Viết sách có đơn giản? Tái bản nhiều lần có phải sách hay

  1. Sách

Những năm gần đây, số lượng sách của những người viết trẻ như Anh Khang, Phan Ý Yên, Jun Phạm, Hạnh Nguyên... liên tiếp được in, và tái bản với hàng chục cuộc giao lưu, ký tặng mà ở đó, người hâm mộ "đông như kiến cỏ", cho thấy một sân chơi dành cho các cây bút trẻ đang ngày càng sôi động, chứng tỏ sức mạnh của sự trẻ trung với quan điểm "thích thì viết thôi" là vô cùng lớn.

Những cuốn sách của các tác giả trẻ. Ảnh: Gia Tiến

Nhìn vào tổng thể thị trường sách trẻ, có thể thấy mỗi năm có đến hàng chục tác giả mới được đều đặn giới thiệu đến người đọc (thống kê từ Công ty văn hóa Phương Nam cho thấy: Anh Khang có 5 cuốn sách được phát hành với 540.000 bản, Phan Ý Yên 3 cuốn thì gần 200.000 bản và của Jun Phạm (3 cuốn) đã đạt hơn 250.000 bản…). Theo như chia sẻ của chính các tác giả này, thì những cuốn sách họ viết ra đơn giản chỉ là họ đang chia sẻ nỗi niềm của chính thế hệ họ đang sống, bằng cách viết ra cảm xúc của chính mình, từ đó hình thành nên những trang viết gần gũi và dễ đọc.

Nhưng liệu những cuốn sách ấy có dễ khiến người ta quên đi nhanh chóng với những cảm xúc trôi tuột vào miền nhớ quên?

Đọc sơ qua tựa đề những cuốn sách nói trên, có thể nói đó là những tựa đề nghe rất "kêu" và có vần có điệu như Buồn làm sao buông; Thương mấy cũng là người dưng, Không xinh, không thông minh, không bất bình thế giới; Khi phụ nữ uống trà đàn ông nên cẩn thận; Thức dậy, anh vẫn là mơ, Chênh vênh hai lăm... Nếu ở độ tuổi mộng mơ, còn sở hữu những cảm xúc... đong đưa và nhạy cảm, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy như sách viết cho chính mình, như chạm vào tâm hồn non nớt của mình. Nhưng khi đã lớn hơn thì sao? Những cuốn sách ấy có trở nên quá ngây thơ?

Quả thực, những người viết trẻ ấy, họ vẫn có khả năng lắng nghe được tiếng lòng của nhiều người và thay họ kể lại câu chuyện cuộc đời, dù đơn giản hay sâu sắc. Vốn dĩ, sách của các tác giả trẻ trên thị trường sách hiện nay, từ thuở dòng sách tản văn của các cây bút trẻ vẫn còn nhận được cái nhìn e dè và không mấy tin tưởng. Tuy nhiên, như Anh Khang có nói thì "hay dở trong văn chương là tùy theo khẩu vị của mỗi người" hay như Jun Phạm thì cho rằng "câu chữ là những người bạn tuyệt vời". Viết sách nghe qua thì có hơi to tát, song với nhiều người, chỉ đơn giản là “mình thích thì mình viết thôi”.

Với cả, không phải ai cũng có đủ khả năng để biến những cảm xúc thành những cuốn sách. Viết có thể là đơn giản với nhiều người, nhưng để là sách thì không đơn giản chỉ là một tập hợp những đoạn văn có nhiều chữ. Điển hình là mình, cũng có cảm xúc, cũng có tiếng lòng cần chia sẻ, nhưng viết hoài có được cuốn sách nào đâu?

Trước mình có đọc một bài phỏng vấn tác giả Dennis Lehane – tác giả của Đảo Kinh Hoàng, đăng trên The Talks, ông ấy có nói: "Sáng tác không phải do tài năng, mà là bằng đam mê và sở thích", có lẽ đam mê của mình chưa đủ lớn? Hay sở thích của mình còn nông cạn?

Bạn nghĩ gì về những cuốn sách tản văn nói trên của các tác giả trẻ? Bạn có đánh giá cao chúng không? Bạn có nghĩ rằng viết sách đơn giản là "thích thì viết"? Và liệu có phải sách tái bản nhiều lần chính là sách hay?

Từ khóa: 

sách trẻ

,

tản văn

,

người viết trẻ

,

anh khang

,

phan ý yên

,

nguyễn ngọc thạch

,

sách