Vì sao chúng ta đang cố gắng bay lên Sao Hỏa thay vì một hành tinh khác gần hơn?
Nếu bạn nhìn vào những ứng cử viên trong khu vực gần chúng ta nhất để lập một 'thuộc địa', thì Sao Hỏa là ứng cử viên đỡ tệ nhất.
Mặt trăng
Mặt Trăng vừa không có không khí vừa khô khan. Lực hấp dẫn của nó cũng yếu nữa, sẽ gây rất nhiều vấn đề cho việc ở dài hạn. Gần là điều đương nhiên, thêm nữa cũng có nhiều khoáng sản hữu ích nữa, nên nếu có ai đó muốn biến Mặt Trăng thành một trung tâm công nghiệp, làm hòn đá nền cho toàn bộ hệ Mặt Trời, thì Mặt Trăng là hợp lý. Nhưng đừng bắt ai lên đó ở là được.
Sao Kim
Sao Kim có kích thước gần gần Trái đất, có lực hấp dẫn gần bằng luôn. Nhưng điều kiện khí quyển tại bề mặt của nó làm cho một cái nồi áp suất chả khác gì như ở Club Med cả. Với nhiệt độ bề mặt loanh quanh 460 độ C và áp suất hơn 90 Bar (Trans: áp suất khí quyển Trái đất cỡ khoảng 1 Bar), bạn sẽ bị nghiền nát đầu tiên, rồi xác của bạn sẽ được thiêu cháy vĩnh viễn. Có người đề xuất việc lắp đặt một thành phố nổi ở vùng khí quyển cao hơn, khoảng 50km, nơi nhiệt độ khoảng 20 độ C còn áp suất là 1 Bar, nhưng đề xuất này gặp phải vấn đề lớn. Nếu bạn xây một thành phố cách bề mặt 50km, thì gần như bị cách biệt hoàn toàn với những khoáng sản ở dưới đất rồi. Với lại, làm thế nào để lấy được nguyên liệu thô để xây dựng cơ sở hạ tầng cho thuộc địa đó có thể tồn tại được đây? Nếu đi theo cách này, thì thà làm một cái vệ tinh bay trên quỹ đạo thì hơn, và việc lấy nguyên vật liệu sẽ dễ hơn rất nhiều.
Sao Thuỷ
Sao Thủy đáng thương, không to hơn Mặt Trăng là mấy, và cũng không có khí quyển luôn. Nhỏ nhưng có võ, mật độ vật chất sao Thủy khá đặc, lực hấp dẫn gần bằng Sao Hỏa. Tuy nhiên, mỗi ngày ở đây dài 1408 tiếng, mà lại không có khí quyển, cư dân trên sao Thủy sẽ bị nướng chín trong vòng 700 tiếng MỖI NGÀY ở 430 độ C, sau đó lại bị đông lạnh trong vòng 700 tiếng MỖI NGÀY ở -180 độ C.
Sao Mộc
Sao Mộc là một hành tinh khí khổng lồ, gần như không có bề mặt nào để ở cả, càng đi sâu vào trong, áp suất và nhiệt độ càng căng, làm cho sao Kim cũng chả khác Club Med là bao. Quên việc áp suất khí quyển là 90Barr đi, ở đây là hàng triệu Bar áp suất khí quyển, đủ đô để biến khí hydro thành khối kim loại cứng.
Sao Thổ
Sao Thổ, đúng là đẹp thật đó, nhưng cũng là một hành tinh khí khổng lồ, và cũng có các điều kiện khí quyển như sao Mộc luôn. Sao Hải Vương và Sao Thiên Vương cũng tương tự, trừ việc là chúng quá xa Mặt Trời, đến mức về cơ bản chúng lạnh hơn khá là nhiều.
Sao Diêm Vương
Rồi đến sao Diêm Vương, đứa con rơi vãi, là một thiên thể ở xa hơn các hành tinh khí khổng lồ, thậm chí còn không được coi là một hành tinh, mà như một hành tinh lùn, hay một thiên thể lớn ở vành đai Kuiper. Nó còn chả to hơn sao Thủy, lực hấp dẫn chưa được một nửa Mặt Trăng. Mặt Trời với sao Diêm Vương sẽ là một ngôi sao rất sáng, cư dân ở đây vẫn không nên nhin trực tiếp vào, nhưng rốt cục không đem lại được chút hơi ấm hay năng lượng nào, khiến cho nhiệt độ bề mặt ở đây chỉ dao động loanh quanh -230 độ C.
Vậy còn Sao Hoả?
Tương phản lại với những hành tinh trên, Sao Hỏa là một nơi ấm áp, giống nhà hơn nhiều.Với kích thước chỉ khoảng một nửa Trái đất, và lực hấp dẫn bằng 38%, nó lại có những đặc điểm bề mặt mà chúng ta dễ nhận thấy như các dãy núi, các thung lũng, các ngọn núi lửa (lớn nhất hệ Mặt Trời, nhưng đã tắt từ rất lâu), và có các tảng băng ở hai cực. Có một bầu khí quyển tương đối mỏng, phần lớn là CO2, nhưng vẫn đủ dày để bảo vệ một phần và cách nhiệt cho toàn bộ bề mặt, khiến cho nhiệt độ ở Xích đạo lên được hơn 20 độ C vào những ngày mùa hè. Nhưng nhớ mang chăn ấm, vì cũng đúng những đêm đó, nhiệt độ sẽ tụt xuống chỉ có -75 độ C. Sao Hỏa cũng có rất nhiều nước, dưới dạng băng đá ở hai cực, cũng như băng vĩnh cửu bị ẩn giấu ở dưới nền đất. Các nhà khoa học thường xuyên tính toán được rằng nếu như Sao Hỏa được làm cho ấm lên, thì toàn bộ chỗ nước này sẽ tạo thành một đại dương cực kỳ lớn, đặc biệt ở những vùng đất trũng ở phía Bắc, gần như bao phủ kín bề mặt sao Hỏa. Sao Hỏa cũng có rất nhiều khoáng sản, như các hành tinh đất đá (terrestial planet) khác, nhưng ở trên sao Hỏa thì dễ dàng xây dựng cơ sở hạ tầng cho thuộc địa hơn. Từ tất cả những điều trên, và cả bao thế kỷ những huyền thoại, những câu chuyện, những drama về hành tinh đó bí ẩn, thì cũng dễ hiểu vì sao người ta cực kỳ hứng thú với người láng giềng gần gũi này của chúng ta.
Nguồn: Duy Hưng Vũ @ QRVN
sao hoả
,hành tinh
,khoa học
Gần với trái đất nhất chỉ có sao Hỏa và sao Kim, nhưng vì đàn ông đến từ sao Hỏa và đàn bà đến từ sao Kim nên Elon trai thẳng quyết đến sao Hỏa 😎
Quốc Thắng
Gần với trái đất nhất chỉ có sao Hỏa và sao Kim, nhưng vì đàn ông đến từ sao Hỏa và đàn bà đến từ sao Kim nên Elon trai thẳng quyết đến sao Hỏa 😎