Viết cho em - 31 - Giá áo túi cơm

  1. Phong cách sống

Thần thoại Hy Lạp là một quyển truyện kể về các vị thần, giải thích sự hình thành trời đất, chiến tranh, yêu thương, thù hận, báo thù… tất cả mọi thứ đều có tên và một hình ảnh đại diện. Quyển sách này cũng là cơ sở để tạo nên rất nhiều nhân vật truyền thuyết trong văn học, điện ảnh, hoạt hình, games… sau này. Nó là một dạng tồn tại giống như đầu nguồn một con sông ấy. Đọc hiểu nó sẽ hiểu nhiều thứ có liên kết về sau.

Anh lại không thích đọc, dù có một quyển ở nhà. Đó là quyển sách còn lại lúc em gái anh mở shop bán đồ trang sức và sách. Có lẽ phần đông khách hàng cũng không thích Thần thoại Hy Lạp như anh. Anh không thích quyển sách đó vì ngày người yêu ngày trước của anh.. thích nó. Đôi khi con người chúng ta lạ đời như vậy, không phải lúc nào cũng “yêu ai yêu cả đường đi”, mà có khi thứ mà người ta yêu yêu thích, ta lại khó chịu, không yêu nổi. Đặc biệt là khi cô ấy yêu thích nó vì nghe lời của một người đàn ông khác giới thiệu.

Anh không thích Thần thoại Hy Lạp một phần là vì nó có quá nhiều tên: mặt trời, mặt trăng, các vì sao, đất, nước, cây, rừng, hồ, tình yêu, chiến tranh, báo thù…. Đủ thứ trên đời đều có thêm một cái tên, mà tên rất khó nhớ và dễ nhầm nữa. Anh lại không phải là người giỏi nhớ tên. Mình rất khó yêu thích cái mà mình không quen thuộc, cái mà mình không có khả năng, đúng không?

Có một giáo sư từng nói với anh rằng mọi ngành khoa học đều sẽ gặp nhau ở đỉnh cao của chúng. Vì chơi game, đọc truyện, xem phim… anh vẫn phải tiếp thu khá nhiều thứ bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, trong đó có một câu chuyện rất ấn tượng về chàng trai tên là Narcissus (cái tên anh đã phải Google và copy vì không thể nhớ nổi).

Narcissus đơn giản không có gì ngoài đẹp trai. Đẹp dã man vô cùng vô tận vô địch khắp vũ trụ. Đẹp đến nỗi trai khác cũng phải bỏ bạn gái mà đi theo, đẹp đến nỗi đi vô rừng thì nữ thần rừng cũng phải đi ra tỏ tình. Đẹp đến nỗi nhìn thấy hình ảnh của bản thân chiếu xuống mặt hồ mà yêu chính mình luôn. Nếu Narcissus còn tồn tại, chắc trên đời đã không có cái gọi là cuộc thi nam vương gì gì rồi vậy.

Em đoán xem vì sao một vưu vật của các thần linh như thế lại chết?

Tất cả mọi loài, từ loài người, thần thánh, cỏ cây đều rung động trước vẻ đẹp của chàng, có người buồn, kẻ hận khi bị chàng từ chối. Đến cả cái hồ thường được chàng ghé lại soi bóng tự sướng kia cũng yêu chàng. Và bản thân chàng tất nhiên cũng vậy. Chàng quá yêu chính mình. Những vật thể khác ngoài Narcissus, khi yêu chàng mà không được đáp lại thì có buồn, có khổ, nhưng không ai khổ bằng chàng – người yêu bản thân mình không bao giờ có thể thỏa mãn nguyện vọng yêu thương kia, trong khi chính mình cũng là người có thể đáp ứng tình yêu đó.

Một ngày kia trai đẹp Narcissus lao mình xuống hồ tự tử, hóa thành đóa hoa thủy tiên mọc bên hồ.

Có truyền thuyết còn nói rằng cái hồ là thứ duy nhất trên đời không yêu Narcissus, khi Narcissus chết đi, có ai đó đến hỏi vì sao cái hồ lại không yêu chàng trai đẹp mà vũ trụ đều phải lòng đến vậy, cái hồ đáp: Ồ, anh ta đẹp đến thế sao? Tiếc thật, vì mỗi lần anh ta đến đây để soi bóng trên mặt hồ, tôi cũng chỉ nhân cơ hội mà ngắm mình trong mắt anh ta mà thôi.

Tên của Narcissus về sau được đùng để đặt cho hội chứng Narcissism – hội chứng tự yêu bản thân thái quá. Và cái hồ có lẽ là bệnh nhân đầu tiên của hội chứng này.

Con người ta có lẽ ai cũng tự yêu mình, thậm chí là những người chán ghét bản thân cũng vậy. Trong trường hợp này chán ghét chỉ là năng lượng trái ngược của yêu thương mà thôi. Họ không đạt được, không có được đặc tính nào đó mà họ mong muốn để được yêu thương, cảm thấy mình không xứng đáng, nên họ chán ghét bản thân. Ấy thực ra là vì yêu bản thân lắm vậy.

Nhưng mà yêu bản thân là gì, có phải như cách của người khác yêu Narcissus hay là cách Narcissus tự yêu chính mình? Đó chỉ là sự mong muốn được thỏa mãn, không được thì chán ghét, không được thì khổ đau.

Nếu em yêu bản thân theo kiểu mong muốn thỏa mãn thì em sẽ bị dẫn dắt bởi những người biết cách chiều theo dục vọng và tạo ra dục vọng vốn đầy rẫy trong xã hội ngày nay.

Ngày nay người ta đo hạnh phúc bằng thước đo hưởng thụ, và yêu bản thân được đồng hóa với sự thỏa mãn những ham muốn của bản thân mình.

Một người dùng iPhone 7 sẽ cảm thấy thiệt thòi, xấu hổ khi đứng trước đám bạn dùng iPhone 11, trong khi đó là niềm tự hào của họ chỉ mới 2 năm trước mà thôi. Một số người bảo rằng chính những dục vọng và “đẳng cấp” kia là động lực thúc đẩy xã hội. Đúng, nhưng nó đang đẩy xã hội đi về đâu? Phải chăng xã hội đang cưỡi trên lưng và nhân loại như những con lừa chạy theo củ cà rốt trước mặt? Khác chăng là lâu lâu cố sức đớp được một miếng, ngọt mát làm sao.

Sự thỏa mãn được bày ra đủ mọi cấp độ và hình thức, từ quần áo, giày dép, phụ kiện, trang sức, xe cộ, điện thoại, cho đến các loại đồ ăn thức uống. Anh vẫn nói người ta không thừa cân vì ăn để no, mà là ăn cho đã thèm.

Hãy xem những quán ăn, quán nhậu đông khách, hoặc một con phố ẩm thực, một ngày tiêu thụ hết bao nhiêu bò, dê, heo, gà, hải sản, rau quả.. và thừa thãi bao nhiêu. Người ta có cần ăn đến mức đó đâu? Ăn như vậy rõ ràng là để hưởng thụ.

Ăn nhiều như vậy thì làm sao lương thực, thực phẩm, thịt và hải sản có thể đủ cung cấp nếu trồng tự nhiên, hỏi sao người ta không chế ra các thuốc tăng trọng, thuốc bảo quản…

Hưởng thụ trong việc ăn uống còn thể hiện qua việc xuất hiện các “thánh ăn” trên mạng ngày càng nhiều. Họ là những người chuyên ăn cho người khác xem trên youtube hay facebook. Mỗi lần họ ăn một lượng thực phẩm bằng 4-5 người ăn, chế biến tinh xảo, và họ không cắn từng miếng một, họ lấp đầy miệng, rồi nhai nhồm nhoàm ra vẻ hưởng thụ. Họ cũng chỉ là hình ảnh phản chiếu một cách phóng đại của nhiều người đang hưởng thụ việc ăn uống ngày nay.

Người ta đi làm kiếm tiền để làm gì nếu không phải là hưởng thụ, là tìm kiếm hạnh phúc từ sự công nhận của người xung quanh thông qua những vật phẩm xa xỉ họ đang mang trên người?

Ăn xong, nằm xuống xem tin tức, hít drama và đọc mấy cái “Là con gái phải xinh đẹp và có tiền”, xem người này thành công thế này, người kia mua được cái nọ, chỗ này ăn ngon, hãng nọ mới ra hàng mới… rồi ngủ, rồi lại ăn..

Thừa cân rồi, bụng to rồi phải làm sao? Đừng lo, đã có GYM center, có PT xử lý. Muốn nhanh mà không mệt? Đã có thuốc giảm cân…

Nhiều lúc anh thấy xã hội này là một guồng máy lớn, nó không ngừng kích thích, dẫn dụ, chỉ huy con người – những cổ máy nhỏ - chạy tới chạy lui. Em có thấy cái chuỗi “Kiếm tiền – ăn xài – tập thể dục giảm béo – kiếm tiền – ăn xài…” giống một dây chuyền mà con người chỉ là cái máy để thực hiện điều đó không?

Vậy ai sẽ dừng cái máy này lại? Và nó chạy như vậy để làm gì? Để xã hội phát triển ư? Phát triển cho ai?

31_Gia ao tui com

“Giá áo túi cơm” là một điển tích Trung Quốc, được dùng để chỉ một người không có tác dụng gì giúp ích cho đời, chỉ như cái giá để treo quần áo, cái túi để đựng cơm mà thôi.

Trong tuồng cải lương “Giọt máu quân vương”, cố nghệ sĩ Minh Phụng hát rằng: “…Không lẫn lộn bên phường giá áo túi cơm, không chen chúc giữa lầu son cửa các, suốt năm tháng lênh đênh trên sông nước, mặc cho ai bán tước mua quyền”

Và chúng ta sẽ là gì nếu không phải là một kẻ “giá áo túi cơm” đây?

22.10.2019

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

hạnh phúc

,

mục đích sống

,

giá áo túi cơm

,

thỏa mãn

,

phong cách sống

Vừa trả lời một comment bên spiderum, sẵn copy qua đây cho anh chị em có quan tâm đọc chung:
Ở bài này tôi đổi cách viết cho nó "tự do" một chút, không diễn dịch quy nạp gì, nhưng các ý của nó vẫn có sự liên kết, những điều bạn thấy cũng hợp lý, nhưng đó không phải cách mà tôi thấy.
Cái điển tích và nghĩa của "Giá áo túi cơm" chỉ là một phần nhỏ của bài, nên tôi không phân tích nó ngay từ đầu hay đưa thêm lời lẽ nào vào đó, và tôi cũng không phải nói về nó như nghĩa gốc. Chủ yếu đưa vào để giảng một chút cho ai chưa từng nghe về nó và có ý so sánh: ngày xưa giá áo túi cơm, ngày nay thì giá LV, Armani, iPhone, túi trà sữa, hải sản .. vậy đó.
Câu chuyện về Narcissus là để giảng về việc yêu bản thân quá mức (đồng thời giới thiệu về thần thoại Hy Lạp). Để nói rằng ngày nay người ta lao theo các giá trị ảo (tôi cho là ảo thì nói ảo), là xuất phát từ việc yêu bản thân, nhưng đa phần bị dẫn dắt bởi các nhà sản xuất, bởi marketing, truyền thông... khiến cho vì yêu bản thân mà trở thành một bộ phận trong guồng máy vô nghĩa của xã hội, thành những cái giá áo túi cơm hiện đại.
Mỗi ngày tôi viết 1 bài, ngồi xuống mở word ra và viết khoảng 1-2 tiếng (bài này là 1 tiếng), nên tôi không định nói hết các góc cạnh khác nhau của cuộc sống trong 1 bài hơn ngàn chữ, chỉ nói điều mình muốn nói một chút vậy thôi. Bạn có thể hiểu theo cách riêng của bạn. Tôi cũng không nói rằng đây là điều đúng, cũng không nói mọi người đều như vậy. Nói chung tôi chỉ nói điều mình nói, còn lại đều không nói.
Trả lời
Vừa trả lời một comment bên spiderum, sẵn copy qua đây cho anh chị em có quan tâm đọc chung:
Ở bài này tôi đổi cách viết cho nó "tự do" một chút, không diễn dịch quy nạp gì, nhưng các ý của nó vẫn có sự liên kết, những điều bạn thấy cũng hợp lý, nhưng đó không phải cách mà tôi thấy.
Cái điển tích và nghĩa của "Giá áo túi cơm" chỉ là một phần nhỏ của bài, nên tôi không phân tích nó ngay từ đầu hay đưa thêm lời lẽ nào vào đó, và tôi cũng không phải nói về nó như nghĩa gốc. Chủ yếu đưa vào để giảng một chút cho ai chưa từng nghe về nó và có ý so sánh: ngày xưa giá áo túi cơm, ngày nay thì giá LV, Armani, iPhone, túi trà sữa, hải sản .. vậy đó.
Câu chuyện về Narcissus là để giảng về việc yêu bản thân quá mức (đồng thời giới thiệu về thần thoại Hy Lạp). Để nói rằng ngày nay người ta lao theo các giá trị ảo (tôi cho là ảo thì nói ảo), là xuất phát từ việc yêu bản thân, nhưng đa phần bị dẫn dắt bởi các nhà sản xuất, bởi marketing, truyền thông... khiến cho vì yêu bản thân mà trở thành một bộ phận trong guồng máy vô nghĩa của xã hội, thành những cái giá áo túi cơm hiện đại.
Mỗi ngày tôi viết 1 bài, ngồi xuống mở word ra và viết khoảng 1-2 tiếng (bài này là 1 tiếng), nên tôi không định nói hết các góc cạnh khác nhau của cuộc sống trong 1 bài hơn ngàn chữ, chỉ nói điều mình muốn nói một chút vậy thôi. Bạn có thể hiểu theo cách riêng của bạn. Tôi cũng không nói rằng đây là điều đúng, cũng không nói mọi người đều như vậy. Nói chung tôi chỉ nói điều mình nói, còn lại đều không nói.