Vì sao người ta khó tôn trọng sự khác biệt?
Hôm qua có chuyện cô giáo đánh học trò vì viết bằng tay trái, được minh họa bằng một tờ note gửi phụ huynh "lưu ý cháu hay viết bằng tay trái". Mình không tìm hiểu thêm, không biết cô này ở đâu, có internet để lên mạng hay không, hoặc là có luật nào trong giáo dục cấm học sinh viết bằng tay trái không nữa, thế nên cách hành xử và cấm đoán như thể viết bằng tay trái là một nạn dịch gì đó cần bài trừ trong thời đại này thì thật khó hiểu.
Xã hội này đang phát triển quá nhanh, những thứ bị đả kích ghê gớm hơn chục năm trước trở thành bình thường, thứ chỉ có trong tưởng tượng đã trở thành hiện thực, cũng chỉ trong hơn chục năm thôi. Thế nhưng nhiều người vẫn còn sống bằng tư duy rất cũ. Điều đó cũng không quan trọng, quan trọng là họ bắt người khác phải sống như họ.
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của loài người là sợ những điều họ không biết. Điều đó thật đáng sợ. Chính nỗi sợ này khiến người ta không dám thể hiện mình khác biệt với người khác, trong khi thực tế là mọi người đều có điểm khác biệt riêng. Chính nỗi sợ này khiến cho việc hình thành những cộng đồng có điểm giống nhau thành một chốn an toàn giả tạm, nơi mà người ta thà rằng o ép bản thân để chen chúc vào còn hơn đối mặt với nỗi sợ sự khác biệt, sợ điều họ không hiểu, không biết kia.
Bạo lực là một trong những biểu hiện của ức chế và bất lực. Người ta sợ khác biệt, nên bắt buộc người khác không được khác biệt và sử dụng các hình thức bạo lực khác nhau với sự khác biệt.
Bao nhiêu năm qua rồi, bao nhiêu thứ đổi thay, từ việc công kích người đồng tính cho đến trào lưu ăn mặc, người ta vẫn luôn công kích sự khác biệt và cảm thấy an toàn khi ở trong đám đông giống mình thôi - cả người công kích và bị công kích đều cùng chung một nỗi sợ.
Có bao giờ người ta chỉ nhìn sự vật như bản thân nó vốn dĩ là thế mà không khoác lên những tầng định nghĩa, thành kiến hay sợ hãi? Đối với xã hội hay loài người thì rất khó để biết, nhưng với một cá nhân, thì điều đó không phải là giải thoát cho những người xung quanh, mà trước hết là giải thoát cho bản thân mình. Nếu mỗi người đều có thể giải phóng bản thân, môi trường xung quanh họ sẽ được giải phóng, xã hội sẽ an lành mà không cần phải giống nhau.
khác biệt
,tôn trọng
,xã hội
,suy nghĩ
,văn hóa
Có một điều mà em luôn không hiểu, rằng giới hạn của con người khi tồn tại trong một xã hội là gì? Hay bản chất không con người nào có giới hạn nhưng chính xã hội là cái biên giới để họ tùy chỉnh độ rộng hẹp trong góc nhìn của mình? Em vẫn biết tồn tại ngoài kia một số người đứng ngoài xã hội. Thực ra không phải họ không sống trong một xã hội như em, họ vẫn hòa nhập trong xã hội nhưng lại có một góc nhìn rộng hơn tất cả mọi người khác, họ nhìn sang xung quanh và thấy một đống người giống nhau. Và điểm chung của những người này em thấy là họ đều có hệ thống kiến thức rất rộng, và họ không cảm thấy có bất kỳ ai là khác biệt, ai cũng giống nhau cả, chỉ là khác nhau ở cái đầu và lượng kiến thức trong đấy thôi.
Như vậy thì như anh Bảo có nói, con người sợ nhất là những điều họ không biết. Con người bị giới hạn trong tầm kiến thức mà họ có và không chịu mở rộng, và họ công kích, bạo lực với những thứ họ không biết, vì họ khó mà chấp nhận được rằng bản thân mình ngu dốt và hạn hẹp.
Tống Hồ Trà Linh
Có một điều mà em luôn không hiểu, rằng giới hạn của con người khi tồn tại trong một xã hội là gì? Hay bản chất không con người nào có giới hạn nhưng chính xã hội là cái biên giới để họ tùy chỉnh độ rộng hẹp trong góc nhìn của mình? Em vẫn biết tồn tại ngoài kia một số người đứng ngoài xã hội. Thực ra không phải họ không sống trong một xã hội như em, họ vẫn hòa nhập trong xã hội nhưng lại có một góc nhìn rộng hơn tất cả mọi người khác, họ nhìn sang xung quanh và thấy một đống người giống nhau. Và điểm chung của những người này em thấy là họ đều có hệ thống kiến thức rất rộng, và họ không cảm thấy có bất kỳ ai là khác biệt, ai cũng giống nhau cả, chỉ là khác nhau ở cái đầu và lượng kiến thức trong đấy thôi.
Như vậy thì như anh Bảo có nói, con người sợ nhất là những điều họ không biết. Con người bị giới hạn trong tầm kiến thức mà họ có và không chịu mở rộng, và họ công kích, bạo lực với những thứ họ không biết, vì họ khó mà chấp nhận được rằng bản thân mình ngu dốt và hạn hẹp.