Vì sao chúng ta cần lựa chọn nghề nghiệp

  1. Hướng nghiệp

Câu hỏi mà bất kì ai cũng cần trả lời cho quãng đường trưởng thành của mình: Vì sao chúng ta cần lựa chọn nghề nghiệp? Vì sao lại là nghề này mà không phải nghề khác? Vì sao tôi cảm thấy mông lung với quyết định của mình?

Cuộc sống của mỗi người chia ra làm nhiều giai đoạn, trong mỗi giai đoạn thường phải đứng trước quyết định quan trọng khác nhau.

Khi còn nhỏ ta sẽ chỉ quan tâm tới việc ăn, việc học, trải nghiệm sao cho có nhiều hành trang bước vào đời, giai đoạn ấy có cha mẹ, gia đình kề bên hỗ trợ những lựa chọn của ta.

Lớn hơn, 18 tuổi bắt đầu phải tự định hướng tương lai của mình, lúc loay hoay đứng giữa ngã tư đường, ta mông lung tự hỏi bước tiếp theo ta sẽ đi đâu, ta sẽ về đâu.


Thời điểm cần hướng nghiệp?

Khi được hỏi về điều nuối tiếc nhất của tuổi trẻ, có rất nhiều người thành công tại thời điểm hiện tại đều đưa ra câu trả lời đó là thiếu nghiêm túc khi suy nghĩ về nghề nghiệp của mình.

Thực sự thế hệ 7x, 8x của Việt Nam quá thiệt thòi. Thiệt thòi về thời cuộc, về kinh tế, về bối cảnh xã hội và về CƠ HỘI.

Cuộc sống quá đói nghèo (đặc biệt là ở miền Bắc Việt Nam) cho đến tận những năm 1986, 1988 cơm vẫn chưa đủ ăn, vẫn phải xếp hàng mua đồ bằng tem phiếu thì cái ước mơ của thanh niên chỉ là làm một công việc có đủ ăn mỗi bữa, ngày Tết về có manh áo mới, chưa thể mơ những gì xa xôi.

Sau này khi kinh tế thị trường mở cửa, các nghề nghiệp mở rộng ra, có nhiều lựa chọn hơn thế hệ 7x 8x mới có điều kiện tiếp cận với hai từ HƯỚNG NGHIỆP.

Quay trở lại câu hỏi thời điểm cần hướng nghiệp?

Tôi nghĩ không phải là năm 18 tuổi, lúc bắt đầu chọn tên trường vào trong hồ sơ thi Đại học ta mới nghĩ về nó, không phải là lúc tìm kiếm số điểm chuẩn rồi so sánh với sức học để cân nhắc mà lựa chọn nghề nghiệp cần được làm từ khi rất sớm.

Sáu năm đầu đời (từ 0-6 tuổi) là sáu năm quan trọng nhất của đứa trẻ, trẻ biết đi, biết nói, biết xử lý khủng hoảng thậm chí khả năng làm toán, khả năng âm nhạc cũng xuất hiện trong 6 năm này. Qua 6 năm giác quan của trẻ đóng lại do đó sẽ cực khó để khơi gợi hạt giống đã bị chôn vùi.


Vậy thì mục tiêu cuối cùng của giáo dục là gì?

Theo tôi mục tiêu giáo dục cuối cùng đó là tìm ra cho trẻ công cụ để khiến cho cuộc sống của trẻ dễ dàng hơn, trẻ bước vào đời với sự hạnh phúc nhất có thể.

Bỏ qua những lễ nghĩa và bài học khó khăn đi, sau ngần ấy năm đằng đẵng đèn sách trẻ có dám tự tin bước vào đời với niềm vui phơi phới hay không.

Câu chuyện hướng nghiệp vì thế không chỉ dừng lại ở bậc Đại học mà sâu xa hơn, chính là khi trẻ còn nhỏ, khi còn đang tiếp cận thế giới bằng tiềm thức. Hãy khai phá nguồn sức mạnh tiềm tàng của trẻ, để đến 18 tuổi ta chỉ còn một bước cuối cùng đó là đặt bút viết lên đam mê cuộc đời mình.

Hướng nghiệp muộn thì có sao không?

Thực ra hướng nghiệp sớm hay muộn không hơn thua ở tính thời điểm mà quan trọng là mỗi chúng ta có nhận ra thực sự ta cần hướng nghiệp hay không.

Mọi thứ đến với con người đều là do ĐỊNH MỆNH.


Ta cứ loay hoay làm việc không biết làm vì cái gì, làm vì ai cho đến một ngày nhận quyết định nghỉ việc lại thấy mình nhẹ nhàng tới vậy, hoá ra bấy lâu nay ta chọn sai đường.

Ta cứ chật vật bon chen, vật lộn vì sự yêu ghét của sếp và đồng nghiệp cho đến khi chuyển sang một vị trí mới, một thử thách mới rồi chợt nhận ra ơ kìa, hoá ra bấy lâu nay ta ngồi nhầm chỗ.

Mọi thứ sẽ không bao giờ đến nếu như ta không như thanh nam châm không ngừng hút năng lượng của vũ trụ về phía mình, chỉ khi ta thực sự nghiêm túc với câu hỏi: Mục đích ta đến với cuộc đời này để làm gì? Khi đó mới là lúc hướng nghiệp bắt đầu.

Lợi ích của việc hướng nghiệp.

Đã đọc quá nhiều sách về lựa chọn nghề nghiệp, về tấm gương start-up chắc bạn cũng không lạ gì với câu trả lời này. Tuy nhiên tôi chỉ xin gói gọn vào đúng một ý – để sống một đời ý nghĩa.

Benjamin Franklin (1706 - 1790) có câu “Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn.” (Some people die at 25 and aren't buried until 75) – qua gần 3 thế kỉ câu nói này vẫn mang đầy tính thời cuộc.

25 tuổi là ngưỡng chúng ta đã học xong Đại học, đã đi làm một thời gian và tiệm cận thứ gọi là ỔN ĐỊNH rồi sau đó, mà làm gì có sau đó nữa vì rất nhiều người trong chúng ta đã chết lâm sàng ở độ tuổi này rồi.


Không còn ước mơ, không còn hoài bão, không còn động lực để làm điều mới, thậm chí không dám viết đơn xin nghỉ phép quá 2 ngày dù đó là ngày cưới.

Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái đó, trạng thái chân không chạm đất, mỗi ngày tới công sở như zoombie và mông lung tới độ không biết hôm nay là ngày tháng năm nào, so với hai năm trước ta đã đổi thay ra sao.

Hướng nghiệp sớm (như tôi đã đề cập phía trên), thậm chí từ khi còn rất nhỏ (từ 0-6 tuổi là tuổi khai phá, sau đó là khai thác và hình thành) chính là để giúp cho mỗi người tìm ra được đâu là thứ sẽ đi cùng với mình từ tuổi 25 đến 75 mà thậm chí là 85, 95, 105 (nếu đủ sức khoẻ).

Cuộc đời mỗi người có lẽ cũng chỉ cần vậy thôi nên tác giả Y Vân mới có câu:

“Anh ơi có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời 20 năm đầu, sung sướng không bao lâu 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi 20 năm cuối là bao”.

Dù là bạn đang ở độ tuổi 20, tuổi 30 hay thậm chí nhiều hơn thì mong rằng sau khi khép lại bài viết này, xin bạn hãy dành 10 phút thậm chí chỉ 5 phút suy nghĩ thật kĩ “Lý do bạn đến với Trái Đất này là gì, bạn sẽ làm gì cho cuộc sống này tốt đẹp hơn”.

Còn tôi, tôi đang bận đi giải cứu vũ trụ đây (just fun), hẹn gặp lại bạn trong bài viết tiếp theo của tôi nhé!

Huyền Leaf, 11/2020.

 

Từ khóa: 

hướng nghiệp

Chính chủ thớt cũng không trả lời được câu hỏi này thì làm sao độc giả trả lời nổi chứ. :))
mục đích tới trái đất của tôi là có thật nhiều tiền.
thích giúp đỡ ai thì giúp, muốn đi đâu thì đi, mua gì thì mua, ai vay thì có để cho, người nhà đau ốm có tiền để chi trả viện phí, có thời gian chơi bời cùng bạn bè, hay đơn giản hơn là có nhiều sự lựa
chọn.
Nhưng cuộc sống giống như mê cung vậy. Thật dễ để đi sai đường để rồi bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời mà không tìm thấy lối ra.
Trả lời
Chính chủ thớt cũng không trả lời được câu hỏi này thì làm sao độc giả trả lời nổi chứ. :))
mục đích tới trái đất của tôi là có thật nhiều tiền.
thích giúp đỡ ai thì giúp, muốn đi đâu thì đi, mua gì thì mua, ai vay thì có để cho, người nhà đau ốm có tiền để chi trả viện phí, có thời gian chơi bời cùng bạn bè, hay đơn giản hơn là có nhiều sự lựa
chọn.
Nhưng cuộc sống giống như mê cung vậy. Thật dễ để đi sai đường để rồi bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời mà không tìm thấy lối ra.