Vụ án công chúa thật, công chúa giả: Số phận bi thảm của giới quý tộc thời mất nước nhà Tống

  1. Lịch sử

  2. Văn hóa

Nước mất nhà tan, chiến tranh không chỉ là của riêng đàn ông, phụ nữ so với đàn ông càng khổ nạn nhiều hơn, do bởi họ luôn trở thành chiến lợi phẩm trong chiến tranh và là đồ chơi của kẻ địch.

Năm Tĩnh Khang thứ 2 (năm 1127), quân Kim bắt hai đế Huy Tông, Khâm Tông cùng phi tần, hoàng tử, công chúa, tôn thất, đại thần ước khoảng hơn 3000 người áp giải về phương bắc làm nô lệ tại kim hoặc đem bán trong các trại đấu giá khắp miền Bắc . Trong số đó, phụ nữ chiếm tỉ lệ rất lớn, tương đối nổi tiếng có Tống Huy Tông hoàng hậu Trịnh thị, Tống Khâm Tông hoàng hậu Chu thị, mẹ đẻ của Tống Cao Tông Vi thị, người vợ đầu của Tống Cao Tông Hình thị, cùng với Nhu Phúc Đế Cơ, từ vụ án giả mạo sau này mà nổi tiếng.

Bài này được dành riêng để kể về vụ án “Công chúa thật, công chúa giả” từng gây chấn động lịch sử Trung Hoa này.Nhu Phúc Đế Cơ, tiểu danh là Huyên Huyên, con gái thứ 10 của Tống Huy Tông, mẹ là Vương Quý Phi rất được sủng ái. Nói chung, con gái của hoàng đế gọi là “công chúa”. Năm Chính Hoà thứ 3 nhà Bắc Tống (năm 1113), theo kiến nghị của Sái Kinh triều Tống dùng xưng hiệu “vương cơ” của đời Chu, nhất loạt tuyên bố gọi “công chúa” là “đế cơ”. Chế độ này duy trì hơn 10 năm, mãi đến đầu thời Nam Tống mới khôi phục lại chế độ cũ.Khi bị bắt, Nhu Phúc Đế Cơ mới 17 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong số các công chúa chưa xuất giá, nhân đó được quân Kim coi trọng, định hiến dâng lên Kim Thái Tông.

Theo những ghi chép trong dã sử, trên đường đi đến phương Bắc, Nhu Phúc Đế Cơ vẫn không tránh khỏi số phận bị lăng nhục, còn tướng Kim lăng nhục Nhu Phúc Đế Cơ cũng do vì tự động giữ người con gái định dâng cho hoàng đế nên bị giết chết. Sau khi đến nước Kim, Nhu Phúc Đế Cơ được trịnh trọng dâng cho hoàng đế nước Kim là Kim Thái Tông để làm thị nữ. Có thể là Nhu Phúc Đế Cơ dung mạo không thập phần xinh đẹp, có thể là sau khi nhiều lần bị lăng nhục, thân thể gầy yếu suy nhược, hoặc có thể không biết chiều chuộng nên đã đắc tội với Kim Thái Tông. Tóm lại, Kim Thái Tông không có hứng thú gì đối với Nhu Phúc Đế Cơ, đã trực tiếp đưa nàng đến “Hoán y viện” làm nô.“Hoán y viện” này kì thực là kĩ viện quan phương dành cho quý tộc, quyền quý người Kim đến tìm thú vui hoan lạc. Trừ Nhu Phúc Đế Cơ ra, vợ của Triệu Cấu là Hình Bỉnh Ý, mẹ của Triệu Cấu là Vi thị cũng bị làm nô ở kĩ viện này, làm công cụ phát tiết tính dục của người Kim.

Trong Thân ngâm ngữ 呻吟语 ghi rằng:Phi tần vương phi đế cơ tông thất phụ nữ quân lộ thượng thể, phi dương cầu妃嫔王妃帝姬宗室妇女圴露上体, 披羊裘(Phi tần, vương phi, đế cơ cùng phụ nữ trong tông thất đều để lộ thân trên, khoác tấm da dê)Có thể thấy giới nữ thân phận quý tộc đã chịu sự sỉ nhục thê thảm biết chừng nào, thậm chí hạng quan kĩ của nước Kim cũng không như thế.Nhu Phúc Đế Cơ sau khi trải qua mấy năm sống khuất nhục ở Hoán y viện, được về với Cái thiên đại vương Hoàn Nhan Tông Hiền. Hoàn Nhan Tông Hiền không hứng thú gì lắm với Nhu Phúc Đế Cơ, cũng không làm nhục nàng. Từ đám người Hán ở Ngũ quốc thành, ông chọn một thanh niên tên Từ Hoàn, gả Nhu Phúc Đế Cơ cho người ấy. Lúc bấy giờ Nhu Phúc Đế Cơ mới được xem như kết thúc cuộc sống ở Hoán y viện. Nhu Phúc Đế Cơ mất vào năm Thiệu Hưng thứ 11 (năm 1141), năm đó nàng chỉ mới 31 tuổi.Khi Nhu Phúc Đế Cơ tại phương bắc chịu những lăng nhục, thì tại trung nguyên đột nhiên xuất hiện một Nhu Phúc Đế Cơ khác. Năm Kiến Viêm thứ 4 đời Cao Tông triều Nam Tống (năm 1130), khi quan quân nhà Tống dẹp trừ tiểu phỉ đã bắt được một cô gái tự xưng là Nhu Phúc Đế Cơ. Nhu Phúc Đế Cơ là em gái của hoàng đế, vì thế lập tức được đưa tới Lâm An. Người con gái này nói mình trốn thoát từ chỗ quân Kim, trên đường về chịu biết bao tuyết sương mưa gió.Tống Cao Tông quả thực nhớ Tống Huy Tông có một cô công chúa tên là Huyên Huyên do Vương quý phi sinh ra, được phong là Nhu Phúc Đế Cơ. Nhưng đã nhiều năm xa cách, không nhớ rõ diện mạo của công chúa, vì thế Cao Tông sai một lão cung nữ sát nghiệm. Lão cung nữ cảm thấy người con gái này tướng mạo quả thực rất giống Nhu Phúc Đế Cơ năm đó. Hỏi những chuyện cũ trong cung, nàng ta đều trả lời rành mạch. Chỉ có một điều đáng ngờ đó là cô gái này có một đôi bàn chân lớn, không giống đôi bàn chân thon của Nhu Phúc Đế Cơ. Đối với điểm nghi ngờ này, cô gái ấy giải thích một cách lưu loát rằng:Người Kim xua đuổi như bò dê, thừa cơ trốn thoát, chân trần bôn tẩu tới đây, vượt núi sông vạn dặm thì làm sao giữ đôi bàn chân thon như lúc trước được?Tống Cao Tông thấy lời nói có lí, nhất là cô gái này lại có thể nói được nhũ danh của mình nên không hoài nghi nữa, xuống chiếu cho nhập cung, ban cho xưng hiệu là Phúc Quốc trưởng công chúa, lại chọn cho cô vị phò mã là Vĩnh Châu phòng ngự sứ Cao Thế Niễu, ban cho 18000 xâu tiền, từ đó càng được sủng ái, trước sau ban cho đến 479.000 xâu tiền.

Sau khi nhà Nam Tống cùng với nước Kim kí kết “Thiệu Hưng hoà nghị”, mẹ của Cao Tông là Vi quý phi được nước Kim thả về. Mẹ con gặp lại nhau vui mừng vô kể. Sau khi Vi quý phi hồi triều được Tống Cao Tông tôn là “Hiển Nhân Thái Hậu”. Vi thái hậu nghe được chuyện Nhu Phúc Đế Cơ không ngăn nỗi ngạc nhiên, nói rằng:Nhu Phúc bệnh chết ở nước Kim, sao lại có một Nhu Phúc nữa?Tống Cao Tông liền kể tình hình Nhu Phúc từ nước Kim trốn về. Thái hậu bảo rằng:Người Kim đều chê cười con! Nói con đã rước nhầm “nhan tử”. Nhu Phúc thật đã chết từ lâu rồi.“Nhan tử” có nghĩa là hàng giả. Lúc bấy giờ tại thành Khai Phong có một con phố tên là Nhan gia hạng, trên phố có tiệm buôn chuyên bán các loại khí cụ làm bằng giấy, bề ngoài cực kì tinh xảo, mẫu mã mới lạ, nhìn vào rất bắt mắt. Nhưng vì được làm bằng giấy, mua về dùng không được lâu, cho nên người đương thời gọi là “nhan tử”, về sau dần biến thành danh từ chỉ hàng giả. Cao Tông nghe mẹ nói, bỗng giận lên, lập tức cho bắt Nhu Phúc Đế Cơ giao cho Đại lí tự thẩm vấn. Qua nghiêm hình tra khảo, Nhu Phúc công chúa giả không thể chối cãi, đành phải cung khai.Hoá ra cô ta vốn là một cô gái lưu lạc ở Biện Kinh tên là Tĩnh Thiện, dung mạo xinh đẹp. Khi quân Kim công phá Biện Kinh, cô ta bị loạn binh bắt đưa về phương bắc, trên đường đi gặp được một cung nữ tên Trương Hỉ Nhi. Trương Hỉ Nhi từng ở trong cung hầu hạ Vương quý phi (mẹ của Nhu Phúc Đế Cơ) nên biết nhiều chuyện bí ẩn trong chốn cung vi. Trương Hỉ Nhi đem những chuyện ấy kể hết cho Tĩnh Thiện nghe, còn nói tướng mạo và khí chất của Tĩnh Thiện rất giống Nhu Phúc Đế Cơ. Đối với sự kiện này, Tĩnh Thiện đã động tâm, nên bắt đầu ghi nhớ những chuyện bí ẩn này, đồng thời cố gắng bắt chước hình dáng tư thái của công chúa mà Trương Hỉ Nhi đã kể.Về sau Tĩnh Thiện trải qua những biến đổi phức tạp trong chiến loạn, từng 3 lần bị lừa gạt đem bán, cuối cùng bị thổ phỉ Trần Trung bắt đưa vào trong nhóm, ép gả cho một tên tiểu thổ phỉ. Quan quân nhà Tống khi tiểu trừ thổ phỉ đã bắt được Tĩnh Thiện, vì danh nghĩa là quyến thuộc của thổ phỉ nên định giết. Để được sống, Tĩnh Thiện đã mạo xưng là Nhu Phúc Đế Cơ. Nhìn thấy khí độ của Tĩnh Thiện, quan quân nhà Tống giật mình, vì thế đã đưa cô ta về Lâm An. Tĩnh Thiện qua mặt Tống Cao Tông một cách thành công, sống hơn 10 năm phú quý. Không ngờ người tính không bằng trời tính, Vi thái hậu về đến kinh sư nói rõ sự việc, Tĩnh Thiện không thể che giấu được nữa đành thành thực khai ra.Tống Cao Tông biết được Nhu Phúc Đế Cơ là giả, liền hạ lệnh chém đầu. Không may nhất là Cao Thượng Niễu, trước tiên phụng chỉ cưới Nhu Phúc Đế Cơ, lại nhân vì Nhu Phúc Đế Cơ là giả bị tước đoạt tước vị Phò mã đô uý, còn bị mọi người chê cười.Lúc trước, hoạn quan Phùng Ích từng cho Nhu Phúc Đế Cơ là thật, nay vì chuyện này cũng bị liên luỵ.Nhu Phúc Đế Cơ bị giết, đương thời có Sử học gia cho rằng Nhu Phúc Đế Cơ mà bị giết kì thực là công chúa chân chính, sở dĩ bị vạch trần là do bởi mẹ của Tống Cao Tông Vi thái hậu sau khi từ phương bắc trở về, sợ Nhu Phúc Đế Cơ nói ra những việc xấu mình bị lăng nhục bị chà đạp khi ở phương Bắc, vì thế đã uy hiếp Tống Cao Tông giết Nhu Phúc Đế Cơ để diệt khẩu. Tống Cao Tông hoàn toàn không có cảm tình với Nhu Phúc Đế Cơ, theo lời mẹ đã hi sinh Nhu Phúc Đế Cơ.Trong Tứ triều văn kiến lục, Tuỳ quốc tuỳ bút đều có chép về thuyết này. Nhưng chứng cứ có sức thuyết phục là: lúc ban đầu khi Nhu Phúc Đế Cơ chạy đến, nhiều cung nhân ngày trước và thái giám Phùng Ích đều đoán định là công chúa thật. Cho dù tướng mạo công chúa rất giống, nhưng nếu không có đủ cơ sở, những người này quyết không dám nói. Những người này về sau theo nhau sửa lời, cùng công chúa tự nhận là giả đó là do bị nghiêm hình tra khảo.

Vụ án trên mãi mãi là bí ẩn không thể xác định được Nhu Phúc Đế Cơ có chết ở Kim hay không và vụ việc trở thành một nghi án lớn trong lịch sử Trung Quốc

Theo Van Cao Nguyen- hội những người thích tìm hiểu lịch sử

https://cdn.noron.vn/2021/07/21/12572276955048-1626837563.jpg
Từ khóa: 

lịch sử

,

văn hóa

nhưng mà cô gái kia cũng may mắn thật có một thời gian được sống dưới danh phận công chúa rồi

Trả lời

nhưng mà cô gái kia cũng may mắn thật có một thời gian được sống dưới danh phận công chúa rồi