Vụ đại án năm Canh Tý (1780) và Ngô Thì Nhậm trong Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789).
Nhắc đến những dòng họ vinh hiển, danh gia vọng tộc có những đóng góp lớn đối với quốc gia Đại Việt; có thể kể đến họ Nguyễn ở Tiên Điền (nay thuộc Nghi Xuân – Hà Tĩnh)[1] với đại diện là Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Du hay họ Phan Huy ở Hà Tĩnh & Hà Tây[2] với đại diện là Phan Huy Cẩn, Phan Huy Chú, Phan Huy Ích; và cả họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai (nay thuộc Thanh Oai – Hà Nội)[3] với đại diện là Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Nhậm.
Nói về Ngô Thì Nhậm, đối với nhà Tây Sơn thì ông là một công thần; ông là một trong số ít những sĩ phu Bắc Hà ra cộng tác với nhà Tây Sơn (cùng với Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thiếp…). Cùng với Ngô Văn Sở & Phan Văn Lân, ông đã chủ trương rút quân Tây Sơn về lập phòng tuyến ở Tam Điệp (trên bộ, nay thuộc tỉnh Ninh Bình) – Biện Sơn (trên thủy, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa) để tránh mũi nhọn công kích của quân Thanh, góp phần tạo tiền đề cho chiến công oai hùng năm Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung. Ông cũng là người soạn nhiều chiếu chỉ quan trọng cho triều đình Tây Sơn; ông cũng có đóng góp quan trọng trong vấn đề ngoại giao giữa nhà Thanh và triều đình Tây Sơn.
Đối với nhà Tây Sơn thì ông có công, nhưng đối với nhà Nguyễn và nhà Lê Trịnh thì ông lại là một tội thần. Đối với nhà Nguyễn, ông là một tội thần bởi ông đã theo phò tá ngụy Tây Sơn; còn đối với nhà Lê Trịnh, ông là một tội thần bởi ông đã tố giác đại án năm Canh Tý (1780), gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Người đương thời (và cả triều Nguyễn sau này, trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục) đều khinh bỉ ông là “Sát tứ phụ nhi Thị lang”[4], và có lẽ cũng vì vết nhơ năm Canh Tý (1780) mà sĩ phu Bắc Hà bất hợp tác với triều đình Tây Sơn, dù cho vua Quang Trung và triều đình Tây Sơn tha thiết cầu hiền tài xứ Bắc Hà để giúp họ quản trị vùng đất này.
Ngô Thì Nhậm cũng là một con người, việc đối lập giữa các hệ ý thức trong nhìn nhận là lẽ thường. Cũng bởi Ngô Thì Nhậm là một con người, nên sai lầm của ông là khó tránh khỏi. Ấy thế mà, ngày nay nhiều người chỉ biết đến cái công trạng của ông đối với nhà Tây Sơn mà thôi. Nêu lên đại án năm Canh Tý (1780), chẳng phải để bới móc hành trạng cổ nhân nhằm “vạch lá tìm sâu”, mà để những người trẻ hôm nay có những đánh giá khách quan, công tâm nhất về một nhân vật trong thời kì nhiễu nhương của lịch sử dân tộc.
Về vụ đại án năm Canh Tý (1780), nội dung chính của nó là về vấn đề tranh chấp ngôi vị Thế tử kế thừa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, giữa Trịnh Tông (con trưởng, sau là Đoan Nam vương) và Trịnh Cán (con thứ, sau là Điện Đô vương). Nhưng trái ngang ở chỗ, Trịnh Tông tuy là con trưởng nhưng bị cha hắt hủi còn Trịnh Cán tuy là con thứ nhưng lại được cha yêu thương. Tranh chấp này chấm dứt vào năm 1782, khi chúa Trịnh Sâm chết và Trịnh Cán lên ngôi kế vị; nhưng chỉ được 1 tháng, quân Tam phủ nổi loạn phế truất Trịnh Cán, giết Tuyên phi Đặng Thị Huệ & Huy quận công Hoàng Đình Bảo (con nuôi Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc), đưa Trịnh Tông trở lại ngôi chúa. Nhưng cũng chỉ 4 năm sau, tức năm 1786 thì vương tộc họ Trịnh cũng bị tiêu diệt bởi quân Tây Sơn, trong chiến dịch Bắc tiến lần thứ 1 của đội quân kiêu dũng ấy.
Những tình tiết trong đại án năm Canh Tý (1780) được ghi chép cụ thể trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục (được biên soạn dưới triều Nguyễn) và Đại Việt sử ký tục biên (được biên soạn dưới triều Lê trung hưng). Dưới đây, mình xin phép trình bày những ghi chép trong Đại Việt sử ký tục biên về đại án này, để mọi người có được những phân tích và bình luận của riêng mình.
Theo Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, quyển XXII: “Canh Tý, Cảnh Hưng năm thứ 41 (1780, Thanh Càn Long thứ 45)… Mùa thu, tháng 9, chúa Trịnh Sâm bỏ con trưởng là Tông làm con út. Trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Khắc Tuân, xuất nạp Chu Xuân Hán tự sát. Trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Khản bị giam vào ngục. A bảo là Hân quận công Nguyễn Phương Đĩnh bị đoạt mất chức đuổi về.
Lệ cũ, con chúa lên 7 tuổi thì ra ở nhà riêng đọc sách. Con trưởng chúa thì 13 tuổi được mở phủ và phong làm thế tử. Tông không được chúa yêu, lên 9 tuổi mới đi học; chúa cho Nguyễn Khản, Lý Trần Thản làm Tư giảng. Được ít lâu Thản chết, Khản ra làm Trấn thủ, Tông không được học luôn, đến ở nhà riêng Nguyễn Phương Đĩnh, cả năm không được giáp mặt chúa. Năm Tông đã lớn tuổi, Đài quan Vũ Huy Túc (tức Đĩnh) vì việc xin lập thế tử, bị giáng chức. Đến lúc sinh được Cán, chúa rất yêu, mẹ Cán là Đặng thị cũng lập đảng, có chí cướp ngôi thế tử. Tông sợ sẽ không an toàn, cùng gia thần Đàm Xuân Thụ và tiểu hiệu là tên Vĩnh, tiểu giám là tên Thế, tên Thẩm ngày đêm lo tính, không biết làm thế nào. Gặp lúc chúa Trịnh ốm, Tông đến cửa thăm bệnh, nhiều lần bị nội thị ngăn trở không cho vào. Người ngoài lại đồn rằng chúa ốm nặng. Tông cùng lũ gia thần bàn rằng: “Chúa ốm nặng, ta không được chầu hầu, nếu có biến như Triệu Cao, Lý Tư ta không thể ngồi mà chịu chết được, phải làm thế nào?”. Bọn gia thần xin bí mật sắm binh khí chiêu mộ dũng sĩ, đợi khi trong cung có sự chẳng lành thì đóng cổng thành lại giết Hoàng Tố Lý, giam Tu dung Đặng thị, cho người đi báo hai trấn tây, bắc đem quân vào bảo vệ, lập lên làm chúa. Tông nghe mưu ấy, phao tin rằng: Thế tử sắp có lệnh đi đánh miền Nam. Phải sắm sửa binh giáp. Mật sai Chu Xuân Hán dò xem chúa ăn ở thế nào. Nhưng chúa lại khỏi. Việc tiết lộ ra. Cấp sự trung Nguyễn Huy Bá là người giảo hoạt vì tham tang bị bãi chức. Vợ Bá làm cung tỳ cho Đặng thị, nhắc những sự Tông chơi đùa nói lại với Đặng thị rồi lại ngầm sai người thân tín đến làm môn hạ cho Tuân, Khản; Bá dò biết được đại lược, bèn vào mách Đặng thị. Đặng thị sai đem sự trạng ấy tâu với chúa. Chúa xem tờ khải giận quá. Gọi Hoàng Tố Lý và bảo cho biết, muốn bắt trị tội ngay. Lý can rằng: con chúa thực có lỗi, nhưng tuổi trẻ chẳng chắc dám làm việc to tát ấy, hai trấn thủ tây, bắc tất dự mưu này. Nay họ cầm quân ở ngoài, trị ngay sợ xảy ra biến, không bằng trước triệu họ về triều, giam ở phủ rồi sau dần dần phát giác sự trạng đem ra mà trị tội. Nhưng Tuân, Khản nếu cùng triệu một lúc, e rằng có thể chúng nghi ngờ, vậy nên triệu một người trước, một người sau. Chúa cho là phải, bèn cho triệu Nguyễn Khản; Khản đến, chúa hỏi han yên ủi có phần hơn trước, vài ngày sau bắt được đồ đảng, lập tức triệu Khản cùng Nguyễn [Phương] Đĩnh giam lại. Lúc ấy Đốc đồng Kinh Bắc Ngô Thì Nhậm trước kia làm việc hằng ngày giảng sách cho Tông. Học trò Nhậm là tiểu giám Hà Như Sơn làm người giữ sách cho Tông, biết Tông cùng bọn ấy có âm mưu, nói với Nhậm. Nhậm sợ quá, mật khuyên Tuân cùng Đĩnh thôi việc ấy đi, nếu không thôi được thì sẽ phát giác, mà đổ lỗi cho đám tôi tớ. Tuân không nghe, đến bấy giờ, Tuân cũng bị triệu về. Thấy Khản, Đĩnh đã bị giam, Tuân xin vào yết kiến chúa để chịu tội, không được vào. Chúa sai nội thần trách Tuân rằng: “Cậu cùng thằng Tông làm giặc, cậu cứ đi mà dấy quân, ta đã có tướng giỏi để đối chọi”. Tuân đi ra gặp Nhậm ở cửa các, nắm lấy tay Nhậm than rằng: “Tôi thờ chúa từ lúc chúa lọt lòng ra đến nay, nay chúa gọi là giặc; Ngày trước tôi nghe ông nói tưởng việc cũng dễ dàng, bây giờ làm thế nào?”
Nhậm lập tức đến nhà Tả Xuyên, gặp Khản và hỏi Khản duyên cớ tại sao? Khản nói rằng: họa sinh ra tự cha con chúa, lũ Khản bị dèm đã lâu, biện bạch cũng vô ích, không gì bằng đem sự trạng của Tông nói ra để cho chúa biết việc tự đám tôi tớ. Thế là dùng thuốc độc chữa bệnh độc. Lập tức nói với thị nội giám Phong Triều hầu Phạm Huy Thức đem thư của Khản kể tội Tông dâng lên. Tuân cũng làm thư nói việc trước và dẫn lời nói của Nhậm vào, lại nói tôi cũng định phát giác, nhưng chưa kịp làm đấy thôi. Tờ khải vào đến nơi, chúa mắng rằng: người ta bảo cho nói mà không nói, chả phải dự mưu là gì? Chúa không xét, cho Tuân Thọ đem thư ấy ra xé ở trước mặt Tuân, Tuân lại quỳ xuống mà nhặt lấy. Do đấy chúa lại càng giận, lại cho bắt cả Chu Xuân Hán. Giao cho Ngô Thì Nhậm cùng Phong Triều hầu tra xét, phát giác được hết cả sự trạng của lũ tôi tớ. Gặp lúc Nhậm có tang cha xin từ chức.
Chúa sai Lê Quý Đôn tra lại. Đôn vẫn thù Khản, làm đảo lộn đi, lấy đến người vô tội rất nhiều, án đã xong, chúa giao cho đình thần bàn. Họ bàn: Những người phạm tội này đều xử tử, duy Vương Thế tử không dám bàn. Việc ấy dâng lên. Chúa phê rằng: Theo phép Xuân Thu, luật nên xử nặng. Nhưng ta nghĩ cha con là tính trời, tình con không nỡ. Cho truất Tông làm con út. Nguyễn Khắc Tuân phải xử tử; Khản, Hán đều là người có công lao với chúa khi ở tiềm để, cho miễn tội chết, giam lại. Đĩnh vì già thực thà không dự mưu, miễn tội chết, được tự do. Lệnh chúa ban xuống, Tuân tự sát. Còn Hán thì giao cho Thân Xuân Thự coi. Thự làm Hán khổ nhục quá, Hán uống thuốc độc chết. Lúc bấy giờ triều đình và dân gian đều nói là họ Đặng, họ Hoàng âm mưu hại Thế tử. Hoàng Tố Lý vẫn ghét Ngô Thì Nhậm muốn đổ tiếng cho Nhậm. Chúa bàn công phát giác việc này, thăng Ngô Thì Nhậm làm Hữu thị lang bộ Công và thăng Nguyễn Huy Bá làm Đông các đại học sĩ, Hà Như Sơn xuất thân làm quản binh. Nguyễn Phương Đĩnh than rằng: Nhậm như người trên bờ vớt người dưới ao, lại bị lũ gian hùng làm nhơ nhuốc, thực đáng giận”[5].
Cũng theo Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, quyển XXII: “Nhâm Dần, Cảnh Hưng năm thứ 43 (1782, Thanh Càn Long năm thứ 47)… Trịnh vương Tông chỉ dụ rằng: Những môn hạ đồ đảng Đặng Tuyên phi, Hoàng Tố Lý, nhất thiết đều không xét hỏi. Duy 5 người là Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huy Bá, Nguyễn Đình Án, Hà Như Sơn, Hoàng Đình Vượng, không được vào điều lệ tha tội, đấy là theo lời xin của kiêu binh. Lúc ấy Ngô Thì Nhậm về nhà chịu tang, đã đi về rồi. Nguyễn Đình Án bị kiêu binh đánh chết trước. Nguyễn Huy Bá, Hà Như Sơn, Hoàng Đình Vượng đều trước sau bị bắt giết cả. Có người nói xin tìm bắt Ngô Thì Nhậm, Tông không trả lời. Nguyễn Khản, Nguyễn Phương Đĩnh cũng ngăn đi, Ngô Thì Nhậm được vô sự”[6].
[1] Phan Huy Chú – Viện Sử học (dịch), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 354.
[2] Phan Huy Chú – Viện Sử học (dịch), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 470.
[3] Phan Huy Chú – Viện Sử học (dịch), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 472.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập 2), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 754.
[5] Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện nghiên cứu Hán Nôm (dịch), Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789), NXB Hồng Đức, 2018, tr. 481 – 484.
[6] Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện nghiên cứu Hán Nôm (dịch), Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789), NXB Hồng Đức, 2018, tr. 489 - 490.