Viết cho em - 147 - Ế, nghiệp hay duyên?

  1. Phong cách sống

Từ độ tết, lúc coi pháo bông ấy, người ta đã than ế dài dài cho đến hôm qua 14.2. Trong năm thì có rất nhiều dịp để thiên hạ nói về sự ế, nhưng đoạn từ tết đến đây thì đặc biệt có tần suất dày hơn, và sẽ còn kéo dài đến 08.3.

Mỗi đợt rộ lên những status bóng gió hoặc trực tiếp nói về sự ế, mình lại tự hỏi nếu bây giờ làm ra một cái danh sách người nói rằng họ ế, rồi mời hết vô một group, chia nam nữ để bốc thăm, hoặc là tự chọn, ghép đôi với nhau thì có bao nhiêu người tham gia, bao nhiêu người sẽ thoát ế? Mình đoán là tham gia thì nhiều, còn thoát ế thì không cao. Nguyên nhân chính là vì với đa phần những người than ế thì ế là một sự lựa chọn.

Mình viết bài này là vì kéo qua facebook, thấy một bạn chia sẻ video của một bài giảng pháp có tên là “Ế là nghiệp hay duyên?” Mình không có xem qua nội dung của bài đó nhưng khá hứng thú với câu hỏi này.

Có người nói ế là do có “duyên âm”, có người cõi âm nào đó bám theo bên người nên người dương không tiếp cận được, rồi còn kêu cắt duyên âm gì đó thì sẽ hết ế, mình cũng không rõ thật hay đùa nhưng mình không đồng tình với quan điểm này cho lắm.

Vậy ế là nghiệp hay duyên? Vì gây ra nghiệp gì ở kiếp trước hay kiếp này mà một người phải ế?

Có thể là nghiệp, nhưng nếu xét về nghiệp thì sẽ có rất nhiều khả năng khác nhau. Cùng một quả là ế, nhưng nhân có thể rất nhiều cũng như cùng một nhân có thể có nhiều quả khác nhau vậy. Truy xét khía cạnh nghiệp thì rất khó.

Vậy nếu ế là duyên thì như thế nào? A, nếu là duyên, thì ế có thể định nghĩa là tình trạng một người không có duyên với người khác, mà có duyên với việc tu hành (tôn giáo nào thì tùy), hay như trong nhà Phật thì gọi là có căn tu. Đây là một khả năng thôi nhé, ế có thể là vì có căn tu, chứ không phải có căn tu là ế, cũng không nhất định ế là căn tu đâu nha, đừng hiểu lầm.

Khi nói về chuyện kết đôi với nhau, ngoài những khía cạnh khó lòng xác định như sự đồng điệu về tâm hồn hay tình yêu, thì hai yếu tố rõ ràng khác của việc kết đôi là tình dục và sinh sản. Cả hai yếu tố này đều là bản năng.

Khi một người ế, người đó sẽ được tạo điều kiện để hạn chế tiếp xúc hoặc tham gia vấn đề tình dục, đó cũng xem như một điều kiện thuận lợi cho việc tu hành (tất nhiên trừ các môn phái xem tình dục như một loại pháp môn). Điều này cũng giống như những người thể chất yếu vậy. Thể chất yếu thì sẽ không có nhiều nhu cầu, hoặc không thể đáp ứng nhu cầu bản năng, ăn uống đạm bạc, ít ham muốn tình dục… từ đó dễ dàng tập trung cho việc tu hành, xem như là một loại “duyên” vậy.

Điều này chỉ là một loại điều kiện thuận lợi bên ngoài, xem như một biểu hiện, chứ không phải căn tu chân chính nhé, các bạn tu hành đừng vội phản ứng khi đọc đến đây. Căn tu ở nhà Phật, hay gọi là Bồ Đề tâm, thì cần phải học, tu tập và nuôi dưỡng bằng chánh niệm, đó không phải là điều mình nói trong bài này, và bài này cũng không phải để báng bổ khái niệm căn tu, nghen.

147_E nghiep hay duyen

Ngoài yếu tố tình dục, còn lại là sinh sản. Mình tin rằng con cái cũng có thể là duyên, hoặc nghiệp, mà thường là cả hai. Phải có duyên đến đâu thì mới gặp được nhau giữa dòng đời, rồi cảm mến nhau thì cần bao nhiêu duyên nữa, đến một đứa con được sinh ra thì duyên chắc chắn là rất rất nhiều. Và giữa cha mẹ với con cái cũng là một dạng nghiệp, con cái làm cho cha mẹ buồn phiền, lo lắng, cha mẹ cũng có người làm khổ con cái. Con cái gây ra việc gì tổn hại người khác, cha mẹ cũng phải chịu một phần, “cha nợ con trả”… giữa cha mẹ và con cái có cái gọi là “cộng nghiệp” lẫn nhau như vậy. Vậy nên nếu ế thì ta có thể không có duyên với con cái, cũng có thể là không phải vướng vào nghiệp với con cái. Con người là một nhân quả siêu phức tạp, họa phúc khó lường. Có thể là vô duyên, cũng có thể là tránh nghiệp.

Vậy ế có thể là nghiệp, cũng có thể là duyên. Nhưng nếu không phải nghiệp mà cũng không phải duyên, thì nó là gì? Như mình đã nói, ế đa phần là sự lựa chọn.

Có bao giờ bạn cảm thấy vô lí khi một người xinh đẹp, tài giỏi, tốt tính mà luôn luôn than ế? Đâu phải những người như vậy không có người theo đuổi, trái lại là khác. Thậm chí đến cả những người mà bạn cho rằng họ ế là hợp lí, cũng có người quan tâm và sẵn sàng kết đôi. Thật đó. Nếu bạn là người ế, đọc đến đây và không đồng tình, thì mời bạn thử cẩn thận quan sát và ngẫm lại xem bạn có từ chối ai không, hoặc bạn có những biểu hiện từ chối trước khi người ta tiếp cận không?

Cái sự ế trong hồng trần, nếu không phải là nghiệp hay duyên, thì tất cả là do tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn mà một người ế có không đủ đối với những người có tiêu chuẩn mà người ế cần, trong khi những người thích họ lại không đủ tiêu chuẩn với họ. Cứ như vậy mà người ta thả thính lung tung trên facebook, zalo cho vui, khi có người liên lạc thì lại lặng im hoặc từ chối.

Cứ thả thính rồi không thèm bắt cá, riết cá cũng chán chả thèm ăn. Điều này dẫn đến tình trạng một số người than ế là vì không ai tin rằng họ ế. Ngày xưa có chú bé chăn cừu, ngày nay có cô bé thả thính là vậy. Cũng có khi ế tạo cho người ta một sức ì nhất định, khiến họ lười làm quen người mới, lười gặp gỡ trao đổi giao lưu, nên càng ngày càng ế, nhiều khi than ế cho vui vậy chứ chả muốn thoát ế tí nào.

Ế là nghiệp hay duyên, hay là sự lựa chọn, tốt nhất vẫn là mỗi người tự ngẫm lại chính mình. Có điều muốn hết ế, chỉ cần chủ động một chút, hoặc đơn giản là chấp nhận là được thôi.

15.02.2020

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

truyền cảm hứng

,

mối quan

,

tình yêu

,

phong cách sống