Văn Thánh, Thư Thánh, Thi Thánh, Họa Thánh, Nhạc Thánh - Họ là ai?
Văn Thánh
Mỗi khi nhắc tới nền văn học truyền thống của Trung Quốc, người ta thường nghĩ ngay tới học thuyết của Nho gia - một nền văn hóa chiếm địa vị thống trị ở Trung Quốc trong hơn 2000 năm của thời kỳ cổ. Thậm chí, Nho gia còn là chủ thể của nền văn hóa Trung Quốc, mà người sáng lập ra nó chính là Khổng Tử, vốn được người đời tôn làm "Chí thánh Tiên sư", "Vạn thế Sư biểu" và được gọi là "Văn Thánh" với địa vị tôn quý như các bậc đế vương.
Đức Khổng Tử
Tất nhiên, danh hiệu đấy có được là khi ổng đã chết. Chứ lúc còn sống thì ông lại không có được mấy vinh quang. Ông đã phải học tập rất khổ công, sống rất khắc khổ, chỉnh lý biên soạn ra các bộ sách Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, đặt ra hệ thống tư tưởng lấy lòng dân làm hạt nhân và biên soạn nên bộ Luận Ngữ,... trải qua bao nhiêu khổ ải mới được những kẻ thống trị phong kiến qua các thời đại sùng bái đề cao, từ đó nâng lên thành "Văn Thánh" dưới một người (chính là đế vương) trên vạn người.
Thư Thánh
Chính là Vương Hy Chi - một nhà thư pháp lớn của thời Đông Tấn (317 - 420 SCN). Nghệ thuật thư pháp của ông rất cao minh, đạt tới trình độ có thể nói là "nhìn xuyên qua giấy, hình hiện lên chói lọi", đến mức được người ta tôn lên làm "Thư Thánh" tức ông Thánh Thư pháp.
Thi Thánh
Còn ai ngoài Đỗ Phủ?
Trong cuộc đời vỏn vẹn chỉ có 59 năm, Đỗ Phủ đã viết hàng ngàn bài thơ và tất cả đều có sức mạnh lưu danh muôn thuở. Cũng bởi ông là "con ông cháu cha" trong lĩnh vực thi thư, ông rất giỏi về thơ cổ thể và thơ luật, các tác phẩm của ông thể hiện chủ yếu là nỗi u uất và sự khổ đau của nhân dân, phản ánh được cả quá trình lịch sử chuyển biến từ thịnh đến suy của triều đại nhà Đường, ảnh hưởng rất lớn tới sáng tác thi ca của các thời đại về sau. Chính vì lẽ đó mà ông được tôn vinh là "Thi Thánh".
Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.
(Thu hứng, bản dịch Nguyễn Công Trứ)
Họa Thánh
Ông là Ngô Đạo Tử ở Hà Nam Trung Quốc. 8 tuổi đã phải học vẽ để kiếm kế sinh nhai, nhưng lại trở thành họa sĩ trứ danh lúc nào không biết.
Từng giúp người ta bắt được một tên ăn cắp vượt ngục bằng cách vẽ chân dung giống y đúc, Ngô Đạo Tử có thể nói là không những giỏi vẽ người mà cảnh vật hay động thực vật ông đều vẽ hết sức xuất sắc. Là người vô cùng nổi tiếng trong lịch sử hội họa Trung Quốc, ông chính là vị tổ sư của một thời trong ngành hội họa và được tôn xưng là "Họa Thánh".
Nhạc Thánh
Trên thế giới có một số nhạc sĩ đạt tới thành tựu cao đều có thêm một danh hiệu tôn xưng đặt trước tên mình. Trong số đó, "Nhạc Thánh" chính là danh hiệu dành riêng cho nhà soạn nhạc Áo nổi tiếng Beethoven.
Vốn là người bị điếc cả hai tai, nhưng ông vẫn kiên cường để soạn ra được những tác phẩm kiệt xuất mà trong số đó không thể không kể đến bản Giao hưởng Hợp xướng (bản Giao hưởng số 9). Có thể nói, trong lĩnh vực nghệ thuật và tư tưởng mà ông đạt tới thì cả thời của ông lẫn thời nay dường như chưa có ai vươn tới được.