Xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp nơi công sở
Trong môi trường làm việc bên cạnh các mối quan hệ cấp trên – cấp dưới, cấp dưới – cấp trên, quan hệ với đối tác, khách hàng…việc xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp có vai trò khá quan trọng. Nếu bạn muốn thành công bạn cần tạo dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ này. Bởi mối quan hệ đồng nghiệp nơi công sở sẽ giúp ích và hỗ trợ bạn rất nhiều trong công việc và cuộc sống: công việc được giải quyết nhanh chóng nếu có sự trợ giúp của đồng nghiệp, làm bạn với những người có thái độ, tư duy tích cực bạn sẽ được truyền cảm hứng, có động lực và cảm hứng làm việc, phấn đấu đồng thời bạn bè nơi công sở cũng là nơi ta có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những bức xúc, căng thẳng, stress…Bạn sẽ có được điều này khi bạn may mắn gặp được những người đồng nghiệp tốt. Tuy nhiên, trên thực tế mối quan hệ này cũng không đơn giản là màu hồng huyền diệu như chúng ta mong muốn, đôi khi nó lại làm bạn khó chịu, bực mình, là cái cản trở bạn, làm hại bạn, thậm chí có khá nhiều “đao kiếm” nữa. Các “kiểu” đồng nghiệp “củ chuối” mà đôi khi bạn sẽ gặp phải như: người tự tin thái quá, kiêu ngạo (bạn sẽ thường xuyên bị anh ta “lên lớp” hoặc khoe khoang thành tích); kẻ lợi dụng lòng tốt của bạn để nhờ vả; người hay ngồi lê đôi mách, kiếm câu chuyện làm quà, nói xấu sau lưng (nhiều khi bạn chính là nạn nhân cho những cuộc bàn luận đó); người ghen ghét, đố kị với bạn; người nói nhiều, hay kêu ca, phàn nàn, đổ lỗi, đem chuyện bực dọc gia đình đến cơ quan mang lại nguồn năng lượng xấu cho bạn… Vậy bạn cần phải xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp như thế nào? Làm thế nào để nhận diện được đồng nghiệp tốt, đồng nghiệp xấu? Xây dựng hay né tránh với những “kẻ xấu”? Có nên chia sẻ hết mọi điều với đồng nghiệp không? Có cần phải cẩn trọng, dè chừng với những người cùng làm việc với mình không?...
Cấp trên và đồng nghiệp – ai dễ ứng xử hơn?
Bạn nghĩ sao về điều này? Có người sẽ cho rằng tất nhiên là mối quan hệ với cấp trên rồi vì đó là mối quan hệ quá rõ ràng, phân tầng đẳng cấp tôn ty trên dưới. Mình là cấp dưới thì phải tuân lệnh, nghe lời, quan tâm, săn sóc, xu nịnh, lấy lòng…cấp trên. Thế nên việc gì phải nghĩ, cứ y án mà làm thôi. Còn mối quan hệ đồng nghiệp thì vì là mối quan hệ đồng đẳng, đồng quyền nên đôi khi lại nhiều “ngầm ẩn” không biết đâu mà lần. Chả biết nó có tốt với mình không, có thực lòng với mình không, dễ khi “Bề ngoài thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không dao” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Nhưng cũng có người lại cho rằng đồng nghiệp thì “cùng hội, cùng thuyền” dễ xử hơn, dễ nói chuyện và chia sẻ hơn, không phải giấu giếm. Trong khi với cấp trên thì phải đón ý, phải nghe ý nghe tứ xem sếp muốn gì để mà chiều lòng. Nói chung là mệt! Quan điểm của mình thì trong bất cứ mối quan hệ nào cũng có cái khó cái dễ. Điều quan trọng là bạn muốn xây dựng mối quan hệ đó như thế nào, ở mức độ nào? Bạn có thực sự muốn xây dựng mối quan hệ, kết nối với người đó không? Bạn đặt mong muốn gì vào mối quan hệ đó (lợi ích, chia sẻ, tăng sự hiểu biết, tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực…). Dù trong mối quan hệ nào thì mình luôn đặt giá trị bền vững lên trên hết. Do đó, mình sẽ luôn tiệm cận đến cái cốt lõi của mối quan hệ là sự thấu hiểu, thấu cảm.
Sự thấu hiểu, thấu cảm – cốt lõi trong mọi mối quan hệ
Trong bất cứ mối quan hệ nào, bên cạnh việc hiểu mình là ai thì hiểu người khác, người mà mình sẽ kết nối, tương tác là rất quan trọng. Bạn sẽ cần nắm được những thông tin cơ bản về người đó như tên tuổi, giới tính, nghề nghiệp, quê quán để dễ dàng nói chuyện khi kết nối (chia sẻ hiểu biết hay tìm điểm tương đồng, điểm chung, biết lựa chọn chủ đề giao tiếp, dẫn dắt cuộc giao tiếp…), những thế mạnh/thế yếu, tâm lý, tính cách của họ. Ở tầng sâu hơn của sự thấu hiểu là bạn phải hiểu nhu cầu, mong muốn, những giá trị mà người đó theo đuổi và cao hơn nữa là cơ sở, lý do mà họ hướng tới điều đó. Nếu nắm bắt được những điều trên, tôi tin rằng bạn sẽ có sự hiểu biết thấu đáo và trọn vẹn về người đồng nghiệp của mình, thậm chí hiểu được những suy nghĩ và cảm được những cảm xúc của họ. Bạn sẽ dễ dàng kết nối và duy trì các mối quan hệ một cách chân thành và bền vững nhất.
Tôn trọng và hài hòa lợi ích, luôn ghi nhận, công nhận những thành công, giá trị của đồng nghiệp
Sự tôn trọng lẫn nhau và hài hòa lợi ích là một trong những nguyên tắc hàng đầu nếu bạn muốn có các mối quan hệ bền chặt. Thay bằng việc đề cao cái tôi cá nhân, sự đòi hỏi lợi ích trong các mối quan hệ, trước hết bạn hãy là người “cho đi tự nhiên”, không tính toán, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi cần. Luôn biết đặt vị trí của mình vào người khác, không dùng quan điểm, suy nghĩ của mình để phán xét, định kiến hay dán nhãn. Chúng ta hãy luôn nhìn vào điểm tích cực của nhau, không ghen ghét, đố kị với thành công của người khác. Mỗi người khi được sinh ra trên thế giới này đều mang trong mình một sứ mệnh nhất định, do đó, chúng ta là những con người khác biệt, không ai giống ai và đều có những thế mạnh riêng của bản thân. Do đó, hãy luôn tôn trọng sự khác biệt, sống khoan dung, hòa đồng, ghi nhận và công nhận những thành công, giá trị của người khác, của bạn bè, đồng nghiệp. Mình tin rằng bạn sẽ trở thành người đáng tin cậy trong các mối quan hệ.
Bất kể ở đâu, bất kể lúc nào bạn cũng cần một người tri kỷ
Tôi luôn tâm niệm điều này. Bởi khi bạn có mối quan hệ tốt thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chính vì vậy, trong các không gian, môi trường khác nhau tôi luôn tìm kiếm những người bạn tốt. Tuy nhiên không vì thế mà ai tôi cũng có thể kết bạn và coi là tri kỷ. Người bạn tri kỷ phải là người hiểu mình, tôn trọng mình, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ bên cạnh việc cùng quan điểm, suy nghĩ, góc nhìn. Muốn có được những người bạn như thế bạn cần có thời gian, có sự kết nối để thực sự thấu hiểu nhau. Trong môi trường công sở nhiều cạnh tranh, ghen tị bạn không dễ dàng để tìm được một người bạn như vậy. Nhưng nếu tìm được một người như thế tôi khuyên bạn hãy kết nối và vun đắp cho mối quan hệ này.
“Không hại người nhưng phải chuẩn bị phòng người”
Tôi nói điều này để nhắc bạn rằng chúng ta không nên quá tin người khác và trong mối quan hệ đồng nghiệp cũng vậy. Không nên nói quá nhiều, tâm sự, chia sẻ tường tận, “ruột gan”, “vạch áo cho người xem lưng” những chuyện gia đình, vợ chồng (nếu có), nhất là những câu chuyện buồn, những bức xúc, khổ tâm…Nếu may mắn bạn gặp được người tốt, hiểu và thực sự cảm thông cho bạn nhưng phần đông sẽ “mở cờ trong bụng” dù bề ngoài đang đồng cảm với bạn. Và nhất là đôi khi sẽ trở thành “câu chuyện làm quà” cho những cuộc buôn dưa lê bán dưa cà, trở thành chủ đề đàm tiếu, bàn luận về bạn.
Bạn là người tốt, sống lương thiện, nhiệt tình, tâm huyết hết mình với công việc, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp khi cần. Đó là điều tuyệt vời giúp bạn có được những mối quan hệ tốt, bền vững. Tuy nhiên, không phải bao giờ lòng tốt cũng mang ban phát cho tất cả mọi người. Có thể có những người lợi dụng điều này để nhờ vả, ỷ lại vào bạn. Do đó, cần biết trao giá trị của mình cho đúng người, đúng việc. Cẩn thận với những lời tâng bốc, lời khen quá đà bởi đôi khi đó là cách để họ nhờ vả bạn.
Trong tất cả những điều mà tôi vừa chia sẻ trên, điều quan trọng nhất là nếu bạn muốn có những người đồng nghiệp tốt, có mối quan hệ đồng nghiệp tốt thì trước hết bạn phải cũng phải là người đồng nghiệp tốt. Nếu bạn là người đồng nghiệp tốt thì tôi tin rằng bạn sẽ trở thành “thỏi nam châm” luôn thu hút người khác đến với mình, muốn kết nối với mình. Và như vậy, tất nhiên rồi, khi bạn có nhiều mối quan hệ tốt, bạn sẽ trở thành một người giàu có vì bên bạn sẽ luôn có rất nhiều người sẵn sàng kết nối, giúp đỡ bạn. Chúc bạn thành công nơi công sở!