Văn học đã giúp chúng ta biết gì về những " Kẻ khác" ?
kiến thức chung
Alexandre Gefen đã viết “Ce que la littérature sait de l’autre” trong tạp chí Le Magazine Littéraire. 12/2012; đã được DươngThắng dịch đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ, (17-18/2013) nói về “VĂN HỌC ĐÃ GIÚP CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ NHỮNG "KẺ KHÁC?”. Đây là những nhận định được phân tích kỹ lưỡng, từ nhiều góc cạnh của văn học để hiểu văn học, từ con người để hiểu con người.
Đầu tiên tác giả khẳng định ba lĩnh vực trong đời sống tinh thần khó nắm bắt được và bằng ngòi bút sắc bén, tác giả lập luận lôgic những sự thật hiển nhiên của cuộc đời. Rằng khi chúng ta chưa chết, chúng ta không thể “phát biểu điều gì về cái chết”; cũng như với kẻ khác khép mình thì làm sao ta thấu về họ.
Alexandre Gefen dẫn dắt chúng ta đến với lời giải đáp cho mọi vấn đề được đặt ra, cho chúng ta một câu trả lời chuẩn xác và hài long, đó là: “Và không phải ai khác, chính Văn Học là kẻ sẽ phải gánh vác trách nhiệm sửa chữa lại lỗi lầm đó của Đấng Tạo Hóa.” Vâng, nếu như thiếu sót của Vulcain là “không khoét một ô cửa nhỏ nơi trái tim… tâm hồn con người còn bị bó chặt và giấu kín đi trong một cái lớp vỏ dầy và mờ đục của máu và da thịt” thì chính văn học sẽ là chìa khoá giúp chúng ta đi tìm cánh cửa trái tim vô hình kia. Văn là người! Văn chương bởi con người, cho con người và vì con người. Song văn chương không phải là con người bằng xương bằng thịt mà văn chương là ý nghĩa, là hình ảnh về con người. Tuy vậy văn chương không chỉ là hình ảnh giống như chiếc bóng của con người đổ xuống mặt đường, đổ lên tường vách, lên cuộc đời, mà văn là con người ở mức cao hơn. Không thể có ngả đường nào khác cho hành trình của văn chương, chính là sự tham dự vào cuộc hành trình của tư tưởng và khơi dậy linh hồn.
Nhà văn vì thế phải là “kẻ không căn cước, kẻ có khả năng xâm thực được trong thân xác của người khác”. Quả thật là như vậy, bởi qua những áng văn chương, chúng ta có những giây phút, những khoảnh khắc được hiểu “kẻ khác”, thậm chí chính là một phần của “kẻ khác”. Trong bài có hang loạt những dẫn chứng chứng minh cho điều này, nhưng xét theo thực tế cá nhân, nhìn lại bản thân mình- những kẻ “trần tục” nhâm nhi tận hưởng các tác phẩm muôn đời; liệu rằng có mấy ai không động long thương xót cho nàng Kiều bạc phận khi nhớ Truyện Kiều- Nguyễn Du? Có mấy ai không căm phẫn xã hội bất công, áp bức đẩy anh chàng Chí Phèo đến bờ vực them khát lương thiện? Và có mấy ai không căm thù lũ giặc cướp nước hại dân tộc khi đọc Bình Ngô đại cáo? Mỗi trang văn, mỗi tác phẩm là linh hồn, là con người bên trong, là cốt lõi của chính nhà thơ ẩn chứa bên ngoài là tấm thân xương thịt đời thường.
Văn chương không phải là thứ mây ngũ sắc phiêu lãng bồng bềnh trôi trên tận tầng trời. “Khám phá, kể chuyện, cất lời ca, một cách tinh tế tinh tế hay bình dị về những cảm xúc của các cá thể. “Biến mỗi một kẻ khác ta thành một thế giới của những phép mầu, những bí ẩn…”- tác giả đã nói hộ lòng độc giả, những người đón nhận văn chương một cách trân trọng và thận trọng giữ gìn. Văn chương trở thành chiếc gương mà khi ta nhìn vào, ta thấy tâm hồn người viết trải lòng trong đó, ta hiểu về con người, đồng thời ta hiểu về chính ta. “Kẻ khác không phải là một dữ kiện, kẻ khác là một quan niệm lịch sử…” đây chính là nhiệm vụ, cũng là mong muốn của tác giả đến mỗi người về trách nhiệm cảm văn, hiểu văn, và gìn giữ văn chương. Văn chương là chân dung, cái tôi, và nội tâm quý giá tận cùng nơi trái tim nhà văn. Không khó để mở cửa trái tim nhưng không phải ai cũng đủ trân trọng và yêu thương để thấu hiểu và hiểu một cách chân thành, sâu sắc. Chúng ta chỉ có thể khẳng định rằng văn chương là nhịp cầu hướng từ cái tôi tới cái ta, lan toả và chiếu rọi linh hồn con người.
Đọc từng câu từng chữ, ta như nuốt trọn từng lời từng ý trong mỗi chữ mỗi câu. Tác giả đã mở ra một cái nhìn chân thực, một tia sáng phản tỉnh - độc giả với tâm thức tiếp thâu của nhà văn.
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Đan Thu