Viết cho em - 144 - Bản quyền ở Việt Nam
Hôm nay nhà báo thần tượng của mình – Đức Hoàng viết một bài “Vòng tròn của niềm tin” trên mục Góc nhìn của VnExpress, mượn một chút thông tin về giải Oscar và điện ảnh Hàn Quốc để nói về tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hay nói đơn giản hơn là không tôn trọng bản quyền đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Mấy năm nay mình cũng viết về chủ đề đó khá nhiều bài, thậm chí cũng có đăng báo. Nhìn chung mình thấy việc tôn trọng bản quyền có chuyển biến tốt hơn. Bạn bè mình trên FB mỗi khi đăng câu gì của ai đó thì đều ghi nguồn, ghi tên tác giả chứ không tự tiện cắt bỏ như lúc trước. Mấy fanpage lớn hồi đó chuyên môn copy xong cắt tên người ta ghi mỗi chữ “ST” cũng để nguồn đàng hoàng hơn, dù không hề dẫn link, vậy cũng đỡ rồi.
Đỡ thì đỡ thôi chứ vẫn còn nhiều người không cho việc ăn cắp câu từ, bài viết của người khác nhận làm của mình là xấu hổ. Đâu đó họ vẫn đi copy về đăng lên facebook, zalo, instagram… và khi bạn họ khen thì vẫn vui vẻ cảm ơn.
Mình có đứa em xuất bản mấy cuốn sách rồi. Lúc đầu nó rất sốc khi biết bên Wattpad có người gõ lại nguyên quyển sách của nó, mỗi ngày một chương và nhận là tác giả. Tất nhiên khiếu nại thì họ gỡ, mà hông lẽ suốt ngày đi google xem có ai chôm của mình không để khiếu nại đây. Đến quyển thứ ba thì nó đổi cách bán sách, chả thèm xuất bản nữa mà làm bản ebook, ai mua thì gửi mail đến cùng với một thứ gì đó hay hay, xong nó gửi ebook lại, rồi người đó thích gửi bao nhiêu tiền thì gửi. Mình đoán lúc này có lẽ nó chán vụ xuất bản với sách lậu lắm rồi.
Ông anh mình nói ở Việt Nam, người duy nhất sống sung túc với nghề viết chỉ có mỗi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tất nhiên là truyện của ông hay, và ông viết thật nhiều. Có lẽ việc mua một hoặc nhiều quyển sách của ông, dù chỉ để chụp ảnh post lên mạng xã hội cũng là một điều đáng giá. Về thơ thì mình thấy anh Nguyễn Phong Việt bán thơ cũng tốt, mỗi năm xuất bản một tập thơ vào dịp Noel, cũng được 7-8 năm rồi. Đó là những hiện tượng vô cùng hiếm.
Mấy hôm nay mình nghe một số nhạc bài nhạc do các bạn trẻ tự làm, up lên youtube với soundcloud. Hông ngờ lại có nhiều người đến vậy. Youtube có vẻ như là một lối đi mới cho nhiều người, từ những youtuber, streamer cho đến ca sĩ, nhạc sĩ trẻ. Trên đó họ bảo hộ bản quyền còn tốt hơn mình hay sao ấy.
Khán giả, độc giả Việt Nam mình không chỉ chưa tôn trọng bản quyền mà còn dễ dãi trong việc tiếp nhận, kiểu như thích mua hàng giá rẻ hoặc nhận miễn phí vậy. Thế nên đầu sách và video ca nhạc, hài, phim mới ra cũng rất nhiều, mà đa số cũng chỉ là hàng sử dụng một lần.
Sự dễ dãi của độc giả dẫn đến dễ dãi của tác giả. Nhìn bao nhiêu là sách được xuất bản nhưng đẹp nhất là cái bìa với cái tựa, công dụng chủ yếu là để chụp ảnh lên FB, những tác giả có nhiều tâm huyết cũng chẳng còn mong xuất bản sách của họ nữa.
Ông nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh thì nghĩ ra cái trò thu “phí duyệt wall”, ổng viết mỗi ngày mấy bài thơ đăng lên FB của ổng, đến một ngày đẹp trời ở unfriend tất cả bạn bè và tuyên bố nếu ai muốn đọc thơ thì phải trả “phí duyệt wall” để ổng add lại vào friendlist mà đọc. Phí ban đầu là 500 nghìn đồng một năm, đến nay ổng tăng lên 20 triệu/năm thì phải. Mà mỗi năm lại có 1 dịp giảm giá còn 3 triệu/năm. Đó cũng là một cách làm độc đáo, tuy nhiên lâu lâu ổng vẫn in và xuất bản tập thơ. Vụ phí duyệt wall có thể chỉ là một ý tưởng khác lạ thôi, chứ thực tế chẳng được bao nhiêu, mình đoán vậy.
Mấy năm trước bên Trung Quốc đã có những mạng xã hội chuyên dùng để tác giả sáng tác truyện và đăng lên đó, người đọc sẽ trả tiền tính theo chữ, nhà mạng sẽ trích lại phần trăm và trả tiền cho tác giả. Đó là một giải pháp khá hay, có một số tác giả cũng kiếm được nhiều tiền nhờ viết truyện online như vậy. Ở Việt Nam mình thấy có một số chỗ cũng thử làm mà chưa biết có nơi nào thành công không.
Đối với các lĩnh vực khác như game hay youtube về cuộc sống thì người xem đã quen với việc ủng hộ (donate) cho tác giả, hoặc đơn giản là vào xem trên youtube cũng có tiền rồi. Dù youtube của Việt Nam không được nhiều tiền như nước ngoài nhưng nhiều người cũng cải thiện cuộc sống khá nhiều nhờ các kênh youtube, điều đó cũng hay.
Với các nhà văn hay người viết sách thì mình thấy hiện tại chưa tươi sáng lắm. Mỗi cuốn sách viết ra được tầm 20-30 triệu, rồi chỉ vậy thôi. Có điều thấy anh Đức Hoàng bảo là bạn anh có người sống được nhờ nghề viết kịch bản, vậy cũng mừng. Mình cũng biết nhiều người viết báo sống tốt bằng nghề của họ. Tuy nhiên đó chỉ là số ít, chưa đủ để một người thích viết tập trung hoàn toàn vào việc viết.
Quan trọng nhất vẫn không phải là thu nhập, nó quan trọng thứ nhì thôi, quan trọng là sự nhìn nhận, công nhận đúng mức và sự tôn trọng dành cho sự lao động, sáng tạo, trí tuệ, thời gian và công sức của các tác giả. Có những thứ đó thì mới có nhiều người viết hơn, và người giỏi cũng có hứng viết hơn. Mình biết vài người viết rất hay mà họ chẳng thèm viết sách hay viết FB nữa.
Thôi thì hi vọng tương lai sẽ tốt hơn, và mong rằng anh chị em đọc bài này đến đây thì hiểu và chia sẻ hơn với những người viết, người sáng tác, để các anh chị em văn nghệ sĩ có thể thoải mái hơn, có động lực hơn mà tạo ra nhiều tác phẩm tốt cho Việt Nam mình.
12.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo