Viết cho em - 119 - Các thể loại nhân danh

  1. Phong cách sống

Nhân danh là khi một cá nhân dùng danh nghĩa của một tổ chức, một lý tưởng, một khái niệm nào đó được nhiều người công nhận để làm một việc gì đó, thường là yêu cầu người khác chấp nhận với họ một điều cụ thể nào đó.

Vì sao người ta phải nhân danh? Thường nói “danh chính ngôn thuận”, có một danh nghĩa nào đó đường đường chính chính thì dễ nói chuyện hơn, dễ thuyết phục người khác hơn. Từ đó cũng có thể hiểu rằng: Người ta phải dùng danh nghĩa của những thứ khác để phụ trợ thêm cho điều họ nói là vì bản thân của điều đó thiếu tính thuyết phục, hoặc bản thân người nói thiếu uy tín, hoặc họ muốn yêu cầu những điều vô lí nhưng lại muốn người bị yêu cầu phải chấp nhận vì danh nghĩa mà họ đang “nhân danh”.

Những thứ cao đẹp thường được lấy ra để nhân danh là: tình thương, tình thân, lợi ích chung, nhân đạo.

Những người thân thuộc sẽ nhân danh “muốn tốt cho bạn” để yêu cầu bạn phải học giỏi, phải thi trường A, ngành B, phải làm ông này, bà nọ, phải cưới người nọ, không được yêu người kia.. Nếu những thứ đó không phải là sự lựa chọn tự nhiên của bạn, khiến bạn không vui hoặc cảm thấy khổ đau, mà bạn vẫn nghe và làm theo lời họ, thì bạn cũng đang nhân danh sự hiếu thuận mà làm.

Mọi người đều chẳng biết mình đang làm cái gì vì những thứ họ làm cũng đều là học theo người khác, những người cũng học theo người khác. Người ta cứ nhân danh thứ này thứ nọ mà điều khiển lẫn nhau làm những chuyện tào lao.

Cả nhân loại này đều sống trong bể khổ do chính họ tạo ra. Muốn hết khổ thì nhìn họ đang làm gì và tránh đi là được. Mọi thói thường đều chỉ đang kéo những ai muốn thoát khổ trở lại vòng lẩn quẩn mà thôi.

Khi bạn làm những việc bạn thấy vui, hoặc không làm gì cả nhưng vẫn thấy vui. Người khác lại không chịu được khi thấy bạn như vậy. Vì họ nghĩ rằng bạn phải khác đi thì bạn mới vui, hoặc bạn phải giống với ai đó thì họ mới vui. Thế là họ bắt đầu nhân danh, những kiểu ngọt ngào như “Anh hạnh phúc khi thấy em hạnh phúc” có thể hiểu là “Em phải hạnh phúc để anh còn được hạnh phúc”.

Người ta còn nhân danh tình yêu, nhân danh các mối quan hệ để tự cho mình quyền cấm đoán, kiểm soát, xâm phạm không gian riêng tư của nhau. Khi ai đó yêu mình là mình có quyền làm khổ họ?!

Nhân danh môi trường để khỏa thân chụp ảnh, nhân danh yêu nước để chửi mắng người khác, nhân danh người già và phụ nữ để giành quyền ưu tiên.. quá nhiều thể loại nhân danh đầy chán ngán đang len lỏi ngập tràn trong các mối quan hệ xã hội đến mức người ta xem chúng như là những đạo lý hiển nhiên.

Có thể ta là người nhận ra và bắt đầu thôi nhân danh mọi thứ để yêu cầu người khác hay mong muốn cuộc đời phải thỏa mãn ý muốn này nọ của mình, nhưng vẫn còn rất khó để từ chối những yêu cầu của người khác. Ta nghĩ họ nói vậy, làm vậy là vì yêu thương ta, vì muốn tốt cho ta, và ta làm theo những mong muốn đó cũng là yêu thương họ, là hiếu thảo với họ…

119_cac the loai nhan danh

Sự thật là, nếu một người đủ sáng suốt và thật sự yêu thương, họ sẽ không nhân danh công ơn sinh dưỡng, nhân danh mong muốn điều tốt đẹp cho ta mà bắt buộc ta phải làm một điều gì cả. Nếu họ vẫn đang nhân danh thứ gì đó, là họ vẫn còn mê. Ta không bao giờ có thể thỏa mãn tất cả những mong muốn từ sự mê mờ đó, những mong muốn sẽ luôn nảy sinh hết điều này đến điều khác. Người có thể chấm dứt chuỗi phiền não này chỉ có thể là chính ta.

Nếu như ta không nhận ra thực tế rằng không thuận theo những sự nhân danh chẳng phải là xấu, thì bản thân ta hoặc ít hoặc nhiều cũng sẽ nhân danh một thứ gì đó để yêu cầu người khác giống như vậy. Tất cả đều dẫn đến phiền não và khổ đau, cho cả người nhân danh và người bị nhân danh sai khiến.

Xã hội này đầy những buộc ràng khổ sở mà ta không thể tự thoát ra vì luôn sợ hãi việc đứng một mình. Không có thứ gì để nhân danh thì ta là ai, ta sống như thế nào mới đúng, điều gì làm ta hạnh phúc nếu không phải là thứ hạnh phúc giống như hàng xóm đang thể hiện kia?

Những kết nối của xã hội này không xấu nếu nó không mang tính ràng buộc và luôn phân chính – phụ. Ta không thể bảo người khác đừng nhân danh, không thể khiến họ ngừng mong muốn ta phải thế này thế khác. Họ chưa thể hiểu rằng đó là khổ đau. Nếu ta nhìn thấy được những sự vô lý trong các mối quan hệ, khi người ta nhân danh yêu thương để gây tổn thương nhau, thì chính ta mới là người nên ngừng lại trước tiên, thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn đó, rồi kết nối lại với những người thương một cách chủ động và độc lập hơn.

Có thể mang đến bao nhiêu yêu thương hay niềm vui cho họ thì mang, không thì cũng đừng để họ làm thêm một người phải khổ. Bao giờ họ có thể hết khổ, phải do chính họ nhận ra thôi.

Nếu ta nhận thức được rằng những người bên cạnh đang nhân danh thứ này thứ khác mà khiến ta phiền não, nhưng lại chấp nhận những thứ đó, thì ta thật sự vẫn chưa hiểu thấu được sự giả tạm và dối trá của các danh xưng. Nhìn thấy sự vô lý và thuận theo nó là nhận gấp đôi khổ đau vậy.

Đừng nghĩ rằng khi ta chấp nhận khổ đau thì đó là đang vì người khác. Chấp nhận khổ đau là đang nuôi dưỡng khổ đau để nó tồn tại trong đời này. Để người khác gây khổ đau cho mình cũng là đang ủng hộ cho khổ đau.

Hãy từ chối khổ đau khi có thể, như vậy đời mới bớt khổ đau.

Hãy phủ định những thể loại nhân danh, để người ta chỉ còn đối diện với nhau bằng chính con người của mình, không gì khác.

18.01.2020

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

nhân danh

,

mối quan hệ

,

khổ đau

,

văn hóa

,

phong cách sống