Viết cho em - 20 - Về hai dạng thánh thần, tâm linh và tôn giáo

  1. Phong cách sống

Anh sinh ra trong một gia đình không theo tôn giáo nào, hồi còn đi học có theo chúng bạn đi chùa mỗi dịp rằm hay lễ lớn, chủ yếu là đi ăn đồ chay thôi. Anh có một đứa bạn có người cô làm trụ trì một ngôi chùa nhỏ, lễ lộc hay theo nó đến đó vãn cảnh, thắp hương, phụ việc một ít, ăn cơm rồi về. Anh không thích các nơi đông người như lễ hội, hội chợ, chùa miếu… Chỉ đơn giản là cảm thấy mình không cần phải chen lấn chiếm không gian của người ta thôi.

Hồi lúc anh học khoảng lớp 6, lớp 7 chi đó là lần đầu tiên anh thấy một người thể hiện đức tin của họ. Đây cũng là một thằng bạn học cùng nhiều năm, lần đó nó nói với anh một bí mật, rằng: tao luôn có thể thức dậy đúng giờ vào mỗi sáng, chỉ cần trước khi đi ngủ, cầu nguyện và xin “Xin Chúa hãy đánh thức con lúc 5:30 sáng”. “Wow, are you kidding me?” Đó là anh nghĩ vậy thôi chứ lúc đó anh không nói gì, chỉ tròn mắt nhìn nó và tỏ vẻ “Tao tin mày”.

Cuối năm lớp 12, có một thằng bạn chơi chung từ lớp 6, học rất giỏi, bỏ thi tốt nghiệp để sang Mỹ định cư, trước khi đi nó rủ anh đến nhà chơi, nói chuyện chia tay, rồi tặng anh một quyển “kinh nhân quả ba đời”, dặn là cuốn này mày thử đọc xem, nếu không thì cũng đừng vất lung tung, để nơi trang trọng nhe. Đó là một lần anh tiếp xúc gần với tôn giáo, cảm nhận cách một người thành kính khi nói về đạo của mình.

20_Hai dang thanh than_tam linh va ton giao

Khi bắt đầu đọc sách, khái niệm và triết lý, trích dẫn của các tôn giáo dần dần xuất hiện trong truyện, tiểu thuyết… trong đó có series tiểu thuyết của Dan Brown. Nhưng tác giả đầu tiên khiến anh có hứng thú với tôn giáo lại là Osho. Ông có nhiều quan điểm tương đồng và hay tán thán tư tưởng của Lão Tử, nhưng cũng nói nhiều về Phật giáo và Thiên Chúa giáo.

Từ khi đọc Osho, tôn giáo đối với anh không còn là những bức tường khép kín, nơi mà mình chỉ có thể vào mà không thể đi ra.

Sau đó anh tìm hiểu về Phật giáo. Anh nghe hết tất cả những bài pháp thoại có trên youtube từ năm 2015 trở về trước, tìm hiểu về các khái niệm cơ bản trong đạo Phật, sự tích, kinh điển..

Hồi lúc chuẩn bị lấy vợ, anh lại theo học 2 khóa giáo lý tân tòng và hôn nhân bên Công giáo, đọc Kinh thánh, đi lễ nhà thờ.. nhưng không rửa tội.

Nhìn chung, từ khi đọc Osho, anh có thể tiếp nhận mọi tôn giáo, nhưng không thể gia nhập tôn giáo nào. Bạn bè anh có cả người Phật giáo và Công giáo, tuy nhiên họ rất ít nói chuyện về đạo với anh, chắc sợ tổn thương tình cảm. Không thể ngã hẳn về bên nào, đôi lúc cũng cảm giác mình nửa mùa, lạc lõng lắm, nhưng mà không ngã được.

Trước đây anh cũng từng viết một bài nói về tâm linh và tôn giáo, giờ anh chẳng còn nhớ mình nói gì, chỉ nhớ là bài đó viết với một tâm thái hơi cao ngạo.

Khoảng 5 năm trước, một thằng bạn khác cũng chơi chung rất lâu, về quê tìm anh uống cà phê và chia tay để đi xuất gia. Lúc đó nó đang là một kỹ sư xây dựng, khá thành đạt với thu nhập cao. Chuyện nó đột nhiên xuất gia, bỏ sang nước ngoài tu khiến anh khá bất ngờ và một lần nữa nhìn lại sức hút của tôn giáo. Cũng khá lâu rồi, không biết bây giờ bạn tu hành ra sao.

21-LESSONS

Tựa đề của bài này anh lấy cảm hứng từ bài nói chuyện của Tiến sĩ Yuval Noah Harari trong chương trình “talks at Google” tháng 10 năm 2018. Trong đó, Harari gọi là “two extremely different Gods”. Harari chính là người diễn đạt về tôn giáo khiến anh hứng thú sau Osho. Những gì anh diễn giải sau đây là theo ý của Harari và cách hiểu của anh nhé.

Có hai dạng God (Thần, Phật, Thánh, Chúa.. dùng chung là God nhé), một là God huyền bí, một là God luật lệ.


God huyền bí là khi người ta không hiểu vì sao điều này xảy ra mà điều khác lại không, tại sao có vật chất hiện hữu mà không phải là không có gì, tại sao lại có vụ nổ Big Bang, ý thức của con người là gì… Có rất nhiều thứ ta chưa thể hiểu về thế giới và một số người quyết định gọi những điều chưa biết đó là God. God là lý giải cho mọi vấn đề chưa có lời giải kia.

Và điều cơ bản nhất của dạng God huyền bí này là con người hầu như không biết gì về God. Không có điều gì cụ thể, mọi thứ đều huyền ảo, mơ hồ. Đây là dạng God mà chúng ta nghĩ đến, ta thảo luận vào những đêm khuya bên bếp lửa, giữa sa mạc mênh mông, khi ta nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời.

Dạng God thứ hai là God của luật lệ. Và trái ngược hoàn toàn với God huyền bí, người ta biết rất rõ mọi thứ về God luật lệ này. Ta biết rằng God nghĩ gì về cách ăn mặc của phụ nữ, God muốn phụ nữ phải mặc những trang phục có dạng gì, và không thích dạng gì. Ta biết rõ quan điểm của God về khuynh hướng tình dục của loài người, về ẩm thực, về chính trị cho đến những thứ nhỏ nhặt nhất của xã hội loài người… mọi thứ đều được God luật lệ quan tâm, và con người biết rõ điều đó.

Với God luật lệ, người ta gọi tên ngài khi đứng quanh giàn hỏa, chuẩn bị hỏa thiêu một kẻ tội đồ nào đó dám làm trái với ý God.

Và tôn giáo chơi một trò ảo thuật với hai dạng God này như sau:

Khi bắt đầu thảo luận hoặc thuyết giảng về God, họ sẽ đưa God huyền bí ra trước bằng cách gợi mở: bạn có tin rằng God tồn tại không? Thế thì sao lại có Big bang, thế thì sau ý thức của con người là gì, và nhiều nhiều điều khác khoa học chưa thể giải thích, chỉ có thể là God thôi đúng không?

Ngay lập tức, họ đổi ngay sang God luật lệ. Ok, vì God tồn tại, nên God muốn phụ nữ phải mặc áo dài và trùm khăn kín đầu, God không cho phép tình dục đồng tính, God qui định A, B, X, Z.. Lúc bấy giờ ta có một mệnh đều “nếu, thì” có dạng: Vì con người không hiểu Big bang nên người này có tội Z.

Thế nên, theo Harari, ta nên tách bạch hai khái niệm “tôn giáo” (religion) và “tâm linh” (spirituality). Tâm linh thiên về những vấn đề và câu hỏi, tôn giáo là những câu trả lời.

Tâm linh là khi ta có những câu hỏi lớn về cuộc đời, chẳng hạn như nhân tính là gì, thiện lương là gì, ta là ai, ta nên làm chi đời ta? Và khi ta sẵn sàng theo đuổi những câu hỏi đó đi thật xa, bất kể nó dẫn ta đến đâu, ta gọi mình là một người “tâm linh”.


Tôn giáo thì ngược lại, đầy những câu trả lời. Khi ta có, hoặc không có, câu hỏi nào đó về cuộc đời, về sự sống, về luân hồi, về thiên đường hay địa ngục, sẽ có người đến cho ta các câu trả lời, và bảo ta phải tin vì đó là lời của God.

Ở những thời đại trước, tôn giáo từng được ưa chuộng và sử dụng như công cụ quản lý xã hội, bảo vệ hoàng quyền, phán xét những người đáng chết nhưng không biết định tội gì… nhưng ngày nay vai trò của tâm linh đang ngày càng quan trọng, con người càng được tự do, những câu hỏi lớn trong cuộc đời càng phải tự mình đối mặt và giải đáp. Khi mà những đáp án có sẵn trong mỗi tôn giáo không còn là duy nhất, không có gì bảo vệ hay chứng minh ngoài việc đó là lời của God, thì mỗi cá nhân sau khi nghe đáp án từ tôn giáo, đều phải tự mình kiểm chứng hoặc đi tìm đáp án riêng. Đó là hành trình tâm linh, là sự khác nhau giữa tâm linh và tôn giáo.

Người tâm linh không phải là người phủ nhận God, trái lại chính là những người tôn kính God thật sự vì họ là người muốn đi tìm God chứ không phải muốn nghe giảng về God.


Đó là lý do vì sao càng tìm hiểu về tâm linh, anh càng không thể gia nhập tôn giáo. Còn em thì sao?

11.10.2019

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

tâm linh

,

tôn giáo

,

niềm tin

,

truyền cảm hứng

,

phong cách sống