Viết cho em 10: Chào tháng Mười, em sống có vui không?
Mấy năm trước, lâu lâu anh hay cà khịa những người “chào tháng mới” bằng mấy status dạng như “Tháng Mười chào các bạn, xin các bạn tự mình sống tốt và đừng đổ lỗi cho tui nha”. Nhưng riết rồi thấy người ta chào mãi cũng thành quen, và mình móc méo hoài cũng chán, nên thôi.
Mỗi lần qua tháng mới, người ta lại chào và mong muốn “nó” sẽ đối xử tốt với mình, em có làm thế không? Và có khi nào đó, thay vì cầu mong tháng mới hay ai đó đối xử tốt với mình, em có tự hỏi chính mình đã đối xử tốt với bản thân chưa?
Hay là thay vì chào tháng Mười, hãy đối xử tốt với tui nha, thì có khi nào em hỏi: chào tháng Mười, bạn có thấy vui không?
Có lần anh đọc được một đoạn thế này: Câu hỏi khiến cho đàn ông bật cười và đàn bà rơi nước mắt chính là câu “Bạn có hạnh phúc không?”. Theo thời gian dần trôi, người ta mải mê sống, ngày qua ngày, năm qua năm, bị mọi thứ xung quanh hấp dẫn và cuốn đi, ngay cả đến hạnh phúc cũng mong chờ năm tháng sẽ đối xử tốt với mình, không dám đối diện với sự thật rằng mình sống có hạnh phúc không. Đến một lúc nào đó gặp đúng câu hỏi đó, chợt nghĩ về ngày tháng đã qua.. Mình sống có hạnh phúc không ư? Hạnh phúc là gì, có lẽ chính mình cũng đã lâu không còn nhớ. Trong phút giây bất ngờ đó, người phụ nữ không kiềm được nước mắt, nên họ khóc.
Còn đàn ông vì sao lại cười? Trước đây anh từng trả lời một bạn rằng “Vì nụ cười là nước mắt khô, mà người đời che lấp thương đau”.. Định kiến của xã hội này chính là đàn ông thì không thể khóc, cũng giống như Ngọt hát: “Nếu tôi còn bé, thì tôi sẽ khóc. Nhưng đã ba mươi, ba mươi, ba mươi… lên xe đi làm, lại ngồi lên ghế .. không làm gì”.
Tháng Mười chỗ em là mùa gì? Chỗ anh chỉ có mùa mưa và mùa nắng. Tháng Mười cũng gần cuối mùa mưa. Còn hai tháng nữa đến tết Tây, rồi tết ta. Thấy vậy chứ nhanh lắm. Thời điểm này trong năm dường như khiến người ta quên đi thời gian vậy. Cũng giống như chiều thứ Sáu, vèo cái đến thứ Hai.
Em đang ở độ tuổi nào? Đang vui hay buồn? Em buồn vì điều gì: mối tình đầu tan vỡ, vì không đạt điểm cao, chưa xin được việc làm ưng ý, hay chưa tìm được người yêu, hay buồn vì chưa mua được xe hơi mới? Và điều gì làm em vui? Có phải niềm vui là sự vắng mặt của nỗi buồn, hay là khi em đạt được điều em mong muốn nào đó trong cuộc sống?
Người ta hay nhầm khi đánh đồng niềm vui và hạnh phúc, cũng như nỗi buồn là giá trị âm của niềm vui. Anh thấy không phải vậy.
Niềm vui là trạng thái kích thích do một tác nhân nào đó của cảm xúc, ví dụ như khi em được khen, mua được món đồ em thích, hay gặp phải điều gì đó mắc cười. Có rất nhiều khi em cười mà có thấy vui đâu, chỉ do mắc cười thôi phải không?
Nỗi buồn cũng không phải là tình trạng trái ngược với niềm vui. Vui là khi có điều gì đó làm em cảm thấy vui, buồn là khi có điều gì đó làm em cảm thấy buồn. Ta hoàn toàn có thể vừa vui, vừa buồn cùng một lúc mà, em có bao giờ như thế chưa?
Còn hạnh phúc là một trạng thái khi em chấp nhận niềm vui, chấp nhận nỗi buồn mà em đang có bằng một sự bình thản khi đón nhận hiện tại (vui hay buồn). Đó là lý do vì sao những người khốn khổ vẫn có thể hạnh phúc, còn người thành công, giàu có vẫn có thể không hạnh phúc. Hạnh phúc là một loại chấp nhận.
Có nhiều người rất vội vàng chạy theo những niềm vui, hết điều này đến điều khác. Đạt được điều gì đó mình yêu thích thì cũng vui, nhưng niềm vui luôn ngắn hạn, nghĩa là nó chỉ tồn tại ít lâu trong khoảnh khắc em đạt được đó mà thôi.
Niềm vui hay nỗi buồn giống như một loại gia vị cho tâm hồn, không phải là lương thực. Nếu dùng đúng liều lượng, đúng thời điểm, cuộc sống sẽ phong phú hơn. Còn dùng quá liều lượng sẽ gây ngộ độc.
Ngộ độc niềm vui là khi em mất kiểm soát, phải không ngừng chạy tìm những niềm vui ngày này qua tháng nọ. Em sợ phải dừng lại, vì mỗi lần dừng lại sẽ khiến em hụt hẫng, không cảm nhận được giá trị tồn tại của chính mình.
Ngộ độc niềm vui hay nỗi buồn làm em mất đi khả năng cảm nhận hạnh phúc.
Có một số người muốn tự thôi miên chính mình bằng cách luôn tỏ ra hạnh phúc, họ cần người xung quanh tán dương, ngưỡng mộ, cần người xung quanh công nhận là họ đang hạnh phúc, để họ cũng thấy mình hạnh phúc. Cách thể hiện như vậy cũng đáng thương như việc luôn luôn tìm kiếm những niềm vui tạm bợ từng ngày.
Em cứ an tâm mà dừng lại một vài phút giây mỗi ngày, để tự hỏi mình đã vui hay buồn, có hạnh phúc hay không với chính mình ở hiện tại. Đừng sợ câu trả lời, vì chấp nhận hiện tại thì em mới có thể khác đi. Muốn bước tiếp một bước, hoặc bước lên cao hơn, thì em cần phải có chỗ đặt chân, cần phải nhận ra mình đang đứng ở đâu trước nhất.
Nếu em thật sự chấp nhận bản thân, hạnh phúc với những gì mình đang có, thì bước thêm một bước hay đi xa vạn dặm vẫn hạnh phúc như nhau. Không cần phải đặt chân lên mặt trăng hay lên thiên đường, hay sang kiếp khác mới hạnh phúc.
Mình có hạnh phúc không? Em hãy hỏi chính mình như thế.
Và nếu được hãy cố gắng trao tặng câu hỏi đó cho những người xung quanh: bạn có hạnh phúc không? Bạn sống có vui không? Dù cho câu trả lời của họ là gì, hãy quan sát niềm vui, nỗi buồn trong mắt họ, trong tâm hồn họ bằng con mắt của riêng em. Có người tỏ ra buồn nhưng họ không hề buồn. Hãy quan sát và em sẽ hiểu, không phải hiểu người mà là hiểu chính mình hơn.
Nếu có khi nào em thấy bản thân mình là đặc biệt, không ai giống mình, thì đó là do em chưa gặp nhiều người đó thôi, hoặc là chưa quan sát một cách bình tĩnh và rõ ràng những người xung quanh em. Hãy quan sát, chia sẻ, và cảm nhận nhiều hơn, rồi quay về bên trong, em sẽ trung thực hơn với chính mình, và chấp nhận được chính mình.
Khi em làm được điều đó, chính em sẽ tự hạnh phúc, và em sẽ không còn nhờ tháng Mười mang điều tốt đẹp đến cho em nữa. Em sẽ vui vẻ nói: Chào tháng Mười, bạn sống có vui không?
Anh chúc em và tháng Mười mọi điều tốt đẹp nhé.
01.10.2019