Viết cho em - 122 - “Có kiến thức mới đọc được báo”
“Ngày xưa đọc báo để lấy kiến thức, nay phải có kiến thức mới đọc được báo” – hôm nay bạn Hương Xuân lại post cái status có câu này, lại nhân dịp mình hông biết viết gì nên lấy làm đề tài luôn.
Mình kéo bản tin FB ngẫu nhiên để xem có gì viết được không, mà toàn thấy mấy cái biến tấu của “nhà có đứa con”, mấy chữ “cọc cọc cọc” như tiếng gõ đều đều, chói tai, làm mình nhức đầu quá trời. Có nhiều cái người ta thấy thích, thấy hay mà mình hông hiểu nổi thích chỗ nào luôn ấy.
Bắt đầu có người share mấy cái về chủ đề lì xì. Có một cái ảnh có nội dung là “lì xì 10k làm tôi hết hồn”. Mình lại thở dài một chút. Chuyện lì xì ít nhiều cũng bàn nhiều rồi. Cá nhân mình nghĩ nên thống nhất dùng mệnh giá thấp nhất mà lì xì cho đẹp và đúng nghĩa, hoặc dùng mấy cái ngoại tệ cũng được, chứ tiền Việt riết rồi “lạm phát” lan tới cả lì xì, phải bỏ 100-200-500 hoặc nhiều tờ 500 thì mới vừa lòng đẹp dạ. Nhận lì xì xong thì móc ruột ra chụp hình đăng face, rồi người khác trầm trồ và ước ao.. Sự phát triển của xã hội là vậy sao?
Hai chuyện nhỏ vừa kể trên cũng là một dạng mà truyền thông nói chung hay báo chí, tin tức nói riêng tác động đến xã hội. Truyền thông hay phim ảnh giống như tấm gương, nó phản ảnh những hiện thực xã hội. Tuy nhiên gương cũng có nhiều loại, có khi lồi lõm, có khi phóng đại, có khi thu nhỏ. Nhiều lúc chỉ có một góc nhỏ nào đó bị phát tán ra cả xã hội, rồi người trong xã hội đó hấp thu, học theo và lại tiếp tục nhân rộng sự phóng đại đó ra, rồi cái gương lại hấp thu, tiếp tục phản xạ lại những hình ảnh càng méo mó hơn trước.. Ai có thể ngừng vòng lặp này lại nếu không phải là chính bản thân những người đang tiếp xúc với truyền thông, đang nhìn vào gương kia?
Khi đọc Suối Nguồn của Ayn Rand, mình thích cách tác giả mô tả về nhân vật chính Howard Roak, mà hầu như mỗi nhân vật trong đó đều có điểm thú vị riêng, nhưng bất ngờ hơn là những hình dung về báo chí, truyền thông ở thời đại đó đến ngày nay vẫn còn rất đúng. Nhưng so với ngày đó, dân số hiện nay đông hơn, các loại like, view cũng bán được tiền hơn nên các loại rác càng đa dạng và nhiều hơn trước.
Mình sống trong một thời đại không chỉ là sự chuyển giao giữa hai thế kỷ mà còn là quá nhiều thay đổi về chất trong khoa học kỹ thuật, truyền thông và mọi thứ khác. Vì thay đổi nhanh chóng như vậy, nên nhiều lúc mình cảm giác con người chưa thể thích ứng, giống như những người già không biết dùng smart phone, internet vậy. Hay giống như mình không theo dõi giới giải trí, game show mấy năm nay nên không nhận ra được người nổi tiếng nào của showbiz nữa.
Sự phát triển của truyền thông mang đến rất nhiều lợi ích. Hầu như mình có thể tìm thấy mọi thứ mình cần để học tập, nghiên cứu, tìm được cách kết nối với những người, những nhóm người cần cho tất cả mọi mục đích tốt đẹp. Nhưng mà đạo cao một thước thì ma cũng cao một trượng. Internet cũng có hàng triệu thứ để mình có thể đắm chìm trong đó ngày này qua tháng nọ, hết ngày, hết giờ, hết thanh xuân, hết cả một đời. Mình cảm giác chúng ta giống như những đứa trẻ mới tập đi bỗng nhiên được đưa vào trường đua marathon quốc tế nào đó vậy. Có quá nhiều thứ để khám phá và thích nghi, mọi khả năng là vô hạn.
Tin giả, tin nhảm không chỉ đơn giản là “Đi qua để lại 1 like nếu bạn có trái tim” hay “1 like để ủng hộ cho cụ già neo đơn này”, mà ở những cấp độ cao và sâu với những mục đích khó tưởng tượng hơn nhiều. Khi truyền thông còn là độc quyền của nhà nước, trước thời có internet ấy, thì mình tiếp cận với báo chí, tin tức theo kiểu khác. Đến khi có internet, mọi thứ như vỡ òa ra. Có người tiếp cận các nguồn tin “ngoài lề”, thấy nó nói lên nhiều “sự thật” mà tin chính thống không nói. Cũng dần phát hiện ra những điểm cố tình giấu giếm hoặc nói “một phần” của tin chính thống, rồi từ đó chuyển qua chỉ tin tưởng những tin tức “ngoài lề”. Đâu biết rằng mấy tin ngoài lề họ cũng chỉ nói điều họ muốn mình nghe.
Đúng như bạn Hương Xuân nhận xét, ngày nay phải có kiến thức mới đọc được báo. Nghĩa là mình phải tìm hiểu kỹ càng, tường tận mới có thể biết một tin tức là thật hay giả, phải đọc ở nhiều nguồn, nhiều phía và phải có quan điểm, lập trường riêng thì mới hiểu đúng và không bị bên nào dẫn dắt theo ý đồ của họ.
Tất nhiên có những thứ mình chả bao giờ có thể biết được sự thật ở đâu, mình phải chọn tin một bên nào đó. Tính thật-giả của truyền thông chỉ là một mặt, quan trọng nhất là mục đích của nó. Dựng tin giả để công kích hay vụ lợi chỉ là một thủ đoạn nhỏ của đám cò con, dùng một phần sự thật để chê bai, dẫn dụ thì cao hơn một chút, cao thủ thật sự là dùng toàn bộ sự thật, nhưng dùng ở một thời điểm cụ thể, diễn giải sự thật đó theo mục đích riêng của họ.
Dù là cấp độ nào đi nữa, cơ bản nhất cần phải nhớ là: truyền thông nói cho bạn điều mà họ muốn bạn nghe, chỉ cho bạn điều họ muốn bạn thấy.
Nếu mình không có lập trường riêng, không có kiến thức đa chiều mà theo dõi truyền thông nhiều, tất nhiên sẽ vô hình đi theo sự dẫn dắt của họ, ít nhất là cũng sẽ chia sẻ vài ba cái link tào lao nào đó để dụ người khác nghe theo.
Hồi lâu mình nhớ trên TED cũng có mấy video nói về nỗi khổ khi có quá nhiều sự lựa chọn. Internet hay truyền thông hiện nay cũng mang đến cái sướng, cái khổ cùng lúc cho người dùng như vậy. Đừng nên chỉ thu lu một góc, sử dụng vài chức năng nhỏ bé, đọc vài trang tin tức quen thuộc mà phí đi tài nguyên còn lại, cũng đừng phí hết thời gian mà theo dõi đủ thứ trên đời, hoặc dùng cho một thứ gì đó quá nhiều (như mấy kênh video youtube hay phim ảnh)…
Nếu một ngày bạn thấy cuộc đời quá nhảm nhí, thấy internet không có gì vui, hãy nhìn lại những thứ bạn theo dõi, chia sẻ hàng ngày, bạn sẽ biết câu trả lời, và hãy thay đổi thôi.
21.01.2020
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo