Văn hóa TẶNG QUÀ của người Việt

  1. Kỹ năng mềm

Cho – tặng là một nghi thức giao tiếp phổ biến hiện nay, là hoạt động giao lưu xã hội vừa mang tính vật chất, vừa mang tính tinh thần. Có thể nói, đây là một hoạt động tích cực nhằm tạo ra những giá trị, thông điệp nhất định giữa người cho và nhận: giúp hình thành, duy trì, nuôi dưỡng, nâng cao, phát triển các mối quan hệ hoặc nhằm bày tỏ tình cảm, tình yêu, sự quan tâm, sự tôn trọng, hòa giải, lòng biết ơn của người tặng đối với người được tặng.

Đặc biệt người Việt với truyền thống văn hóa trọng tình trọng nghĩa, cho – tặng đã trở thành tập quán văn hóa, đạo lý ứng xử trong nếp sống “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” với rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Vậy làm thế nào để có thể thực hiện đúng nghi thức này về mặt nghi thức giao tiếp xã hội cũng như sự phù hợp về mặt văn hóa? 

1.   Lựa chọn quà tặng và cách tặng quà

-  Cần quan tâm đế nhu cầu, sở thích, mong muốn… của người được tặng: 

Điều đầu tiên bạn cần lưu ý là việc lựa chọn quà tặng. Món quà đôi khi không nhất thiết phải quá đề cao giá trị vật chất mà điều quan trọng hơn là ở giá trị tinh thần, ở thái độ, cách thức tặng của người tặng: “Quà cáp hậu hĩ cũng trở thành tồi tàn khi người biếu nó tỏ ra không tử tế” (Shakespeare). Người Việt cũng coi trọng điều này. Chính vì vậy, khi lựa chọn món quà để tặng, bạn cần chú ý món quà đó phải phù hợp với sở thích, mong muốn của người được tặng và điều quan trọng hơn cả là tình cảm của người được tặng trong đó (biểu hiện của sự chân thành, kính trọng…)

-  Chú ý hoàn cảnh tặng quà và mục đích của người tặng 

Hiện nay, thị trường quà tặng khá phong phú, gồm nhiều loại: bưu ảnh, thiệp chúc mừng, hoa, đồ trang sức, bưu phẩm…Bạn có thể lựa chọn theo những mục đích khác nhau. Ví dụ: 

Quà biểu cảm: nhằm biểu lộ tình cảm với ai đó. Loại quà này thường được trao tặng không nhân một dịp nào, không hàm chỉ một sự mong đợi “lại quả” nào và không tạo ra một nghĩa vụ nào cho người nhận. 

Quà nhân dịp: được tặng trong một dịp đặc biệt nào đó. Ví dụ như một túi quà chúc mừng năm mới, một hộp socola nhân Ngày lễ Tình yêu, hoặc một lẵng hoa kèm theo bưu thiếp chúc mừng vào dịp đối tác khai trương cửa hàng hay đề bạt, thăng tiến. 

Quà hàm ẩn: Có cô gái bướng bỉnh, chàng trai quan tâm đến cô tìm cách thuyết phục mãi mà cô không xiêu lòng, đến ngày sinh nhật, chàng trai tặng cô gái một con cua được làm từ gỗ chạm trổ rất tinh tế, với y rằng “cô ngang như cua”; Hay Chàng trai tặng cô gái một bông hoa hồng, bó hoa hồng kết hình trái tim…thể hiện tình yêu; Nhân ngày sinh nhất bạn gái chàng trai mang đến tặng cô bạn gái lắm lời của mình một bó hoa có ba bông “tặng cô ba hoa”.

Đôi khi một món quà sẽ bao hàm nhiều mục đích, ý nghĩa khác nhau. Điều này sẽ tùy thuộc vào bạn nhé nhưng mình luôn nhấn mạnh là món quà luôn cần xuất phát từ tấm lòng, sự chân thành của bạn. 

-   Cần chú ý cách tặng quà 

Bạn có thể lựa chọn những cách tặng quà khác nhau, đôi khi đơn giản, nhẹ nhàng nhưng đem lại giá trị lớn cho người được tặng bởi nó thể hiện sự chân thành, tình cảm của bạn. Trong một số trường hợp bạn có thể tạo ra sự bất ngờ, ấn tượng với người được tặng. Ví dụ như trong lần sinh nhật người yêu, do ở xa không đến được, chàng trai đã gửi tặng một món quà và bày tỏ mong muốn món quà đó được mở tại tiệc mừng sinh nhật trước sự chứng kiến của những người có mặt. Cô gái đã chiều ý người yêu trước mặt mọi người, cô từ từ mở gói quà ra. Món quà được gói ghém cẩn thận bằng nhiều lớp giấy màu rất đẹp. Cô gái bóc mãi bóc mãi hết lớp giấy này đến lớp giấy khác, gói quà chỉ còn lại như một miếng xà phòng nhỏ. Mọi người hồi hộp, nín lặng…Cho đến khi lớp giấy cuối cùng được bóc ra, một chiếc hộp nhỏ và trong đó là một chiếc đồng hồ xinh xắn…Món quà được bọc bởi 21 lớp giấy màu, đúng bằng số tuổi của cô gái. Đây là một cách tặng quà cực kỳ ấn tượng, và chắc chắn cô gái nào rồi cũng sẽ “loạn nhịp” khi nhận được món quà như thế. 

2.Tặng quà cũng phải phù hợp với văn hóa mỗi quốc gia, dân tộc, khu vực.

Ngày nay, bên cạnh nhiều yếu tố cần chú ý khi tặng quà thì yếu tố văn hóa cũng cần được coi trọng. Ví dụ:

Đến với đất nước Mặt Trời mọc, tặng quà được xem là một phần trung tâm trong văn hóa doanh nghiệp ở đây. Mọi người thường sẽ mang theo nhiều món quà khác nhau trong sự kiện, chuyến đi,...để ai tặng quà bạn thì bạn cũng sẽ có cái để đền đáp lại. Và thường quà tặng cho một cá nhân sẽ được trao tặng một cách riêng tư, còn quà tặng tập thể thì phải nên tặng lúc có đầy đủ tất cả mọi người. 

Hay ở Mỹ, việc tặng quà không quá quan trọng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, thậm chí còn có thể gây phiền toái, nên thà không tặng còn hơn tặng sai hoặc không đúng người. Người Mỹ cũng e ngại những món quà có giá trị quy đổi thành tiền cao. Việc chọn tặng những món quà mang tính biểu tượng quốc gia, sách hay những món hàng thủ công được chế tác tinh tế rất được đánh giá cao. Thay vì dùng hiện vật, cách người Mỹ dùng để cảm ơn hay bày tỏ sự trân trọng, chính là một lời mời, một cái hẹn ăn tối hoặc tham dự một bữa tiệc nho nhỏ chẳng hạn.

3. Văn hóa tặng quà của người Việt

Người Việt thường có quy tắc “có đi có lại” hay “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Vì vậy có thể thấy trong những dịp mừng thôi nôi hay đám cưới, nhiều người thường sẽ có 1 danh sách ghi lại tên và số tiền mà người ta đã tặng mình để sau này có dịp trả lại sao cho đủ. Điều này dẫn đến việc miễn cưỡng, như một hình thức trả nợ mà không phải đến từ tấm lòng chân thành.

Cũng bởi vậy mà trước khi nhận quà, người Việt thường từ chối một đôi lần hoặc tỏ ra áy náy về việc đã “làm phiền” người khác phải mua quà cho mình. Thế nên khi nhận quà, người ta sẽ cảm thấy ngại ngùng, thậm chí đi kèm nỗi lo không có cơ hội hay điều kiện để đáp trả.

Và khi đến thăm một gia đình Việt, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ hay người già, chúng ta nên chuẩn bị sẵn một món quà nhỏ, đó chính là một hình thức giao tiếp khéo léo, tinh tế mở rộng mối quan hệ. Hoặc khi được mời đến ăn uống, thay vì góp tiền mặt, chúng ta nên mua thêm hoa quả, đồ ăn để có thể “góp vui”.

Khi được tặng quà, người Việt thường không mở gói quà ngay trước mặt người tặng và những người khác để không dẫn đến những sự so sánh hơn thua hay bàn tán về sự khoe mẽ, phô trương. Thế nhưng đó là đối với những món quà cá nhân, còn nếu là quà tập thể thì nên công khai trước nhiều người để tất cả có thể biết và chung vui.

* Những món quà không nên tặng: 

Ngày nay các món quà được tặng trở nên ngày càng phong phú, đa dạng nhưng trong văn hóa tặng quà của người Việt bạn vẫn nên chú ý không nên tặng một số đồ như: dao, kéo và những đồ vật sắc, nhọn…thường mang nghĩa chia cắt, hàm thị ý không tốt cho người được tặng.

Trong xã hội phát triển đi theo xu hướng thị trường hiện nay người ta thường thay món quà bằng “phong bì”: đám cưới, đám hiếu, sinh nhật, mừng thọ, mừng thi đỗ đại học…Nhiều người quan niệm dùng phong bì thay thế cho quà tặng vừa thuận tiện cho người tặng (tránh mất thời gian cho người tặng phải suy nghĩ, cân nhắc và đi mua mà đôi khi lại không đúng ý người được tặng), vừa phù hợp cho người được tặng (tự chọn đồ theo sở thích). Tuy nhiên, mình nghĩ điều này tùy thuộc vào từng hoàn cảnh và mối quan hệ bởi đôi khi việc bạn suy nghĩ, chọn mua đồ cho người mình muốn tặng chính là quá trình bạn hiểu hơn về người bạn của mình, bộc lộ những cảm xúc, tình cảm mà đôi khi vật chất không so sánh được. 

Mặt khác, nếu văn hóa “phong bì” được thúc đẩy mình e rằng tình cảm con người mất dần đi những khoảnh khắc hạnh phúc, sự bất ngờ cho người được tặng. Điều đó cho thấy bạn không có sự đầu tư vào món quà cũng như mối quan hệ, tặng sao cũng được, miễn “nhiều giá trị” là được. Và tiền bạc trong những trường hợp đấy đôi khi chỉ là hình thức mang tính xã giao.  Vì vậy, bạn nên cân nhắc để lựa chọn những món quà phù hợp với hoàn cảnh người nhận. Thay vì dùng tiền mừng đám cưới cô bạn thân, hãy tặng cô ấy một voucher đi du lịch. Mừng sinh nhật lần thứ 18 của con trai bạn, hãy tặng con một khóa học kỹ năng mềm ở trung tâm uy tín,... Những món quà như vậy vừa mang ý nghĩa thiết thực, lại vừa làm đẹp lòng người nhận.

Như vậy có thể nói, văn hóa tặng quà của người Việt vẫn luôn được đề cao, coi trọng. Vì vậy trong giao tiếp, nếu thiếu hiểu biết trong cách cư xử và tặng quà, sự không khéo léo, tế nhị sẽ biến bạn trở thành người bất lịch sự, “kém duyên” do không biết cách lựa chọn món quà hoặc không phù hợp với truyền thống văn hoá của người Việt Nam. Hy vọng những chia sẻ của mình sẽ mang đến cho bạn những điều bổ ích ! 

tang-qua-doi-tac
Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Hay quá!

Trả lời

Hay quá!

Đúng là văn hóa tặng quà của VN bây giờ có rất nhiều thay đổi

Bây giờ tặng quà luôn phải đi kèm với lợi ích cơ