Viết cho em - 108 - hihi, hehe, nụ cười giả tạo, nụ cười gượng gạo

  1. Phong cách sống

Thời của Yahoo Messenger, thời người ta lên mạng để chat là nhiều, vì ngoài ra chẳng có gì khác để làm: không Facebook, không phim Vietsub, không Youtube.. nói chung là chỉ có chat, khi đó người ta thuộc lòng rất nhiều ký tự để gõ ra những mặt cười trong khung chat: “:) là cười nhẹ, :)) là cười ha hả, :”> là mắc cỡ, >:( là giận dữ, >:) là cười gian”… đâu đó tầm một, hai chục mặt cười, nhiều lúc quen tay cứ gõ :)) dù chả có gì vui. Sau này Facebook, Instagram và các thứ khác có vài trăm cái mặt cười, không biết bọn trẻ có thuộc lòng không.

Hồi thời Yahoo, anh chẳng thấy ai phiền hà gì với cái mặt cười :) hết, nó chỉ là một dạng cười nhẹ, đơn giản vậy thôi. Dần về sau mặt cười đó bắt đầu được dùng để tỏ thái độ hờn giận, khinh bỉ, dù thật ra vẫn có một icon khác thể hiện một cái mặt cười nửa miệng. Thế là có người bắt đầu nhận định nụ cười :) là giả tạo, là thái độ coi thường, hoặc không là gì thì họ cũng có cảm giác chán ghét với nó. Khi người khác dùng mặt cười đó với họ, thì họ hoặc là tự ái giận dỗi, hoặc là lo lắng bất an: “ủa tui có làm gì bạn giận không mà dùng mặt cười này với tui?”

Và nụ cười nhẹ nhàng đó dần dần bị người đời xa lánh, khinh bỉ, bị dùng như một thứ xấu xí để ném vào những người họ không thích, dù bản thân nó vẫn không hề thay đổi ngay từ lúc ban đầu.

Không phải ai cũng ác cảm với nụ cười nhẹ đó, không phải ai cũng dùng nó như một thái độ xấu xí dành cho người khác, tuy nhiên những người mà họ tương tác lại thấy khó chịu, lại nhận định đó là thái độ xấu xí, nên dần họ cũng phải xem nó như một điều kiêng kỵ, và về sau họ cũng dùng nó với ý nghĩa xấu xí. Càng về sau, nụ cười :) càng biến hóa trong cái nhìn của dân mạng.

Anh cũng là một người chẳng có ác cảm nào với :), nhưng lại phải dùng nó một cách thận trọng và về sau chả thèm dùng nữa cho đỡ gây hiểu lầm. Có đôi lần anh còn dùng nó như nghĩa mà người khác gán cho nó: để thể hiện sự giận dỗi, làm ngơ.. Thay vào đó, mỗi khi muốn “cười”, anh lại phải gõ thêm một lần ngoặc đơn “:))”.

Thay vì cười nhẹ, thì phải ngoác miệng ra mà cười, người ta mới cho rằng mình thân thiện, vì nụ cười hai ngoặc đơn mới được công nhận là nụ cười “không giả tạo”.

Ngoài icon mặt cười ra còn có các kiểu cười bằng chữ: hihi, haha, hehe. Hồi đầu anh hay cười hihi, vì nghe nó nhẹ nhàng, vừa phải. Haha thì là cười lớn, có cái gì đó mắc cười thì mới cười như vậy. Hehe thì là cười gian, dùng trong các trường hợp muốn người khác biết mình đang cười gian. Còn nụ cười phổ thông thì dùng hihi được rồi?

108_hihi hehe nu cuoi gia tao

Không hề, hihi cũng bị ghét luôn. Ngộ lắm, người ta lên mạng chơi nhưng rất sợ “sống ảo”, và đa phần họ cho rằng cái gì nhẹ nhàng thì là ảo, mạnh bạo nặng nề gay gắt thì là thật.

Cười hihi còn bị nói là nụ cười bê đê, con trai không được cười như vậy (?!) Không thì cười nhẹ quá cũng là dạng người âm hiểm, bằng mặt không bằng lòng. Đấy, cười là phải haha, hoặc hehe nó mới thật. Và anh cũng dần dần bị các khái niệm này đồng hóa. Cười thì phải :)), haha, hehe. Không được cười :), không hihi.

Vì sao anh lại chấp nhận bị đồng hóa như vậy, vì sao không giữ lại quan điểm riêng của mình ở đây? Đơn giản là mình giao lưu, tương tác với người khác, mục đích của mình là muốn người ta nghe, hiểu và phản hồi. Nếu làm người ta ác cảm một cách không đáng chỉ vì muốn giữ quan điểm riêng thì không đáng, không đúng với mục đích giao tiếp của mình.

Không phải thứ gì là “chính mình” đều nên giữ, vả lại nếu xét kỹ ra thì về sự bao dung dành cho các icon, lòng dạ của mình lớn hơn những người khó chịu với một vài icon, vài nụ cười kia, vậy nên mình cần bao dung luôn cả họ. Nếu mình chỉ khư khư giữ lấy quan niệm về các nụ cười của mình, thì có khi lòng dạ mình lại còn nhỏ hơn cả họ, vì họ chỉ ác cảm với một nụ cười, còn mình ác cảm với tất cả nụ cười còn lại, và cả những người ác cảm với nụ cười kia.

Nếu em nhìn nụ cười :) và thấy thật khó chịu, có bao giờ em tự hỏi vì sao mình lại khó chịu, và sự khó chịu đó có thể diễn đạt ra như thế nào không? Nó đến từ đâu? Từ bên trong chính em như một dạng dị ứng bẩm sinh, hay là từ những người khác?

Từ chuyện mấy cái icon và nụ cười này, suy rộng ra có thể thấy những ác cảm, cực đoan mà xã hội gán ghép cho rất nhiều điều mà họ thấy khó chịu, đôi khi có ảnh hưởng xấu đến họ thật, nhưng nhiều khi chẳng có liên quan gì. Như cái mặt cười :), vì sao họ lại ghét? Vì nhìn nó họ liên tưởng đến những người họ ghét, liên tưởng đến thái độ đáng ghét của chính mình khi thể hiện ra nụ cười đó với người khác. Họ nhìn icon đó nhưng không thấy nó, mà thấy thứ họ liên tưởng.

Không phải ai cũng ghét hay khó chịu, nhưng vì những người có liên quan ghét nên họ cũng dần ghét hoặc ít nhất là xa lánh. Điều này cũng hiện hữu trong xã hội rất nhiều, đó là cách con người tác động, ảnh hưởng lẫn nhau.

Chúng ta sống trong xã hội thì phải chịu những tác động như vậy, đôi khi cũng nên thuận theo để đạt mục đích cao hơn, nhưng lúc nào cũng cần tỉnh táo để nhận thức được việc mình làm hoặc không làm, nhận diện được các cảm xúc yêu, ghét, khó chịu, dễ chịu của mình là từ đâu mà đến, để đừng rời xa chính mình trong quá trình chạy theo người khác – những người cũng đang không biết họ muốn đi đâu.

Ra ngoài cười lớn tỏ ra mình thật tình và hào phóng :))))

Còn về nhà cười nhẹ với chính mình một chút :) cũng không sao, hihi.

07.01.2020

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

giao tiếp

,

xã hội

,

nụ cười

,

chân thật

,

phong cách sống