Viết cho em - 143 - Nam nữ hữu biệt
Mỗi năm đến các ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ hay ngày Phụ nữ Việt Nam, mình vẫn hay nói về vai trò của người phụ nữ và bình đẳng nam nữ hiểu thế nào cho đúng. Mấy hôm nay lại gặp khá nhiều trường hợp liên quan đến vai trò của người nam và người nữ, nên lại viết một chút trong bài này.
1. Có bạn hỏi mình câu hỏi này trên ask.fm/nhatbaovn
“Anh ơi, anh nghĩ sao về việc phụ nữ thì nấu nướng, bưng bê, lau dọn trong các đám tiệc, còn đàn ông thì ngồi ì đợi mồi ngon, rồi ca hát, xong phủi đít đi ngủ? Bản thân em cực ghét thế, em thấy không công bằng tí nào, em phải làm sao để họ thay đổi đây anh?”
Mình còn đang suy nghĩ chưa biết trả lời thế nào để không gây hiểu lầm, thì lên mạng đọc thấy người ta share một bài viết về “máy rửa chén” với hình minh họa là chồng của tác giả. Trong đó các cô vợ khác cũng rất tự hào, thi nhau chia sẻ hình ảnh chồng mình rửa chén, lau nhà, có người còn nói “máy này chạy bằng động cơ khẩu nghiệp, phải chửi thì mới chạy”, có người thì bảo máy này phải huấn luyện mấy năm mới chạy tốt…
Giờ mình trả lời câu hỏi trên nhé. Mình đồng ý rằng phụ nữ đã và đang chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, họ cần được thông cảm, san sẻ và đỡ đần. Tuy nhiên mình không cho rằng tất cả mọi việc đều phải làm cùng nhau. Ví dụ như trong một buổi tiệc, trừ khi là tiệc nướng ngoài trời hay buffet, không thì không thể nào tất cả mọi người tập trung vào bếp để nấu nướng được. Một là bếp không đủ rộng, hai là không phải ai cũng biết nấu nướng. Đây là lúc phụ nữ thể hiện thế mạnh của mình. Trong lúc chờ đợi nấu nướng thì đàn ông ngồi nói chuyện, uống trà cũng không có gì sai cả. Chỉ cần điều chỉnh một chút là phụ bưng bê món ăn lên, rồi ăn xong thì phụ dọn dẹp là được.
Nhưng tại sao đa số người ta không làm vậy? Muốn hiểu thì phải xét từ xưa, cũng là mỗi người có vai trò riêng thôi, mà ngày xưa thì người ta trọng nam khinh nữ, mọi người đều biết rồi. Và tại sao lại trọng nam khinh nữ? Cũng vẫn là quay về vai trò của nam và nữ. Lúc đó lao động tay chân là chính, người nam sức mạnh hơn, làm được những việc nặng nề, đi săn bắn, đi chiến tranh, rồi họ còn chế ra những lễ giáo để khiến người phụ nữ càng lệ thuộc hơn. Vai trò của người nào nặng hơn thì người đó lấn áp người kia trong mối quan hệ vậy.
Còn nói về công bằng, thì trường hợp này từ ngày xưa, giống như em mô tả: đàn ông ngồi đó đợi ăn, ăn xong bỏ đi là do thức ăn do họ mang về. Đàn ông tìm thức ăn, phụ nữ nấu nướng, mọi người cùng ăn, vậy là công bằng. Tất nhiên sau này có thể vai trò của đàn ông không trọng yếu như vậy khi phụ nữ vẫn phải đi làm kiếm tiền… và hiện tượng đó vẫn còn là vì nó là sự kéo dài của tập quán ngày xưa.
Với những người lớn thì rất khó để thay đổi họ, nhưng nhìn chung thì muốn ai đó thay đổi, trước hết là mình phải có uy tín để nói họ nghe, thứ hai là điều mình nói phải đúng, nhẹ nhàng tránh tự ái. Nói từ từ và làm mẫu khiến họ thay đổi. Hoặc có thể viết báo, viết nhạc, làm phim… Muốn thay đổi người khác là rất khó, không phải cứ nói đúng là được.
Nhìn ví dụ “máy rửa chén” mà xem, khi phụ nữ chiếm thượng phong, thì họ thích thú ra sao? Rồi đến mấy trăm năm nữa, liệu có phải là lúc đàn ông đòi quyền bình đẳng hay không?
2. Mấy hôm trước còn có một bộ ảnh cưới mà cô dâu và chú rể đổi quần áo cho nhau cũng được người ta share thật nhiều. Rồi có ảnh một đôi tình nhân đổi quần áo cho nhau (gồm 2 ảnh, một ảnh mặc bình thường, một ảnh đổi quần áo và kiểu tóc).
Rất nhiều người hiểu nhầm rằng bình đẳng là nam làm gì thì nữ cũng làm như vậy, công bằng là chuyện gì mọi người cũng phải làm cùng nhau. Nữ mặc đồ nam, rồi hãy lấy người đàn ông biết nấu ăn vân vân, có khi đúng nhưng gây hiểu lầm nhiều hơn. Người nam làm việc nặng, làm những việc mang tính kỹ thuật như bê vác, sửa chữa, xây dựng… người nữ thì làm các việc tỉ mỉ như may vá, nấu ăn.. việc nào có thể cùng làm hoặc thay phiên thì tùy điều kiện từng người nữa.
Mình thấy hiện nay nhiều bạn nữ cứ muốn bạn trai nấu ăn, lau nhà, rửa chén, và vẫn kiếm tiền, thay bóng đèn, bê thùng nước.. Trước mình có đùa rằng một chàng trai nếu nấu ăn ngon thì có thể họ sẽ muốn nấu cho một chàng trai khác ăn hơn là phụ nữ.
3. Có bạn comment trên Spiderum trong bài “Viết cho em - 65 - “Thẳng”, “cong” và thời đại nữ quyền” của mình, khi mình nói rằng nam và nữ có đặc tính riêng biệt và vai trò khác nhau trong cuộc sống, bạn cho rằng những gì người nam và nữ biểu hiện đều do họ được dạy và được học từ xã hội, giả sử nếu một người phụ nữ sống trong rừng thì cô ấy có những tính cách và đặc điểm của phụ nữ không?
Trước mình từng hỏi một vị Cha xứ rằng vì sao trong giáo hội không có nữ linh mục hay các chức vị cao hơn? Câu trả lời là mỗi người, mỗi giới có một vai trò khác nhau. Khác thế nào thì Cha không nói cụ thể.
Trong giả thuyết của bạn nói trên, mình cho rằng đó là trường hợp rất hi hữu, vì bản thân con người là động vật quần cư, một đứa trẻ sơ sinh gần như không thể sống một mình trong rừng được. Và nếu có như vậy thật, thì mình vẫn tin phụ nữ sẽ vẫn có những đặc tính cơ bản của phụ nữ. Nam nữ khác biệt nhiều mà.
Mạnh Tử nói “Phu thê hữu biệt” là để chỉ người vợ và người chồng có vai trò khác nhau trong gia đình. Sau có người nói “nam nữ hữu biệt” để tránh sự chung đụng, tiếp xúc thân mật của nam nữ, cũng là nói về sự khác nhau. Rồi dần dần bị chuyển thành “phu xướng phụ tùy” trong Nho giáo..
Vị thế của người nữ bị hạ thấp, vai trò của họ không được xem trọng, họ chịu nhiều thiệt thòi là đúng, nhưng sự khác biệt trong vai trò của nam và nữ ngay từ lúc ban đầu cũng không sai.
Khác nhau nên mới cần nhau mà.
11.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo