Vua kungfu người Việt tại Pháp
Được coi là truyền nhân đời thứ 7 Vịnh Xuân quyền tại Việt Nam, dạy võ cho nhiều cảnh sát Hong Kong, trở thành người nước ngoài đầu tiên được Trung Quốc phong cấp “thất đoạn” (cấp 7/9 cho tất cả môn võ), hiện giữ chức Vụ trưởng Vụ Trọng tài quốc tế của Liên đoàn Võ thuật Pháp... Anh là Nguyễn Hà Nguyên.
Trong giới thể thao Pháp, nhiều người biết đến anh với tên Pháp là Philippe Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Võ thuật kungfu nhu quyền rất đông võ sinh tại tỉnh Picardie. Anh đồng thời là huấn luyện viên trưởng đội tuyển võ thuật Picardie, kiêm huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ Lương Thế Vinh (chuyên về Hồng gia quyền) và Câu lạc bộ Bạch Hùng quyền nổi tiếng. Từ năm 2005 đến nay, võ sư 51 tuổi này đảm đương chức Vụ trưởng Vụ trọng tài quốc tế của Liên đoàn Võ thuật Pháp.
Hồi còn ở Việt Nam, Nguyễn Hà Nguyên chuyên tâm học Vịnh Xuân quyền với võ sư Ngô Sĩ Quý, đồng thời luyện cả Hồng Gia quyền. Ngày nào cũng vậy, cứ sau 4 giờ chiều, anh lại cùng các bạn đồng môn luyện tập say mê. Năm 1988, vì lý do gia đình, anh chuyển đến Hong Kong và ngay lập tức được mời dạy võ cho nhiều lớp cảnh sát của đặc khu này. Năm 1991, anh sang Pháp, lập gia đình, theo học nghề luật song song với quá trình luyện võ.
Vị võ sư có đôi mắt sáng luôn nhìn thẳng này nói rằng, mỗi năm anh đều dành thời gian sang Trung Quốc trau dồi võ công. Trong 5 năm đầu, Nguyễn Hà Nguyên học ở Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Kinh với nhiều võ sư nổi tiếng như Môn Huệ Phong, Võ Đống, Lưu Ngọc Bình, Trần Ngọc Long, Lý Bỉnh Từ, Hoàng Tu Thanh... Ngoài giờ học chính quy, tích cực nâng cao trình độ Wushu, Vịnh Xuân quyền và Hồng Gia quyền, anh chăm chỉ học thêm nhiều môn phái khác, những bài quyền, môn công đặc dị như Thái cực quyền, Bát quái chưởng, Hình ý quyền, Trốc cước, Ưng trảo công, Cầm nã thủ, Thông bối quyền, Đường lang quyền... Anh cũng tinh thông Thập bát ban võ nghệ, gồm 18 loại binh khí truyền thống.
Nguyễn Hà Nguyên cho biết, thời gian hơn 10 năm học tại Trung Quốc, ngày nào anh cũng thụ giáo ít nhất ba võ sư. Trong 5 năm đầu, sáng anh học Thái cực quyền tại khu công viên Trung Sơn gần quảng trường Thiên An Môn với nữ võ sư lừng danh Hoàng Tú Thanh, gần trưa về khu Trường Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh học thầy Tín Lập Thiên môn Bát quái chưởng, đến chiều thì tới Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Kinh học Trốc cước với thầy Võ Đống. Thời gian sau, anh dành thời gian đi Quảng Tây học Ưng trảo công và Cầm nã thủ, tới Sơn Đông học Đường lang quyền, thăm Hồ Bắc học vật nhanh Bảo Định...
Thành tích học tập của Nguyễn Hà Nguyên khiến nhiều người Trung Quốc nể phục. Năm 1999, tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Kinh, anh được phong cấp “lục đoạn”, tức là cấp học 6/9 cho tất cả các môn võ thuật. Năm 2004, anh đạt “thất đoạn”, cấp bậc võ sư cao cấp đầu tiên mà Trung Quốc phong cho người nước ngoài.
Năm 2008, khi đi thi làm trọng tài quốc tế về võ thuật tổ chức ở Trung Quốc, Nguyễn Hà Nguyên trở thành thủ khoa bài quyền Wushu. Những năm tầm sư học đạo tại xứ sở Vạn lý trường thành, anh có dịp gặp gỡ, trao đổi với một số vận động viên Việt Nam được Nhà nước cử đi tập huấn, như Phương Lan, Anh Minh... Những người này sau này đều trở thành huấn luyện viên hoặc lãnh đạo của Liên đoàn Wushu Việt Nam.
Năm 2003, Nguyễn Hà Nguyên lấy bằng cử nhân về thể dục thể thao ở Pháp. Tấm bằng này rất quan trọng vì nhiều người Việt ở Pháp không thể đàng hoàng dạy võ trên quy mô lớn vì luật của Pháp quy định phải có bằng cấp mới được mở võ đường, thu phí. Kể từ đó, Nguyễn Hà Nguyên chính thức đi vào con đường chuyên nghiệp, vừa dạy võ, vừa thi đấu, vừa tham gia quản lý, huấn luyện tại các cơ sở thể dục thể thao của Pháp.
Kể từ khi được chính thức thừa nhận vào năm 2003, Trung tâm Võ thuật kungfu nhu quyền của anh phát triển nhanh chóng, một phần nhờ có nguồn tài trợ của Chính phủ Pháp (15.000 đến 30.000 euro một năm). Mỗi năm, anh đào tạo được khoảng 100 võ sinh, chủ yếu là người châu Âu, trong đó có khá nhiều cảnh sát. Các võ sinh theo học võ cổ truyền, Wushu, Thái cực quyền và khí công.
Học viên của trung tâm mỗi năm đoạt 5 đến 10 danh hiệu vô địch quốc gia ở các môn võ khác nhau. Nguyễn Hà Nguyên không tính huy chương bạc và huy chương đồng vì anh quan niệm “trong đấu võ, chỉ có luôn chiến thắng mình mới sống nổi”. Bản thân võ sư cũng nhiệt tình tham gia thi đấu kể từ năm 40 tuổi. Đến nay, anh giành 6 huy chương vàng vô địch toàn nước Pháp và năm huy chương vàng vô địch châu Âu, chủ yếu ở lĩnh vực Thái cực quyền.
Nguyễn Hà Nguyên tâm sự, anh muốn thường xuyên về Việt Nam để tìm hiểu thêm về võ cổ truyền như võ Bình Định, Nhất Nam..., hỗ trợ công tác đào tạo vận động viên võ thuật, trao đổi với giới võ sư trong nước và kết hợp thăm họ hàng ở Hà Nội. Anh chia sẻ: “Võ thuật làm mình đam mê và cảm thấy hạnh phúc. Võ thuật cho mình niềm vui, sự tự do, không sợ ai chèn ép và giúp mình giữ được bản chất lương thiện, thật thà”.
thể thao
Tấm gương sáng trên hành trình "Tầm sư học đạo", mình cũng từng nghe đến tên tuổi và rất ngưỡng mộ nhân cách của thầy Ngô Sỹ Quý trong làng Vịnh Xuân. Hi vọng sớm được đọc thêm những chia sẻ của bạn về đề tài võ thuật
Nguyenphuhoang Nam
Tấm gương sáng trên hành trình "Tầm sư học đạo", mình cũng từng nghe đến tên tuổi và rất ngưỡng mộ nhân cách của thầy Ngô Sỹ Quý trong làng Vịnh Xuân. Hi vọng sớm được đọc thêm những chia sẻ của bạn về đề tài võ thuật