Viết cho em - 139 - “Trái đất này là của chúng mình”
Có một dạo mình đọc khá nhiều truyện thể loại mạt thế (giả thuyết thế giới rơi vào tận thế), đến nỗi mỗi sáng đều thật cẩn thận nghe ngóng xem có gì khác lạ không rồi mới thức dậy. Mở mắt ra thấy mọi thứ vẫn như cũ, nhà đối diện vẫn vang lên tiếng éo éo của máy giả tiếng chim (họ nuôi yến), và vẫn có tiếng động nào đó của thằng bé hàng xóm, thế là bình thường. Trái đất này vẫn là của chúng mình.
Mình chưa nghe nói nhiều về nhà thơ Định Hải, thậm chí phải google tên bài hát mới thấy tên ông. Có điều bài thơ mà ông sáng tác, được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc tên là “Trái đất này là của chúng mình” có lẽ vẫn còn được thiếu nhi hát thật lâu nữa, chừng nào trái đất vẫn còn là của chúng mình.
Mình lại nhớ bài gì mà có lời “Em mơ ước đến năm 2000, và mong ước chiến tranh sẽ tàn”, ôi nhớ mà thấy thương cho ông nhạc sĩ với nhà thơ (nếu có) làm ra bài đó. Một bài hát siêu hot nhưng chỉ tồn tại được vài năm. Hồi đó chắc là khoảng năm 97 – 98 chi đó, mà mỗi lần nghe bài hát đó mình lại thấy giống như một tương lai nào đó xa xôi, xán lạn ghê lắm. Năm 2000 như một huyền thoại, một thì tương lai đúng nghĩa. Mới đây mà 2020 rồi.
Lần đầu mình có khái niệm về quá khứ - hiện tại – tương lai là khi mình học lớp 4, lớp 5 chi đó, lúc mình đọc truyện Đô Rê Mon. Trong các loại bảo bối, mình thích nhất cửa thần kỳ và cổ máy thời gian. Thời đó tivi màu, điện thoại bàn còn là thứ xa xỉ, vậy mà chưa được hai chục năm, nhiều món bảo bối của Đô rê mon đã có trong hiện thực rồi. Người ta đã có những chiếc xe bay, có những chiếc máy bay cá nhân nhỏ xíu như tấm thảm, chẳng khác nào chong chóng tre. Vậy khi nào họ làm ra cửa thần kỳ với cổ máy thời gian?
Hôm trước mình đọc được một đoạn trích trong sách "Thiên Tài Bên Trái - Kẻ Điên Bên Phải", trong đó giả định rằng nhân loại là một sản phẩm được vi khuẩn tạo ra để phục vụ nhu cầu của chúng. Danh hài George Carlin trong một tiểu phẩm về “cứu trái đất” cũng từng giả thuyết rằng biết đâu trái đất này muốn có nhựa, nhưng chúng không thể tự tạo ra, nên chúng tạo ra loài người để cho loài người làm ra nhựa, rồi khi chán thì chúng lại hủy diệt loài người đi. Loài người cho rằng mình đang bảo về trái đất, thật ra chỉ là đang bảo vệ hoàn cảnh sống tốt nhất cho chính họ mà thôi, trái đất đâu có cần.
Mình thấy giả thuyết trên khá thú vị: trái đất hình thành khoảng 5 tỷ năm trước, sau đó tế bào đầu tiên, tổ tiên của thế giới này xuất hiện khoảng 3,5 tỷ năm trước, rồi dần dần hình thành nên các loài, con người chỉ mới xuất hiện mấy trăm nghìn năm trở lại đây, khoảng trống hơn 3 tỷ năm ở giữa đó đã có nhiều giả thuyết khác như những nền văn minh tiền sử bị hủy diệt, hoặc họ đã di cư đến hành tinh khác… Còn ở đây người ta giả thuyết rằng trong mấy tỷ năm đó, các vi khuẩn đã tiến hóa và có một nền văn minh riêng, tất cả những sinh vật lớn hơn chúng đều chỉ là những sản phẩm mà chúng tạo ra cho những mục đích nào đó. Minh chứng của điều này là các sinh vật có thể sống được nhờ vi khuẩn, còn vi khuẩn thì không cần tồn tại nhờ sinh vật lớn hơn. Khi vi khuẩn nhận thấy sự đe dọa từ những sản phẩm của chúng tạo ra, chúng hủy diệt loài đó, ví như loài khủng long hay các loài đã tuyệt chủng trước đây. Và con người hiện tại, nếu vi khuẩn cảm thấy không ưa, chúng cũng cho tuyệt chủng.
Mình nói điều này với một người bạn, bạn ấy bảo sự tồn tại của loài người chỉ là một điểm rất nhỏ trong sự hình thành và tồn tại của vũ trụ này, và biết đâu sự tồn tại của vũ trụ cũng chỉ là một điểm nhỏ trong một tồn tại nào đó lớn hơn nữa. Rồi bạn hỏi mình có tin tương lai con người có thể phát minh cổ máy thời gian không, và nếu có thì tại sao không có người tương lai nào tìm về hiện tại?
Mình thử tìm một câu trả lời khác với những gì mình đã đọc qua trước đây, và mình đã nói là: chúng ta không thấy ai từ tương lai trở về là vì loài người sẽ tuyệt chủng.
Đó là một khả năng xấu. Khả năng tốt hơn thì với những tiến bộ biến sản phẩm khoa học viễn tưởng thành hiện thực như hiện nay, mình nghĩ tương lai người ta sẽ có thể bẻ cong không gian trước, như việc thực hiện các “bước nhảy alpha” để vượt qua không gian, đi xa và nhanh hơn trong vũ trụ. Khi đạt đến một vận tốc nào đó, tại những tọa độ nhất định mở ra cửa không gia để tiến vào một tọa độ khác ở xa hơn, giống như việc đào một con đường xuyên qua trái đất thay vì phải bay vòng quanh trái đất vậy, đó là nguyên lý của bước nhảy không gian, còn làm sao làm được như vậy thì tất nhiên mình không tưởng tượng được. Sau khi xuyên qua được không gian, người ta sẽ có thể xuyên qua thời gian, cũng bằng một cách nào đó. Mọi thứ đều là năng lượng cả mà.
Việc chúng ta không thể gặp người đến từ tương lai, bạn mình nói là nếu như họ có cổ máy thời gian, xác xuất họ “du lịch” về thời đại của chúng ta rất ít, họ về thời tiền sử xem khủng long còn thích hơn là trở về cái thời đại ô nhiễm, vô minh của nhân loại như hiện nay. Còn mình thì nghĩ có thể họ có những luật lệ nào đó ràng buộc rằng không thể xuất hiện trước mắt loài người “tiền sử” là chúng ta hiện nay, vì thay đổi quá khứ thì có thể thay đổi tương lai mà. Họ có thể trở về quá khứ, thì một thiết bị nào đó che mắt con người là quá đơn giản rồi.
Trước đây cũng có người nói với mình là những thiên tài từng xuất hiện trong nhân loại là những người giữ được trí nhớ của kiếp trước, hoặc người đến từ tương lai, người hành tinh khác… nên họ mới có được những thứ mà người thường không có như vậy. Có một số sách tâm linh, huyền học cũng đã được xuất bản trong chủ đề này, mình không hứng thú lắm nhưng đã đọc qua quyển “Trở về từ cõi sáng”, tác giả kể về việc mình đã chết và trở lại nhân gian như thế nào, “Đối thoại với thượng đế”, tác giả viết lại những câu hỏi và câu trả lời giữa bản thân và thượng đế.. Đó là những điều rất lạ và thú vị.
Gần đây người ta nói nhiều về rác thải nhựa, phải mất mấy trăm năm để nhựa phân hủy hoàn toàn… nhưng mấy trăm năm có là gì so với mấy tỷ năm, trái đất chấp con người một đoạn, cứ xả rác thì con người chết hết rồi trái đất vẫn cứ khỏe ru.
Hay như vụ cháy rừng bên Úc, người ta thấy đó là thảm họa của nước Úc hay của môi trường, còn mình thấy đó là hiện tượng tự nhiên thôi. Rừng mà không bị con người khai thác hay cải tạo thì vài năm nó lại phải cháy. Và mới đây người ta lại đưa hình ảnh hồi sinh của khu rừng sau vụ cháy. Đó, thiên nhiên có cần tới con người làm gì đâu.
Tất cả thiên tai, dịch bệnh, đều chỉ do con người, bởi con người và có ý nghĩa với con người. Con người đã sinh sôi quá nhiều trên trái đất, đứng đầu trên chuỗi thức ăn khiến họ nghĩ rằng mình là chủ hành tinh này. Nhưng có thật vậy chăng, chúng ta đã bao giờ là chủ trái đất, hay chỉ là những sản phẩm của vi khuẩn?
Con người sẽ vượt qua tất cả, tiến bộ hơn, di dân lên hành tinh khác, cải tạo lại hành tinh này… hay sẽ tuyệt chủng?
Rồi ngày mai thức dậy, trái đất này có còn là của chúng mình?
07.02.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo