Viết cho em - 162 - Nói về sự lựa chọn

  1. Phong cách sống

Chiều nay mình gặp thằng em Thái Cường – nhà văn kiêm nhà thơ - để mua tập thơ mới của nó, nghe được mấy ý thú vị. Đầu tiên là nếu giữ tư duy của một nhà phê bình thì không thể sáng tác được. Điều thứ hai là khi một nhà văn đưa ra hết chất liệu trong người họ vào các tác phẩm, sẽ rất dễ có sự nhàm chán, tức là dù viết ra 100 tác phẩm cũng vẫn chỉ có bao nhiêu đó chất liệu mà thôi. Nghĩ cũng phải, điều này mình cũng thấy ở một số người.

Ngẫm lại chính mình thì rõ là mình không thể sáng tác ra cái gì có thể vì đầu óc mình vẫn còn ưa đánh giá, phê bình người khác. Nhìn lại hơn 160 bài viết của đợt này có thể nhiều “độc giả” của mình cũng cảm thấy nhàm chán, thấy bài viết của mình chỉ có một kiểu làm tới làm lui chăng?

Trước đây khi lâu lâu mình mới viết một bài dài, đăng lên các nơi được đón nhận khá hơn bây giờ nhiều, ít nhất là gấp đôi số tương tác. Trong khi một vài bài trong series “viết cho em” này mình khá vừa ý, tự thấy hay hơn các bài trước nhiều, lại chẳng có mấy người ủng hộ, phản hồi.

Dù có một vài lời khen tặng, mình vẫn tự thấy có chút ngại vì mức độ đầu tư cho những bài viết này. Thực tế là thời gian mình dành để vừa suy nghĩ vừa viết khá ít, tối đa chỉ có hai tiếng, thường thì là 45 phút một bài. Tất nhiên không phải là mình vô trách nhiệm mà mục tiêu và ý nghĩa mình xác định ngay từ đầu chỉ là viết mỗi ngày thôi.

Mấy hôm nay mình đã nghĩ về việc thay đổi từ việc viết mỗi ngày một bài sang mỗi ngày một video, cũng như viết bài vậy thôi, như lần trước mình làm #The30earlydays – 30 ngày dậy sớm vậy, mỗi ngày nói về một chủ đề thử xem có gì khác biệt không.

162_noi ve su lua chon

Hôm trước có một bạn nói với mình “tự do nào cũng có một cái giá”. Tất nhiên là vậy rồi, trước đây mình vẫn hay nói “Nếu tự do cần có một cái giá, cô đơn phải xếp ở hàng đầu”.

Tự do và những sự lựa chọn có quan hệ với nhau như thế nào?

Đa phần người ta cho rằng con người sẽ tự do hơn khi họ có thể có nhiều sự lựa chọn hơn. Mình thì nói: Khi có quá nhiều sự lựa chọn được đưa ra, ta sẽ có ảo giác rằng mình cần phải chọn một thứ gì đó.

Ảo giác về sự lựa chọn này cũng được những người làm kinh doanh áp dụng để khiến khách hàng chọn đúng gói sản phẩm, dịch vụ mà họ muốn bán. Hình thức phổ biến trong đó là đưa ra ba gói: nhỏ, vừa và lớn. Đa số khách hàng đều sẽ chọn gói vừa.

Nhiều khi ta nghĩ mình có nhiều sự lựa chọn, cho rằng mình thật tự do, nhưng thật vậy sao?

Tự do luôn đi cùng với khả năng và trách nhiệm, chứ không phải từ người khác trao cho, hoặc ban cho. Nếu như tất cả sự lựa chọn của ta đều do người khác trao cho, thì đó chỉ là họ cố tình khiến cho ta có cảm giác rằng mình đang tự do, chỉ là cảm giác về tự do thôi.

Sự khác biệt về đời sống và học tập của học sinh và sinh viên cũng là một ví dụ để hình dung về vai trò của những sự lựa chọn. Học sinh bị cha mẹ bắt phải học, thầy cô bắt trả bài, dặn học bài… Lên đại học thì xa nhà, cha mẹ cũng không kèm cặp nữa, thầy cô thì chỉ có nhiệm vụ giảng bài và kiểm tra bài, ai qua ai rớt là chuyện của họ. Rõ ràng sinh viên có nhiều quyền lựa chọn hơn học sinh, ít nhất cũng là quyền học hoặc không học. Chỉ có thêm lựa chọn như vậy nhưng cũng phân chia ra thành rất nhiều dạng sinh viên. Có người tự do cúp học, chơi bời rồi đến nỗi nợ môn không trả nổi, hoặc học mấy năm ra trường mà chẳng biết làm gì. Có người lại chọn học thật giỏi, lấy học bổng rồi tiếp tục học lên cao. Có người chọn vừa học vừa làm, tiếp thu lý thuyết và thực hành để có chuyên môn và kinh nghiệm thật giỏi, có việc làm tốt hơn.

Mỗi một sự lựa chọn đều không phải là điểm cuối mà sẽ đưa ta đến càng nhiều lựa chọn hơn.

Bởi thế cho nên nếu như ta đủ vững vàng, mạnh mẽ, bản lĩnh thì ta có thể chọn lựa bất kỳ điều gì, và đủ sức đón nhận những lựa chọn càng về sau nữa. Còn khi không có thực lực, thì càng có nhiều sự lựa chọn càng bất lực, đau khổ hơn thôi. Khi không có thực lực, những thứ mà ta có thể chọn cũng đều nằm trong dự đoán và sắp xếp của người khác, đó cũng không thật sự là những lựa chọn.

Người càng tự chủ với những lựa chọn của mình thì càng thận trọng, vì họ biết đó không phải là điểm cuối, còn những ngã rẽ khác mà họ phải tiếp tục đi khi chọn con đường này.

Có những người bị buộc phải lớn lên, có những lúc bỗng nhiên phải tự mình đối mặt với các ngã rẽ cuộc đời, tự mình lựa chọn, người ta lại hoang mang, ước gì lúc này có người bắt mình phải đi con đường nào đó cho xong. Khi không có thực lực thì sự bảo hộ, ép buộc, định hướng cũng là một loại hạnh phúc.

Như vậy thì “quyền được chọn lựa” là tốt hay không tốt, cần hay không cần? Không có điều gì hoàn toàn tốt hoặc không tốt, chỉ có hợp với chính mình hay không.

Nếu bạn cảm thấy mình không được tự do, thoải mái, không được lựa chọn điều mình thích, hoặc không thấy có gì thích thú trong đời mình, thì cách tốt nhất là tăng cường khả năng và thực lực bản thân lên: có thể là về tư duy nhận thức, kiến thức, sức khỏe, tài chính, quyền lực… khi thực lực nâng cao tự nhiên sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Nếu bạn thấy mình bị áp lực, khổ đau vì có quá nhiều lựa chọn, khi đó bạn cũng đang ở một vị trí không phù hợp với thực lực của chính mình. Trường hợp trước là ở quá thấp, trường hợp này là quá cao. Giải pháp cũng vẫn là tăng thực lực lên.

Hãy điều hòa mọi thứ cho đến khi ta cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi quyết định lựa chọn một con đường, và sẵn sàng cho nhiều lựa chọn hơn khi bước lên con đường đó. Và nhớ là: không chọn đường nào cũng là một sự lựa chọn.

01.3.2020

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

truyền cảm hứng

,

tự do

,

sự lựa chọn

,

quan điểm

,

phong cách sống