Vấn đề trong cái mới trong tiểu thuyết thế kỉ 20 ?
kiến thức chung
1. Đặc tính Tiểu thuyết thế kỉ 19
• được viết bằng văn xuôi và mang tính cách hiện thực, văn xuôi hiện thực chủ yếu giải trí người đọc bằng cách kể chuyện
Theo định nghĩa của Ian Watt, nó chủ yếu nhắm vào việc thuật tả một cách đầy đủ và trung thực những kinh nghiệm trong đời sống con người.
• Những phát triển và diễn biến trong tiểu thuyết xảy ra theo trình tự thời gian, dựa trên một chủ đề mang tính đạo đức hay luân lý.
• Tính cách mỹ học nằm ở vẻ đẹp hình thức, phản ánh qua
- Ngôn ngữ gọn gàng, súc tích
- Tính nhất quán và tổng thể giữa các phân đoạn.
- Sự phát triển tinh tế và hợp lý từ phần này tới phần kia.
Vẻ đẹp hình thức làm cho cuộc kể chuyện mạch lạc trôi chảy, hợp lý và làm tăng khả năng lôi cuốn người đọc vào cõi “hiện thực” hư cấu của câu chuyện
quan niệm hiện thực đã là một cách tân với quan niệm cổ điển trước đó
+ quan niệm cổ điển: đòi hỏi nghệ thuật thể hiện cuộc sống theo một khuôn thức lý tưởng => cuộc sống như nó nên là
+ quan niệm hiện thực đòi hỏi nghệ thuật thể hiện cuộc sống theo đúng bản chất thực có của nó => cuộc sống như nó là
do đó, tiểu thuyết hiện thực có những đặc điểm về
+ Đề tài: có khuynh hướng vứt bỏ những đề tài về lý tưởng cao thượng, tập trung đề tài về đời sống hàng ngày bình thường có chứa đựng những mâu thuẫn giữa họ và xã hội
+ Ngôn ngữ: để diễn tả thực như chính nó, tiểu thuyết phải sử dụng ngôn ngữ như tấm gương phản chiếu trung thực, mọi sự vật diễn biến nhìn thấy đúng như sự thực không bị bóp méo. Tuy nhiên ngôn ngữ không thể đồng nhất với đối tượng được mô tả, không thể diễn tả hết những góc cạnh phức tạp và phong phú của thế giới, hiện thực trong tiểu thuyết chỉ là một thứ hiện thực đã được 'biên tập', nghĩa là đã được chọn lựa, xếp đặt lại, cắt xén, tô màu.
+ Cốt truyện và cách kể chuyện
Tiểu thuyết nhất định phải có cốt truyện, không có cốt truyện thì không thể có tiểu thuyết. cốt truyện xây dựng quanh một sự kiện bất thường; mở đầu truyện -> xung đột truyện -> kết thúc (giải quyết xung đột) với truyền thống kết thúc có hậu khiến độc giả an tâm.
Trong quá trình diễn biến câu chuyện, nó cố gắng trình bày thế giới nó như là, nhưng kết thúc rơi về với quan niệm trình bày thế giới như nó nên là.
2, Cuộc cách tân tiểu thuyết trong thế kỷ 20
Trước 1939 thể loại tiểu thuyết đã có những cách tân nhưng chưa dứt khoát, 1939 tiểu thuyết Finnegans Wake (1939) của James Joyce như một mốc phân liệt dứt khoát giữa tiểu thuyết thế kỷ 19 và tiểu thuyết thế kỷ 20. Trong quá trình đổi mới, tiểu thuyết được biểu hiện với một số đặc điểm như sau:
+ Đề tài: là một kho tàng cực kỳ phong phú, nhưng những hướng chính thường là sự tra vấn thực tại, tra vấn hiện hữu, tra vấn cơ sở những niềm tin siêu hình, tra vấn những giá trị tiền lập hay truyền thống, tra vấn về sự bất định của tương lai, và tra vấn chính hành động sáng tác văn chương
+ Ngôn ngữ: Cái nhìn mới về hiện thực được phản ảnh qua việc phủ định dòng thời gian vật lý, không gian địa lý và nguyên tắc luận lý nhân quả. Thay vào đó, hiện thực được nhìn thấy như một nguồn sự kiện mang tính đa tầng, đa phương, ẩn khuất, gián đoạn bất ngờ và phi lý, xảy ra trong thời gian tâm lý (những khung thời gian nhảy vọt ngược xuôi theo ‘hiện thực’ nội tâm), và không gian phi địa lý. Nguồn sự kiện này đòi hỏi ngôn ngữ văn chương phải mang tính đa nghĩa, phức tạp, biểu tượng và ẩn dụ, đòi hỏi việc sáng tạo những nguồn từ vựng mới và cú pháp mới mang tính đa-ngôn-ngữ và đa-lịch-sử, và đòi hỏi sự tổng hợp nhiều hình thức diễn đạt.
+ Cấu trúc tác phẩm giờ đây không còn là tổng thể bề ngoài của những phần câu chuyện được phát triển có trình tự, mà là một tổng thể nội tại của những mảng sự kiện có quan hệ quy chiếu chặt chẽ, phức tạp. Hiện thực chủ quan dưới cái nhìn phân tâm học được mô tả qua kỹ thuật ‘dòng ý thức’ và kỹ thuật đánh tráo giữa sự kiện có thực và huyền thoại.
+ cốt truyện và cách kể chuyện: chính truyền thống kể chuyện bằng văn xuôi đã khiến tiểu thuyết khó khăn bắt kịp nhịp độ cách tân của các nghệ thuật khác. Truyền thống đó khiến cho nhà văn cứ bám mãi cốt chuyện, nghĩa là cái có thể kể được, trong khi đời sống hiện đại cho thấy nhiều sự thực cực kỳ phong phú nhưng lại không có diễn trình của một cốt chuyện và không thể kể được. Không còn kết thúc kiểu truyền thống các tiểu thuyết gia mới sau này đã sử dụng những chất liệu nhẹ nhàng hơn như cái kết “mở”, như một sự bỏ lửng, cái kết mang nhiều gợi ý để mỗi người đọc tự tưởng tượng và có lựa chọn của riêng mình; hoặc kết thúc bằng cách gợi ý đến sự đi vòng ngược lại từ đầu (như trong Finnegans Wake).
+ ngoài ra, những quan điểm bộc lộ từ tác phẩm không nhất thiết phản ảnh những quan điểm của tác giả. Những quan điểm ấy chứa đầy mâu thuẫn, xuất phát từ cảm nghĩ chủ quan của từng nhân vật, biến đổi liên tục theo từng trạng huống khác nhau.
Kết luận.
Trong bài viết, Hoàng Ngọc Tuấn đã khách quan chỉ ra những mặt hạn chế của tiểu thuyết cũ, nằm ở chính những quan niệm cũ được coi là giá trị cốt lõi: Cốt truyện. Nếu như ở những quan niệm trước, cốt truyện là cái tạo nên sự thành công của tác phẩm thì đến thời kì đổi mới, chính cốt truyện lại vô tình cản trở những cách tân trong tiểu thuyết. Tiểu thuyết không mới lên được, bởi người viết chỉ tập trung xây dựng cốt truyện, quan niệm truyện phải có cốt truyện, khiến những yếu tố về mỹ học trong tiểu thuyết ít được chú ý hơn. Việc luôn phải mang nặng tư tưởng viết truyện phải có cốt truyện còn khiến tiểu thuyết cũ gặp phải một vấn đề: "suốt quá trình diễn biến của câu chuyện, nó cố gắng trình bày thế giới như nó là, nhưng đến hồi kết thúc, nó lại rơi trở về với quan niệm cổ điển để làm độc giả an tâm trước một thế giới như nó nên là. Truyền thống 'kết thúc có hậu' thường bị các nhà phê bình hiện đại xem như một sự phản bội vĩ đại đối với hiện thực." Thế nên, quan niệm coi trọng cốt truyện là số một của các tác giả tiểu thuyết hiện thực dường như không còn phù hợp để tồn tại nếu tiểu thuyết hiện thực muốn được cách tân. Cái kết thúc mang tính lý tưởng rằng mọi mâu thuẫn đã được giải quyết một cách phải đạo; điều này tuy rằng thỏa mãn được tinh thần người đọc nhưng không thể thỏa mãn được tính hiện thực của tác phẩm. Cái kết có hậu trở thành một mootip quen thuộc của các tác phẩm gây nhàm chán với con người hiện đại. Và vì thế, sang đến tiểu thuyết sau những năm 30 của thế kỉ XX, khi rào cản về cốt truyện được xóa bỏ, nhiều nhà văn đã tìm được hướng đi mới cho tiểu thuyết. Trong bài viết, tác giả đề cập đến một số lượng lớn nhưng tác giả nổi tiếng đại diện cho lối viết mới, với những cách thức xây dựng tác phẩm độc đáo phải kể đến như kĩ thuật "dòng ý thức", cách viết nhiều tầng ý nghĩa "bất khả giản lược", ..... Có thể thấy, giai đoạn đầu thế kỉ XX như một công cuộc "cởi trói" cho tiểu thuyết, các nhà văn nắm bắt được tinh thần ấy dường như được thỏa trí sáng tạo. Các tiểu thuyết, truyện ngắn lúc này không còn là một cuốn nhật kí trung thành của thời đại, mà trở thành một món ăn tinh thần thực sự, mang nhiều sự bí ẩn, độc đáo. Bởi khi không còn bị giới hạn hay bó buộc bởi điều gì, sức sáng tạo của con người là vô hạn. Chính những sự sáng tạo ấy đã đem lại một kỉ nguyên mới cho tiểu thuyết, đưa tiểu thuyết lên một đỉnh cao mới. Qua bài viết, Hoàng Ngọc Tuấn đã chỉ ra những mặt hạn chế của tiểu thuyết thế kỷ 19 bằng những lý luận cụ thể,xác đáng mà trước giờ mọi nhà lý luận đều thoáng qua và ít quan tâm tới. Từ đó cho thấy cái nhìn tổng quát hơn trực diện hơn về những hạn chế để có thể tìm ra hướng đổi mới. Tác giả đã chỉ ra được những hạn chế của lối viết tiểu thuyết cũ để lấy nó làm nguyên nhân, lí giải cho sự cải tiến, đổi mới của tiểu thuyết trong thế kỷ 20 với những thành tựu nhất định _ đây là quy luật tất yếu của sự đổi mới.
Nội dung liên quan
Đan Minh