Vụ kiện Trần Đức Thảo - Jean Paul Sartre ở Paris
(Nhân sự kiện khủng khiếp vừa xảy ra ở Paris, xin chia sẻ một cách tranh luận khác của người Paris hơn 70 năm trước, rất văn minh và lịch lãm! Ghi lại theo lời kể của ông Lê Tâm - một người bạn thời sinh viên của ông Trần Đức Thảo, Nam Nguyễn trình bày)
Đầu năm 1941 Paris - khi đó hoàn toàn bị Đức phát xít chiếm (khác với miền Nam nước Pháp vẫn còn dưới quyền quản lý của chính quyền Pétain) đã ầm ĩ lên một vụ kiện “vô tiền khoáng hậu” và được báo giới chăm sóc, tường thuật kỹ lưỡng và giới trí thức của “kinh đô ánh sáng” theo dõi sát sao. Tên của nó được báo giới gọi hơi “lá cải” một chút là “Vụ kiện mang tính chất Parisien nhất trong lịch sử Paris”, được khoe ngầm là chỉ ở một nơi trí thức được trọng vọng như Paris thì mới có thể có một vụ kiện tương tự, trong hoàn cảnh thế chiến lần thứ 2 đang gay cấn như vậy!
Người bị kiện là Jean-Paul Sartre - một thần tượng của giới trí thức trẻ thủ đô. Anh ta suốt ngày “ngồi đồng“ ở một quán cafe tại quận 6, gần tháp Eiffel, nơi trước đây là tụ điểm của hai nhà thơ nổi tiếng nhất Pháp đương đại - Verlaine và Baudelaire, và bây giờ đến thời Satre “độc diễn”, bọn thanh niên vây quanh “ngôi sao” để hỏi ý kiến về mọi chuyện trên trời dưới biển, chẳng khác gì thỉnh giảng của “sư phụ” hay đúng hơn là guru. Sartre đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Paris về ngành triết và trở thành người đại biểu nổi bật của chủ nghĩa nhân đạo hiện sinh. Lúc này Sartre đang cặp kè với Simone de Beauvoir - nữ văn sỹ và người đấu tranh cho bình đẳng giới nổi tiếng nhất nước Pháp thời bấy giờ, nàng còn nổi tiếng hơn cả Sartre! Nàng học toán cao cấp, rồi văn học, nghệ thuật, rồi học triết - nàng ghi danh tại trường của Sartre, và sau đó ở cuộc thi triết học để đánh giá sinh viên triết toàn nước Pháp năm 1928 thì Sartre chiếm ngôi vị quán quân, còn nàng đứng thứ hai (nhưng là sinh viên 21 tuổi – trẻ nhất trong lịch sử - đã vượt qua kỳ thi đó!) , và thế là bắt đầu một tình bạn, tình yêu của hai người đồng chí hướng-họ đều trở thành những nhà văn và nhà triết học hàng đầu nước Pháp... Chưa bao giờ trở thành vợ chồng (cả hai đều không chấp nhận hôn nhân), nhưng ngày nay hai ngôi mộ của họ nằm cạnh nhau tại nghĩa trang Montparnasse tại Paris. Đã quá nhiều người viết về họ, nhưng ở status này họ chỉ là “bên bị”.
“Bên nguyên” lúc này mới chỉ nổi tiếng tại trường Đại học Sư phạm cao cấp Paris thôi, nhưng thế cũng là giỏi rồi, vì anh mới học năm thứ ba khoa triết. “Annamite”, tên là Trần Đức Thảo (lúc này Pháp coi thường thuộc địa và ít dùng từ Vienamien) học mấy năm dự bị ở Paris và cũng mới vào trường này thôi, nhưng đã nối tiếng là sinh viên xuất sắc rồi! Đúng truyền thống “triết gia”, Thảo luôn ăn mặc luộm thuộm, bẩn, đầu tóc bù xù, ăn uống thất thường và nói nhiều, nói hay về bất cứ đề tài gì. Câu cửa miệng của ông bằng tiếng Việt và tiếng Pháp là “dốt quá!” - đấy thường là đánh giá của Thảo đối với rất nhiều bạn học, thậm chí cả thầy giáo... trong câu này ý nghĩa khinh miệt ít thôi, mà người nghe cũng ít thấy sự phản cảm, vì Thảo bao giờ cũng nhanh chóng chỉ ra cái sự “dốt quá” nó nằm ở đâu, phải tâm phục khẩu phục thôi! Luận án tốt nghiệp (Agrege) Thảo viết mỗi ngày chỉ một trang, thời gian còn lại ông ngồi hoặc nằm ngoài ghế đá trong trường, xung quanh bạn đồng môn nước ngoài xúm xít nhờ “chỉ giáo” - tức là họ viết được đến đâu đưa cho Thảo nhìn liếc qua hộ, Thảo mà gật thì tức là các thầy sẽ duyệt! Phải hiểu uy tín như vậy ở một nơi đã từng đào tạo ra ngoài Sartre còn là hàng loạt nhà triết học và chính trị gia lừng danh khác mà dành được bởi một cậu chàng quê ở Bắc Ninh thì phải biết thực tài của Thảo đến như thế nào!
Hồi đó sinh viên An Nam như Thảo được Bộ Thuộc địa Pháp trả 1000 quan/tháng, cũng đủ ăn mặc và trả tiền phòng. Cũng tạm đủ ăn đủ mặc, Đức chiếm đóng nên đời sống khan hiếm, nhất là thịt, bơ, pho mát, trứng... phải mua chợ đen, và nhất là tem phiếu mua thuốc lá, những sinh viên Việt Nam thường không hút mà mang bán lại để thêm tiền sinh hoạt. Thảo cũng vậy, nhưng đúng như phong thái triết gia, Thảo phải thi thoảng uống rượu, cho nên cũng túng bấn, vì thế tuy đã yêu nhau nhưng ông và bà Nguyễn Thị Nhứt chưa sống chung được với nhau. Cuộc sống thời chiến thì đủ cả: bom đạn, báo động, hầm hào (vui nhất là hôm nào phải ngồi dưới hầm hơn 30 phút thì có Chữ thập đỏ đi phát kẹo vitamin tận hầm!), chết chóc ... (Nhưng đồng minh thường ném bom khu thợ thuyền, nhà máy chứ không ném vào khu sinh viên - cũng như phía Đức cũng phải để cho khu đại học vẫn hoạt động như thường!).
Lý do vụ kiện lịch sử như sau: Thảo coi mình là người hiểu về thuyết hiện sinh còn hơn cả Sartre - lá cờ đầu của chủ nghĩa hiện sinh tại Pháp! Thời đó mặc dù chiến tranh xảy ra nhưng các hoạt động khoa học vẫn rất được coi trọng, vẫn có những buổi diễn thuyết với đề tài hay và hội trường chật cứng người nghe, nhiều khi phải tổ chức cho diễn giả nói ngoài trời! Triết học là môn khoa học xã hội được coi trọng bậc nhất thời đó, "sang trọng" nhất, trong giới triết học cũng như tri thức trẻ Paris “ông vua không ngai” Sartre không thể chịu được “ngôi sao đang lên” - một kẻ kém mình đến hơn chục tuổi, lại là dân Annamite mà lại lộng ngôn như vậy - nên chấp nhận lời thách đấu, tất nhiên không phải đấu kiếm, mà theo một cách rất nhân văn. Hai người thỏa thuận với nhau là sẽ tranh luận công khai nhiều buổi, tất cả nội dung tranh luận sẽ được đăng chính xác trên tờ báo “Esprit” - một tờ báo “ruột” của Sartre (phải vậy thôi chứ sinh viên Annamite lấy đâu ra công cụ truyền thông của mình?). Sau nhiều bài báo về đề tài đó, Thảo phát hiện ra tờ báo không đăng đúng nguyên văn lời của anh, mà sửa đi theo cách có lợi cho Sartre, thế nên quyết định kiện Sartre ra tòa vì tội “không tuân thủ hợp đồng danh dự”!
Sở dĩ Thảo tự tin mình giỏi hơn Sartre trong chủ đề này, bởi vì trước đó ông đã cất công học tiếng Đức và nhân tiện nghỉ hè, mò sang Đức để đọc nguyên tác của hai ông tổ ngành triết này - Husserl và Kierkegard. Nhưng mới sang đến Bỉ thì quân Đức tràn qua, không đi được nữa nên Thảo vào luôn thư viện Liege, cũng may có bản tiếng Đức và ông say mê đọc luôn trong thư viện đó, và ông biết là nguyên tác thì Sartre chưa đọc được!
Ra tòa Thảo mang cả microsillon - là một loại đĩa than làm từ băng cối ra, để thu phát âm – trình ra để làm bằng chứng về cuộc đấu khẩu, trong đó Thảo có nói đến nhiều thuật ngữ cơ bản bằng tiếng Đức, mà Sartre không nắm bắt được. Đến sau này các bạn của Thảo không nhớ được từ đâu Thảo đã mượn được cái “máy ghi âm” – thời đó là cả một gia tài! Tòa tất nhiên không thể xử Sartre - một thần tượng của “mẫu quốc” lại thua một người con của thuộc địa, nên cuối cùng đã xử hòa! Ông phải chật vật để trả nửa tiền án phí nhưng cả Paris hiểu rằng Thảo mới là người chiến thắng, còn ông sau đó công khai gọi Sartre là “mauvais philosophe” - “nhà triết học tồi” (từ "mô-ve" như các cụ nhà ta hay dùng trước kia, chỉ cái đồ vật gì đó bị hỏng, là nó đấy)! Khỏi nói là người Việt ở Paris hãnh diện thế nào về thành công của người đồng hương tên Thảo của họ...
Ta cũng không nên quên là Trần Đức Thảo, khi cần cũng đã tỏ ra có khí phách của một người con chân chính của dân tộc Việt Nam anh hùng, người triết gia đó khi cần cũng biết cầm súng. Sau khi Hồ Chủ Tịch tuyên bố độc lập ngày 2/9/1945, trong khi toàn dân Việt Nam đang say sưa với lời tuyên bố lịch sử đó, thì bọn thực dân Pháp đã chuẩn bị cho Leclerc (vị tướng nổi tiếng của nước Pháp đã chiếm lại thủ đô Paris năm 1945 lúc đó còn đang bị phát xít Đức chiếm đóng) cầm đầu một đội quan Pháp và lê dương hùng mạnh để chiếm lại Sài Gòn bằng thuỷ lục không quân… Bà con Việt Kiều ta ở Paris rất phẫn uất, và một sáng ngày tháng 9 năm 1945, Trần Đức Thảo đã cùng với vài chục anh em lao động việt kiều ở Paris mở một cuộc họp báo đê tỏ rõ sự phẫn uất này. Khi một nhà báo hỏi: nếu Leclerc đổ bộ Sài Gòn thì người dân Việt Nam sẽ đối xử như thế nào? Trần Đức Thảo trả lời ngay: “Chúng tôi sẽ nổ súng!” và ngay sau câu trả lời đó cảnh sát Paris đã bắt Trần Đức Thảo và mấy chục anh em lao động dẫn vào tù mặc dù quần chúng la ó phản đối. Thảo ở tù mấy tháng như một người phạm tội vào loại trọng tội lớn nhất của Pháp là tội đe doạ nền an ninh của nước Pháp. Sau vài tháng giam tù không xử xét nhưng cũng bị đối xử tệ bạc trong tù, nhờ ở ngoài Việt Kiều và quần chúng tốt của Pháp biểu tình, la lối phản đối và cũng nhờ tin phái đoàn Hồ Chủ Tịch sắp qua Paris để thương thuyết nên Trần Đức Thảo và anh em lao động mới được ra tù…
Trần Đức Thảo sau đó làm luận án tiến sỹ triết học tại Pháp với đề tài về triết học của Husserl. Ngoài ra ông có một đề tài rất lạ - “Tìm hiểu về nguồn gốc các ngôn ngữ và ý thức”. Hình như ở Việt Nam hiện nay không có bản thảo nào của tác phẩm này, chính vì phải hoàn tất công trình này mà ông về nước kháng chiến sau các bạn tri thức cùng thời đó mất mấy năm, nhưng chắc bản gốc vẫn được lưu giữ tại Paris. Gia tài triết học của Thảo rất đồ sộ và chắc nhiều năm nữa mới có thể có người đánh giá được hết. Đối với giới triết học Pháp thì Trần Đức Thảo vẫn là một tượng đài để kính trọng - “Nếu không có Thảo thì giới triết học Pháp đã không có đề tài gì để tranh luận trong suốt mấy chục năm cuối thế kỷ 20!” - là đánh giá rất cao của họ về các tác phẩm của ông về chủ nghĩa Marx.
Còn tôi thì hoàn toàn công nhận đánh giá của nhà sử học Trần Văn Giàu về ông Thảo, ông là nhà triết học đúng nghĩa duy nhất của Việt Nam ta cho đến ngày nay! Và nếu được phép, tôi xin chọn Trần Đức Thảo là tài năng trí thức lớn nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20... (Lê Tâm).
P.S.
Trường Đại học Sư phạm Paris - École Normale Supérieure Paris với những cách gọi khác nhau: «ENS Ulm», «ENS de Paris», «Normale Sup» hoặc chỉ đơn giản là«Ulm» năm 2014 được bình chọn là trường đại học tốt nhất ở Pháp (và thứ 35 thế giới).
Trong Wikipedia một số thông tin về Trần Đức Thảo sơ sài và không được chính xác lắm.
Nhà triết học - nhà văn bị Trần Đức Thảo gọi là "mô-ve" đã sống một cuộc đời đầy ắp sự kiện và ý nghĩa. Năm 1964 Sartre từ chối giải Nobel văn chương "chỉ để giảm áp lực không đáng có và viết cho thật hơn"! Ông đã ra sức ủng hộ cuộc chiến của Bắc Việt Nam chống Mỹ, và những năm cuối đời ông sống trong cô lập và đơn độc - có lẽ đó là định mệnh cho những triết gia thực thụ...
-----
Xin tham khảo comment của bác Le Dan Thu Thuy về nhân vật Trần Đức Thảo:
"Giới thiệu với mọi người thêm một chút về bác Trần Đức Thảo:
Bác Thảo ôn lại thời niên thiếu, rồi phân tích cho thấy mọi sự đã như được cấy vào trong tiềm thức từ lúc còn non trẻ. Lúc ấy, sau khi đã đậu tú tài phần một, học sinh phải chọn một trong ba ban để chuẩn bị thi tú tài phần hai tức là chọn một trong ba lớp học cuối của bậc trung học: hoặc ban toán, hoặc ban khoa học tự nhiên, hoặc ban triết. Thảo đã chọn lớp triết, tức là dự tính sau này sẽ theo học ban văn chương ở bậc Đại học. Bởi đã có chút thành tích về luận văn, Thảo có dự tính sau này sẽ học chuyên về những khoa nhân văn mà mình ưa thích.
Nhớ lại lúc thi môn viết của tam cá nguyệt cuối niên học, giáo sư Ner, trả lại bài luận triết vừa chấm. Bài của Thảo đứng đầu như thường lệ, nhưng với điểm cao không ngờ: 16 trên 20! Thông thường Thảo chỉ đứng đầu với điểm 13 hay 14 điểm là cùng. Lần ấy, Thảo còn nhớ rõ, đề thi là bình giải một câu của Léon Bourgeois: “Danh dự cũng có thể là một nền tảng của đạo đức”.
Cả lớp, trừ Thảo, đều dài dòng tìm cách minh chứng câu đó với những bằng chứng, điển tích, nêu ra các hành động mưu tìm danh vọng qua các công trình vĩ đại, các chiến thắng vinh quang của những vĩ nhân thường thấy trong lịch sử thế giới. Tất cả như đã hành động vì danh dự để mang lại vinh quang cho xứ sở. Riêng chỉ có Thảo là đã bình bàn theo hướng khác hẳn.
Thảo chuẩn bị vào để bằng cách định nghĩa, phân tích kỹ khái niệm danh dự về mặt tâm lý và xã hội để chỉ ra rằng danh dự là một thuộc tính được ban tặng cho con người, từ bên ngoài, nghĩa là một giá trị do người đời khen tặng, chứ bản thân không thể trực tiếp đi tìm… mà lấy được. Danh dự chỉ đến với những con người sống đức hạnh, có lương tri, biết hoàn thành trọn vẹn công việc của mình, dù đấy là một công việc khiêm tốn; Như thế thì mọi người đều có thể có danh dự, chứ danh dự không phải là riêng của những kẻ có chức, có quyền trong xã hội. Nhưng do ngộ nhận mà danh dự đã bị coi là một khả năng kích thích con người có hành động đẹp đẽ, vĩ đại, theo xu hướng khoa trương, phù phiếm bề ngoài, để tạo ra “danh dự”, hay vinh dự cho chính mình. Bởi khi đó danh dự đã bị đồng hoá với danh vọng, vinh dự mà người Pháp gọi là ”les honneurs”. Thông thường, danh vọng có khả năng kích thích tâm lý, có thể làm cho con người u mê đến mức sa đoạ, y như là một thứ thuốc phiện! Người ta đam mê chạy theo danh vọng, tìm vinh dự, rồi tự biến mình thành kẻ khoe khoang, kiêu ngạo, hoang tưởng chạy theo những trò trang trí phù phiếm, hào nhoáng bề ngoài. Tranh đua nhau trên con đường danh vọng thường làm cho mình thành ích kỷ, thấp hèn: muốn dìm mọi người chung quanh xuống, để đề cao mình lên. Danh vọng đã đẻ ra một cấp trên kiêu ngạo, một cấp dưới nịnh nọt… Tệ nạn nịnh nọt cấp trên thường là phải bóp méo, xuyên tạc sự thật. Nó có thể cải trang một người bình thường thành kẻ kiêu căng tự đắc, một nhà chính trị thành một lãnh tụ độc tài, đam mê quyền lực, điên cuồng khao khát danh vọng, quan liêu cửa quyền đến mức hành động, nói năng như cha mẹ của dân, rồi muốn được tôn vinh làm cha dân tộc!
Về mặt tâm lý và xã hội, danh dự phải được hiểu một cách hét sức sáng suốt, hết sức thận trọng để tránh xa những mục tiêu của danh vọng. Danh dự cũng như hạnh phúc, không thể tìm kiếm, không thể mua chuộc nó một cách trực tiếp, bằng quyền lực hay tiền bạc, như người ta vẫn đi tìm kiếm danh vọng. Danh dự chỉ tới, một cách gián tiếp từ bên ngoài, với những ai không chủ tâm tìm kiếm nó, nhưng biết sống một cách xứng đáng, có lương tri, sống tử tế với mọi người, sống ngay thẳng, trong sạch ở mọi hoàn cảnh, biết làm tròn nhiệm vụ của mình, dù đó là của một công việc khiêm tốn nhất… sống như thế là sống thật sự có ích cho mọi người, là làm đẹp cho xã hội. Danh dự do đó quả thật là một nền tảng của đạo đức. Nhưng khốn nỗi, người đời vẫn thường nham lẫn danh dự với danh vọng. Do vậy nên danh dự, khi bị hiểu lầm, thì nó lá cái bả khiến con người chạy theo nó, tìm kiếm nó, mua bán nó… để rồi nó biến xã hội thành một môi trường giả dối, háo danh, phù du, ưa phô trương cái mẽ bề ngoài, che giấu cái trống rỗng, kém cỏi, xấu xa bên trong… Không thiếu gì xã hội, trong đó con người ngông cuồng khao khát danh vọng, một xã hội chỉ trọng vọng bề ngoài, chỉ trưng khoe thành tích giả tạo một cách bệnh hoạn. Một thí dụ điển hình về mặt tiêu cực của danh vọng là thói háo danh với bằng cấp. Bằng cấp chỉ là một hình thức chứng thực khả năng. Nhưng nay bằng cấp đã bị coi như là thứ áo mão gấm hoa, loè loẹt màu sắc, để phô trương. Nó đã tạo ra cái thói trưng diện bằng cấp trước cái tên của mình. Tự xưng mình là tiến sĩ này, thạc sĩ nọ, thủ trưởng cơ quan này, giám đốc công sở kia…! Danh dự của một người có học, có tri thức là biết sống không ồn ào, không khoa trương, biết chứng tỏ trình độ bằng kết quả của việc làm, khác hẳn với kẻ đã tự đồng hoá mình với danh dự bằng những hành động khoa trương chức tước, bằng cấp! Từ sự hiểu sai ý nghĩa của bằng cấp mà nó đã bêu xấu con người, làm hỏng nền giáo dục. Tình trạng đó có thể phá hoại xã hội. Khi danh dự bị nhầm lẫn với danh vọng, thì nó đã đưa tới sự gian lận trong thi cử, mua bán bằng cấp, chạy chọt chức tước cứ y như mua bán áo mão màu sắc lòe loẹt hào nhoáng để trưng diện. Bởi khi danh dự bị đồng hoá với danh vọng, thì nó là một cái bả tâm lý, làm hoen ố nhân phẩm, làm mất tự trọng, mất tỉnh táo nên không phân biệt được đầu là giá trị nội tại bền vững đích thực của luân thường đạo lý, đâu là hư danh xấu xa phù phiếm, dối trá khoe khoang bề ngoài…. Danh dự khi bị nhầm lẫn với danh vọng thì có thể đưa con người và xã hội đi rất xa về phía tiêu cực.
Sau khi nêu nhiều bằng chứng về thành tích được coi là danh dự của những người có cuộc sống khiêm tốn và đã bị đời coi thường, bỏ quên… Thảo nhắc lại rằng vì những thành tích vinh quang, đầy danh vọng của những kẻ có quyền lực, mà có người đã được hậu thế ca ngợi, có khi còn được tôn thờ như thánh nhân. Rồi Thảo đưa ra phản đề khá mạnh mẽ: những thành tích mưu cầu vinh quang danh vọng một cách đam mê, cố mưu tìm chiến thắng kiểu Pyrrhus, cố tạo ra những công trình vĩ dại như Kim Tự Tháp, như Vạn Lý Trưởng Thành… Và nhầm lẫn đấy là những thành tích của danh dự. Thực ra là những công trình vĩ đại ấy không thể là biểu tượng cho danh dự với đạo đức, đạo lý! Vì chiến thắng như thế là phung phí xương máu quân lính, vĩ đại như thế phung phí mồ hôi, nước mắt của dân chúng. Chúng không mang tính đạo đức và nhân bản. Vì vậy mà nhiều nhà lãnh đạo quyền lực lớn trong lịch sử chẳng thể trở thành một nhà đạo đức, càng không thể là thánh nhân! Thảo nêu ra những trường hợp đời thường, trong đó không hiếm những lãnh tụ chỉ vì cao ngạo, khát khao được trọng vọng như những Tần Thuỷ Hoàng, Napoléon… là những kẻ đã sẵn sàng phung phí máu xương quân lính, coi rẻ tính mạng, công sức lao động của nhân dân. Những nhà lãnh đạo ấy đã kích thích, thúc ép dân phải trở thành anh hùng, phải trở thành vĩ đại để tạo ra những thành tích vẻ vang, phi thường… cho họ. Vì thế mà hành động mưu tìm danh vọng thường là phản công lý, phản đạo lý. Rồi Thảo kết luận: người ta ưa ca ngợi, một cách nhầm lẫn, những thành tích vinh quang, vĩ đại… mà bỏ qua, hoặc bỏ quên khía cạnh vô nhân đạo, bất công của những hành động đã ép buộc nhân dân thấp cổ bé miệng phải gánh chịu biết bao hi sinh gian khổ để dựng lên nhũng thành tích ấy. Vì đấy, dù thế nào, thì cũng chỉ là những hành động tàn bạo, háo danh, thiếu công lý, thiếu đạo lý. Những thành tích vĩ đại ấy, những kỳ công vinh quang ấy, vì không công lý, không nhân đạo nên nó không thể là trở thành mẫu mực cho đạo đức! Một danh nhân, một ông vua, trong lịch sử, do những thành tích chính trị hay quân sự phi thường, thường được đám nịnh thần tâng bốc, ca ngợi đến mức sùng bái như một vĩ nhân, một thánh nhân, nhưng thật sự đấy chỉ là một lãnh chúa đầy tham vọng, đầy mưu trí nham hiểm, tàn nhẫn, độc ác! Người ta yêu thích danh vọng, tưởng như đó là danh dự. Sự đam mê danh vọng và quyền lực như thế là thiêu huỷ tính nhân bản trong những con ngườí muốn có sự nghiệp vĩ đại. Con người bình thường không chỉ sống vì danh vọng! Trong thực tế, thời có nhiều thành tích, công trình vĩ đại thường là những giai đoạn bi thảm đen tối, đẫm máu trong lịch sử nhân loại! Vì một lẽ giản dị là nó thiếu tính nhân bản, thiếu tính đạo lý. Nhân loại bình thường không sống để đì tìm danh dự trong danh vọng. Nhân loại bình thường không phải toàn là thánh nhân và anh hùng! Bởi con đường của những thánh nhân, của những anh hùng, với ý nghĩa cao cả của nó, là con đường tuẫn đạo, là con đường hi sinh có ý thức vì nghĩa vụ đối với con người. Khác với con đường của những kẻ u mê cuồng tín lao mình vào những hành động đầy máu và nước mắt, dù cho đấy là con đường tạo ra vinh quang, vĩ đại, nhưng đấy không phải là con đường của đạo đức! Trong lịch sứ, cái thời đầy vinh quang, đầy anh hùng của một dân tộc, thường là thời đau đớn đầy hi sinh, gian khổ, đầy máu và nước mắt, đầy hận thù và tội ác… rất phản đạo đức, phản con người… vì thời ấy bắt đám cùng dân phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương máu và tính mạng! Danh dự và đạo đức thực ra là những giá trị cộng sinh tự nhiên, chúng không phải là những thuộc tính chỉ dành cho những vĩ nhân. Trong thực tế, danh dự là một giá trị kín đáo của con người nói chung, trong những hoàn cảnh sống bình thường, khiêm tốn trong xã hội, nên người ta không thấy, vì ít được ai để ý tới. Xưa nay, người đời chỉ nói tới, chỉ đề cao danh dự của những ông lớn có đầy danh vọng. Do vậy mà chúng ta dễ ngộ nhận, khi đọc tiểu sử của những vĩ nhân, mà không thấy được những tấm gương sáng về mặt đạo đức trong đám người thấp cổ bé miệng trong xã hội. Chính ở nơi những mẫu người khiêm tốn ấy, ta mới thấy rõ được rằng danh dự quả thật là nền tảng của đạo đức. Trong giá trị danh dự âm thầm, khiêm tốn đó, mới thấy người đời sống như thể đích thực là có đạo đức!
Khi chấm bài, bên lề phần kết luận, giáo sư Ner đã phê: “Có nhiều ý triết lý!” Bài của Thảo được đọc cho cả lớp nghe. Sự khen ngợi đó đã vĩnh viễn in sâu vào trí óc non nớt của Thảo. Người thày dạy triết còn nhấn mạnh thêm: ai cũng có thể cố học để trở thành bác sỹ, kỹ sư. Nhưng không phải ai cũng có thể học để trở thành một triết nhân. Đạt đỉnh cao trong triết học đòi hỏi phải có bộ óc minh triết, mẫn tuệ hơn người. Trong nhân loại, suốt trong chiều dài lịch sử, triết nhân chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ở Pháp kẻ theo học ban triết ở Đại học đều được nể trọng vì có bộ óc minh triết hơn người. Thảo nghe vậy, khoái lắm, nhớ mãi".
Nguồn: Đại Việt tàng thư