Viết cho em - 79 - Chân thật: mạnh mẽ, khéo léo, tinh tế và thông minh
Ngày trước trên báo hay có mục “Tìm bạn bốn phương”, trên đó người ta đăng vài dòng giới thiệu về bản thân và đối tượng mong muốn giao lưu, kết bạn. Một trong những đức tính mà nhiều người mong muốn bạn mình sẽ có là “chân thành”, “không giả dối”. Khi người ta thích một điều gì đó, thường là vì nó tốt, hoặc nó hiếm.
Để làm một người chân thành hay giữ cho mình đức tính chân thật là điều không hề dễ dàng. Người ta chỉ có thể cố gắng giữ điều đó nhiều nhất có thể, mà không phải là luôn luôn. Họ đưa ra khái niệm “white lie” là nói dối thiện ý để biện hộ cho việc không chân thật của mình. Dù đó là một khái niệm có phần tốt đẹp, nhưng vẫn là không chân thật.
Chân thật là một đức tính mạnh mẽ, và để giữ được nó cũng cần phải thật mạnh mẽ. Có người nói rằng khi một người giữ được sự chân thật hoàn toàn trong mọi lời nói, hành động và suy nghĩ của họ, thì đến một lúc nào đó những lời họ nói ra sẽ có năng lực thuyết phục người khác, thậm chí là ảnh hưởng đến trời đất, sai khiến quỷ thần.
Chân thật với người ngoài không dễ, với chính mình lại càng khó khăn hơn. Chẳng phải người ta vẫn bảo rằng muốn lừa được người khác thì trước tiên phải tự lừa mình sao? Con người thường xuyên tự lừa bản thân nhất: mình không thua người nọ, mình cũng có tài nhưng không gặp may, nó thành công vì có điều kiện hơn mình, mình chưa muốn kiếm nhiều tiền vì mình không thích thế, mình và người đó đến với nhau không có kết quả tốt đâu, mình không yêu họ đâu…
Khi ta tự lừa mình, thì thành thật với người khác cũng chỉ là biểu hiện nhất thời mà thôi.
Giữ sự chân thật cho riêng mình là khó khăn nhất, cần mạnh mẽ nhiều nhất, thì chân thật với người khác lại cần sự khéo léo, tinh tế nhiều hơn là mạnh mẽ. Có những người cho rằng mình “nghĩ sao nói vậy” nên dùng những lời lẽ “thật thà, thẳng thắn” khiến người khác tổn thương hoặc tự làm cho mình trở nên vô duyên, xấu tính.
Sự thật có rất nhiều cách diễn đạt và không phải lúc nào cũng nên nói ra đâu.
Hồi trước anh có đọc một quyển truyện tên Eragon, trong đó có một dân tộc gọi là tộc Tiên (Elf), tộc này sống lâu hơn nhân loại rất nhiều, và có phép thuật nữa. Một đặc điểm của tộc Elf là họ không bao giờ nói dối. Và một trong những cách để làm điều đó là họ rất ít nói. Họ thường xuyên trả lời những câu hỏi bằng một câu hỏi khác. Ví dụ như khi được hỏi “Ngài có thể biết quân địch khi nào tấn công không?” thì họ sẽ trả lời “Câu trả lời nằm trong âm thanh của gió và rung động của đất đai”; hoặc hỏi là “Ngài cho tôi biết rằng tôi còn bao nhiêu năm để sống trên đời này được không?” Họ sẽ trả lời: “Ngài cần biết điều đó để làm gì?”
Khi ta biết sự thật nào đó về một người, thì không phải cứ nói thẳng ra với họ là chân thật. Mặc dù làm vậy đúng là chân thật đó, nhưng sự chân thật đó có thể gây tổn thương cho người đó và việc nói ra điều đó khiến ta vướng kẹt vào nhân quả của bản thân người đó.
Giả như khi ta thật sự biết một người còn sống bao nhiêu lâu nữa, hoặc biết năm nào thì họ sẽ thăng quan, phát tài… nếu ta nói ra điều đó, và nếu người đó cũng tin tưởng ta, thì chính là tiết lộ thiên cơ và sẽ làm thay đổi nhiều thứ trong quỹ tích vốn có của cuộc sống người đó. Hậu quả khó lường.
Còn thực tế hơn, như khi ta biết một người có điểm nào đó không đẹp, hoặc tính tình không tốt, thì thay vì nói thẳng ra rằng họ như vậy là xấu, là dở… thì có thể gợi ý cho họ cách trang điểm, ăn mặc, kiểu tóc hoặc những nguồn tài liệu tham khảo tốt để họ tự thay đổi bản thân.
Những sự thật mà nói ra chẳng có tác dụng gì ngoài việc gây tổn thương cho người khác thì tốt nhất là không nên nói.
Có người sẽ nghĩ nếu lúc nào nói ra cũng phải là sự thật, mà sự thật đó phải không gây tổn hại cho người khác, không tác động quá nhiều khiến mình vướng kẹt vào nhân quả của họ, hoặc phải có tác dụng thức tỉnh, động viên… thì có khi suốt ngày tôi chẳng thể nói câu nào. Đúng, điều đó tốt mà. Tại sao cứ phải nói cả ngày mà toàn những điều vô nghĩa và có hại?
Sự chân thật còn dễ dàng bị đánh mất trong những người hợp xã giao, giả lã trong giao tiếp xã hội. Khi người ta hỏi mình những câu gì đó mà mình không muốn trả lời, có khi mình sẽ nói tránh đi, có khi sẽ nói dối. Tất nhiên cũng có một phần lí do là đến từ những câu hỏi quá sâu vào đời tư hay đặt những vấn đề thiếu tế nhị, nhưng vấn đề của họ là của họ, còn việc giữ đức chân thật của bản thân là ở chính mình.
Tóm lại chân thật là nhìn nhận đúng bản chất của mọi sự, mọi vật, chấp nhận những điều đó và phản ánh chính xác điều mình nhìn thấy khi có yêu cầu từ bên ngoài hoặc bên trong chính mình. Trong trường hợp mình cảm thấy sự phản ánh đó có thể đem đến hậu quả xấu, thì dừng nó lại, không nói ra chứ không phải là bẻ cong, nói dối. Khi đó sự chân thật vẫn được giữ trong tâm mình.
Chân thật với cuộc đời bắt đầu từ việc chân thật với chính mình, nhìn nhận rõ ràng những gì đang diễn ra bên trong và chấp nhận nó. Phản ứng lại nó như thế nào là một chuyện khác, trước hết phải chấp nhận chứ không phải tự huyễn hoặc ra một thứ gì khác để che lấp, đó cũng là chân thật.
Từ bây giờ, hãy ngưng nói những điều không thật và nói những điều chân thật một cách khéo léo và thông minh. Chân thật là một phần sức mạnh.
09.12.2019