Việt Nam - ngôi sao đang lên của nền kinh tế trực tuyến 200 tỷ USD
Nền kinh tế trực tuyến ASEAN sẽ có giá trị hơn 200 tỷ USD vào năm 2025 và Việt Nam là một mắt xích quan trọng.
Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố báo cáo chuyên đề về bức tranh tổng quan của thị trường văn phòng Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế trực tuyến bùng nổ tại khu vực Đông Nam Á. Khái niệm nền kinh tế trực tuyến được đề cập đến 4 nhóm dịch vụ: đặt xe, gọi đồ ăn trực tuyến; truyền thông trực tuyến; du lịch, đặt phòng trực tuyến và thương mại điện tử. Theo một nghiên cứu giữa năm 2016 của Google/Temasek, nền kinh tế trực tuyến ASEAN từ 50 tỷ USD vào năm 2017 được dự báo sẽ có bước đại nhảy vọt, tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025. JLL đánh giá rằng Việt Nam là ngôi sao đang lên trong chuỗi kinh tế trực tuyến đầy sôi động này nhờ vào 4 yếu tố vượt trội.
Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân hàng năm dẫn đầu khu vực
Nghiên cứu của IMA Asia cho thấy tăng trưởng tiêu dùng cá nhân hàng năm của Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2022 được dự báo đạt 7% mỗi năm, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân hàng năm của Việt Nam cao hơn Philippines (6%), Indonesia (5, 6%), Malaysia (5%), Thái Lan (dưới 4%) và Singapore dưới 3%. Các nền kinh tế Đông Nam Á có mức tăng trưởng tiêu dùng cá nhân được dự báo sẽ tăng 5% mỗi năm cho đến năm 2020, vượt mức tăng trưởng toàn cầu chỉ 3, 5%, trong đó Việt Nam đạt chỉ số tăng trưởng tiêu dùng cá nhân lý tưởng nhất. JLL tin rằng đây là yếu tố đầu tiên giúp Việt Nam từ một thị trường cận biên, mới nổi non trẻ vụt sáng trở thành ngôi sao đang lên trong nền kinh tế trực tuyến của khu vực ASEAN.
Số hộ gia đình có thu nhập trung bình tăng trưởng cao
Theo Bookings Institute, trong vòng nửa thập niên, từ cột mốc 2015 đến 2020, số hộ gia đình có thu nhập trung bình tại Việt Nam được dự báo tăng trưởng gấp đôi. Tốc độ tăng trưởng này của Việt Nam được xếp vào nhóm 6 thị trường năng động nhất khu vực cùng với Indonesia, Thai Lan, Malaysia, Philippines và Singapore. Bên cạnh số hộ gia đình có thu nhập trung bình tại Việt Nam liên tục tăng trưởng, tầng lớp trung lưu cũng có bước nhảy vọt. Dân số đô thị ở các thành phố Đông Nam Á đang tăng khoảng 2, 2% mỗi năm và tầng lớp trung lưu đang tăng lên 70 triệu, tương đương tỷ lệ tăng trưởng 9% hàng năm cho đến 2020.
Việt Nam có thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhất
Cũng theo nghiên cứu của Google – Temasek, 6 thị trường dẫn đầu thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á có Indonesia dẫn đầu với lợi thế dân số vượt trội, thì 5 nước còn lại gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Singapore có xuất phát điểm khá tương đồng vào năm 2015.
Trong nhóm "ngũ hổ" này, tuy xếp sau Thái Lan, Philippines, Malaysia và nhỉnh hơn Singapore nhưng Việt Nam được dự báo sẽ có thị trường thương mại điện tử tăng tốc mạnh mẽ vào năm 2025 do dân số vượt trội các nước láng giềng, tầng lớp trung lưu tăng mạnh hơn và tăng trưởng tiêu dùng hàng năm cũng cao nhất.
TP HCM đang là điểm đến của các tập đoàn công nghệ
Theo dữ liệu của CB Insights được JLL mô phỏng lại bằng biểu đồ, TP HCM, đô thị năng động nhất Việt Nam đang có tổng diện tích văn phòng được các công ty, tập đoàn công nghệ thuê chiếm tỷ lệ cao nhất ASEAN trong vòng 12 tháng qua, đạt 16%, cao nhất khối.
Nếu so với 5 năm trước, TP HCM mới chỉ có lượng công ty công nghệ thuê văn phòng cao thứ 3 khu vực thì 3 năm gần đây, đô thị trên 10 triệu dân của Việt Nam đã vượt qua Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, Manila và Singapore trong nhóm các thành phố thu hút các công ty công nghệ và giữ vững vị thế của mình cho đến hiện tại.
JLL cho biết, tốc độ xâm nhập thị trường của các công ty công nghệ cũng như cơn lốc đầu tư từ những gã khổng lồ công nghệ hàng đầu đang hiện diện tại TP HCM sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy Việt Nam trở thành ngôi sao đang lên của nền kinh tế trực tuyến 200 tỷ USD vào năm 2025. Bởi lẽ, các đại gia công nghệ này ít nhiều đều có liên quan (tạo nền tảng) hoặc họ chính là các nhà kinh doanh trực tuyến sừng sỏ.
Nguồn: VnExpress