Viết cho em - 66 - Ăn thịt hay ăn chay và bảo tồn động vật để làm gì?
Hồi anh còn nhỏ, mỗi khi nghe đài nói về chuyện một loài nào đó là loài có tên trong sách đỏ, cảm thấy rất hoành tráng, thấy nó rất quý hiếm, rất đáng thương, nói chung là có nhiều cảm xúc, mà anh chưa bao giờ hỏi tại sao lại như vậy. Còn em, em có quan tâm và tự hỏi, hay là có câu trả lời nào cho câu hỏi: “vì sao con người phải bảo tồn động vật sắp tuyệt chủng?” không?
Trước đây anh từng đặt câu hỏi đó lên Facebook, có hơn 30 người trả lời, và đa số đều không nói ra một lí do thuyết phục những người còn lại, mấy người còn đùa là “để cho những người bảo tồn động vật có việc làm”.
Sách đỏ là một danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới, được tạo ra vào năm 1964, và sau này được công bố hằng năm, tên tiếng Anh của nó là IUCN red list of threatened species (danh sách đỏ về các loài đang bị đe dọa) hay IUCN Red List.
IUCN là từ viết tắt của International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên. IUCN là một tổ chức bảo vệ thiên nhiên, được thành lập năm 1948 nhằm cảnh báo thế giới về tình trạng suy thoái môi trường thiên nhiên trên toàn cầu và những tác động của con người lên sự sống của Trái Đất.
Đọc đến đây, em đã nghĩ ra lí do vì sao con người phải bảo tồn các loài sắp tuyệt chủng chưa?
Có một dạo rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam cùng nhau thay avatar là hình ảnh người đó cắn móng tay để cổ động cho phong trào bảo vệ loài tê giác, vì loài này bị săn lấy sừng làm thuốc, và người ta nói rằng sừng tê giác không khác gì móng tay cả. Không biết tác động của phong trào đó ra sao, chỉ là sau này hàng năm không thấy ai để lại avatar cắn móng tay như vậy nữa. Có lẽ loài tê giác đã được bảo tồn, hoặc không cần bảo tồn nữa..
Một loài chim nào đó còn vài trăm cá thể, loài hổ nào đó còn vài chục con, loài gấu trúc, hoặc như con tê giác Sumatra cuối cùng tại Malaysia vừa chết vì bệnh ung thư… những cá thể ít ỏi này có vai trò, tác động gì đối với hệ sinh thái tại một vùng nào đó hay là đối với trái đất này?
Chẳng có vai trò gì cả. Hoặc phải nói ngược lại mới đúng: Do hệ sinh thái vốn thích hợp cho các loài đó sinh sống bị biến đổi, và chúng không thể thích nghi, hoặc có sự tác động của loài khác (như việc săn bắn của con người cao hơn năng lực sinh sản của loài đó) nên chúng mới tuyệt chủng.
Như vậy, ý nghĩa thật sự của việc bảo tồn các loài động vật sắp tuyệt chủng chính là để cảnh báo con người về những thay đổi của môi trường sống trên trái đất mà trong đó có rất nhiều nguyên nhân là từ sự tác động của con người. Bảo tồn động vật sắp tuyệt chủng hay bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường vốn không phải thật sự bảo vệ trái đất này, mà chính là đang bảo vệ cho nơi sống của loài người.
Nhà khoa học Jonas Salk từng nói: “Nếu tất cả côn trùng trên trái đất này biến mất, trong 50 năm tất cả sự sống sẽ kết thúc. Nếu loài người biến mất khỏi trái đất này, thì trong 50 năm tất cả sự sống của các loài khác đều sẽ phát triển sum suê và mạnh mẽ.”
Vậy loài người có tình nguyện biến mất để trái đất rực rỡ hơn không? Có thể, nếu họ tìm được nơi khác ngon lành hơn.
Ăn chay hay ăn thịt? Câu trả lời là ăn ít lại.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng tài nguyên trên trái đất này chỉ đủ để nuôi tối đa 8 tỷ người, mà nhân loại đang gần đạt đến con số đó rồi. Thế nên việc tất cả mọi người chuyển sang ăn chay cũng không giúp ích gì nhiều cho trái đất, thậm chí có thể gây đảo lộn nhiều thứ và cũng không đủ lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ăn no của mọi người.
Những người cổ vũ việc ăn chay từng nói dạ dày của con người thích hợp cho việc ăn thực vật. Đúng là ăn thực vật dễ tiêu hóa hơn, nhưng con người là động vật ăn tạp, không phải ăn cỏ. Hơn nữa, nếu một người ăn thuần chay, người đó sẽ phải uống thuốc để bổ sung một loại chất nào đó cần cho sự vận động bình thường của cơ thể.
Tại sao nên ăn chay? Bạn Veo – 30 tuổi - người ăn thuần chay gần 12 năm cho biết lí do mạnh mẽ nhất cho việc ăn chay của bạn là: “Đối với em là lòng trắc ẩn, không muốn giết hại những sinh vật cũng muốn được sống như mình. Ăn chay vì lòng yêu thương động vật thì bền vững lắm đó anh.” Anh cũng cho rằng đây là lí do hợp lí nhất. Cũng giống như việc người ta nuôi chó và yêu thương nó nên không ăn thịt chó, nếu như có thể rải lòng thương cho nhiều loài động vật hơn, ta sẽ có thể ăn chay.
Vì sao người ta ăn thịt? Vì nó ngon.
Vị ngon của thịt, cá, hải sản… là nguyên nhân chính cho việc ăn thịt. Vị ngon đó, cũng như vị ngọt của đường và các thứ kích thích khác, gần như một loại chất gây nghiện. Việc chăn nuôi, chế biến và giết mổ gia súc, gia cầm cũng là một trong những nguyên nhân chính tác động đến việc biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thế nhưng việc ăn thịt đã là một tập quán từ thời nguyên thủy. Có nhiều người ăn cơm mà không có thịt thì cảm thấy không no, hoặc không thể chịu được. Ngày nay người ta còn chế biến ra đủ loại gia vị để kích thích vị giác, thính giác, thị giác.. khiến người khác không thể chỉ ăn cho no, mà đa phần là ăn cho đã cơn thèm.
Một trong những quy luật cơ bản của thế giới này vẫn là mạnh được yếu thua, thích nghi tốt thì sinh sôi nảy nở, kém thì tuyệt chủng dần dần. Loài người trở thành bá chủ hành tinh này cũng vì khả năng thích nghi và sinh sản đó. Muốn họ ngừng ăn thịt là chuyện không thể, phương án khả dĩ nhất là ăn ít lại, ăn vừa đủ no thôi.
Thế giới này sắp không đủ tài nguyên để nuôi con người, nên những gì con người đang sản xuất, đặc biệt là lương thực, thực phẩm đều có những yếu tố kích thích tăng trưởng và đủ thứ độc hại khác, ăn ít được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Ăn ít một chút không chỉ là bảo vệ chính mình, tự tìm hiểu chính mình qua việc ăn uống, rèn nghị lực khỏi sự thèm ăn mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ trái đất, bảo vệ loài người đó.
26.11.2019
Lang thang
Đại Phong