Viết cho em - 110 - Về cho và nhận

  1. Phong cách sống

Con người là động vật sống quần cư nên nhiều người cho rằng đời sống của con người chỉ có ý nghĩa khi họ là một phần của xã hội. Chỉ có thể hiện một vai trò nào đó trong xã hội mới thật sự là sống.

Điều đó không sai, nhưng không phải là duy nhất. Cuộc sống của con người có ý nghĩa khi họ thể hiện một vai trò, vị trí trong xã hội và có tác động lên người khác. Nhưng nếu họ không làm như vậy, thì vẫn có một ý nghĩa khác, chỉ là không có ý nghĩa đối với xã hội mà thôi.

Vì quan điểm nói trên, vốn là một góc nhìn đúng đắn nhưng chưa đầy đủ, người ta đi đến một góc nhìn lệch lạc hơn là đi tìm giá trị của bản thân qua cách nhìn nhận của người khác, của xã hội. Đây là một trong những nguồn gốc của khổ đau mà người ta rất khó buông bỏ, vì mỗi khi được công nhận lại khiến họ thích thú và quên mất việc mình cần buông bỏ nó.

Lại có một hướng suy diễn khác là: người tốt cần phải mang đến hạnh phúc cho người khác. Điều này cũng đúng, một phần. Khi bản thân một người không có hạnh phúc, hạnh phúc mà người đó có thể mang lại cho người khác chỉ là sự thỏa mãn mà thôi. Nghĩa là người ta sẽ cố gắng thực hiện hành động nào đó để khiến cho đối tượng mà họ muốn hạnh phúc được thỏa mãn một mặt nào đó về vật chất hay tinh thần. Đối tượng đó không có hạnh phúc, bản thân người đó cũng không. Hoặc giả như đối tượng có được hạnh phúc thật đi nữa, thì người mang hạnh phúc đến cho đối tượng đó lại cần một người khác (hoặc cần đối tượng đó) làm điều gì đó khiến họ hạnh phúc.

Cứ như vậy, từng vòng tròn nhỏ rồi vòng tròn lớn, mọi người chạy quanh tìm cách làm cho người khác hạnh phúc, và chờ ai đó đến làm cho mình hạnh phúc. Vòng tròn này gọi là vòng tròn khổ đau.

Chưa nói đến hạnh phúc, muốn vượt thoát khổ đau trước hết phải đứng bên ngoài, tách biệt khỏi nó. Nhận biết đâu là khổ đau thì đừng tiếp tục bước theo nó nữa. Trước khi muốn mang lại hạnh phúc cho người khác, hoặc chờ ai đó làm mình hạnh phúc, thì tự mình khiến mình hạnh phúc trước đi đã. Nếu mình không thể làm điều đó, thì ai có thể làm, thì ai sẽ làm?

110_ve cho va nhan

Chủ đề con người nên đối xử với nhau như thế nào, sống ý nghĩa là gì hay hạnh phúc do ai mang lại thì rộng lớn quá, trong bài này bàn nhỏ một chút về “cho và nhận” thôi, nguyên nhân là vì sáng nay có đứa em gái tâm sự với mình thế này:

“Em đã quen với việc cái gì cũng tự mình xử lý hết rồi, nên hôm qua có người hỏi em "Sao không để người ta giúp đỡ" thì em đơ ra luôn. Nhận giúp đỡ thì thấy sai sai, cảm giác mang nợ nó sai sai. Mà không nhận thì lại cảm thấy ấm ức, tủi thân. Nói chung là đôi khi em cũng muốn như mấy bé gái ngây thơ khờ dại, nhận từ người khác một cách thiệt hồn nhiên. Hoặc như mấy chị gái có nhiều kinh nghiệm, hơi lươn lẹo xíu, linh hoạt xíu mà tranh thủ sự trợ giúp từ bên ngoài. Cả 2 trường hợp trên đều với 1 lý do: bởi vì em là con gái. Nhưng liệu em có cần hay không? Em vẫn tự hỏi câu đó, rõ là em thích, nhưng khi cứ ý thức được mang nợ và chuyện nợ đó dù có mang lại lợi ích khác to lớn hơn hay không thì em cũng không muốn đón lấy xíu nào.”

Đầu tiên xét một chút yếu tố về giới: nếu là nam thì sẽ hơi khó hiểu trong chuyện này vì đàn ông được dạy rằng chuyện gì cũng tự làm được thì mới đáng mặt nam nhi, nhận giúp đỡ của người khác là yếu đuối, là mang nợ. Còn nữ giới, nhìn chung sẽ mặc định là đối tượng được nhận giúp đỡ, nên nhiều người cũng xem đó là lẽ tự nhiên, không ngần ngại, không được giúp đỡ thì còn lấy làm phiền lòng. Đó là lối tư duy đang hiện hành trong xã hội, là một mặc định, không bàn đúng hay sai.

Em có thể tự mình giải quyết mọi việc có liên quan đến mình, đó là tính tự lập, rất tốt. Hai trường hợp mà em nói đến: vì họ là phụ nữ nên được giúp đỡ và nhận giúp đỡ một cách tự nhiên hoặc cố tình đòi hỏi người khác giúp đỡ - tại sao họ lại làm như vậy? Là vì họ không thấy “sai sai” như em.

Liệu em có cần hay không? Hẳn là không cần, vì em có thể tự làm mọi việc rồi. Nhưng có nên tiếp nhận sự giúp đỡ của người khác hay không, điều đó còn tùy. Em có thể tự mở cửa, nhưng đi cùng bạn nam thì họ mở cửa cho em, điều đó cũng tốt thôi, không cần cố bước tới trước giành mở cửa để tỏ ra mình mạnh mẽ. Đôi khi để cho người khác có cơ hội thể hiện cũng là niềm vui cho cả hai bên. Nói như vậy nhưng thật sự thì những hành động “ga lăng” kiểu mặc định nam thì phải thế này, nữ thì thế nọ chẳng qua chỉ là để lấy lòng nhau, một chút hình thức bên ngoài, niềm vui đó chẳng là gì hết. Có thì tốt, không thì chẳng sao. Như cụ Nguyễn Du viết “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Phân tích một chút về tâm lý “rõ là em thích”. Tất nhiên được người khác giúp đỡ, khiến mình thoải mái và có cảm giác được quan tâm thì ai mà chẳng thích. Hơn nữa em còn mang tâm lý so sánh với các cô gái khác: vì sao họ có thể thản nhiên nhận hoặc đòi hỏi trong khi em thì không. Sự so sánh đó khiến em thấy thiệt thòi, khó chịu. Muốn hết khó chịu thì chỉ khi nào em bỏ đi sự so sánh đó mà thôi. Em đã thấy được cái người khác không thấy, nhưng vẫn còn đang đứng chung chỗ với họ, chưa bước ra.

Nếu cứ so sánh mình với người khác và tự hỏi bên nào đúng hơn, thì rất khó để có đáp án. Muốn biết “khi nào nên nhận”, thì phải tự hỏi chính mình. Không ai tự nhiên cho ai một cái gì, nếu không vì lợi ích trao đổi hay mục đích khác thì ít nhất cũng là vì người kia muốn làm như vậy. Và ở đây mình khoan hãy xét đến mục đích hay động cơ của người cho, mà tự hỏi ở người nhận, là mình trước.

Theo anh, mình nên nhận khi cảm thấy xứng đáng. Xứng đáng với tình cảm của hai người: nếu mình cảm nhận được người kia quý trọng, yêu thương muốn đối xử tốt với mình, và mình muốn nhận tình cảm đó, thì tự nhiên nhận sự giúp đỡ từ người đó. Ở đây không chỉ là tình thân hay tình yêu, mà có thể chỉ là thiện cảm, thiện ý từ những người xa lạ nữa. Những sự trợ giúp hay món quà từ người cho đi có thể lớn hay nhỏ, tùy vào tỷ lệ giữa tình cảm hai người với nhau mà quyết định nhận hoặc không. Ví dụ như mới quen mà tặng quà quý giá hay trợ giúp một việc quá lớn thì rất khó nhận, nhưng người thân thuộc hơn thì dễ chấp nhận hơn.

Xứng đáng còn là khi mình sẵn sàng trả lại cho họ một giá trị tương đương ở hiện tại hoặc tương lai. Đây không phải là sự trao đổi mà là sự sẵng lòng. Nói đơn giản là nếu mình sẵn lòng chia cho người khác nửa trái cam mà không đắn đo suy nghĩ, mình cũng thoải mái nhận của họ nửa trái táo. Điều đó rất tự nhiên.

Liên tưởng một chút, việc sẵn lòng nhận cũng giống như các thầy tu nhận lễ vật của tín đồ mà không ái ngại, vì điều họ đang làm là tạo ra một giá trị tâm linh, tinh thần trợ giúp ngược lại cho tín đồ. Họ là một chỗ dựa tinh thần, hoặc cầu nối với thế giới thiêng liêng, thì nhận cúng bái là chuyện rất bình thường.

Còn mình là một người bình thường, giá trị mà mình có thể mang lại cho người khác là gì? Mình sẽ thấy thoải mái khi đón nhận nếu giá trị đó lớn hơn so “quà tặng” của người cho. Nhiều khi mình chả cần làm gì cho họ, chỉ cần tồn tại thôi cũng là một món quà rồi. Tất nhiên giá trị này cần phải được người khác công nhận, không phải bản thân mình tự ảo tưởng.

Để không áy náy hay khó xử, tốt nhất vẫn là bỏ đi tâm mong cầu ai đó phải giúp đỡ mình vì mình là phái nữ, hay mình là người lớn tuổi, người nhỏ tuổi… Khi bỏ tâm này đi rồi thì chuyện mình nhận hay không nhận sự giúp đỡ của người khác sẽ rất tự nhiên, thoải mái, nhẹ nhàng.

Khi nhận từ người khác một điều gì, dù là một sự giúp đỡ hay một nụ cười, đó cũng là một phần nhân quả. Khi bản thân mình đủ lớn mạnh và trưởng thành, mình sẽ không ngại nhận nhiều một chút. Nhiều lúc mình e ngại là do bản thân không có gì để “đối ứng” lại món quà của người ta.

Tự lập là một việc tốt, nó là cơ sở để mình thoải mái hơn khi nhận, cũng thoải mái khi không được nhận. Lúc đó chỉ còn là “ừ tôi nhận cho anh vui”.

Từ khi anh tự biết mình, ai nói gì anh cũng tin, ai cho gì cũng nhận, ai giúp thì cảm ơn, ai hại thì mặc kệ. Nhưng anh biết, nếu bây giờ có người chuyển cho 2 tỷ, thì anh phải trả lại ngay. Mình nhận thứ mình xứng đáng thì mới an tâm được.

09.01.2020

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

ứng xử

,

cho và nhận

,

xứng đáng

,

xã hội

,

phong cách sống