng El-Nino đã và đang mang đến khô hạn và nạn cháy rừng trầm trọng, La-Nina mang bão táp lũ lụt, đồng thời việc biến đổi thủy tính và lưu lượng các dòng sông Mekong, sông Hồng, v.v..., đang và sẽ đưa đến nhiều hậu quả tai hại hơn lên nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Việc biến đổi khí hậu và thủy tính các dòng sông sẽ ảnh hưởng vào kinh tế, môi trường, sự phát triển bền vững nông nghiệp, và vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn vào dân nghèo ở nông thôn: mùa canh tác ngắn hơn, đất nghèo dưỡng chất hơn, rừng bị giảm tài nguyên, thú vật, cỏ, đồng cỏ, và các giống cây thiếu khả năng thích ứng với môi trường mới, côn trùng, bệnh tật nhiều hơn và trầm trọng hơn, v.v... Dân nghèo sẽ nghèo hơn trong tương lai, nếu không có những biện pháp khắc phục và cải thiện hữu hiệu ngay từ bây giờ.
Riêng trong 100 năm của thế kỷ 20, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 0,6°c, và hai thập niên 80 và 90 là hai thập niên nóng nhất, và các năm 1998, 2001 và 2002 là năm nóng nhất của thiên niên kỷ. Dự đoán là nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 1,4°c đến 5,8°c vào cuối thế kỷ 21 này tùy theo mức độ sả thải của khí nhà kính ít hay nhiều, quan trọng nhất là C02.Theo Hiệp hội IUCN thì Việt Nam, Lào và Campuchia là vùng bị ảnh hưởng nhất ở vùng Đông Nam Á bởi hiện tượng hâm nóng toàn cầu, cộng hưởng thêm với sự biến đổi thủy tinh dòng sông Cửu Long gây nên bởi hiện tượng này và bởi con người.
Theo Whetton (1994), vùng duyên hải Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan nhiệt độ tiên đoán sẽ tăng hơn hiện nay khoảng 0,1 - 0,5°c vào 2010, và tăng thêm 0,4 - 3°c vào 2070. Tuy nhiên, bên trong nội địa ở vùng này, nhiệt độ sẽ tăng nhiều hơn, khoảng 0,3 - 0,7°c vào 2010, và 1,1 - 4,5°c vào 2070.
Nội dung liên quan
Vy Trúc