Xã hội làm việc ở những lĩnh vực nào?
kiến thức chung
Mới đây có một nghiên cứu tại Đại học lừng danh Oxford (Anh quốc) mang tên "Khoa học nhân văn và nền kinh tế Anh quốc: những tác động ẩn ngầm" (Humanities Graduates and the British Economy: The Hidden Impact) để tìm hiểu xem những người học khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) có thể làm gì, đóng góp được gì trong xã hội. Cuộc nghiên cứu này được tiến hành trên 11.000 cựu sinh viên học ngành KHXH&NV từ năm 1960-1989, kết quả như sau:
Cơ cấu ngành nghề của người tốt nghiệp ngành nhân văn tốt nghiệp tại ĐH Oxford giai đoạn 1960-1989 (N= 11.000 người)
Như vậy qua kết quả khảo sát, chúng ta thấy có gần 80% số người tốt nghiệp nhóm ngành KHXH&NV làm việc trong các lĩnh vực nghề nghiệp: giáo dục, truyền thông, luật, tài chính và quản trị. Đây là những lĩnh vực nghề nghiệp rất quan trọng trong nền kinh tế và tỷ lệ tham gia của những người tốt nghiệp khối ngành KHXH&NV như vậy cho thấy sự đóng góp của nhóm ngành này đối với nền kinh tế quốc gia là quan trọng như thế nào. Có thể lý giải điều này là bởi trong nền kinh tế mang đầy tính cạnh tranh như hiện nay, học ngành xã hội-nhân văn không phải là một bất lợi bởi tư duy phê phán, khả năng ngôn ngữ, kỹ năng truyền thông, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng tự học và tìm tòi cái mới vốn là thế mạnh của những người học ngành xã hội nhân văn luôn là những yếu tố cần thiết trong hoạt động kinh tế hiện đại.
Theo ông David Willets phụ trách lĩnh vực đại học thuộc chính phủ của thủ tướng Cameron cho biết có khoảng 34% lãnh đạo 100 doanh nghiệp lớn nhất của Anh quốc tốt nghiệp ngành văn chương hoặc nghệ thuật. Ông cũng có nhận định rất xác đáng khi cho rằng với những thách thức hết sức phức tạp của thời đại như biến đổi khí hậu, khủng bố, già hóa dân số thì chúng ta sẽ không thể giải quyết được nếu chỉ dựa vào một ngành khoa học nào đó mà phải cần kiến thức của nhiều ngành khoa học khác nhau. Chúng ta không thể chỉ tìm hiểu về ôtô điện mà còn phải tìm hiểu xem điều gì thôi thúc con người ta chọn hay không chọn mua ôtô điện nữa. Nói chung, bất kể cái gì có liên quan đến hành vi của con người thì cần phải có tri thức về khoa học xã hội-nhân văn.
Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy những ngành khoa học xã hội nhân văn không phải là những ngành học cho "sang" hay “mơ hồ” mà chúng cũng tham gia đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nếu biết vận dụng những kỹ năng và tri thức có được.
Tuy nhiên để có thể học tốt và làm tốt xã hội học nói riêng và các khoa học xã hội nói chung, các bạn sinh viên cần phải thực sự đam mê ngành mình đã chọn, cố gắng dành nhiều thời gian cho việc tự học, cố gắng rèn luyện cho mình khả năng quan sát thực tiễn, óc phân tích và nhất là phải học giỏi một trong các ngoại ngữ chính là Anh, Pháp, Đức. Vì các khoa học xã hội nói chung và xã hội học nói riêng có nguồn gốc từ các nước Phương Tây nên phải giỏi ngoại ngữ thì mới có thể cập nhật được những kiến thức kinh điển và mới mẻ trong ngành học của mình. Học tốt thì sẽ làm được công việc tốt bất kể ngành học nào.
Nội dung liên quan
Diệu Quân