Viết cho em - 78 - Hoài niệm
Hồi thời những bức ảnh còn được chụp bằng máy phim, nếu không giữ kỹ thì qua vài năm sẽ ố vàng, nhìn rất cũ kỹ. Còn giữ kỹ, thì cũng ố vàng thôi. Những bức ảnh phai nhòa dần, đúng như cách ta nhìn về những hoài niệm cũ.
Rồi đến thời có máy ảnh kỹ thuật số, việc chụp ảnh không còn là độc quyền của “thợ” và không chỉ vào các dịp đặc biệt trong năm. Người ta mua các loại máy hiện đại có độ phân giải 2.0 megapixel và chụp mọi lúc, mọi nơi, lưu vào máy tính. Sau đó là đến thời của các tiệm “chụp ảnh Hàn Quốc”. Đó là một dịch vụ chụp chân dung lấy liền, được giới trẻ khá ưa thích. Bản thân anh thì không đồng cảm được với sở thích chụp ảnh chân dung. Phong trào ảnh Hàn Quốc kia phát triển rần rộ nhưng chỉ trong khoảng một năm gì đó, vì sau đó các điện thoại có chức năng chụp ảnh với độ phân giải gần như máy kỹ thuật số được bán rộng rãi rồi. Tiếp theo là thời đại của điện thoại thông minh cho đến lúc này đây.
Từ khi những tấm ảnh được chụp bằng máy ảnh hay điện thoại rồi lưu trực tiếp vào máy tính, đăng lên mạng, anh cứ nghĩ là nó sẽ không bao giờ cũ, không “úa vàng” như những tấm ảnh phim được rửa ra. Nhưng không. Khi nhìn lại ảnh năm, mười năm trước vẫn thấy những nét cũ kỹ, vẫn phủ đầy màu của thời gian.
Có lần anh nghĩ rằng khi ta nhìn lại ảnh của mình mấy năm trước, ta thấy nó cũ là vì có bản thân mình trong đó, vì chính mình là người đã trải qua không gian, thời gian đó nên nhìn lại mới thấy cũ. Nhưng sự thật là khi nhìn những bức ảnh cũ của những người xa lạ trên mạng, anh vẫn cảm thấy được nét cũ của nó.
Có lẽ những tấm ảnh là thứ đóng khung lại không chỉ màu sắc, hình dáng mà còn cả không gian, thời gian.
Nói về nét xưa cũ, thì còn có thể là vì mỗi một khoảng thời gian người ta sẽ có phong cách chỉnh màu, có các ứng dụng chỉnh màu và định dạng của nơi đăng ảnh khác nhau, thiết bị khác nhau… điều này cũng là nguyên nhân của việc nhận diện ảnh cũ và ảnh mới. Nhưng anh vẫn tin là màu của thời gian thật sự tồn tại trong những bức ảnh số đấy.
Gần đây người ta còn thích mặc đồ cũ cũ, tìm những góc xưa xưa để chụp ảnh, xong rồi chỉnh màu lem lem, xám xám và gọi đó là phong cách vintage. Đôi khi anh thấy cũng đẹp, nhưng anh cũng không đồng cảm được với sự say mê và hào hứng của phong cách đó. Cũng giống như việc không cảm nhận được ý nghĩa của việc giữ lại những thứ xưa cũ không còn giá trị sử dụng để làm gì.
Hoài niệm chỉ có giá trị khi nó tồn tại trong quá khứ và được lưu giữ trong tâm.
Người hay vật nếu đã đi vào trong hoài niệm của ta thì sẽ không còn liên quan đến chính bản thân người đó hay vật đó ở hiện tại nữa. Người ta đã yêu trong quá khứ và hiện tại là khác nhau, dù họ có phải đang là người yêu của ta hay không. Nếu ta vẫn đang yêu họ, thì đó là ta đã yêu họ rất nhiều lần.
Con người không thể sống nhiều trong hiện tại vì quá khứ và tương lai quá mạnh mẽ và quyến rũ. Có người thì luôn bị thu hút tất cả tâm trí vào những dự án, dự định, những mong muốn trong tương lai. Trong đầu họ luôn nghĩ về những kế hoạch họ sẽ thực hiện và những thành quả họ sẽ đạt được, về thái độ và sự công nhận của người xung quanh, về sự thỏa mãn của chính mình khi đạt được những điều đó. Cũng có người luôn lo lắng cho những việc sắp sửa xảy ra, lo nghĩ về tiền nhà, tiền trả nợ… Khi rảnh rỗi thì lại nhớ về quá khứ, cũng là về những thành công và thất bại trong quá khứ, những niềm vui, niềm vinh dự, sự tự hào hay về sự phản bội, lừa lọc, về những nỗi đau, những thất bại đã qua. Tất cả những phút giây của hiện tại đã bị quá khứ và tương lai chiếm hữu như vậy.
Em cảm thấy thế nào khi nghĩ về quá khứ?
Có những khoảnh khắc, những hình ảnh và con người có thể tồn tại trong tâm trí ta một cách vô cùng sâu sắc, đến mức mỗi khi nhớ lại thì đều rõ ràng như đang ở trong thời không cũ một lần nữa vậy. Và ta vẫn đau khổ, hạnh phúc, cảm động, yêu thương như khi điều đó xảy ra. Anh gọi điều này là ám ảnh.
Cũng có những ký ức mà ta sẽ dần quên, hay thay đổi cách nhìn mỗi khi nghĩ về nó, có lúc thì vui, có lúc thì xấu hổ, có lúc lại thấy bình thường, có lúc thấy trân trọng, khi thì thấy biết ơn.. đây là điều xảy ra với ký ức bình thường.
Còn những đoạn ký ức hay hình ảnh mà mỗi khi nhớ lại ta đều rõ ràng cảm giác của mình khi đó, nhưng ta bình thản quan sát như đang xem một bức ảnh hay một đoạn phim, ta nhận biết được mình đang ở trong hiện tại và nhìn lại những vui buồn đó một cách trọn vẹn nhất thì chính là hoài niệm.
Đen Vâu hát “Hoài niệm là thứ đồ chơi ta càng lớn lại càng không chán”. Ừ cũng phải. Mà nói đúng hơn là phải càng lớn thì mới có thứ để gọi là hoài niệm, còn nhỏ thì có được mấy sự kiện để nhớ về đâu. Và cũng phải càng trải qua nhiều sự kiện mới có cái để mà so sánh, để biết ai là người tốt với mình trong số những người mình đã gặp qua, để biết thất bại đầu tiên không phải là duy nhất và cũng không phải là tệ nhất, để biết người tốt cũng có thể quay lưng bỏ mặc lúc mình cần, để biết người xa lạ cũng có thể dang tay trợ giúp lúc mình không ngờ tới, và để biết tình cảm mà mình cho là sâu sắc nhất rồi cũng có lúc phôi phai.
Hoài niệm là những điều rất đẹp. Đó là vì ta chỉ chọn điều tốt đẹp để nhớ mà thôi. Điều đó thì cũng tốt, nhưng nếu vì vậy mà quên sống cho hiện tại, bỏ qua những nét đẹp của hiện tại, thì tương lai lấy chi để nhớ về đây.
Ta có thể chìm trong hoài niệm khi nhìn những bức ảnh cũ, nhưng rõ ràng không thể chui vào đó để mà ôm ấp người thương. Mà nếu tương lai người ta có chế ra cỗ máy thời gian, quay được về quá khứ, thì ta cũng chỉ là một người ngoài cuộc mà thôi. Khi đó ta sẽ chân chính cảm nhận ý nghĩa của cái gọi là hoài niệm?!
08.12.2019
Người ẩn danh