VINFAST - Chẳng phải niềm tự hào lớn lao gì cả, chỉ đơn giản là sứ mệnh tiên phong

  1. Marketing

Đã khoảng 30 năm kể từ ngày chiếc ô-tô thương mại đầu tiên được nhập vào Việt Nam, hơn 30 năm trôi qua, tỷ lệ sở hữu ô-tô của người Việt cũng chỉ ở mức 16 chiếc/ 1000 dân (theo Solidiance). Lý do chính dễ nhận thấy là do Việt Nam chưa thể tự sản xuất được ô-tô, còn ô-tô nhập khẩu thì lại có giá quá cao, nguyên nhân vì thuế suất (Thuế nhập khẩu (NK), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế bảo vệ môi trường (BVMT), v.v…) áp lên mặt hàng này là rất cao.

Mức thuế cực cao được áp xuống cho xe nhập khẩu chủ yếu là để điều hướng, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy hoặc liên doanh sản xuất trực tiếp ở Việt Nam. Chiến lược này có vẻ hợp lý ở chỗ, nó là nền móng để bản năng của người Việt mình được bộc lộ, lâu lâu ngó sang nhà hàng xóm có cái gì hay hay thì tự động trong đầu sẽ có động lực để tư duy ra cách để có nó, nhưng quan trọng “thứ hay hay” đó phải ở gần mình và phải có cơ hội tiếp xúc. Mức thuế suất cao áp cho ô-tô nhập khẩu đúng là có tác dụng thu hút nước ngoài làm nhà máy sản xuất ở Việt Nam thật, và là tiền đề cho sự phát triển của loại hình liên doanh lắp ráp như Thaco. Nhưng như vậy là chưa đủ để hy vọng vào một ngành công nghiệp ô-tô của riêng chúng ta, muốn như vậy rõ ràng Việt Nam cần nhiều hơn như thế, chính phủ ưu đãi nhiều chính sách về thuế suất cho Toyota với lời hứa họ sẽ từng bước chuyển giao công nghệ cho người Việt, nhưng suốt 20 năm qua, bằng nhiều lý do, lời hứa này vẫn chưa được thực hiện dù vẫn đang hàng ngày nhận ưu đãi của chính phủ, người Việt thì vẫn phải bỏ ra số tiền gấp đôi, thậm chí gấp 3 để mua một chiếc Innova (chiếc xe phổ thông nhất Việt Nam) với chất lượng không hề cao hơn một chút nào - mà thực ra là ai cũng biết chất lượng kém xa so với hàng Thái Lan. Sự phát triển của Thaco là rất đáng ghi nhận (sự thất bại của Vinaxuki thực sự đáng tiếc), nhưng đó thực chất không phải dấu hiệu rõ ràng cho tương lai của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam. Vì đây là một ngành đặc thù, là một chuỗi các giá trị toàn cầu mà cốt lõi là R&D (Research & Development), rõ ràng ngành công nghiệp ô-tô không phải chỉ có lắp ráp là xong.

Nhà máy của Vinfast tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát hải, Hải Phòng (ảnh: Baogiaothong.vn)

Nhiều ý kiến cho rằng xe Vinfast thực chất cũng chỉ là “xe lắp ráp” mà thôi, điều này không sai, nhưng nó cũng không đúng, chính xác là nó chưa đầy đủ. Về công nghệ, đôi khi không thể thích “đi tắt đón đầu” là được, Vinfast chọn cách đầu tư mua bản quyền sáng chế, thuê thiết kế từ các hãng uy tín và nổi tiếng trên thế giới để xây dựng thương hiệu xe cho mình: Mua bản quyền sáng chế động cơ N20, phương pháp, kỹ thuật, công nghệ của BMW; thuê tư vấn thiết kế - sản xuất của Magna Steyr và AVL ; thuê thiết kế của Pininfarina; sử dụng thiết kế, quản lý và vận hành nhà máy của Siemens; linh kiện của Bosch; v.v… Vinfast tuân thủ theo đúng nguyên tắc của một ngành với các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ảnh: Brandvietnam

Nhưng Vin hiểu rằng, công nghệ thì luôn luôn thay đổi và tiến rất nhanh về phía trước, không thể “đi tắt đón đầu” đơn thuần như tư duy của đa phần người Việt được. Làm chủ công nghệ, phát triển R&D là trọng tâm - chính là sự khác biệt và điểm mấu chốt để người ta tin và hy vọng rằng Vinfast sẽ thành công. Tháng 8/2018, Vingroup công bố định hướng trở thành tập đoàn Công Nghệ - Công Nghiệp - Dịch Vụ với việc thành lập Vintech, và mình tin chắc rằng Vinfast và Vintech sẽ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Vingroup thành lập Vintech - Trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Với 2 viện nghiên cứu: Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech.

Nhìn vào 2 mẫu xe LUX A2.0 và SA2.0, người ta có thể đánh giá ‘đây chỉ là những chiếc xe BMW được lắp ráp tại Việt Nam mà thôi’, nhưng ít người biết rằng thực chất một chiếc xe ô-tô muốn lăn được bánh, nó phải có cả “xác” và “hồn” cùng hoạt động. Vinfast hiện tại tạm gọi (cứ cho là) có phần xác của BMW đi, nhưng như vậy là chưa đủ - BMW đâu có bán phần “hồn” cho Vinfast, phần “hồn” ở đây, chính là:

  • Hệ thống van biến thiên điều khiển trục cam giúp điều phối quá trình nạp đốt nhiên liệu
  • Và hệ thống điều hành của xe. Hệ thống này quan trọng như thế nào? Giải thích dễ hiểu thì nó giống như hệ điều hành của máy tính hay điện thoại vậy. Ví dụ như một chiếc iPhone, Apple dùng màn hình của Samsung, cảm biến camera của Sony, v.v..., nhưng điều quan trọng nhất - điều tạo nên thương hiệu của quả táo chính là hệ điều hành iOS.
LUX A2.0 (trái) và LUX SA2.0 (phải) của Vinfast tại Paris Motor Show 2018 (ảnh AutoPro)

2 hệ thống trên chính là điều tạo nên danh tiếng của BMW, BMW thì không bán cái này cho Vinfast và giá trị của Vinfast - giá trị Việt Nam chính là nằm ở đây. Và thực tế, tại nhà máy cùa Vinfast ở Cát Hải, Hải Phòng, thì lắp rắp chỉ là 1 trong 5 phân xưởng chính mà thôi, bao gồm: phân xưởng ép, phân xưởng thân xe, phân xưởng sơn, phân xưởng sản xuất động cơ, phân xưởng lắp ráp.

Ở đây mình không tuyên truyền hay giáo điều bất cứ điều gì cả, cũng chưa hề khen - chê Vin bất cứ cái gì. Mình chỉ quan sát, và không có tinh thần “tự hào lây” gì cả, mình chỉ thấy rằng, nếu thành công - Vinfast sẽ thực sự trở thành đầu tàu để kéo toàn bộ nền công nghiệp nặng và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đi lên. Cụ thể hơn, nếu thành công - Vinfast sẽ tạo ra nhiều bài toán cho nhiều ngành nghề cùng giải, ví dụ như Hòa Phát có động lực cải tiến công nghệ để sản xuất thép đủ chất lượng cho Vinfast làm xe chẳng hạn. Nói đâu xa, chính việc Lankmark 81 được Coteccon xây dựng (thực chất là có rất nhiều sự hỗ trợ của nước ngoài và chính Vingroup) cũng đã tạo ra một bài toán mới cho các công ty xây dựng khác ở Việt Nam như Hòa Bình, Unicons về việc phải tiếp thu công nghệ để sẵn sàng nhận các dự án trên 60 tầng - như thế mới tạo được lợi thế cạnh tranh. Thử hỏi nếu Vin không mạnh dạn chọn Coteccon thì các công ty xây dựng Việt Nam bao giờ mới bắt đầu chịu giải bài toán xây tòa nhà trên 60 tầng? Mà khi công nghệ trong nước đã sẵn sàng, chắc chắn chi phí sẽ được giảm đi rất nhiều tạo lợi thế cạnh tranh lớn với các ông lớn như Lotte hay Cofico, và cơ hội để Việt Nam có nhiều hơn những “Lankmark 81” trong thời gian tới là hoàn toàn khả quan.

Không biết có ai nhận ra không, nhưng mình thấy người Việt mình khi có một bài toán cụ thể thì giải rất nhanh, vấn đề là chỉ là nó cụ thể đến mức nào thôi, càng cụ thể càng giải tốt. Rõ ràng Vingroup dạo gần đây gợi ra bài toán khá cụ thể, mình dân không chuyên đứng ngoài nhìn vào cũng có thể cảm nhận được.

Còn nói về "niềm tự hào"? Tự hào thì có gì sai cơ chứ, ai tự hào cứ tự hào thôi. Khi còn nhỏ ai mà chẳng mơ ước sở hữu một chiếc ô-tô và được đi máy bay cơ chứ, khi nhỏ mình ngửi thấy mùi ô-tô thôi đã thích rồi, mãi năm lớp 9 mới được đi máy bay. Và tận năm 2016 thì cứ 10 người đi máy bay thì có đến 9 người đi lần đầu cơ mà. Cho đến năm nay thì cũng chỉ mới có 16 chiếc ô-tô trên 1000 dân. Những thứ trước kia vốn chỉ nằm trong ao ước, bây giờ có một doanh nghiệp Việt có thể làm được thì sao lại ngăn cản nếu ai đó tự hào cơ chứ?

Từ khóa: 

vinfast

,

xe vinfast

,

vingroup

,

marketing