Viết cho em - 154 - Ý nghĩa của việc ly hôn
Một bài nào đó trước đây, mình đã nói về ý nghĩa của hôn nhân, nay nói thêm một chút ý nghĩa của việc ly hôn cho đủ bộ.
Có lần mình tự hỏi vì sao khi kết hôn người ta làm đủ thứ thủ tục, đám tiệc rình rang, còn khi ly hôn cũng phải làm nhiều thủ tục mà không thấy ai đãi tiệc. Kết hôn thường là việc vui lớn trong đời, còn ly hôn thường là buồn hay vui, điều này phải xét đến nguyên nhân của việc kết hôn và ly hôn vậy.
Nguyên nhân của việc kết hôn thì chủ yếu là do hai người muốn gắn kết trọn đời với nhau, dọn về ở chung một nhà, được pháp luật và xã hội thừa nhận, trong khi đó nguyên nhân của ly hôn là do một trong hai, hoặc cả hai không thể chịu được việc sống chung với người kia nữa.
Nguyên nhân của tình trạng “không chịu được” đó có thể có rất nhiều: ngoại tình, bạo lực gia đình, thói hư tật xấu hoặc có khi chỉ đơn giản là không thích ở chung nữa vậy, nhưng nhìn chung mà nói thì đây có thể xem là một loại gánh nặng. Khi bỏ xuống được gánh nặng thì chẳng phải là việc vui sao? Có lẽ nên ăn mừng.
Có khi mình lại nghĩ: ngày xưa ly hôn không phổ biến là do tình trạng trọng nam khinh nữ, chỉ có đàn ông được phép bỏ vợ chứ đâu có đàn bà nào được bỏ chồng. Từ khi đàn bà được bỏ chồng thì ly hôn xuất hiện và tăng mạnh theo thời gian. Từ đó có thể nói trong hôn nhân đàn ông thường là gánh nặng cho phụ nữ, và nhiều người đã thực hiện quyền của họ bằng cách ly hôn?
Ly hôn tất nhiên có ý nghĩa tích cực với những cuộc hôn nhân quá bế tắc và đau khổ. Tuy nhiên với những trường hợp do ích kỷ và “tự do” mà lựa chọn ly hôn, thì việc ly hôn trở thành một dạng phủ định giá trị của hôn nhân. Kết hôn và ly hôn cùng tồn tại không phải để bổ trợ cho nhau, mà để người ta nhìn nhận rằng kết hôn không còn thiêng liêng và duy nhất như trước đây nó từng là như vậy nữa. Mọi thứ chỉ còn là các loại thủ tục. Thích thì kết, hết thích thì ly.
Khi hai người đồng ý thuận tình ly hôn, điều đó “khỏe” cho cả hai, nếu có ảnh hưởng thì con cái có lẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người ở lại trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc của họ: vì con.
Tuy nhiên việc con cái cảm thấy khổ đau, thiếu thốn cũng phần nhiều là do nó được dạy cần phải như vậy. Không phải chỉ có cha mẹ mà cả xã hội này dạy nó như vậy: một đứa trẻ không có cha, hoặc mẹ, cần phải cảm thấy mình bất hạnh, cảm thấy cô đơn, thiếu thốn tình thương… Cha mẹ nó nghĩ về điều đó trước khi nó xảy ra và thấy thương cho nó, nên họ ở lại dằn vặt nhau, hoặc đáng buồn hơn là mặc kệ nhau trong cuộc hôn nhân chỉ còn là danh nghĩa.
Ly hôn còn ảnh hưởng đến việc kết hôn lần nữa, nếu người đó vẫn còn trẻ và muốn kết hôn. Đối tượng của họ sẽ phải vượt qua một phần ái ngại, đắn đo, đó là một vấn đề không nhỏ. Chính bản thân người đó cũng sẽ gặp chướng ngại khi nghĩ về hôn nhân lần nữa trong tương lai. Có nhiều người sau một lần đổ vỡ, ngay cả khi chưa kết hôn, cũng đã chọn cuộc sống độc thân. Điều này thường chỉ đúng với kết hôn lần hai, còn khi đã vượt qua được một lần, thì lần ba, lần bốn… dễ hơn nhiều. Quen tay hay việc mà.
Càng có nhiều tự do, nhiều sự lựa chọn, người ta càng dễ tiếp cận với bản chất của mọi vấn đề. Ly hôn xuất hiện và phổ biến để cho người ta nhìn rõ hơn, nhiều góc độ hơn đối với hôn nhân. Người nào tôn trọng hôn nhân sẽ càng cẩn thận trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, người nào cảm thấy nặng nề thì cũng không cần kết hôn nữa, nếu có thì đó cũng chỉ là một loại thủ tục như đăng ký làm giấy phép lái xe hay chứng minh nhân dân vậy thôi.
Ở giai đoạn hiện nay, mình thấy người ta vừa mới tiếp xúc với khái niệm “tự do” nên có nhiều nhầm lẫn, đặc biệt là khi cho rằng tự do đồng nghĩa với muốn làm gì thì làm. Lại còn những thứ như “hãy yêu bản thân” vô cùng độc hại biến người ta thành những người ích kỷ, khiến họ chiều theo những mong muốn của cái tôi nhiều hơn là thật sự yêu bản thân.
Đa phần người ta đều thoải mái sau khi ly hôn, nhưng cũng không ít người hối hận. Hối hận vì đã ly hôn, càng hối hận vì đã kết hôn. Tất cả những quyết định đó đều được đưa ra vì họ quá tự do, quá yêu bản thân mình.
Trong màn đêm trước bình minh của tự do, người ta dễ mất phương hướng. Khi không còn gì kìm kẹp, áp đặt họ, cũng là khi không có gì để họ bám víu, lần dò theo. Mọi gông cùm xung quanh được dở bỏ đi, người ta sẽ có một chút hụt hẫng và choáng váng, đó là một cơn say “tự do”. Khi màn đêm đen đó qua đi, bình minh ló dạng, người ta mới có thể định vị chính mình, giữ thăng bằng và bước đi trong tự do thật sự.
Thoát khỏi mọi ràng buộc cũng chưa phải là chính thức tự do. Huống chi đây chỉ là giai đoạn phá bỏ ràng buộc còn đang dang dở. Người ta rất dễ đưa ra những quyết định mà không biết tại sao mình quyết định như vậy.
Kết hôn rồi ly hôn đều dễ dàng như vậy, vậy còn cần kết hôn không? Có lẽ mọi người đều có đáp án riêng, nhưng đó chưa hẳn là câu trả lời của họ.
22.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo