Viết cho em - 33 - “Nhận ra” hay “tạo ra” chính mình?

  1. Phong cách sống

Trong “Suối nguồn”, Ayn Rand viết “Muốn nói “tôi yêu em/anh”, thì trước hết phải nói được chữ “Tôi””, nghĩa là phải hiểu rõ chính mình, rồi sau đó nhận đúng được tình cảm của mình dành cho người kia thì câu nói đó mới thật sự có ý nghĩa.

Tất cả những nhà triết học, huyền học, thần học từng xuất hiện trên đời đều có nhiều suy tư và giảng giải xung quanh câu hỏi “ta là ai?”, điều đó cho thấy sự quan trọng của bản thân câu hỏi này, nó như một chiếc chìa khóa mở ra một bí mật to lớn của vũ trụ dành riêng cho mỗi người, và cũng vì vậy mà khiến cho bản thân câu hỏi đó có vẻ khó khăn và xa vời với nhiều người hơn nữa.

33_TIm ra hay tao ra chinh min

Nếu một người xa lại hỏi ta “Anh/chị là ai?” thì câu hỏi đó dường như không mang thiện ý, có ý nghi ngờ, chất vấn. Có thể họ là một người bảo vệ, quản lý một tòa nhà, cửa tiệm nào đó muốn ta xuất trình chứng minh thư?

Còn nếu ta tự hỏi mình “tôi là ai?” thì có vẻ ngớ ngẩn, chẳng ai làm thế xung quanh đây cả. Hay ta hỏi bạn bè mình “Mày biết tao là ai không?”, có thể nó sẽ tưởng ta bị sốt, hoặc bị người ngoài hành tinh chiếm thân thể rồi. Không tính đến trường hợp quan chức nào đó đi ra đường va chạm với người khác, bị công an tóm thì quát lên “chúng mày biết tao là ai không?”.

Khi ta được mời giới thiệu về bản thân, ta sẽ nói gì?

Tôi là B? Đó là tên tôi. Tôi là dân Trà Vinh? Đó là quê quán. Tôi là người Việt Nam? Đó là quốc tịch. Tôi là giám đốc công ty X? Đó là chức danh. Tôi là… tất cả mọi thứ mà ta có thể gắn vào phía sau đó đều là các thuộc tính mà xã hội này gắn lên cái “tôi” của ta. Đáp án cuối cùng chỉ có thể là “tôi là tôi”.

Ý nghĩa của câu trả lời “tôi là tôi” là gì? Chính là câu hỏi đó chỉ cần tự mình trả lời với chính mình, không phải là thứ để mình mang ra nói với người khác, giới thiệu với người khác.

Đức Phật nói việc nhận ra chính mình chính là quá trình đi từ ngoài vào trong, lột bỏ từng lớp vỏ - nhận ra những thứ không phải là ta – để rồi đến cuối cùng nhận ra ta. Đó đã là một hình dung rất đơn giản và rõ ràng, nhưng thực hiện nó thì không dễ và mất nhiều thời gian, bởi vì những thứ “không phải ta” quá nhiều, và hướng vào bên trong là một quá trình không dễ chịu khi thế giới bên ngoài quá hấp dẫn và náo nhiệt.

Ngày nay có một câu nói vô cùng nổi tiếng được cho là của George Bernard Shaw “Cuộc sống này không phải là hành trình tìm ra chính mình, mà là để tạo ra chính mình” (Life isn't about finding yourself. Life is about creating yourself). Nghe có vẻ có lý và đầy tính truyền động lực, nhưng sai bét. Anh sẽ không nói nước đôi ở đây, khẳng định: câu này sai bét.

Câu này khiến người ta rất dễ hình dung rằng để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” chỉ đơn giản là tìm một hoặc nhiều định nghĩa nào đó gắn lên người mình, càng hào nhoáng và đúng ý mình thì càng tốt. Tôi là tiến sĩ chuyên ngành khoa học, tôi đã có rất nhiều công trình góp phần lớn vào phát triển công nghệ của nước nhà, tôi mở ra tập đoàn Y, tôi chạy bộ 5km mỗi ngày, tôi sống giản dị bla bla bla.. Hoặc tôi là nghệ sĩ Z, tôi bất cần đời, những tác phẩm của tôi luôn được giới nghệ thuật tôn vinh, tôi có nhiều bằng hữu khắp nơi trên thế giới..

Tất cả những thứ đó rõ ràng đều là các lớp vỏ bọc, chỉ đang gia cố bên ngoài, chúng chỉ là những phần tự giới thiệu đẹp hơn mà thôi. Ngược lại chúng càng cản trở quá trình đi vào bên trong để tiếp xúc với cái tôi thật sự, cái tôi mà chỉ có riêng bản thân mình cần phải nhận ra.

Đức Phật khuyên ta bỏ đi các định nghĩa không phải là ta để tìm thấy ta, các danh nhân ngày nay lại khuyên ta đi làm ngược lại. Vì sao lại có sự khác biệt này?

Tại sao các tập đoàn lớn lại thuê các chuyên gia về làm “Team building”, mở các hội thảo, tập huấn nâng cao tinh thần làm việc? Đơn giản vì họ muốn người lao động làm nhiều hơn, cống hiến cho họ nhiều hơn.

Còn gì cao đẹp và quý trọng hơn việc “tìm ra chính mình” mà lại không phải quá khó khăn khi lột bỏ từng lớp vỏ để đi vào bên trong, mà chỉ việc chạy theo các phù hiệu bên ngoài, những thứ sẽ được người khác hướng dẫn cho ta từng bước đạt tới – với một mức phí nào đó. Nếu ta làm theo những lời khuyên đó, càng lúc sẽ càng rời xa chính mình hơn. Và thật ra họ cũng không mong những người nghe theo lời khuyên đó sẽ thành công đi đến cuối cùng, đa số sẽ thất bại, và những thành quả tạo ra trên con đường đó sẽ được họ tận dụng, đó chính là điều họ mong muốn.

Nếu có một ngày ta nghe theo lời khuyên “tạo ra chính mình” đó mà đạt đến tất cả những dự định ban đầu, ta sẽ nhận ra mọi thứ thật vô vị. Mục tiêu tiếp theo là gì? Khi còn có mục tiêu tiếp theo nghĩa là ta vẫn chưa thật sự “tạo ra” được chính mình. Cứ thế cho đến chết.

Ngược lại, nếu ta không mãi chạy theo những thứ nhãn hiệu bên ngoài, mà cho mình một chút không gian yên tĩnh mỗi ngày, ngồi xuống và im lặng tiếp xúc với chính mình để trả lời câu hỏi “tôi là ai?” thì mọi chuyện cũng không phức tạp như ta tưởng tượng.

Khi ngồi im xuống, không làm gì ngoài thở, tâm trí ta dần lắng đọng, ta nhận ra có rất nhiều luồng suy nghĩ khác nhau xuất hiện, duy trì, rồi biến mất trong đầu mình. Chúng như những sợi tơ ánh sáng từ không trung xa xôi nào đó, chợt lóe lên, sáng rực rồi lụi tàn. Nếu ta chạy theo chúng, nhập vào một ý nghĩ nào đó, ta sẽ nghĩ mình và nó là một.

Nếu có một ý niệm về một người nào đó hiện ra, ta nhập vào đó, thế là “ta nhớ người đó”. Có một ý tưởng thú vị về một dự định có thể thực hiện, ta nhập vào đó, thế là “ta lên kế hoạch trong đầu”. Có một sự tức giận xuất hiện, ta nhập vào đó, thế là “ta tức giận”..

Cái tôi thật sự, đơn giản là cái đang đứng đó nhìn những ý nghĩ và hình ảnh hiện lên kia.

Trong cuộc sống hàng ngày, do ta không lắng đọng tâm hồn, ta cứ chạy theo hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, không ngừng nhập vào các suy nghĩ, cảm xúc và đồng hóa “ta” với chúng, nên ta không nhận ra chính mình, ta nghĩ câu hỏi “ta là ai” là một điều siêu nhiên. Thật ra ta vẫn luôn ở đó, chỉ chờ ta nhận ra.

Nếu ta dành nhiều thời gian hơn để trải nghiệm điều này, ta sẽ càng thân thuộc với ta hơn, khi đó gọi là “ta tìm thấy ta” vậy.

Khi đã tìm thấy chính mình, ta sẽ biết mình muốn làm gì trong cuộc đời này, và khi đó ta vẫn sẽ đi đến các mục tiêu cụ thể, lập ra các kế hoạch và đạt đến những thành tựu trong cuộc đời như người khác vậy thôi.

Bên ngoài vẫn giống như vậy nhưng bên trong đã khác. Khi ta đi đến điều mình thật sự mong muốn, thì kết quả có đạt được hay không cũng không quan trọng nữa. Nhận ra chính mình đã là một điều tuyệt vời, biết mình đang đi đến điều mình muốn càng tuyệt vời hơn nữa. Đó chính là minh họa tốt nhất cho câu nói “hạnh phúc không phải là đích đến, mà là cuộc hành trình”.

Nếu ta không nhận ra mình mà chỉ theo đuổi các nhãn hiệu bên ngoài, hi vọng là có thể “tạo ra chính mình”, rõ ràng là ta đang nhắm đến “đích đến”, cuộc hành trình của ta sẽ chẳng có hạnh phúc nào, ngay cả ở đích đến cũng vậy, không có hạnh phúc nào.

Mỗi ngày em hãy dành cho mình một chút quan tâm, một chút thời gian, một chút kiên nhẫn để nhận ra chính mình. Thế giới sẽ khác đi nhiều lắm.

24.10.2019

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

thiền

,

cái tôi

,

nhận thức

,

truyền cảm hứng

,

phong cách sống