"Văn hóa" đọc sách trong gia đình ngày nay
Đọc sách là cách gián tiếp để mỗi người tiếp cận các nguồn tri thức của nhân loại. Đây là cách thức mở rộng kiến thức , nâng cao hiểu biết , củng cố tư duy trên nhiều lĩnh vực cũng như góp phần hoàn thiện nhân cách mỗi người. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển “văn hóa đọc” ở mỗi gia đình có vai trò tạo nền tảng quan trọng góp phần hình thành nên tư duy mỗi cá nhân cũng như là một nét đẹp riêng ở từng gia đình.
Với tư cách là hạt nhân của xã hội, gia đình là nơi bắt đầu của các mối quan hệ nhân tính đầu tiên của mỗi người hay nói cách khác đó là điểm bắt đầu, nơi nuôi dưỡng những “mầm mống” về các giá trị đạo đức của từng cá nhân, của từng cộng đồng xã hội. Những chuẩn mực đạo đức được truyền thụ tốt ở từng gia đình dần dần kết nối, lan tỏa, nhân rộng tạo nên xã hội đạo đức.
Gia đình là nơi lưu giữ những quan hệ nhân bản, sâu sắc nhất. Đặc biệt, đó là đơn vị tạo nền tảng, làm cơ sở hình thành, duy trì, phát triển những giá trị đạo đức của cộng đồng. Bởi lẽ đó mà nếu cá nhân được sinh ra lớn lên ở một gia đình nề nếp, có những giá trị đạo đức của xã hội được ông bà, cha mẹ và anh chị em truyền đạt kỹ lưỡng, nghiêm túc là môi trường thuận lợi tác động trực tiếp, thường xuyên, lâu dài và mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách. Vì thế, việc hình thành “văn hóa đọc” ở mỗi gia đình sẽ tạo nên nền tảng cho việc hình thành thói quen tự nghiên cứu, học tập suốt đời của mỗi người.
Văn hóa đọc của mỗi người được thể hiện ở ba khía cạnh chính: thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc.
Đọc sách là một thói quen tốt, bổ ích được hình thành nhờ sự rèn luyện ở mỗi người. Thói quen đó thể hiện qua việc hằng ngày chúng ta chủ động tìm đọc, nghiên cứu những quyển sách ở lĩnh vực phù hợp. Ban đầu có thể chỉ là đọc vài trang về sau tăng dần lên tùy vào thời gian, nhu cầu của mỗi người thì lâu dần tạo thành “nếp”, thành một sở thích. Khi thói quen đọc sách, nghiên cứu tài liệu đã được xây dựng, rèn luyện lúc đó mỗi cá nhận tự lựa chọn, định hướng những quyển sách thuộc các lĩnh vực, những chuyên ngành phù hợp nhu cầu học tập, nhu cầu công việc cần thiết cho mình.
Thích đọc sách, đam mê với sách cho ta nhiều lợi ích như đem lại những kiến thức cần thiết ở nhà trường, những kiến thức phục vụ chuyên môn cho đến cách đối nhân xử thế. Tuy nhiên, đọc sách như thế nào cho hiệu quả thì còn phải phụ thuộc vào cách đọc của từng người, tức là phương pháp, kỹ năng đọc sách. Kỹ năng đọc là kết quả của quá trình tìm kiếm, tra cứu đầu lựa chọn đầu sách cần thiết, thao tác đọc,… từ đó tiếp thu kiến thức cần thiết cho nhu cầu của mình, vận dụng kiến thức đó một cách hiệu quả. Ba yếu tố thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc có tính thống nhất với nhau hợp thành văn hóa đọc ở mỗi người.
Trước đây khi các phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì sách, báo là nguồn giải trí, nguồn thông tin duy nhất. Mặc dù lúc ấy số lượng các đầu sách, các thể loại báo chí chí chưa nhiều nhưng đó là của niềm vui, sự hào hứng với những người yêu sách.
Với những gia đình mà bố mẹ có niềm đam mê nghiên cứu thì bao giờ trong nhà ở luôn có thường có một góc nhỏ để đặt giá sách. Trong đó có nhiều thể loại sách báo được sắp xếp theo từng độ tuổi của thành viên trong gia đình. Các từ báo ra theo từng ngày, từng tháng theo mốc cố định. Văn hóa đọc in sâu vào nếp sống tinh thần từng gia đình nên ai cũng có tâm lý háo hức, chờ đợi đến ngày có những ấn phẩm mới. Những đầu sách sau lần in đầu tiên liên tục tái bản tới hàng nghìn ấn phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu người đọc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, nhiều thành tựu vượt bậc của khoa học kỹ thuật như hiện nay đã khiến người ta ít đầu tư thời gian cho việc đọc sách nói chung sách in nói riêng. Quỹ thời gian trong gia đình dần bị chia nhỏ cho công việc cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe - nhìn dẫn đến sự thay đổi thói quen đọc sách cũng dần bị mai một.
Mặt khác, việc tìm kiếm cách thông tin trở nên nhanh chóng, thuận tiện nhờ các thiết bị công nghệ hỗ trợ nên độc giả cũng không thật sự “mặn mà” với văn hóa đọc. Vì vậy, ba bộ phận chủ chốt hình thành văn hóa đọc là thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc đang ngày càng yếu và thiếu.
Không gian mạng với chức năng giải trí dần thay thế thời gian đọc sách. Giới trẻ hiện nay hướng đến tiêu chí nhanh chóng, tiện lợi, giải trí lên đầu dần dần sự quan tâm, hứng thú với sách in chỉ còn ở những người làm công tác nghiên cứu, những người ở độ tuổi trung niên. Nhà xuất bản ngày càng gia tăng, hàng trăm tên sách xuất bản liên tục nhưng lượt tái bản trên đầu sách lại “nhỏ giọt”. Sự chạy đua theo lợi nhuận khiến nhiều nhà xuất bản tập trung nhiều hơn theo lĩnh vực sách giải trí đem lại lợi nhuận hơn là tập trung vào để phát triển, thay đổi nội dung lẫn hình thức những cuốn sách có chiều sâu về tư duy.
Như vậy, suy cho cùng thì dù thời gian có thay đổi, ở thời đại nào nữa thì văn hóa đọc là phương thức để mỗi cá nhân hoàn thiện chính mình, để tiến bộ hơn trong cuộc sống cá nhân, góp phần sức lực chung cho phát triển xã hội.
Nguồn: Ngày Nay