Về dòng chữ song ngữ về Tư tế Cafatius/Cafates
Một bia đá song ngữ La-Rasna về một người có hai chức vụ. Chữ đỏ do mình vẽ lên nhìn cho rõ.
Dòng Latinh: [L. Cafa]tius., L. f., Ste. harusp[ex] fulguriator
Dòng Rasna: [Caf]ates Lr., Lr. Netśvis, trutnvt, frontac. | Γαφ̓ατες λρ λρ νετϻϝις τρυτνϝτ φ̓ρονταγ | 𐌂𐌀𐌚𐌀𐌕𐌄𐌔 𐌋𐌓 𐌋𐌓 N𐌄𐌕𐌑𐌅𐌉𐌔 𐌕𐌓𐌖𐌕𐌍𐌅𐌕 𐌚𐌓ᛟ𐌍𐌕𐌀𐌂
Ngoại trừ tên riêng, tên bố, và tên tộc, ta sẽ có được hai từ vựng Rasna từ bia này tương ứng với haruspex (tư tế) và fulguriator (thầy đọc sấm chớp) trong tiếng Latinh. NHƯNG vấn đề là có tới ba chữ Rasna tương đương là νετϻϝις τρυτνϝτ φ̓ρονταγ (N𐌄𐌕𐌑𐌅𐌉𐌔 𐌕𐌓𐌖𐌕𐌍𐌅𐌕 𐌚𐌓ᛟ𐌍𐌕𐌀𐌂). Ta biết được νετϻϝις (N𐌄𐌕𐌑𐌅𐌉𐌔) là haruspex, vậy τρυτνϝτ φ̓ρονταγ (𐌕𐌓𐌖𐌕𐌍𐌅𐌕 𐌚𐌓𐌏𐌍𐌕𐌀𐌂) là chỉ fulguriator.
τρυτνϝτ (𐌕𐌓𐌖𐌕𐌍𐌅𐌕) có vẻ được đồng ý là "người đọc, thông dịch". Vậy thì φ̓ρονταγ (𐌚𐌓ᛟ𐌍𐌕𐌀𐌂) là sấm chớp.
Mình nghĩ φ̓ρονταγ (𐌚𐌓ᛟ𐌍𐌕𐌀𐌂) là một từ cực kì thú vị vì vài lý do sau đây. Nó có vẻ giống βροντή trong tiếng Hy Lạp, nên liên quan đến fulgur trong Latinh là dễ hiểu. S. Ferri thì cho rằng nó liên quan đến Ferento, quê quán của thầy tế này (?) Có người còn cho rằng có thể đó là tiếng Picene Bắc.
Mình chưa biết nó là quái gì, nhưng có thể nó không là một từ gốc Rasna, và cũng chưa được "Rasna hóa", bởi nó có dùng chữ ᛟ để viết O (như chữ O Fuþark). Chữ Fuþark bắt nguồn từ chữ Rasna, nên mình không nghĩ cách viết chữ φ̓ρονταγ (𐌚𐌓ᛟ𐌍𐌕𐌀𐌂) là viết theo dân ngoại, mà là sáng tạo của chính người Rasna, nhưng tại sao??? Trong hệ thống ngữ âm của Rasna ngữ không có O, dù một số bảng chữ cái họ khắc vẫn để (cũng như nhiều chữ cái khác không được dùng). Thay vào đó ta có Υ 𐌖. Các từ vựng Hy-La mà được Rasna hóa đều có O chuyển thành Y; ví dụ Roma là Ρυμα (𐌓𐌖𐌌𐌀), hay Apollo là Απυλυ (A𐌐𐌖𐌋𐌖).
Nhận xét cuối cùng: nhìn chữ ta có thể định được đây là tiếng Rasna Mới (Neo-Etruscan), nhưng vẫn có vài chữ được viết theo kiểu tiếng Rasna Cổ (hay đúng hơn là Rasenna Cổ, bởi "Rasna" là biến thể của "Rasenna" trong tiếng Rasna Mới), cụ thể là chữ Ρ 𐌓 và chữ Υ 𐌖. Tuy mình biết tiếng Latinh hơn nhiều, mình lại không thường nghiên cứu các chữ Latinh khắc đá. Nhưng mình đoán là nó cũng khoảng tk I TCN- tk I SCN.
Nếu ta mặc định rằng hai dòng chữ này được khắc cùng thời điểm thì ta có thể so sánh với chữ Latinh để ước lượng thời gian luôn. Hoặc có thể chữ Rasna được khắc sau, nếu ta nhận xét rằng nó không được ngay ngắn đẹp đẽ như dòng Latinh, mà lại không thể khắc trước rồi để khoảng trống toang hoác phía trên. Như vậy, hai dòng này được khắc cùng thời điểm, dòng Latinh trước, rồi Rasna. Và như vậy, kiểu khắc chữ Ρ 𐌓 và Υ 𐌖 theo kiểu Rasenna Cổ không phải văn bản cổ trước khoảng tk IV TCN, mà là do kiểu chữ thon, dài, và dính nhau nên kiểu đó (như trong hình) là hợp lý nhất.