Viết cho em - 48 - Về “ngộ độc sách”
Thuở xa xưa, khi sĩ tử còn được trọng vọng, những người đọc sách còn đứng trên thiên hạ, vì sách hiếm quá, phải đứng trên thiên hạ thì mới có khả năng đọc được nhiều. Sĩ tử bình thường thì đọc thuộc lòng vài ba bộ kinh thư, có khả năng lý giải chút ít kiến giải của tiền nhân liền có thể đỗ trạng, hoặc ít nhất cũng làm quan phụ mẫu một phương. Sách hồi đó hiếm nên quý, ít nên tinh, đọc một có thể áp dụng mười. Và vì ít quá nên muốn ngộ độc cũng không phải là chuyện dễ.
Còn thời nay thì sao? Riêng ở Mỹ, mỗi năm xuất bản hơn 100.000 quyển sách mới, ở Việt Nam cũng tầm vài chục ngàn. Thời xưa đọc một quyển có thể suy ra mười, ra trăm điều để áp dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống, thời nay đọc mười quyển đã thấy nhiều điều na ná như nhau, đọc trăm quyển rồi thì quyển thứ 101 khó mà thấy được một điều mới lạ.
Anh chưa bao giờ tự hào mình đọc nhiều, cũng chưa từng nhận mình là người yêu sách hay yêu văn hóa đọc gì đó. Qua những gì anh viết em cũng có thể thấy điều đó: minh họa chỉ bằng mấy bài TED, vài tác giả quen thuộc, vài quyển sách quen thuộc, mấy bộ phim, mấy video youtube và thậm chí cả những điều trong bản tin facebook. Lượng sách mà anh đọc quá ít để ngộ độc.
Hiện tượng ngộ độc sách mà anh đang nói đến có thể xuất phát từ việc các bạn quá say mê đọc sách, thấy nhiều sách hay, thú vị và cứ thế đọc thật nhiều và để lại những ảnh hưởng “lợi bất cập hại”.
Có thể là đọc quá nhiều sách cùng một thể loại, cùng một tác giả dẫn đến tư tưởng vô cùng cực đoan, bảo thủ, phủ nhận mọi thứ trừ “chân lý” do mình lĩnh ngộ trong sách (vốn chỉ là một phần tư duy của tác giả).
Có thể do đọc quá nhiều loại sách khác nhau, những khái niệm, định nghĩa và quan điểm khác nhau trong sách công kích và mâu thuẫn nhau khiến cho người đọc lâm vào khủng hoảng, không dám phát ngôn vì điều gì cũng biết và điều gì cũng sợ sai.
Một dạng ngộ độc khác là việc tích lũy quá nhiều thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và đạo lý của người khác nhưng lại lầm tưởng là của mình khiến cho người đọc trở nên khinh thường người khác, luôn có cảm giác hơn người và bất mãn với mọi thứ xung quanh.
Biểu hiện chung của “ngộ độc sách” là khi nghe, nhìn thấy bất cứ thứ gì cũng liên tưởng ngay đến một câu trích dẫn, công thức, hoặc triết lý nào đó, có thể lý giải hầu như tất cả mọi vấn đề, nhưng tất cả lý giải đó đều là do đọc được trong sách. Hiện tượng này có thể biểu hiện ra bên ngoài hoặc “chạy ngầm” trong đầu người bệnh.
Ngộ độc sách cấp thấp nhất là suốt ngày đọc ba loại sách nhảm nhí độc hại, không thích lũy được cái gì ngoài mấy suy nghĩ và hình ảnh biến thái.
Làm sao để “giải độc”?
Trước hết là cần thừa nhận mình trúng độc chứ đừng nghĩ mình ngon. Bình tĩnh xét lại xem những thứ tự động bật ra trong đầu mình là suy nghĩ của mình hay là thần sách hiển linh. Nếu thấy mọi thứ đều sách là sách, vậy là mình bị ám thật rồi, trúng độc thật rồi.
Có thể chữa bằng cách “cắt cơn”, “cách ly” khỏi sách một thời gian, tập trung vào các hoạt động vật lý: chạy bộ, làm vườn, tập thể dục, chơi đàn, học một môn thể thao nào đó… để cho những gì trong sách dần dần lắng lại, cho tâm trí có không gian để co duỗi, vận động theo chiều hướng khác một chút, qua thời gian sẽ khỏe hơn. Cách này dành cho những người bị nhiễm độc quá nặng.
Một cách làm khác là chủ động “tiêu hóa” những gì đọc được bằng các hoạt động như viết, nói chuyện về những chủ đề khác nhau trong cuộc sống, dùng những thứ thu được từ sách làm lăng kính để nhìn những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống theo cách của mình, từ đó vừa hấp thu kiến thức trong sách vừa có thêm sản phẩm chia sẻ lại cho người khác. Khi viết hay nói cũng là lúc tốt nhất nhìn rõ lại xem đâu là lĩnh ngộ của mình, đâu là của sách, đâu là mình nói, đâu là sách nói, từ đó dần dần giải độc.
Làm sao để đọc sách mà không ngộ độc?
Người xưa đã nói đọc sách mà tin sách thà đừng đọc còn hơn. Trong lượng sách khổng lồ ngày nay có thể thấy rõ đạo lý đó. Có rất nhiều sách cùng thể loại nói những điều hoàn toàn trái ngược nhau, mà điều nào cũng được danh nhân chứng minh là đúng. Nếu tin sách thì sớm muộn cũng tẩu hỏa nhập ma. Nhưng không tin cũng không được. Đọc mà không tin thì đọc làm gì?
Đọc sách đúng là đọc bằng tâm mở rộng, trước hết xóa bỏ hết những điều mình đã biết trước đó, đừng lúc nào cũng đắn đo đối chiếu, phân định đúng sai, mà tiếp thu một cách rõ ràng nhất ý của tác giả trước đã. Và phải hiểu đó là ý của tác giả, luôn nhắc mình điều đó. Sau khi đọc xong thì cũng không đối chiếu với những điều đã từng biết ngay, mà tự mình cảm nhận xem những điều trong sách nói là sẽ đúng khi nào, không đúng khi nào, có thể áp dụng ở đâu… Rồi sau cùng mới là đối chiếu lại với kiến thức, kinh nghiệm trong quá khứ, nhưng cũng đừng cố tranh luận xem bên nào mới là bên đúng nhất.
Đọc sách tốt nhất là những quyển sách có “trình độ” hơn bản thân mình hiện tại một chút, vừa đủ khó để mình phải suy nghĩ, tra cứu và cảm nhận mới hiểu được, những sách đó mới giúp mình tiến bộ.
Đừng chạy theo số lượng mà gặp gì cũng đọc, nhiều loại sách chỉ là để giải trí, và rất nhiều loại chứa thông tin vô bổ, độc hại, sai lệch nhiều hơn là những điều hữu ích.
Anh không khuyến khích đọc nhiều để tăng số quyển sách người Việt đọc trung bình mỗi năm lên làm gì, điều cần làm là trân quý thời gian đọc sách của mình, và trân quý tâm trí của chính mình, để chọn lựa sách phù hợp nhất, và tiêu hóa tốt nhất lượng sách mình đọc.
Em thử ngẫm lại xem mình có ngộ độc không nhé.
08.11.2019
Phạm Trung Hiếu