Who moved my cheese - Câu chuyện ngụ ngôn cho con người thời hiện đại
Nếu bạn là người đang loay hoay không phải phải làm gì, phản ứng như thế nào trước những thay đổi của cuộc sống thì đây chính là cuốn sách bạn cần: "Who moved my cheese" của tiến sĩ tâm lý học Spencer Johnson.
Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết, cũng không phải một cuốn sách triết lý với những ngôn từ sáo rỗng, mang tính lý thuyết mà nó chỉ giống như một câu chuyện ngụ ngôn đơn giản nhưng sâu sắc. Cuốn sách khá mỏng để bạn có thể đọc nó trong nửa giờ đồng hồ, Spencer Johnson viết nó cho những con người hiện đại trong guồng quay và nhịp sống hối hả của thời đại.
Câu chuyện có nội dung rất đơn giản:
Có hai chú chuột tên là Đánh Hơi, Nhanh Nhẹn và hai cậu bé tí hon tên Chậm Chạp, Ù Lì đi vào một mê cung đề tìm kiếm miếng pho-mát cho riêng mình. Hai chú chuột với suy nghĩ đơn giản là chỉ cần tìm ra miếng pho-mát để ăn và chúng tìm kiếm theo bản năng. Còn hai cậu bé tí hon tự cho là mình thông minh hơn loài chuột kia và họ suy nghĩ rất phức tạp, họ tìm kiếm miếng pho-mát bằng bản đồ và với họ, pho-mát không chỉ là pho mát mà nó còn là niềm hạnh phúc, tình yêu, sự đủ đầy và giàu có... Tuy nhiên thì cả hai nhóm đều tìm được một "cheese station" và tận hưởng những miếng pho-mát thơm ngon.
Cho đến một ngày, miếng pho-mát khổng lồ cũng nhỏ dần, vị thơm ngon của nó cũng không còn như lúc đầu. Hai chú chuột nhận ra điều đó sớm hơn và đã nhanh chóng đi tìm kiếm những miếng pho-mát mới trong mê cung. Còn hai cậu bé tí hon thì cứ quanh quẩn trong kho pho-mát cũ với câu hỏi: "Tại sao pho-mát của tôi lại biến mất?", "Ai đã lấy miếng pho-mát của tôi?", "Không thể có chuyện như vậy được, sớm muộn gì cũng sẽ có người trả lại pho-mát cho chúng ta, vì vốn dĩ nó phải ở đây"... Và thế là họ cứ chờ đợi ngày ngày qua ngày khác với niềm tin rằng chắc chắn sẽ có phép màu xảy ra. Nhưng sự thật là chẳng có phép màu nào cả.
Cậu bạn Chậm Chạp đã nhận ra điều đó và cậu quyết tâm đi ra ngoài mê cung để tìm kiếm những kho pho-mát mới còn Ù Lì thì cố chấp ở lại vì cậu sợ những nguy hiểm rình rập ở ngoài kia, và cậu cũng không muốn thích nghi với cái mới mà chỉ muốn ở lại chờ pho-mát xuất hiện.
Cuối cùng thì Chậm Chạp và hai chú chuột Đánh Hơi, Nhanh nhẹn cũng tìm được một kho pho-mát mới, khổng lồ và có rất nhiều loại pho-mát khác nhau. Kết quả là họ đã có thể tận hưởng sự thay đổi và thưởng thức hương vị của những miếng pho-mát mới.
Một câu chuyện đơn giản nhưng ý nghĩa sâu sắc đối với con người hiện đại, đặc biệt là trong kinh doanh
1. Thay đổi là điều luôn diễn ra
Sự thay đổi luôn có thể làm mất những miếng pho-mát ngon lành ta đang có.
2. Chấp nhận những thay đổi
Sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống những miếng pho-mát có thể bị lấy đi.
3. Chuẩn bị cho những thay đổi
Thường xuyên ngửi những miếng pho-mát để phát hiện kịp thời nếu chúng đang cũ đi.
4. Thích ứng nhanh chóng với những thay đổi
Càng nhanh chóng bỏ kho pho-mát cũ đi chứng nào thì người ta có thể tìm được kho pho-mát mới nhanh chừng ấy.
5. Thay đổi
Di chuyển cùng với những chiếc pho-mát.
6. Tận hưởng sự thay đổi
7. Chuẩn bị sẵn sàng để nhanh chóng thay đổi và tiếp tục thưởng thức chúng
A.J. Cronin đã từng nói: "Cuộc đời không phải là những hành lang thẳng tắp để ta có thể dễ dàng đi qua mà không gặp vật cản nào. Cuộc đời thường là những mê lộ buộc ta phải tìm kiếm lối đi cho riêng mình nếu muốn băng qua nó."
Câu chuyện đúng với cả trong lĩnh vực kinh doanh. Thế giới thay đổi từng ngày, từng giờ, nếu các công ty/tổ chức/doanh nghiệp không chịu thay đổi thì sớm muộn gì cũng thất bại và dần biến mất trên thị trường. Đó có thể là Nokia, Blockbuster, Biti's... và rất nhiều thương hiệu khác. Đó là những thương hiệu từng làm mưa làm gió một thời tuy nhiên đứng trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin và tác động của khủng hoảng kinh tế, chúng dần dần bị sự phát triển thần tốc của những thế hệ sau nhấn chìm chỉ vì sự bảo thủ, cố chấp và không chịu thay đổi.
Trên thương trường cạnh tranh đầy khốc liệt, doanh nghiệp không chỉ cần hiểu về mình mà còn phải hiểu về đối thủ cạnh tranh, về những nguy cơ có thể xảy ra với mình cũng như dự đoán những xu hướng mới trong tương lai, từ đó liên tục đổi mới và cải thiện để bắt kịp thời đại, tránh được các rủi ro và không ngừng vươn lên.
Không chỉ là cuốn sách hay về đề tài kinh doanh, "Who moved my cheese" còn là chiếc chìa khóa của cuộc sống
Cuốn sách có ý nghĩa với tất cả chúng ta, đặc biệt là những người đang gặp phải những bế tắc, bất an khi đứng trước những thay đổi của cuộc sống. Để tồn tại và làm cho cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta phải không ngừng thay đổi, như một cách để trưởng thành vậy. Những thay đổi đó, có thể khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách hơn, nhưng chắc chắn nó sẽ đem lại những kết quả tốt hơn so với việc không làm gì cả và chờ đợi phép màu như cậu bạn Ù Lì trong truyện.
Nhiều khi những thói quen cũ bó hẹp khiến chúng ta không thể và không muốn nghĩ đến cái gì khác ngoài "chiếc pho-mát cũ" đã không còn. Chúng ta cứ loay hoay trong những hành vi quen thuộc, chính vì thế khi có những thay đổi, chúng ta dễ bị bất ngờ và mất phương hướng. Việc kháng cự lại những thay đổi tất yếu cũng sẽ phải trả những cái giá không hề nhỏ. Chúng ta không thể sống bằng một niềm tin ngây thơ rằng những điều tốt đẹp luôn tồn tại, thiên thần luôn luôn xuất hiện mỗi khi chúng ta gặp khó khăn mà đôi khi phải chủ động tạo ra sự thay đổi để có được thành công trong cuộc sống. Vậy nên vấn đề chỉ là sự lựa chọn ở bản thân mỗi người mà thôi.
thay đổi
,trưởng thành
,kinh doanh
,cuộc sống
,sách
,sách
Rất thú vị! Mình nghe tên cuốn sách này đã nhiều lần, và cũng cảm thấy tò mò, nhưng chưa bao giờ có dịp đọc. Vậy nên rất cảm ơn bài viết tóm tắt này của bạn!
Cuốn sách này làm mình nhớ đến một so sánh vui (hình như cũng giữa 2 người và 2 chú chuột, hay chó mèo gì đó, haha). Là sau khi 2 người cãi nhau, thường tâm trí họ sẽ đắm chìm trong những câu tự vấn như "Mình đâu phải người có lỗi chứ, người kia mới có lỗi", "Nếu anh ta xin lỗi trước, mình sẽ bỏ qua, không thì đừng hòng!", "Từ bây giờ mình sẽ không chơi với anh ta nữa!", v.v...và thế là chỉ từ một bất đồng nhỏ mà mối quan hệ giữa 2 người bị bẻ gãy vĩnh viễn.
Trong khi đó, hãy thử quan sát 2 chú chó, chúng đánh nhau, vật lộn tranh giành thức ăn với nhau mỗi ngày, nhưng chỉ vài phút sau đó, chúng lại có thể cư xử "hoà nhã", thân thiết với nhau trở lại. Ở các em bé cũng vậy, chúng quên đi những bất đồng từng có giữa cả 2 rất nhanh, và vì thế chúng ít...khổ. Còn người trưởng thành thường khổ cũng chính vì suy nghĩ, suy diễn quá nhiều.
Một lần nữa cảm ơn bài viết của bạn. ^_^
Woo Map
Rất thú vị! Mình nghe tên cuốn sách này đã nhiều lần, và cũng cảm thấy tò mò, nhưng chưa bao giờ có dịp đọc. Vậy nên rất cảm ơn bài viết tóm tắt này của bạn!
Cuốn sách này làm mình nhớ đến một so sánh vui (hình như cũng giữa 2 người và 2 chú chuột, hay chó mèo gì đó, haha). Là sau khi 2 người cãi nhau, thường tâm trí họ sẽ đắm chìm trong những câu tự vấn như "Mình đâu phải người có lỗi chứ, người kia mới có lỗi", "Nếu anh ta xin lỗi trước, mình sẽ bỏ qua, không thì đừng hòng!", "Từ bây giờ mình sẽ không chơi với anh ta nữa!", v.v...và thế là chỉ từ một bất đồng nhỏ mà mối quan hệ giữa 2 người bị bẻ gãy vĩnh viễn.
Trong khi đó, hãy thử quan sát 2 chú chó, chúng đánh nhau, vật lộn tranh giành thức ăn với nhau mỗi ngày, nhưng chỉ vài phút sau đó, chúng lại có thể cư xử "hoà nhã", thân thiết với nhau trở lại. Ở các em bé cũng vậy, chúng quên đi những bất đồng từng có giữa cả 2 rất nhanh, và vì thế chúng ít...khổ. Còn người trưởng thành thường khổ cũng chính vì suy nghĩ, suy diễn quá nhiều.
Một lần nữa cảm ơn bài viết của bạn. ^_^